Những mốc son của Cách mạng Tháng Tám

15/08/2017 14:39

(Baonghean.vn) - Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, chỉ trong vòng 15 ngày, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền đã nổ ra và giành thắng lợi khắp cả nước.

Cuối năm 1944, đầu năm 1945: Tình hình quốc tế có nhiều chuyển biến mau lẹ, phong trào cách mạng trong nước phát triển rộng khắp. Trên cơ sở đó, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào từ ngày 13 đến ngày 15/8/1945 đã đi đến kết luận: “Những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương đã chín muồi”, vì vậy, phải “Kịp thời hành động, không bỏ lỡ cơ hội”, khẩn trương “Đánh chiếm ngay những nơi chắc thắng, không kể thành phố hay thôn quê, thành lập uỷ ban nhân dân ở những nơi làm chủ”, tất cả vì mục tiêu: “Việt Nam hoàn toàn độc lập”

Tại Tân Trào, Hồ Chí Minh chỉ thị phải gấp rút họp đại hội đại biểu quốc dân. Lúc bấy giờ, cao trào Kháng Nhật cứu nước đang cuồn cuộn dâng lên từ Nam chí Bắc. Toàn quốc đang mong đợi một Chính phủ lâm thời cách mạng của nước Việt Nam độc lập.

Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào quyết định phát động Tổng khởi nghĩa trong cả nước, giành lấy chính quyền trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương và ngay đêm hôm đó Ủy ban chỉ huy lâm thời Khu giải phóng đã hạ mệnh lệnh khởi nghĩa.

Quân lệnh số 1 quyết định của Ủy ban khởi nghĩa.
Quân lệnh số 1 quyết định của Ủy ban khởi nghĩa.

Ủy ban khởi nghĩa cũng đã ra Quân lệnh số 1 quyết định "Giờ tổng khởi nghĩa đã đến! Cơ hội có một cho quân, dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập của nước nhà… chúng ta phải hành động cho nhanh, với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng!… Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta".

Ngày 16/8/1945: Mặt trận Việt Minh triệu tập Đại hội Quốc dân ở Tân Trào. Đại hội quyết định: Tán thành lệnh tổng khởi nghĩa của Đảng; Thành lập ủy ban dân tộc giải phóng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu; Quy định Quốc Kỳ, Quốc ca. Đặt tên nước là Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Chiều 16/8/1945: Một đơn vị quân giải phóng do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy từ Tân Trào tiến về giải phóng thị xã Thái Nguyên mở đầu cho cách mạng Tháng Tám.

Ngày 18/8/1945: nhân dân Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam giành được chính quyền ở tỉnh lỵ sớm nhất trong cả nước.

Sáng 20/8/1945: Đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy một mũi quân từ chùa Đán tiến vào thị xã Thái Nguyên, bao vây, tấn công phát xít Nhật giải phóng thị xã. Chiều cùng ngày, tại sân vận động thị xã đã diễn ra cuộc mít tinh lớn, Ủy ban Khởi nghĩa chính thức tuyên bố xóa bỏ bộ máy chính quyền của địch, thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Thái Nguyên.

Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.
Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.

Ngày 17/8/1945: Quân giải phóng đánh tỉnh lỵ Tuyên Quang. Phát xít Nhật chống trả dữ dội, nhưng trước khí thế vũ bão của quân cách mạng, chúng phải xin điều đình và đến ngày 21/8 chính quyền tỉnh đã về tay Việt Minh.

Ngày 18/8/1945: Nhân dân các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam nổi dậy giành chính quyền ở tỉnh lỵ thành công – đây là bốn địa phương giành được chính quyền tỉnh sớm nhất trong cả nước.

Ngày 17/8/1945: Tổng hội Viên chức của chính quyền bù nhìn tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại Quảng trường Nhà hát thành phố Hà Nội với hàng vạn người tham gia, để ủng hộ "Chính phủ lâm thời" Trần Trọng Kim.

Dưới sự lãnh đạo của Xứ uỷ Bắc Kỳ và Thành uỷ Hà Nội, quần chúng cách mạng đã chiếm lấy diễn đàn cuộc mít tinh này: cán bộ của ta báo tin cho đồng bào biết phát xít Nhật đã đầu hàng, trình bày tóm tắt chủ trương, đường lối cứu nước của Việt Minh, đả đảo chính quyền bù nhìn thân Nhật và chuẩn bị tham gia khởi nghĩa.

Ngày 19/8: Hàng chục vạn quần chúng cách mạng ở nội và ngoại thành mang theo gậy dao, súng, mã tấu… tiến về quảng trường Nhà hát thành phố dự cuộc mít tinh do Việt Minh tổ chức.

Cuộc mít tinh bắt đầu lúc 11 giờ. Sau loạt súng chào cờ và bài Tiến quân ca vang lên, đại biểu Uỷ ban quân sự cách mạng đọc lời hiệu triệu khởi nghĩa của Việt Minh.

Cuộc mít tinh phát triển nhanh chóng chuyển thành cuộc biểu tình tuần hành vũ trang. Quần chúng biểu tình chia thành nhiều đoàn, có các đơn vị tự vệ chiến đấu, tiến về các ngả đường, chiếm các cơ quan của chính quyền bù nhìn: Phủ Khâm sai, Toà Thị chính, Sở cảnh sát, Trại bảo an binh…

Trước khí thế sục sôi của quần chúng khởi nghĩa, Nhật dù có hơn một vạn quân cũng không thể làm gì được. Binh lính và cảnh sát ngụy cũng bất lực và cuối cùng ngả theo cách mạng. Chính quyền hoàn toàn về tay nhân dân.

Mít tinh tại Hà Nội ngày 19/8.
Mít tinh tại Hà Nội ngày 19/8.

Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội (ngày 19/8) đã có tiếng vang nhanh trong cả nước, có tác dụng cổ vũ mạnh mẽ các tỉnh và các thành phố khác, làm tăng thêm cuộc khủng hoảng trong hàng ngũ kẻ thù, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc tổng khởi nghĩa.

Ngày 20/8/1945: Cuộc khởi nghĩa đã thắng lợi ở các tỉnh lỵ Thái Nguyên, Bắc Ninh, Ninh Bình.

Ngày 21/8/1945: Cuộc khởi nghĩa thành công tại các tỉnh lỵ Cao Bằng, Tuyên Quang, Sơn Tây, Kiến An, Nam Định và Nghệ An, Ninh Thuận.

Ngày 22/8/1945: Cuộc khởi nghĩa tiếp tục giành thắng lợi ở các tỉnh lỵ Hưng Yên, Quảng Yên.

Ngày 23/8/1945: Các tỉnh lỵ: Huế, Bắc Kạn, Hoà Bình, Hà Đông, Hải Phòng, Quảng Bình, Quảng Trị, Gia Lai, Bình Thuận, Lâm Viên, Tân An, Bạc Liêu đã tiến hành khởi nghĩa và giành chính quyền.

Ngày 24/8/1945:,Cuộc khởi nghĩa diễn ra ở Phú Thọ, Hà Nam, Phú Yên, Đắk Lắk Bình Thuận và Gò Công, Mỹ Tho và giành thắng lợi.

Ngày 25/8/1945: Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở tỉnh lỵ Sơn Lạng, Kon Tum. Cùng ngày, nhân dân Sài Gòn và hầu hết các tỉnh thuộc miền Nam như Chợ Lớn, Gia Định, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Long Xuyên, Tây Ninh, Trà Vinh, Châu Đốc, Sa Đéc, Bến Tre, Bà Rịa, Thủ Dầu Một, Biên Hoà đã vùng lên khởi nghĩa thành công.

Ngày 26/8/1945: Nhân dân Sơn La, Hòn Gai, Cần Thơ khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.

Ngày 27/8/1945: Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Rạch Giá thành công.

Ngày 28/8/1945: Cuộc khởi nghĩa thắng lợi nhanh chóng ở Đồng Nai Thượng và Hà Tiên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tại quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tại quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945.

Như vậy, chỉ trong vòng 15 ngày (từ ngày 14 đến ngày 28/8/1945), quyền thống trị, áp bức của bọn đế quốc (Pháp, Nhật) được xây dựng suốt gần một trăm năm và chế độ quân chủ chuyên chế phản tiến bộ tồn tại hàng nghìn năm đã bị nhân dân ta lật đổ hoàn toàn. Lần đầu tiên, chính quyền cả nước thực sự thuộc về nhân dân.

Chiều 30/8/1945: Ở Ngọ Môn hàng vạn nhân dân cố đô Huế trong màu cờ đỏ sao vàng đã chứng kiến Bảo Đại – ông vua cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam, đọc lời thoái vị và trao ấn, kiếm cho cách mạng. Đại diện Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hoà tuyên bố xoá bỏ chế độ quân chủ ở Việt Nam.

Ngày 2/9/1945: Tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước cuộc mít tinh khổng lồ của gần 1 triệu đồng bào. Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giơi: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời.

Bản Tuyên ngôn khẳng định: "Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy".

Tuyên ngôn Độc lập là văn kiện lịch sử trọng đại, ngày 2/9/1945 mãi mãi ghi vào lịch sử Việt Nam là ngày hội lớn của dân tộc Việt Nam – ngày tuyên bố thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Những mốc son của Cách mạng Tháng Tám
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO