Những vấn đề cấp bách và lâu dài

24/03/2016 17:09

(Baonghean)- Qua tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng ở địa phương và trong xu thế hội nhập của quốc gia với tư cách là thành viên Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), có thể thấy rõ phòng, chống tham nhũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, lâu dài, xuyên suốt quá trình phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền trong thời kỳ mới.

Thời gian qua, với sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp ủy đảng và chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự tham gia mạnh mẽ, tích cực của quần chúng nhân dân, công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành.

Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành. Qua phát hiện xử lý các vụ án, vụ việc cho thấy tính chất tham nhũng ngày càng tinh vi, thủ đoạn xảo quyệt hơn, phạm vi, lĩnh vực tham nhũng ngày càng rộng, thậm chí có tổ chức đối với một số vụ việc, vụ án tham nhũng lớn. Vì vậy, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý phòng, chống tham nhũng là cần thiết và đòi hỏi khẩn trương hơn để bắt kịp tiến độ khi Hiệp định TPP đi vào hiệu lực.

1
Chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng tại UBND huyện Quỳ Châu

Hiệp định TPP dành một chương về “minh bạch hoá và chống tham nhũng”, có mục đích thúc đẩy các mục tiêu được chia sẻ bởi toàn bộ các bên tham gia hiệp định, tăng cường quản trị tốt và xử lý những ảnh hưởng xói mòn của việc hối lộ và tham nhũng lên nền kinh tế. Theo chương này, các bên tham gia TPP phải đảm bảo rằng, trong chừng mực có thể, luật pháp quy định và các quy chế hành chính có liên quan đến bất kỳ vấn đề nào được quy định bởi Hiệp định TPP sẽ được công bố công khai và tiếp nhận các nhận xét.

Các bên sẽ đảm bảo quyền lợi theo quy trình thủ tục đối với tố tụng hành chính cho các bên liên quan, bao gồm việc nhanh chóng xem xét thông qua các toà án hoặc thủ tục tố tụng hành chính hoặc quan toà công bằng. Các bên cũng đồng ý áp dụng hoặc duy trì luật hình sự hoá đối với việc cung cấp những lợi ích không chính đáng của một công chức hay của một hành động hối lộ khác có ảnh hưởng đến đầu tư và thương mại quốc tế. Các bên cam kết sẽ áp dụng hiệu quả các quy định và pháp luật về chống hối lộ...

Như vậy, minh bạch hóa và chống tham nhũng của Hiệp định TPP đặt ra yêu cầu là: Xử lý hành vi đưa hối lộ dưới bất kỳ hình thức nào, đưa ra các quy định về minh bạch và chống hối lộ dựa trên các chuẩn mực tối thiểu của Công ước LHQ về chống tham nhũng, đặc biệt là các yêu cầu về hình sự hoá các hành vi tham nhũng và chú trọng đến xử lý các hành vi hối lộ dưới bất kỳ hình thức nào làm ảnh hưởng đến tính công bằng, bình đẳng trong đầu tư, thương mại quốc tế.

Từ thực tiễn của công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua, có thể nói rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng phòng, chống tham nhũng chưa hiệu quả, nhưng nguyên nhân cơ bản nhất, theo chúng tôi vẫn là hệ thống pháp luật về lĩnh vực này có nhiều nội dung chưa được quy định rõ, chưa đồng bộ, thẩm quyền và tính phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa cao.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị và những đòi hỏi khách quan trong tiến trình hội nhập, phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng, kính đề nghị Ban Chỉ đạo xem xét định hướng bổ sung, hoàn thiện một số nội dung sau:

1
Kiểm tra dấu hiệu vi phạm trong khai thác gỗ tại vùng rừng đặc dụng Pù Hoạt (xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong). Ảnh: Nhật Lân

Một là, về quy định xử lý người có hành vi tham nhũng. Các quy định về xử lý hình sự hành vi tham nhũng cần được thống nhất theo hướng: Tội nhận hối lộ, tội đưa hối lộ và tội làm môi giới hối lộ là tội tham nhũng (BLHS quy định tội nhận hối lộ là tội tham nhũng, nhưng tội đưa hối lộ và tội làm môi giới hối lộ lại không được quy định là tội phạm về tham nhũng). Khắc phục sự chồng chéo trong một số điều khoản về Bộ luật hình sự (Điều 289) và Luật Phòng, chống tham nhũng (Điều 70) về xử lý tham nhũng. Các quy định chế tài kỷ luật công chức có hành vi tham nhũng cần cụ thể để dễ áp dụng và không bị lợi dụng. Các quy định về chủ thể có thẩm quyền kết luận hành vi tham nhũng của công chức phải thống nhất theo hướng để tòa án kết luận.

Quy định về thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật đối với công chức có hành vi tham nhũng cần chặt chẽ và cụ thể khi áp dụng hình thức xử lý kỷ luật phải bảo đảm nguyên tắc về thời hiệu. Ngoài ra, cần nghiên cứu để có thêm quy định về hành vi tham nhũng phí vật chất mà thực tiễn đã và đang xảy ra (hối lộ tình dục).

Hai là, hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp. Cần hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp. Đây là một biện pháp để đấu tranh với loại tội phạm tham nhũng. Chứng cứ của tội danh này được thể hiện bằng sự tăng lên bất thường, đáng kể về tài sản, thu nhập của công chức mà nó không phù hợp với thu nhập hợp pháp được tạo ra nếu không giải trình hợp lý về nguồn gốc của tài sản tăng thêm. Như vậy, việc chứng minh tài sản tăng lên bất thường của công chức sẽ dễ hơn việc chứng minh tài sản tăng lên đó có nguồn gốc từ hoạt động tham nhũng.

Ba là, việc thu hồi tài sản tham nhũng. Thu hồi tài sản tham nhũng cần được bổ sung theo hướng: Quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý, chủ quản trong việc phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối tượng tẩu tán tài sản. Mặt khác, hành vi phạm tội về tham nhũng phải xử lý nghiêm theo khung truy tố, còn việc hoàn trả tài sản là căn cứ để giảm án khi chấp hành hình phạt. Như vậy, việc hoàn trả tài sản do tham nhũng phải được coi là tình tiết bắt buộc chứ không phải là tình tiết giảm nhẹ hình phạt.

Ngoài ra, Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự cần sửa đổi, bổ sung theo hướng: Đề cao vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng. Quá trình điều tra, cơ quan điều tra có trách nhiệm làm rõ tài sản đang ở đâu, trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc xác minh tài sản thi hành án dân sự, biện pháp kê biên tài sản ngay từ khi đủ cơ sở khởi tố cá nhân về hành vi tham nhũng.

Quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự hợp tác quốc tế trong việc ủy thác hoặc lệnh của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài về xác minh, phong tỏa, thu giữ, tịch thu tài sản tham nhũng có nguồn gốc từ nước ngoài. Khắc phục những bất cập trong hoạt động giám định tư pháp theo vụ việc phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, xác định rõ thiệt hại do tham nhũng.

1
Lãnh đạo Ban Nội chính chỉ đạo các phòng chuyên môn triển khai công tác kiểm tra giải quyết khiếu nại, tố cáo

Bốn là, về kiểm soát tài sản, thu nhập của công chức. Cần xây dựng và bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, nhất là những người ở vị trí, lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao. Trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định về kê khai, giải trình, xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Cần phải có những quy định chặt chẽ hơn trong việc giám sát cán bộ thực thi nhiệm vụ về đạo đức và trách nhiệm công vụ.

Năm là, hình sự hóa hành vi tham nhũng trong khu vực tư. Hình sự hóa hành vi tham nhũng trong khu vực tư là rất cần thiết trong bối cảnh nước ta đang đi vào hội nhập quốc tế. Hành vi tham nhũng trong khu vực tư cũng gây ra những hậu quả nguy hiểm như hành vi này ở khu vực công. Nếu không thực hiện việc hình sự hóa hành vi tham nhũng trong khu vực tư có nghĩa là tạo một khoảng trống hoạt động không bị điều tra về tham nhũng. Trên thực tế, việc chưa quy định tham nhũng trong khu vực tư đã bỏ ra ngoài hành vi tham nhũng tại các doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước.

Để đón nhận và phát huy những cơ hội, thuận lợi mà TPP sẽ đem lại trong thời gian tới, cũng đồng thời với việc tuân thủ pháp luật quốc tế, tuân thủ với các cam kết thỏa thuận song phương, đa phương. Công cuộc phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng việc hoàn thiện hệ thống pháp luật là yếu tố trọng tâm, trước mắt. Chỉ có những quy định khoa học thì mới tạo ra được cơ chế và biện pháp hữu hiệu đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Việc sử dụng tốt các công cụ này cho chính mình là điều chúng ta phải hướng tới.

Hồ Lê Ngọc - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Tỉnh ủy

Mới nhất

x
Những vấn đề cấp bách và lâu dài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO