Những vụ khách mất tiền 'khủng' trong ngân hàng giờ ra sao

Lệ Chi 28/02/2018 20:43

Phần lớn vụ khách mất tiền "khủng" trong tài khoản hay sổ tiết kiệm ngân hàng đến nay vẫn đang chờ điều tra và chưa lấy lại được tiền.

1. Nữ doanh nhân mất 26 tỷ trong tài khoản VPBank sắp kiện ra tòa

Bà Trần Thị Thanh Xuân, Giám đốc Công ty Quang Huân có trụ sở ở huyện Củ Chi, TP HCM cho biết tháng 3/2015, công ty bà có mở tài khoản tại Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank để phục vụ công việc kinh doanh.

Toàn bộ số tiền khách hàng mua bán nông sản với công ty đã giao dịch qua tài khoản là 26 tỷ đồng. Tháng 7/2015, bà Xuân đến ngân hàng rút tiền mới biết toàn bộ tiền trong tài khoản đã biến mất, chỉ còn vài trăm nghìn đồng.

Bà đã khiếu nại lên VPBank cũng như làm đơn tố giác lên Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP HCM từ tháng 9/2015 nhờ can thiệp, tuy nhiên đến nay vụ việc vẫn chưa có kết quả.

Bà Xuân cho biết mặc dù sự việc đã diễn ra ba năm, nhưng đến nay phía cơ quan điều tra vẫn chưa có kết luận và VPBank cũng không có phương án giải quyết gì mới. "Tôi đang chuẩn bị làm đơn kiện ra tòa", bà cho biết.

Nhiều vụ khách mất tiền "khủng" trong ngân hàng hiện vẫn đang được điều tra.

2. Khách mất 32 tỷ trong sổ tiết kiệm BIDV, công an đang điều tra mở rộng vụ án

Vụ việc bà Ngô Phương Anh (Đà Lạt) vào tháng 9/2016 gửi đơn tố cáo ông Phạm Thế Long - nguyên Giám đốc phòng giao dịch D2 Giảng Võ, chi nhánh Tây Hồ của BIDV lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt 32 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm của bà cũng từng khiến dư luận xôn xao.

Sổ tiết kiệm 32 tỷ đồng này có liên quan tới giao dịch mua bán nhà giữa bà với bà Bùi Thị Anh Thư (Đà Lạt). Ngày 20/4/2016, hai bên chính thức tiến hành thủ tục chuyển nhượng sổ tiết kiệm tại phòng giao dịch của BIDV ở Giảng Võ. Theo bà Phương Anh, ông Long là người trực tiếp thực hiện việc chuyển nhượng sổ tiết kiệm này. Trước lúc chuyển nhượng, ông Long đưa cho bà một tờ giấy trắng và yêu cầu ký với lý do để xác nhận chữ ký có giống với mẫu từng đăng ký tại ngân hàng không.

Cũng theo bà Anh, 2 ngày sau đến phòng giao dịch này nhận lại sổ tiết kiệm thì chính ông Long đề nghị bà ký một số giấy tờ để hoàn tất thủ tục, trong đó có 10 tờ giấy với tiêu đề "Giấy nộp tiền" nhưng không có nội dung. Ngoài ra, bà nói còn có thêm 2 tờ giấy hồng có nội dung cam kết không rút tiền trước hạn.

Tuy nhiên, hai tháng sau, bà Anh nhận được tin nhắn từ người tên Chung nói rằng chính anh đã cho bà Thư mượn tiền để làm sổ tiết kiệm 32 tỷ này. Chung còn vào tận Đà Lạt để tìm bà. Vì vậy, bà nghi ngờ nên nhờ người nhà kiểm tra trên hệ thống BIDV mới biết, toàn bộ 32 tỷ trong sổ tiết kiệm đã được rút từ ngày 22/4/2016 - ngày bà ký vào nhiều giấy tờ khống để làm thủ tục sang tên sổ tiết kiệm.

Phía BIDV cho rằng, sự việc cần được xác minh để đảm bảo quyền lợi chính đáng và hợp pháp cho khách hàng nên nhà băng đã chủ động thu thập thông tin, hồ sơ có liên quan đến vụ việc và báo cáo cơ quan Công an đề nghị làm rõ theo qui định của pháp luật.

Đến ngày 17/1/2018, Công an Lâm Đồng cho biết đã thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với bà Thư (37 tuổi, Đà Lạt) để tiếp tục điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hiện Công an Lâm Đồng đang phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.

3. Vụ 43 tỷ trong sổ tiết kiệm VietABank "biến mất", chủ sổ vẫn đang đi kiện khắp nơi

Vụ việc liên quan đến ông Lê Đình Trung, 36 tuổi (An Giang), cho biết vợ chồng ông có gửi 5 sổ tiết kiệm tại Ngân hàng Việt Á chi nhánh An Giang với tổng trị giá hơn 43,5 tỷ đồng. 3 cuốn đứng tên ông Trung, 2 đứng tên bà Ngọc (vợ ông) và được gửi trong khoảng 13/1-6/4/2016 với cùng kỳ hạn 6 tháng.

Đầu tháng 7/2016, khi gần đáo hạn cuốn đầu tiên, ông bà phát hiện đã mất cả 5 cuốn. Hỏi ngân hàng, ông được biết toàn bộ số tiền trong 5 quyển sổ nêu trên đã được chuyển cho ông Lê Hữu Phước và bà Nguyễn Thị Hồng - cha mẹ ruột của ông Trung.

Ông Trung cho rằng đã bị nhân viên ngân hàng câu kết "lừa" vợ chồng ông ký khống giấy tờ chuyển nhượng sổ tiết kiệm. Sau đó, vợ chồng ông Trung trình báo vụ việc với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang và làm đơn tố giác gửi tới cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Cần Thơ về việc ông Phước và bà Hồng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Văn bản phúc đáp từ phía Công an xác định hành vi của ông Phước, bà Hồng không đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên không khởi tố. Nhà chức trách cũng không đưa ra kết luận gì liên quan đến việc Ngân hàng Việt Á có làm đúng quy trình giao dịch hay không.

Không đồng ý với kết luận nêu trên, vợ chồng ông Trung tiếp tục khởi kiện ra tòa cũng như kêu cứu gửi khắp nơi. Đến nay vẫn chưa có kết quả gì mới.

Theo vnexpress.net
Copy Link
Mới nhất
x
Những vụ khách mất tiền 'khủng' trong ngân hàng giờ ra sao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO