Niềm vui ở Piêng Coọc

(Baonghean.vn) - Bản Piêng Coọc thuộc xã biên giới Mai Sơn (Tương Dương) là một trong những chốn xa xôi và khó khăn bậc nhất ở miền Tây Nghệ An. Mùa Xuân mới đang đến mang theo những tín hiệu vui và niềm hy vọng mới cho 52 hộ đồng bào Mông ở chốn non cao này.

Mang Tết lên đỉnh mờ sương

Chương trình “Tết ấm miền Tây xứ Nghệ” do Bộ CHQS tỉnh tổ chức nhằm chia sẻ khó khăn với đồng bào vùng biên cương xa xôi, mang lại niềm vui, phấn khởi cho những bản làng còn gian khó. Năm nay, cùng với bản Pục, xã Nậm Giải (Quế Phong), bản Piêng Coọc, xã Mai Sơn (Tương Dương) cũng nhận được sự sẻ chia và tình cảm của những người lính trên mảnh đất quê hương.

Từ thành phố Vinh ngược lên vùng phủ Tương xưa, đoàn cán bộ, chiến sỹ Bộ CHQS tỉnh đến thị trấn Thạch Giám (Tương Dương) vừa lúc trời tối. Nghỉ lại Thạch Giám, hôm sau 4 giờ sáng lên đường. Hành trình từ trung tâm huyện Tương Dương lên Mường Xén (Kỳ Sơn) khá nhẹ nhàng, nhưng từ Mường Xén đến Mai Sơn (Tương Dương) thực sự gian nan, vất vả.

Ảnh: Công Kiên
Một góc bản Piêng Coọc, xã Mai Sơn (Tương Dương). Ảnh: Công Kiên

Xe chạy theo Quốc lộ 16, qua các xã Phà Đánh, Huồi Tụ, Mỹ Lý (Kỳ Sơn) mới chạm đến đất Mai Sơn, tổng hành trình khoảng 120 km. Tiếp tục chạy ven theo sườn núi, qua các bản Huồi Tố 1, Huồi Tố 2, Huồi Xá và Na Kha mới đến được Piêng Coọc. Mấy ngày mưa liên tục khiến đoạn đường từ Na Kha đến Piêng Coọc trơn như rải mỡ, ô tô không thể lưu hành, đành bốc hàng xuống và cử người vào bản nhờ người ra chi viện.

Khoảng 1 giờ sau, Bí thư Chi bộ Và Bá Dế dẫn đầu “đoàn quân” ra chi viện. Đàn ông đi xe máy, phụ nữ đi bộ mang theo gùi. Và Bá Dế nói: “Hay tin hôm nay đoàn lên tổ chức Tết ấm miền Tây xứ Nghệ, từ sáng sớm bà con đã chờ. Biết trời mưa, đường trơn nên mọi người đã sẵn sàng chuẩn bị ra đón”.

Ảnh: Công Kiên
Trời đổ mưa, đường trơn, xe bán tải không thể lên được Piêng Coọc nên phải bốc hàng xuống để gùi bộ và vận chuyển bằng xe máy. Ảnh: Công Kiên

Toàn bộ hàng hóa gồm kẹo, bánh và nhu yếu phẩm được chất lên xe máy và gùi đưa vào bản. Cũng may là hơn 50 cặp bánh chưng đã được chuyển nguyên, vật liệu lên bản để gói và nấu từ trước, nếu không sẽ vô cùng vất vả.

Chúng tôi cuốc bộ ngược Piêng Coọc. Con đường nhỏ vừa dốc, quanh co vừa trơn trượt và lầy lội. Có những đoạn xe máy phải đi bằng “4 bánh”, tức là người đi xe phải chống 2 chân để giữ thăng bằng, có lúc phải có người đi sau để giữ và đẩy cho xe không bị trầy xuống vực. Dốc trơn và thẳng đứng khiến hành trình lên Piêng Coọc thực sự vất vả, không thể kể hết những gian nan, mỏi mệt.

Ảnh: Công Kiên
Đường lên Piêng Coọc còn gian nan, vất vả. Ảnh: Công Kiên

Cuối cùng, sau hơn 1 giờ chúng tôi cũng đặt chân đến Piêng Coọc, nơi có những ngôi nhà lợp mái sa mu bám đầy rêu phong và chìm đắm trong màn sương mây mờ ảo. Người Piêng Coọc đón khách bằng nụ cười hết mực thân thiện, hàm chứa niềm biết ơn cùng cái nắm tay thật chặt.

Tranh thủ hỏi chuyện Bí thư Và Bá Dê, chúng tôi được biết Piêng Coọc là nơi cư trú của 52 hộ (hơn 380 khẩu) đồng bào Mông, là một trong những bản xa xôi và khó khăn nhất của xã Mai Sơn. Hiện bản có 49 gia đình thuộc diện hộ nghèo, 3 gia đình còn lại là cận nghèo, nghĩa là tỷ lệ hộ nghèo của bản đang ở mức hơn 94%.

“Nguồn thu nhập chính của bản là nương rẫy và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhưng diện tích không nhiều, số lượng đàn trâu, bò còn hạn chế, giao thông cách trở nên đời sống mọi mặt còn nhiều khó khăn” - Và Bá Dê nói.

Niềm tin khởi sắc

Đại diện các hộ gia đình bản Piêng Coọc đã tập trung đông đủ tại điểm trường tiểu học của bản để nhận quà Tết của Bộ CHQS tỉnh. Người dân ở chốn “đất cao, trời thấp” này đều vui mừng khi được trao tận tay món quà thiết thực và đầy ý nghĩa để có một cái Tết ấm và vui hơn. Mỗi hộ gia đình được tặng 1 cặp bánh chưng, 1 chai dầu ăn và bánh, kẹo cùng 500.000 đồng tiền mặt.

Ảnh: Công Kiên
Qua chặng đường vất vả, cuối cùng toàn bộ số quà Tết đã được chuyển lên cho bà con Piêng Coọc. Ảnh: Công Kiên

Ông Và Bá Già chia sẻ: “Năm nay kinh tế khó khăn lắm, nhà mình chỉ mới có một ít nếp làm bánh, một ít tiền đón Tết. Hôm nay được nhận quà Tết của các anh bộ đội, cả nhà mình vui lắm. Vậy là đã có thêm bánh, có thêm tiền để mua sắm, nhà mình sẽ có Tết vui”.

Vui nhất vẫn là những đứa trẻ người Mông Piêng Coọc, vì đây là lần đầu tiên chúng thấy có nhiều khách về thăm bản, lại mang theo cả kẹo, bánh, quần áo mới. Khi được các cô, các chú bộ đội khoác lên những chiếc áo mới tinh và sạch sẽ, những cặp mắt hồn nhiên và gương mặt lấm lem chợt bừng lên nụ cười rạng rỡ và ấm áp như xua tan cái lạnh giá của núi rừng. Những rụt rè, e ngại dường như tan biến, chỉ có niềm vui, phấn khởi đọng lại trên từng cử chỉ, nụ cười.

Ảnh: Công Kiên
Chương trình “Tết ấm miền Tây xứ Nghệ” do Bộ CHQS tỉnh tổ chức thực sự là ngày vui của người dân Piêng Coọc.Ảnh: Công Kiên

“Đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, bản Piêng Coọc nhận được sự quan tâm, chia sẻ của Bộ CHQS tỉnh, mang lại nhiều niềm vui cho bà con. Đồng thời, Tết năm nay Piêng Coọc còn có thêm niềm vui lớn là lần đầu tiên có ánh sáng điện lưới quốc gia, công trình lưới điện vừa hoàn thành và đóng điện mấy hôm trước, dân bản thực sự rất phấn khởi”.

Bà Lô Thị Hương - Chủ tịch UBND xã Mai Sơn

Cũng theo nữ Chủ tịch UBND xã Mai Sơn, tuyến đường gần 10 km từ trung tâm xã đi Piêng Coọc đang trong quá trình gấp rút thi công, dự kiến sẽ thông tuyến trong ít tháng tới. Tuyến đường này có ý nghĩa quan trọng đối với vấn đề quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế - xã hội, đưa Piêng Coọc từng bước đổi thay. Có điện lưới, sắp tới sẽ có con đường mới khang trang, chắc chắn cuộc sống của bà con người Mông ở Piêng Coọc sẽ dần khởi sắc…

Ảnh: Công Kiên
Thượng tá Nguyễn Khẩn Toàn - Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ CHQS tỉnh trao quà Tết cho bà con Piêng Coọc. Ảnh: Công Kiên
Ảnh: Công Kiên
Các em nhỏ ở Piêng Coọc còn được các cô, chú bộ đội tặng áo mới để mặc trong những ngày Tết và xua tan cái lạnh giá của núi rừng. Ảnh: Công Kiên

Trước khi rời Piêng Coọc, Thượng tá Nguyễn Khẩn Toàn - Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ CHQS tỉnh ân cần chào tạm biệt từng người. Bà con Piêng Coọc cứ nắm chặt tay như muốn giữ khách ở lại cùng đón Tết, để niềm vui mãi lan tỏa và chan hòa với núi rừng. Ai nấy khóe mắt rưng rưng và chứa đựng biết bao ân tình quân - dân sâu nặng. Tuột con dốc đầu bản, chúng tôi đều cảm thấy ấm lòng và có chung niềm tin Piêng Coọc sẽ sớm đổi thay…

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.