Nơi đất vươn về phía biển
(Baonghean) - Quỳnh Lập là một doi đất đặc biệt và kỳ lạ ở ngay cái dáng nằm lệch hẳn một bên ra tận cùng bờ biển đông bắc. Người ta gọi Quỳnh Lập là nơi “địa đầu” của dải bãi ngang ven biển Hoàng Mai và Quỳnh Lưu. Nhiều năm qua, mảnh đất này đã kịp phát triển sôi động với thời cuộc, nhưng vẫn còn nhiều nét hoang sơ, bí ẩn…
Quang cảnh xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai). Ảnh: Facebook Quỳnh Lập quê tôi. |
Từ Quốc lộ 1A đi xuống, theo con đường vươn dài ra phía Đông, qua những ngọn núi đá vôi sừng sững, những đồi thông xanh ngút ngàn, mãi cho đến khi chạm bờ biển... thì dừng lại, ấy là xã Quỳnh Lập. Nơi đầu tiên của “quanh quanh xứ Nghệ” bỗng trở nên vừa xa xôi vừa khuất nẻo đến khó tìm.
Có lẽ cũng bởi vậy mà khi xưa, Quỳnh Lập được chọn để đặt trại phong, để cách ly vi khuẩn Han-sen từng là nỗi ám ảnh của bao người. Trước là biển, sau là núi, làng phong chất chứa bao nhiêu số phận nghiệt ngã, bao nhiêu cảnh đời éo le, nước mắt cô độc và tủi phận thấm vào cát, trôi về biển, mặn chát. Quả thật, tôi không muốn nhắc đến quãng thời gian đau thương đó, nhưng điều đầu tiên mà nhiều người nơi xa biết về Quỳnh Lập lại chính tên làng phong.
Và cũng không được phép quên, bởi những con người từ nơi xa đến đã coi Quỳnh Lập như quê hương gắn bó, giữa ranh giới của sự sống và cái chết, họ đã đến bên nhau, gắn kết, yêu thương, chia sẻ. Bao nhiêu năm qua, nỗi đau đã tan vào sóng biển. Nụ cười cũng đã sáng nở khi những đứa trẻ mạnh khỏe sinh ra, lớn lên, là người con Quỳnh Lập thực sự, đóng góp vào sự đổi thay của quê hương.
Bãi đá Quỳnh Lập. Ảnh: Sách Nguyễn |
Con đường nhựa Đông Hồi - Quỳnh Lập hoàn thành, Quỳnh Lập phát triển hơn rất nhiều: giao thương buôn bán, hàng hải sản của bà con được vận chuyển nhanh hơn. Người ta nói, muốn biết một nơi nào đó cuộc sống người dân có phát triển hay không thì hãy ra chợ. Chợ họp ngay cạnh đường vào trụ sở xã, hải sản tươi sống có, đã được chế biến, sơ chế, phơi khô cũng có. Sự phong phú, đa dạng và tấp nập của cái chợ nằm chen chúc bên cạnh trung tâm xã, khiến chúng tôi thấy mừng vì sự đổi thay giàu có lên của Quỳnh Lập.
Giếng nước ngọt. Ảnh: S.N |
Theo con đường bê tông chạy ra cảng biển, không khí lại càng nhộn nhịp hối hả hơn. Những con thuyền lớn cập cảng trút xuống cá, tôm, mực. Tiếng mua bán, tiếng xe tải nhập hải sản chở đi các nơi, ở phía khác, tiếng máy xay đá lạnh ầm ầm, và người chuyển đá lên thuyền chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới. Quỳnh Lập có khoảng hơn 500 lao động thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/tháng từ dịch vụ nghề cá, và có đội tàu lớn trang thiết bị hiện đại, trong đó có 146 tàu công suất 90CV trở lên. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng giá trị sản xuất ước đạt 285,9 tỷ đồng, đạt 105,8%; trong đó nông, lâm, ngư nghiệp đạt 168,5 tỷ đồng.
Quỳnh Lập đã vươn mình thoát khỏi cái bóng làng chài bé nhỏ, biệt lập năm xưa, trở thành mảnh đất giàu có từ bàn tay, khối óc con người. Mảnh đất này còn rất nhiều tiềm năng để phát triển, và khát khao để lớn mạnh hơn nữa, nhưng lại vẫn đang gặp khó. “Khó nhất của Quỳnh Lập bây giờ là thiếu quỹ đất để thực hiện quy hoạch cơ sở hạ tầng nông thôn, kinh tế, xã hội…” - ông Lê Bá Vân - chủ tịch UBND xã Quỳnh Lập nói. Cho đến giờ, con đường trong xã cứ vắt vẻo vòng quanh, gập ghềnh ổ gà chưa kịp lớn lên bên cạnh những ngôi nhà càng ngày càng được xây cao hơn, to hơn. Quy hoạch hạ tầng nông thôn gặp khó, như sự kìm hãm, trói buộc sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Đặc biệt là tiềm năng du lịch – điều mà bất cứ ai may mắn từng về đây, vừa ngỡ ngàng vì vẻ đẹp nguyên sơ của biển, của đá, cát… vừa tiếc nuối vì giá như có động lực nào đó, đủ mạnh để thức tỉnh con gấu ngủ đông.
Chúng tôi theo con đường nhỏ ngoằn ngoèo, luồn lách qua làng ven biển với những ngôi nhà mọc chen chúc nhau ở khu vực đất đai bằng phẳng, rồi ngược dần lên đồi. Cho đến khi tưởng chừng như đã núi tận, cùng đường rồi thì nhìn xuống là mặt biển xanh thẳm bất ngờ hiện ra, với bãi cát vàng và những mỏm đá với đủ hình thù nằm im lìm giữa sóng trắng. Tôi nhớ lại lời cậu em năm nào cũng rủ rê: “Về quê em chơi, em dẫn đi mấy chỗ… hoang vu, hẻo lánh”.
Quả thật, đúng như lời của “dân thổ địa”. Hóa ra, bên cạnh cái nhộn nhịp, tấp nập của vùng đất đang phát triển mạnh về kinh tế, thì du lịch lại nguyên sơ, vắng vẻ và đẹp đến ngỡ ngàng. Có những khối đá nằm ngang, to lớn sừng sững, cũng có những bãi đá nhỏ nằm ngấp nghé con sóng, mỗi lúc thủy triều lên chúng lại ẩn mình dưới nước. Men theo bờ biển, lại càng ngỡ ngàng hơn trước những khối đá dựng đứng, đối mặt nhau, nửa như thách thức, nửa như đồng hành suốt hàng nghìn năm qua. Mặt đá, có những khe rãnh, những vết mòn của thời gian, của sóng bạc vỗ bờ mỗi ngày thủy triều lên xuống và sắc nhọn những con vẹm, hàu biển bám chặt cứng.
Đá với đủ hình thù: hình con rùa nằm nhìn về làng biển, hình cánh buồm ra khơi, hình đầu con sư tử oai nghiêm, và có cả dấu chân ông Đùng năm xưa gánh đất vẫn còn lưu đến ngày nay. Theo truyền thuyết kể lại, thuở đất trời hỗn mang, có một ông khổng lồ (dân gian gọi là ông Đùng) chuyên đội đá, vá trời. Ông to lớn khổng lồ nên bước chân dài hàng trăm dặm. Khi sải bước qua vùng đất này, có sợi tóc vướng vào mặt, ông tỳ chân đứng lại gỡ tóc ra, hằn dấu chân lại đến tận bây giờ: một dấu chân phải ở đền Cờn ngoài (xã Quỳnh Phương), còn dấu chân trái ở bãi đá xã Quỳnh Lập.
Ở bãi đá cũng là nơi cư trú của nhiều loại hải sản. Buổi sáng, bà con vẫn thường xách rổ rá, cùng với cái búa nhỏ, đục đẽo quanh phiến đá hàu, vẹm, cào ngao. Lũ trẻ con thì chẳng có giờ giấc gì, mùa hè trời nóng là nhảy xuống tắm ở những vũng nước cạn tự nhiên được tạo nên giữa bờ biển và phiến đá to lớn, chúng vẫn thường bắt được những con cua đá có 2 càng to, cứng, hay con ghẹ vẫn còn tươi sống.
Vũng Nhím. Ảnh: S.N |
Có một nơi đặc biệt được lũ trẻ con rủ rê nhau khám phá không biết mệt là Vũng Nhím. “Chưa có đường đi ra đó, mà phải trèo qua đồi mới đến được. Cảnh đẹp lắm, nhưng ít người tắm vì nhiều đá. Ngoài đó, còn có một giếng nước ngọt, mỗi buổi sáng, bà con vẫn thường dậy đi lấy nước về, hoặc tập thể dục”, mấy cậu bé đang rủ nhau đi chơi giới thiệu với tôi. Tôi cũng cố trèo lên ngọn đồi, để tận mắt nhìn thấy Vũng Nhím: lại là một bãi đá, gồm nhiều những hòn đá khá tròn “lăn lóc”, rải rác khắp bờ biển. Trên một phiến đá to, người dân cắm lá cờ Tổ quốc đỏ thắm, bay phần phật trong gió. Bên dưới, là dòng chữ Hoàng Sa, Trường Sa, được đánh mũi tên ra biển…
Từ trên cao nhìn xuống, bãi đá Quỳnh Lập giống như một bức tranh thiên nhiên độc đáo hùng vĩ, có phiến màu đen, lại có chỗ màu trắng bàng bạc, nơi thì có màu vàng. Nước biển trong veo, xanh ngắt. Hoa mướp biển, hoa quan âm nở giữa nắng, và cây phong ba xanh biếc trên núi đá khô cằn. Xa xa, những con thuyền đến giờ nối đuôi nhau giăng lưới ra khơi. Bám biển mưu sinh, vẫn là cái nghề truyền thống nuôi sống con người, làm giàu cho người. Giữ lấy nghề, là giữ lấy cuộc sống, giữ lấy quê hương và giữ chủ quyền biển đảo đất nước. Trên một vách đá lớn nhô ra biển, là ngôi miếu nhỏ bà con địa phương dựng lên, ngày Rằm, mùng Một đến thắp hương cầu mưa thuận gió hòa, ngư dân ra khơi thuận buồm bình an.
Cho đến tận bây giờ, xung quanh bãi đá Quỳnh Lập cũng chỉ có vài ba hàng quán của người dân tự phát phục vụ chủ yếu người dân trong làng. Chủ quán, ông Hồ Sỹ Luyến – cởi mở, thật thà giục khách ngồi vào bàn. Khách có đông không anh? – Cũng thường, cuối tuần thì đông, giữa tuần thì vắng hơn. Xem chừng, người đàn ông cũng không nóng ruột, vội vàng với cái sự kinh doanh của mình. Bữa hải sản tươi ngon, nhưng giá rẻ: Bán cho người dân mình cả, làm ăn cả đời, gặp gỡ mấy khi! Ông thủng thẳng. Dịch vụ du lịch chưa kịp phát triển ở nơi này, hay cả phong cảnh, cả người dân Quỳnh Lập vẫn đang giữ những hồn hậu, chất phác quý người, quý khách.
Có lẽ, đáng tiếc cho Quỳnh Lập khi nhiều khó khăn, cản trở để du lịch bùng lên phát triển như phường hàng xóm Quỳnh Phương, nhưng lại may mắn cho những vị khách muốn yên tĩnh thả lòng mình tĩnh lặng với thiên nhiên, với biển, hoang sơ màu nước và đá núi bào mòn. Kỳ vĩ, vừa bí ẩn như chất chứa một nỗi niềm nào đó…
Hồ Lài
TIN LIÊN QUAN |
---|