Nỗi đau của những phụ nữ mất cả tình lẫn tiền cho "siêu lừa" mang 3 tiền án
(Baonghean.vn) - “Con gái tôi có dại, hôm nay vợ chồng tôi mới phải đến đây. Vì tin Quyết mà chúng tôi vừa mất tiền, vừa mang nợ với hàng xóm”, bà T.T.H - một trong 12 nạn nhân bị gã phó giám đốc Cảng hàng không “rởm” lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nói tại tòa.
Đây là lần thứ 4, Đặng Chí Quyết (SN 1989), trú thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh đứng trước bục khai báo để trả giá cho hành vi phạm tội của mình.
Người đàn ông nhỏ thó, khuôn mặt quắt lại, bình tĩnh, rành rọt kể lại từng hành vi phạm tội của mình. Nhìn bộ dạng của Quyết lúc này không ai có thể tin gã đã từng "nổ" mình là cán bộ của Bộ Công an hay Phó Giám đốc Cảng hàng không.
Còn những người phụ nữ ngồi dưới kia với vai trò là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đã từng một mực tin rằng gã đàn ông này sẽ là bến đỗ của cuộc đời mình. Để đến khi bộ mặt thật của siêu lừa mang 3 tiền án bị bại lộ, những phụ nữ này mới nhận ra mình đã mất cả tiền lẫn tình.
Mới học hết lớp 9, không nghề nghiệp ổn định nhưng bù lại Quyết có khả năng khua môi múa mép nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác. Từ năm 2009 đến 2013, Đặng Chí Quyết 3 lần bị TAND quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), TAND huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) và TAND huyện Gia Lâm (Hà Nội) đưa ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với lần lượt mức án 1 năm, 2 năm, 3 năm 4 tháng tù.
Đặng Chí Quyết tại phiên tòa. Ảnh: Như Bình |
Ra tù chưa được bao lâu, Quyết lại ngựa quen đường cũ, tiếp tục lừa đảo. Quyết lên mạng xã hội làm quen với chị Bùi Thị L. (quê Tuyên Quang, sau này là vợ Quyết), tự giới thiệu công tác tại Bộ Công an.
Quá trình tán tỉnh, hứa hẹn đủ điều, Quyết đến nhà L. chung sống như vợ chồng.
Tháng 9/2016, Quyết tâm sự với chị L. là vừa tham gia một chuyên án ma túy lớn nhưng bắn nhầm người dân, giờ cần 60 triệu để đền bù, tránh bị kỷ luật đuổi khỏi ngành. Tin tưởng “chồng hờ”, chị L. đưa tiền cho Quyết. Toàn bộ số tiền này sau đó được Quyết tiêu xài cá nhân.
Một tháng sau, Quyết lại nói với chị L. là chị gái mới sinh, bị hậu sản. Thương chị gái phải đau đớn, Quyết lén lấy ma túy tang vật để cho chị dùng nhằm giúp giảm đau. Việc này bị đơn vị phát hiện nên cần số tiền lớn để lo lót, nếu không sẽ bị kỷ luật.
Tưởng thật, chị L. hai lần đưa cho Quyết 98 triệu. Ngoài ra, nhiều lần Quyết đưa ra các lí do gặp khó khăn trong công việc để “moi” tiền chị L. Khi chị L. không còn tiền mặt, Quyết “gạ” mang các tài sản đi cầm cố, khi thì xe máy, khi thì dây chuyền vàng, khi là chiếc điện thoại đời mới…
Tin tưởng người đàn ông này, chị L. đồng ý nhận lời lấy Quyết làm chồng, những tưởng sẽ được nương nhờ tấm thân cho đoạn đời sau này. Chỉ đến khi Quyết bị bắt với cáo buộc thực hiện hàng loạt vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản khác, chị L. mới vỡ lẽ nhưng lúc đó “ván đã đóng thuyền”, không thể rút chân ra khỏi cuộc hôn nhân mới chỉ bắt đầu.
Bà T.T.H (trú Hà Tĩnh) là một trong số những nạn nhân của Quyết - người bà đã từng tin tưởng, coi như đứa con rể trong nhà. Con gái bà H. là chị S. đã lỡ dở 1 lần đò, có một đứa con riêng. Một lần, chị S. đưa Quyết về nhà giới thiệu, ban đầu cũng chỉ dừng lại ở mức bạn bè, nhưng trước sự quan tâm, chu đáo của Quyết đối với mẹ con chị S. và gia đình bà H., bà khấp khởi mừng. Lại càng mừng hơn khi Quyết giới thiệu mình là Phó giám đốc Cảng hàng không Vinh, có thể giúp bà H. xin việc cho chồng và con trai vào làm việc ở đây.
Tin tưởng chàng rể tương lai, không chỉ nộp tiền xin việc cho chồng và con trai, bà H. còn đi giới thiệu với người hàng xóm. Được chàng rể gật đầu đồng ý giúp đỡ, ra giá cụ thể, bà H. cầm tiền của hàng xóm đưa cho Quyết.
Các nạn nhân bị Quyết lừa đảo, chiếm đoạt tiền. Ảnh: Như Bình |
“Thời gian này, Quyết còn mua cho con gái tôi cả xe để đi. Tôi nghĩ con gái mình lỡ 1 lần đò, gặp được Quyết, được lo cho chu đáo thế này thì không còn gì bằng. Cả nhà tôi quý Quyết như con đẻ, có gì ngon cũng cất phần, gọi về ăn cùng cả nhà. Đùng một cái, tôi nhận được điện thoại của người quen, nói xuống phố đón cái S. về.
Thì ra, sau khi Quyết bị bắt, S. mới biết rõ chân tướng của nó. Tủi nhục, xấu hổ, nó nhắn người xuống đón con về, còn nó định tự tử. Tôi phải khuyên ngăn mãi nó mới bình tâm trở lại để tiếp tục nuôi con. Cái xe Quyết mua cho S. cũng đã bán để trả nợ cho người hàng xóm”, bà H. chua chát nói. Tổng số tiền mà Đặng Chí Quyết lừa đảo, chiếm đoạt của bà T.T.H là 400 triệu đồng.
Cũng với mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, Quyết lên mạng làm quen với chị L.T.D (trú xã Diễn Hoa, Diễn Châu, Nghệ An). Quyết tự giới thiệu mình là nhân viên kiểm soát tải thuộc phòng phục vụ bay của Sân bay Nội Bài (Hà Nội).
Chị D. tưởng thật nên nhờ Quyết xin vào bán hàng ăn trong căn tin sân bay Vinh. Quyết sốt sắng hứa giúp đỡ và báo giá chi phí hết 63 triệu đồng, hàng tháng chị D. phải đóng phí 5,3 triệu, nếu thuê cả năm thì phải đóng 63,6 triệu đồng. Chị D. đồng ý giao tiền cho Quyết và được gã đàn ông này cấp cho 1 bản hợp đồng dịch vụ với Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam. Kiểm tra bản hợp đồng thấy có nhiều dấu hiệu bất thường, chị D. nghi Quyết lừa đảo nên đã báo công an.
Tối 16/3/2018, khi Quyết đến nhà chị D. để nhận tiền thì bị Công an huyện Diễn Châu bắt giữ. Lúc này, chân tướng trùm lừa đảo Đặng Chí Quyết mới được hé lộ.
Cũng với thủ đoạn tương tự, Quyết đã hứa xin việc làm cho 9 người khác, trải khắp từ Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh… nhằm chiếm đoạt tiền. Để các nạn nhân tin tưởng, Quyết nhờ người làm các quyết định bổ nhiệm, quyết định nhận công tác giả của các cơ quan, tổ chức. Cơ quan chức năng làm rõ, trong khoảng từ tháng 7/2016 đến tháng 3/2018, Đặng Chí Quyết đã lừa đảo, chiếm đoạt của tất cả 12 nạn nhân số tiền 1,4 tỉ đồng.
Tại phiên tòa, bị cáo Quyết thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và đồng ý hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt của các nạn nhân. Cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, HĐXX TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt Đặng Chí Quyết 16 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 3 năm tù về tội “Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan tổ chức”, tổng hợp hình phạt phải chấp hành là 19 năm tù.