Nơi đầu nguồn Nậm Nơn
(Baonghean.vn)- Đầu Xuân năm 2010, chúng tôi có chuyến hành trình khám phá dòng Nậm Nơn, bắt đầu từ xã Keng Đu (huyện Kỳ Sơn) xuôi về ngã ba Cửa Rào thuộc xã Xá Lượng (huyện Tương Dương). Khi xuồng ghé thăm đất Mỹ Lý (Kỳ Sơn), mọi người đều thán phục vẻ đẹp phong cảnh nước non, bản làng và nét duyên của con người nơi đây và cũng từ đó hy vọng được ít nhất một lần trở lại để tìm hiểu mạch nguồn và khám phá một phần trầm tích của mảnh đất biên cương này...
(Baonghean.vn)- Đầu Xuân năm 2010, chúng tôi có chuyến hành trình khám phá dòng Nậm Nơn, bắt đầu từ xã Keng Đu (huyện Kỳ Sơn) xuôi về ngã ba Cửa Rào thuộc xã Xá Lượng (huyện Tương Dương). Khi xuồng ghé thăm đất Mỹ Lý (Kỳ Sơn), mọi người đều thán phục vẻ đẹp phong cảnh nước non, bản làng và nét duyên của con người nơi đây và cũng từ đó hy vọng được ít nhất một lần trở lại để tìm hiểu mạch nguồn và khám phá một phần trầm tích của mảnh đất biên cương này...
Thế rồi, cũng phải gần hai năm sau, chúng tôi mới có dịp trở lại thăm đất Mỹ Lý. Khác với lần trước, lần này bắt xe khách từ Thị trấn Mường Xén, vượt chặng đường chênh vênh khoảng chừng 60 km để đến với những bản làng thơ mộng nằm dọc đôi bờ Nậm Nơn. Cuối năm, đất trời Kỳ Sơn chìm đắm trong màn sương mây mờ ảo. Có cảm giác như cái mờ ảo của đất trời khiến cho những con đường, bản làng càng xa xôi và diệu vợi. Nhưng rồi, cái mệt mỏi vì đường xa như được vơi đi, cái buốt lạnh của núi rừng được xua tan phần nào khi gặp lại những nụ cười rạng rỡ và những cái bắt tay thật chặt.
Bản làng Mỹ Lý (Kỳ Sơn)
Mỹ Lý có 12 bản, trong đó 8 bản Thái, 3 bản Mông và 1 bản Khơ Mú. Nói vậy để thấy rằng đồng bào dân tộc Thái là cư dân chiếm đa số ở Mỹ Lý. Xã có tới 46 km đường biên, trong đó 25 km đường sông và 21 km đường bộ. Hầu hết các bản làng ở Mỹ Lý đều nằm dọc đôi bờ Nậm Nơn. Nguồn thu nhập chính từ bao đời nay là phát nương làm rẫy, khai thác lâm sản, đánh bắt cá và dệt thổ cẩm. Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu truyền thống văn hóa, anh Lô Văn Liễu, Phó Chủ tịch xã dẫn chúng tôi đến bản Xốp Tụ gặp cụ Lô Văn Minh (83 tuổi), một trong những bậc cao niên của xã. Cụ Minh nguyên là Bí thư Đảng ủy xã, đã qua tuổi bát tuần nhưng trong cách đi đứng, chuyện trò cụ luôn thể hiện sự khỏe mạnh và minh mẫn.
Theo lời kể của cụ thì tên gọi Mỹ Lý có từ khá lâu đời. Trước cách mạng tháng Tám, xã Mỹ Lý rất rộng, bao gồm vùng đất các xã: Mỹ Lý, Bắc Lý, Keng Đu, Đoọc Mạy, Na Ngoi, Huồi Tụ, Mường Lống, Bảo Nam, Bảo Thắng của huyện Kỳ Sơn và Mai Sơn, Luân Mai, Nhôn Mai, Hữu Khuông, Kim Đa, Kim Tiến của huyện Tương Dương ngày nay. Qua hai lần chia tách (năm 1949 và 1967), xã Mỹ Lý hiện nay có diện tích hơn 27.000 m2 và gần 5.400 nhân khẩu.
Bao đời nay, người dân Mỹ Lý vốn cần cù và chăm chỉ làm ăn nên cuộc sống đa phần tương đối khấm khá, bản làng nơi đây cũng trù phú hơn các vùng khác. Và từ rất lâu, các bến đò dọc đôi bờ Nậm Nơn như Xiềng Tắm, Xốp Tụ, Xằng Nứa, Xằng Tờ luôn tấp nập thuyền bè qua lại. Bấy giờ, những cư dân nơi mảnh đất biên cương này đã hành nghề buôn bán, trao đổi hàng hóa với miền xuôi. Thời trai trẻ, cụ Lô Văn Minh xuôi thuyền chở các loại sản vật của núi rừng như: củ mài, sa nhân, măng khô, hoa phong lan và các mặt hàng thổ cẩm xuống vùng Cửa Rào, Hòa Bình, có lúc xuống tận Con Cuông, thậm chí đến chợ Lường (Đô Lương) để bán.
Sau đó, mua muối và dầu chở ngược trở về bán cho bà con trong vùng. Mỗi chuyến đi thường kéo dài trên dưới 10 ngày, nếu xuống tận Đô Lương hành trình có khi kéo dài cả tháng. Cụ Minh tâm sự: "Thời kỳ đó Nậm Nơn lắm thác, nhiều ghềnh. Nếu không đủ sức khỏe và kinh nghiệm chèo lái, thuyền rất dễ bị va vào đá vỡ tan hoặc chìm dưới đáy sâu, hàng hóa sẽ bị rơi xuống sông, thậm chí tính mạng con người cũng khó bảo toàn".
Mỗi độ Xuân về, tiếng cồng, tiếng chiêng vang vọng khắp các bản làng. Tiếng hát, tiếng khèn lúc rộn ràng, lúc dìu dặt hòa âm với sóng nước Nậm Nơn, lúc hiền hòa, lúc hùng vỹ. Người Thái tưng bừng mở hội múa xòe và múa lăm vông. Các bản Thái dịp này trở nên náo nhiệt, khắp nơi cùng vang lên tiếng khắp, tiếng nhuôn. Khi những vườn đào bắt đầu hé nụ, khi thóc lúa đã về nhà, người Mông tổ chức đón Tết và cúng tổ tiên. Những cô gái Mông với váy áo sặc sỡ vui hội ném pao, những chàng trai Mông lẽo đẽo theo sau thổi khèn.
Đây chính là cơ hội để trai gái tình tự và tìm kiếm cơ may nên duyên vợ chồng. Cùng với đó là hội chọi trâu, chọi bò khiến cho không khí đón Xuân càng thêm sôi động trên những bản làng quanh năm mây phủ. Còn người Khơ Mú cùng nhau làm lễ mừng nhà mới và nguyện cầu đất trời, tổ tiên phù hộ năm mới được mưa thuận, gió hòa, cho nương rẫy luôn tốt tươi, cho bản làng luôn rộn ràng tiếng cồng, tiếng pí và làn điệu tơm tha thiết tình người.
Trước cách mạng và trong thời kỳ kháng chiến 9 năm, lính Pháp đóng đồn ở vùng Mường Dương, huyện Mường Khăm (Xiêng Khoảng) và Xốp Lang, huyện Sầm Tớ (Sầm Nưa) của nước bạn Lào thường xuyên sang đây càn quấy. Chúng đốt phá bản làng, cướp lương thực, trâu bò và bắt bớ người vô tội. Trước tình hình đó, người dân Mỹ Lý phải rời bản làng xuôi theo dòng Nậm Nơn xuống tận vùng Kim Tiến, Kim Đa để lánh nạn.
Nhưng ở Mỹ Lý tuyệt nhiên không có một ai theo giặc, mà ngược lại thủy chung với cách mạng đến cùng. Sau này, vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước, Kỳ Sơn có loạn Châu Phà. Bọn xấu đã lôi kéo một số người dân chống phá chính quyền cách mạng, nhưng ở Mỹ Lý không hề có một người nào nghe theo lời dụ dỗ của chúng.
Từ năm 1960, Mỹ Lý có hai người con ưu tú đầu tiên được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng, đó là ông Lô Quang Vinh và Lương Văn Là. Ông Là sau này làm Bí thư Đảng ủy xã. Dưới sự vận động và chỉ đạo của ông Vinh và ông Là, bà con Mỹ Lý sớm được giác ngộ lý tưởng cách mạng, đi theo đường lối của Bác Hồ nên đã không bị kẻ xấu lợi dụng và dụ dỗ. Cho đến hôm nay, người dân nơi dải đất biên cương này vẫn một lòng hướng về cách mạng, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng để hướng tới tương lai. Bà con các dân tộc ở Mỹ Lý giờ đã yên tâm sinh sống, sản xuất và xây dựng, bởi cuộc sống hòa bình đã trở lại từ hàng chục năm nay, lại có các chiến sỹ đồn biên phòng làm "lá chắn", canh giữ bình yên cho các bản làng.
Từ bản Xiềng Tắm, trung tâm xã ngược xuồng máy chừng 20 phút, chúng tôi ghé thăm bản Yên Hòa (trước gọi là Xằng Tờ). Bản nằm ven sông với hơn 80 hộ dân tộc Thái. Khách đi xuồng ngược xuôi qua Yên Hòa dễ dàng được chiêm ngưỡng một ngọn tháp mọc đứng sừng sững giữa bản, có chiều cao khoảng 25-30 mét. Ngọn tháp này đã xuống cấp, chân tháp xuất hiện nhiều lỗ thủng và vết nứt, một góc đã bị sập, phù điêu và hoa văn đứt gãy và mờ nhạt.
Ông Kha Diễn Tâm (sinh năm 1948), nguyên Bí thư Đảng ủy xã cho biết thêm: "Trước đây, ở bản Xằng Nứa (Xằng Trên) và bản Xiềng Tắm đều có tháp giống như tháp ở Yên Hòa nhưng kích thước nhỏ hơn. Nay tháp của hai bản ấy đã bị đổ, tháp ở Yên Hòa cũng đang đứng trước nguy cơ này". Dù đã bị đổ sập hay thành phế tích, nhưng ba ngọn tháp cổ ở Mỹ Lý đã nói lên rằng đây là một miền đất chứa đựng không ít trầm tích văn hóa. Và chúng tôi biết rằng, người dân nơi đây đang nuôi khát vọng một ngày nào đó, ngọn tháp còn lại này sẽ được đầu tư, tôn tạo để góp phần xây đắp lòng tự hào về truyền thống quê hương.
Nét duyên con gái miền sơn cước
Mỹ Lý còn được biết đến là "vùng đất mỹ nhân". Bởi từ bao đời nay, mảnh đất này đã sinh ra nhiều người con gái đẹp. Nước da trắng hồng, mái tóc đen mượt chấm gót, nụ cười đẹp tựa hoa ban và bước đi duyên dáng, nhịp nhàng. Có nhiều cách lý giải về vẻ đẹp của con gái Mỹ Lý. Theo cụ Lô Văn Minh, con gái Mỹ Lý xinh đẹp hơn các vùng khác là bởi chăm chỉ, siêng năng hơn.
Quanh năm làm rẫy, gùi lúa, chèo thuyền nên có vóc dáng đẹp và khỏe mạnh. Chăm chỉ dệt vải, thêu thùa, lại tinh tế trong việc phối màu và khéo léo khi trang trí hoa văn nên váy áo của các cô gái Mỹ Lý thường mang một vẻ đẹp hài hòa, càng tôn thêm vóc dáng của người mặc. Còn ông Kha Diễn Tâm lại cho rằng, con gái Mỹ Lý đẹp vì điều kiện khí hậu ở đây khá lý tưởng, không quá lạnh như ở Mường Lống, Huồi Tụ và không quá nóng như ở Mường Xén, Hòa Bình. Ngoài hai nguyên nhân vừa nêu, một phần nữa có lẽ là do các cô gái Mỹ Lý được tắm dòng nước thượng nguồn Nậm Nơn nên có nước da trắng hồng, mái tóc đen mượt. Bởi nơi dải đất biên cương, từ dòng nước đến cành cây, ngọn cỏ đều tinh khiết và rất đỗi thiêng liêng.
Tranh thủ ngày nghỉ, anh Lô Văn Liễu đưa chúng tôi đến tham quan Thẳm Lạn (hang ngàn người). Đây là một cái hang khá đẹp và rộng rãi nằm trong quần thể hang động thuộc dãy Phá Lếch, đối diện là dãy Phá Mo nằm ở đầu bản Xốp Tụ. Bàn tay tạo hóa thật tài tình khi sắp đặt Thẳm Lạn thành tầng bậc với hệ thống nhũ đá phong phú về hình dáng, kích cỡ và màu sắc. Những hòn đá nằm gối chồng lên nhau tựa như từng bậc thang của lịch sử. Gõ vào mặt đá bỗng phát ra những tiếng vọng rất vui tai.
Theo các bậc cao niên, thời nguyên thủy, Thẳm Lạn từng là nơi cư trú của con người. Và trong những năm bom Mỹ dội xuống mảnh đất này, Thẳm Lạn là nơi trú ẩn an toàn của người dân các bản làng. Là một người con của đất Mỹ Lý, từ lâu anh Liễu luôn mong ước đến một lúc nào đó mở được tour du lịch để du khách gần xa đến tham quan, khám phá mảnh đất quê hương mình.
Tour du lịch này bắt đầu từ Mường Xén đi đường bộ vào thăm cổng trời Mường Lống, sau đó tuột dốc cổng trời vào đất Mỹ Lý khám phá Thẳm Lạn, rồi tiếp tục du thuyền lên Yên Hòa chiêm ngưỡng tháp cổ (khi đã được tôn tạo). Đến đây, du khách sẽ được thưởng thức các loại đặc sản như: thịt lợn đen, gà đen, cá nướng và cơm lam... Nói tới món cơm lam, anh Liễu cho biết ở Mỹ Lý có một loài nứa đặc biệt (đảm bảo vùng khác không có) gọi là mai chìa, được dùng để lam cơm rất ngon. Mai chìa khác với loài nứa khác là trong lóng có một lớp màng mỏng như tờ giấy nên khi dùng để lam cơm không phải lót các loại lá. Chính lớp màng mỏng này đã tạo nên hương thơm khác biệt của cơm lam Mỹ Lý. Phải chăng thiên nhiên thêm một lần ưu ái khi ban tặng cho Mỹ Lý loài nứa đặc biệt này? Khi thưởng thức xong các loại đặc sản núi rừng, đêm du khách nghỉ lại nơi đầu nguồn Nậm Nơn để được thưởng thức rượu cần và điệu khắp, điệu nhuôn cùng điệu xòe của những cô gái Thái. Từ Mỹ Lý, du khách có thể xuôi dòng bằng xuồng máy để tiếp tục khám phá vẻ đẹp lòng hồ Bản Vẽ. Chúng tôi nghĩ ý tưởng của anh Liễu sẽ có tính khả thi trong tương lai, nếu có được những con người năng động và tâm huyết.
Ở cuối bản Xốp Tụ, chợ Mỹ Lý đang được đầu tư xây dựng với quy mô khá lớn và khang trang. Tuyến đường thủy dọc sông Nậm Nơn vẫn thường xuyên lưu hành, tuyến đường bộ Mường Xén - Mỹ Lý đang được nâng cấp, hứa hẹn một ngày không xa nơi đây sẽ tấp nập cảnh trao đổi hàng hóa và nhộn nhịp cảnh trên bến dưới thuyền.
Những cơn gió đã đỡ phần buốt lạnh. Nước sông Nậm Nơn đã bắt đầu mang hơi ấm. Những cành đào đang tích nhựa để trổ nụ, đơm hoa. Những chuyến xe chở đầy ắp hàng hóa. Bên hiên nhà sàn, những người phụ nữ Mỹ Lý đang miệt mài với khung cửi. Những tín hiệu mùa Xuân đã bắt đầu "gõ cửa" từng bản làng nơi dải đất biên cương này. Và rồi, người viết chợt nhận ra một điều: mùa Xuân thường đến sớm với các bản làng vùng biên...
Mỹ Lý, những ngày cuối năm Tân Mão.
Công Kiên