Nỗi lo thực phẩm 'bẩn' dịp Tết

Thành Chung 23/12/2022 09:00

(Baonghean.vn) - Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội là thời điểm nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân tăng cao. Điều này đồng nghĩa với việc nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân lớn hơn bao giờ hết. 

Vẫn còn nhiều vi phạm

Ngày 14/12/2022, khi đang thực hiện nhiệm vụ, tổ tuần tra, kiểm soát, Đội Cảnh sát giao thông số 4, Công an Nghệ An phát hiện 1 nam thanh niên chở 2 thùng xốp trắng bằng xe gắn máy không có biển kiểm soát. Khi thấy lực lượng chức năng tiến hành tiếp cận xem xét thì bất ngờ đối tượng để lại 2 thùng xốp và bỏ chạy.

2 thùng xốp chứa thực phẩm bẩn được Đội Cảnh sát giao thông số 4, Công an Nghệ An phát hiện. Ảnh: Tư liệu

Nghi vấn thùng xốp bất thường, lực lượng Cảnh sát giao thông đã liên hệ cùng UBND xã Nam Thái phối hợp kiểm tra làm rõ. Khi mở nắp thùng xốp ra thì phát hiện đều chứa 30 kg lòng lợn đã bốc mùi hôi thối, không có giấy tờ kiểm định theo quy định. Công an đã bàn giao cho phía đơn vị chức năng huyện Nam Đàn thực hiện tiêu hủy theo quy định.

Trong thời gian qua, lực lượng Công an các địa phương liên tục bắt giữ các vụ việc liên quan đến thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc vận chuyển qua địa bàn Nghệ An… Theo các cơ quan chức năng, càng gần về Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, vấn đề mất an toàn vệ sinh thực phẩm càng đáng lo ngại. Ông Phạm Ngọc Quy - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nghệ An cho biết: Tết và mùa lễ hội chính là thời điểm nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng đột biến và kéo theo nhiều nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Và chính thời điểm này, các vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi. Vì lợi nhuận, các đối tượng đã đưa vào thị trường các loại thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc; bán thực phẩm bẩn cho người tiêu dùng.

Một số cơ sở sản xuất thực phẩm có tình trạng sử dụng chất cấm, phụ gia thực phẩm quá liều lượng cho phép; thay đổi bao bì, nhãn mác, hạn sử dụng cho thực phẩm. Các cơ sở kinh doanh không đảm bảo quy trình sản xuất thực phẩm theo nguyên tắc một chiều. Người trực tiếp chế biến thực phẩm không đáp ứng yêu cầu theo quy định. Đặc biệt, nhiều hộ cá thể vốn không tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm không thường xuyên nay cũng tham gia trong dịp này…

Đoàn thanh tra, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Ảnh: Thành Chung

Với những mối nguy này, ngộ độc thực phẩm hoàn toàn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ngộ độc thực phẩm có thể đến từ các khâu như sau: Thứ nhất, trong quá trình nuôi, trồng, người sản xuất sử dụng nhiều hóa chất bảo vệ thực vật, kích thích tăng trưởng mà không tuân thủ đúng quy trình cho phép. Những yếu tố nguy hại này tồn tại lâu dài trong vật nuôi và cây trồng, gây ngộ độc cho người tiêu dùng. Thứ hai, trong quá trình lưu thông thực phẩm trên thị trường, người kinh doanh sử dụng, lạm dụng các hóa chất bảo quản thực phẩm. Thứ ba, trong quá trình chế biến, người chế biến sử dụng nhiều phụ gia thực phẩm, chế biến không đúng quy trình khiến thực phẩm bị phơi nhiễm các loại vi sinh vật. Thứ tư, liên quan đến các loại rượu tự nấu, rượu ngâm.

Trong năm 2022, toàn tỉnh đã thành lập 1.212 đoàn, tiến hành thanh tra, kiểm tra được 10.366 cơ sở, trong đó, có 9.630 cơ sở đạt, 736 cơ sở vi phạm, tổng số tiền xử phạt 2.155.555.000 đồng. Các lỗi vi phạm về an toàn thực phẩm đáng lưu ý gồm có: Thực hiện không đúng quy định của pháp luật về kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn; sử dụng nơi bảo quản, phương tiện bảo quản thực phẩm không bảo đảm vệ sinh; có côn trùng, động vật xâm nhập; kinh doanh thực phẩm, sử dụng nguyên liệu, thực phẩm đã quá thời hạn, không rõ nguồn gốc xuất xứ; chứa đựng thực phẩm trên dụng cụ không đảm bảo vệ sinh…

Tăng cường thanh tra, kiểm tra

Để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ngày 15/12/2022, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 895/KH-UBND thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2023. Mục tiêu kế hoạch là tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm trong các đợt cao điểm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng; siết chặt quản lý, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm.

Đoàn Thanh tra liên ngành tỉnh Nghệ An kiểm tra siêu thị dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: Thành Chung

Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn kịp thời vi phạm về an toàn thực phẩm, không để thực phẩm không bảo đảm an toàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu lưu thông trên thị trường; phòng ngừa, hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm do tiêu dùng thực phẩm giả, thực phẩm không an toàn, thực phẩm kém chất lượng, nhằm nâng cao chất lượng bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa Lễ hội Xuân 2023 trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Kế hoạch được ban hành nhằm hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa Lễ hội Xuân 2023; thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành từ tuyến tỉnh đến cấp xã, phường, thị trấn tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết, lễ hội và có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các chợ, cửa khẩu, đặc biệt là đầu mối cung cấp thực phẩm. Thời gian thực hiện kế hoạch từ ngày 23/12/2022 đến hết ngày 12/3/2023.

Có 3 hoạt động chính được triển khai trong dịp này, bao gồm thanh tra, kiểm tra liên ngành, giám sát và truyền thông. Với hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành, Nghệ An thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành từ cấp tỉnh đến xã, có mời đại diện Mặt trận Tổ quốc cùng cấp tham gia thanh tra, kiểm tra. Với hoạt động giám sát, UBND tỉnh giao sở, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan chủ động thành lập đoàn giám sát tiến hành giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm theo lĩnh vực được phân công, phân cấp, tập trung chủ yếu đối với các mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và trong các lễ hội như thịt và các sản phẩm từ thịt, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, các sản phẩm từ ngũ cốc... để kịp thời cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Người dân lựa chọn mua các loại thực phẩm tại siêu thị, chợ. Ảnh: Đức Anh

Với hoạt động truyền thông, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan truyền thông, các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội từ cấp tỉnh đến xã, đa dạng hóa các hình thức, phương tiện truyền thông thích hợp để phổ biến các nội dung của Luật An toàn thực phẩm, các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định điều kiện an toàn thực phẩm và kiến thức về an toàn thực phẩm; kịp thời cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm trong dịp trước, trong và sau Tết, cũng như mùa Lễ hội Xuân 2023… Công khai trên phương tiện thông tin đại chúng về các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm; Tuyên truyền rộng rãi và tích cực cổ vũ các cơ sở, cá nhân, các địa chỉ sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn đến với người tiêu dùng.

Căn cứ Kế hoạch của UBND tỉnh, ở thời điểm này, các sở, ngành chức năng và các địa phương cũng đã xây dựng, triển khai kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Quý Mão - mùa Lễ hội Xuân 2023 và thành lập các đoàn thanh, kiểm tra nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm trái pháp luật.

Ông Phạm Ngọc Quy - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nghệ An khuyến cáo: Trong dịp Tết và mùa Lễ hội Xuân, người tiêu dùng cần nắm vững các kiến thức về đảm bảo an toàn thực phẩm, như lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng; lưu ý đến các loại hạt có biểu hiện mất vệ sinh, các loại đồ hộp có sự thay đổi hình dạng; không sử dụng thực phẩm có dấu hiệu hư hỏng, kém chất lượng; kiểm tra kỹ nhãn mác, hạn sử dụng… Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm cần tuân thủ các điều kiện, quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mới nhất

x
Nỗi lo thực phẩm 'bẩn' dịp Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO