Nóng “cò” chuyển tuyến ở bệnh viện

Nhóm P.V 13/04/2019 09:34

(Baonghean) - Do gặp khó khăn trong việc chuyển viện, chuyển tuyến khám chữa bệnh, một số bệnh nhân đã mất tiền, nhờ cậy “cò” để đạt ý nguyện... Sự tồn tại của “cò” đã và đang gây ra những hệ lụy khôn lường.

Bệnh viện “bó tay”
Tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An hiện đang tồn tại một đường dây chạy thủ tục chuyển viện. Trước mắt, đường dây này lộ diện có 2 người: Một người đàn ông tên K tầm 50 tuổi và một người đàn ông khác tên H khoảng 40 tuổi.

Cách “chạy” thủ tục chuyển viện của đường dây này như sau: Hàng ngày, ông K thường trực trước khu vực khám bệnh của Bệnh viện Ung bướu Nghệ An và tìm kiếm, lựa chọn “khách hàng” - những người bệnh chưa khám hoặc đã khám tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An có nhu cầu được đi khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến Trung ương.

Sau khi phân tích những khó khăn trong việc chuyển tuyến, chuyển BHYT, ông K thuyết phục bệnh nhân chi tiền để làm hồ sơ chuyển tuyến. Khi đã “khớp lệnh”, người đàn ông tên H xuất hiện nhận hồ sơ hoặc dẫn bệnh nhân sang một bệnh viện khác để làm thủ tục chuyển tuyến.

“Cò” chuyển viện, chuyển tuyến hoạt động tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An. Ảnh: P.V
“Cò” chuyển viện, chuyển tuyến hoạt động tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An. Ảnh: P.V

Trong những ngày đầu tháng 4 này, đường dây nhận được khá nhiều “khách hàng”. Sáng 2/4, bệnh nhân N.V.Khiêm ở huyện Diễn Châu vào Bệnh viện Ung bướu Nghệ An làm thủ tục chuyển viện. Do bệnh nhân đông nên ông Khiêm chưa làm được.

Trong lúc ngồi chờ ngoài khu vực phòng khám, ông K lại tiếp cận và gợi ý làm giúp với giá 3,5 triệu đồng. Thống nhất xong, ông K gọi ông H tới nhận. Khi ông H tới, thêm bệnh nhân nữa là một giáo viên mầm non ở xã Diễn Hồng, Diễn Châu cũng tìm gặp nhờ làm.

Đối tượng cò chuyển tuyến đang trao đổi với ngưòi nhà bệnh nhân. Ảnh: T.C
Đối tượng cò chuyển tuyến đang trao đổi với người nhà bệnh nhân. Ảnh: T.C

Theo lời hẹn, sáng ngày 3/4, ông Khiêm được ông H dẫn sang một bệnh viện ngoài công lập tại thành phố Vinh khám, sau đó từ bệnh viện này chuyển sang một bệnh viện tuyến tỉnh khác làm hồ sơ chuyển tuyến ra bệnh viện tuyến Trung ương. Khi hoàn tất mọi thủ tục, ngoài 3,5 triệu đồng chi phí cho “cò” H, ông Khiêm mất thêm 1 triệu đồng chi phí xét nghiệm tại 2 bệnh viện. Tối 3/4, ông Khiêm bắt xe ra Hà Nội.

Thông tin từ một cán bộ ở bệnh viện tuyến tỉnh đã chuyển tuyến cho ông Khiêm: Ông H không phải là nhân viên của bệnh viện này song vẫn thỉnh thoảng gặp ông H tại văn thư bệnh viện để xin dấu chuyển viện.
Trao đổi cùng lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, được biết: Bệnh viện đã biết sự tồn tại của đường dây này tuy nhiên vẫn không có biện pháp hiệu quả để ngăn chặn. Đã có một số bệnh nhân bị mất tiền cho “cò”...

“Trước đây, “cò” H có kết nối với một số cán bộ ở Bệnh viện để làm các dịch vụ khám nhanh, chuyển tuyến cho bệnh nhân. Sau khi bệnh viện nắm được thông tin này đã kỷ luật những cán bộ nói trên”.

Bác sĩ Phạm Vĩnh Hùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Nghệ An

“Cò” H bị mất mối liên kết ở Bệnh viện Ung bướu nên đã có lần giả chữ ký lãnh đạo bệnh viện vào giấy chuyển viện để đưa văn thư đóng dấu nhưng bị phát hiện. 2 năm trở lại đây, “cò” H vẫn thường xuyên qua lại, cài cắm “chân rết” ở bệnh viện và thực hiện chuyển tuyến...

“Bệnh viện Ung bướu Nghệ An đã biết tình trạng này và vài lần báo với công an khu vực, tuy nhiên không thể giải quyết khi không "bắt được quả tang". Bệnh viện cũng không thể đẩy, đuổi những “cò” này ra khỏi khu vực khi “cò” nói rằng “đến bệnh viện thăm người nhà”

Bác sĩ Phạm Vĩnh Hùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh viện Ung Bướu Nghệ An

Cần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

Cũng theo bác sĩ Phạm Vĩnh Hùng: Sở dĩ “cò” chuyển tuyến, chuyển viện xuất hiện và có đất sống là do nhu cầu của người bệnh luôn muốn được khám tại những cơ sở y tế có chất lượng cao hơn. Tuy nhiên, hiện nay, BHYT mới chỉ thực hiện thông tuyến ở các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện và chưa thông tuyến ở Trung ương. Muốn giúp bệnh nhân được chuyển ra điều trị ở các bệnh viện tuyến Trung ương, bản thân các bệnh viện tuyến tỉnh cũng gặp khó bởi các quy định.

Cụ thể: Với quy định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các bệnh viện được phép triển khai và thanh toán BHYT cho các dịch vụ kỹ thuật được phê duyệt bởi các cấp có thẩm quyền. Nếu trong phạm vi danh mục kỹ thuật đã được phê duyệt mà bệnh viện chuyển người bệnh lên tuyến trên thì sẽ bị trừ vào Quỹ BHYT của bệnh viện.

Chân dung và hình ảnh được phóng viên ghi lại các đối tượng “cò” thủ tục chuyển viện. Ảnh: P.V
Chân dung và hình ảnh được phóng viên ghi lại các đối tượng “cò” thủ tục chuyển viện. Ảnh: P.V

Điều 5, Thông tư 37/2014/TT-BYT ngày 17/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT nêu rõ: “Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên khi bệnh không phù hợp với năng lực chẩn đoán và điều trị, danh mục kỹ thuật của đơn vị hoặc bệnh phù hợp nhưng do đơn vị không đủ điều kiện để chẩn đoán và điều trị. Trước khi chuyển tuyến, người bệnh phải được hội chẩn và có chỉ định chuyển tuyến”.

Theo nhiều cán bộ công tác trong ngành y: Ngoài lý do “vướng” quy định thì bản thân các bệnh viện hiện nay cũng không muốn cho bệnh nhân chuyển viện, chuyển tuyến vì sợ giảm nguồn thu. Đây là mặt trái của việc thực hiện tự chủ tài chính ở bệnh viện công lập. Bước vào tự chủ tài chính, các bệnh viện phải lo hoàn toàn chi phí mua sắm trang thiết bị, vật tư tiêu hao, đời sống cho cán bộ nhân viên.
Xu hướng bệnh nhân thích chuyển lên tuyến trên để được chăm sóc sức khỏe tốt hơn và tình trạng “cò” chuyển viện cũng đang thể hiện rõ một thực trạng đáng buồn của các cơ sở khám chữa bệnh ở Nghệ An, đó là: Chất lượng khám, chữa bệnh, phát triển kỹ thuật mới ở một số cơ sở khám chữa bệnh còn hạn chế; việc chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên cho tuyến dưới triển khai chưa được nhiều, đặc biệt ở một số bệnh viện tuyến huyện, miền núi. Một số đơn vị y tế vẫn còn tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp, điều kiện vệ sinh phòng bệnh chưa tốt, thiếu trang thiết bị hiện đại để phát triển kỹ thuật nhưng chưa được đầu tư nâng cấp.

Sức ép chuyển tuyến diễn ra ở nhiều bệnh viện. Ảnh tư liệu minh họa

Với câu chuyện ông N.V.Khiêm được chuyển tuyến nhờ “cò” đã cho thấy những hệ lụy khôn lường: Trước hết, bệnh nhân phải tổn thất tiền bạc cho “cò”. Thứ đến, với việc chuyển viện, chuyển tuyến bất minh như trên, quỹ BHYT bị lãng phí do việc khám, xét nghiệm được thực hiện nhiều lần. Và tổn thất lớn nhất đó là niềm tin của người dân...

Trên lý thuyết, “cò” chuyển viện, chuyển tuyến sẽ tự động biến mất khi khám chữa bệnh BHYT được mở thông hoàn toàn ở tất cả các cơ sở khám chữa bệnh. Tuy nhiên, theo lộ trình thì phải đến năm 2021 việc mở thông tuyến hoàn toàn mới được thực hiện.

Việc thông tuyến chỉ được thực hiện khi mà điều kiện cơ sở vật chất, năng lực chuyên môn kỹ thuật ở tất cả các tuyến được nâng cao. Do đó, ngành y tế Nghệ An cần giải quyết 2 vấn đề: Tạo điều kiện cho người dân được chuyển tuyến khi cơ sở y tế không đáp ứng được yêu cầu khám, chữa bệnh của người dân và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để người dân không cần phải chuyển tuyến.

PGS.TS Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho hay: “ Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong chuyển viện, trước mắt, ngành y tế Nghệ An đang thực hiện một số giải pháp như chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về vấn đề chuyển tuyến đối với các cơ sở khám chữa bệnh để các bệnh viện phải căn cứ vào tình trạng bệnh nhân, năng lực chuyên môn của đơn vị và khi không điều trị được thì phải chuyển, tránh tình trạng bệnh nhân phải đi lòng vòng. Đồng thời đội ngũ y tế phải tăng cường rèn luyện y đức nêu cao tinh thần trách nhiệm để đảm bảo lợi ích sức khỏe cho người bệnh chứ không nên chịu tác động từ các nguyên nhân khách quan”.


Mới nhất

x
Nóng “cò” chuyển tuyến ở bệnh viện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO