Nhiều ngày qua, trời không mưa, những đồi chè đang cho lứa búp thứ 3 trong năm đang được người dân trồng chè ở Thanh Chương tích cực tưới nước, giữ ẩm chống "cháy" giữa những ngày nắng nóng cao điểm. Ảnh: Huy Thư Cùng với việc sử dụng máy nổ, máy hút nước cũ từ các năm trước, một số hộ đã mua sắm thêm dụng cụ, phương tiện để phục vụ việc tưới chè. Những vườn chè ở xa nguồn nước, trên đồi cao... sẽ gây khó khăn, tốn kém khi tưới nước. Ảnh: Huy Thư Do năm nào mùa nắng, người dân trồng chè ở Thanh Chương cũng phải tưới cho chè, nên nhiều hộ đã lắp hệ thống ống dẫn nước cố định giữa vườn. Một số gia đình chưa lắp được đường ống, phải rải ống nhựa mỗi khi tưới. Ảnh: Huy Thư Việc sử dụng béc để tưới chè ngày càng phổ biến với ưu điểm vừa tưới đều, vừa tiết kiệm nước. Để cần béc đứng vững, người dân phải đóng cọc giữa ruộng chè. Đến thời điểm này, hầu hết diện tích chè ở Thanh Chương đã thu hoạch lứa búp thứ 2 trong năm, bà con đang chăm sóc, làm cỏ, bón phân thì gặp nắng hạn. Ảnh: Huy Thư Ông Nguyễn Cảnh Nôm, trú xóm An Ngọc, xã Thanh An cho biết: Nhà ông làm 1 ha chè, đường ống đã lắp cố định từ trước, có máy nổ hút nước 24 mã lực, nhưng để tưới được nước cho chè cũng khá vất vả, nhất là việc di chuyển, lắp ráp máy bơm... "Cứ mùa nắng là người dân trồng chè lại lo lắng, mất ăn mất ngủ, vừa tốn công, tốn của" - ông Nôm nói. Ảnh: Huy Thư Hiện người dân các xã trồng chè đang sử dụng nước ao, suối, giếng... tưới chè. Để di chuyển máy nổ, bà con thường để máy trên xe bò lốp, kéo ra tận bờ ao, bờ suối... khi không dùng thì có thể kéo về nhà. Một số hộ đã đặt máy bơm cố định dưới khe gắn với hệ thống đường dẫn trên ruộng chè. Những nơi kéo được dây điện, bà con dùng mô tơ hút nước khá thuận tiện. Những nơi không kéo được điện thì bắt buộc phải dùng máy nổ. Ảnh: Huy Thư Tưới chè bằng béc, trung bình cứ 2 - 3 tiếng đồng hồ (tùy vào độ khô của đất) bà con lại dời cần béc 1 lượt. Những hộ tưới xuyên đêm, mọi người phải thức đêm để dời cần béc. Ảnh: Huy Thư Ông Nguyễn Cảnh Hòa (53 tuổi) ở xóm Thượng Lâm, xã Thanh An chia sẻ: Gia đình ông làm 2 ha chè, sắm 2 máy hút nước (1 mô tơ và 1 máy nổ) 10 cần béc và gần 600 m ống dẫn. Mỗi lần tưới, chi phí tiền dầu, tiền điện khoảng 10 triệu đồng. Tuy tốn kém nhưng cũng phải tưới nếu không chè bị cháy, bị chết, thiệt hại càng lớn hơn. Ảnh: Huy Thư Với những vườn chè ở trên đồi cao, việc tưới nước gặp nhiều khó khăn, tốn kém. Những ngày qua, trời nắng nóng, nhiều diện tích chè chưa tưới, đất dưới gốc đã trắng khô, chè đã ngả màu. Những ngày tới, nếu trời vẫn tiếp tục nắng, những diện tích chè trên cao không được tưới nước sẽ có nguy cơ bị "cháy sém". Ảnh: Huy Thư Những vườn chè gần ao, hồ, kênh thủy lợi, việc tưới nước khá thuận tiện, nguồn nước dồi dào, thả ống dẫn chảy tự do. Anh Nguyễn Đình Trọng - một người có kinh nghiệm trồng chè ở thôn Thủy Hòa, xã Thanh Thủy chia sẻ: Trời nắng nóng, không nên tưới chè sớm, nếu tưới không đúng kỹ thuật có khi còn làm chè chết. Chiều muộn và đêm là thời điểm tưới chè tốt nhất. Lúc tưới, đã tưới chỗ nào thì cần tưới đậm chỗ đó. Tưới càng nhiều càng tốt, nhưng khá tốn tiền dầu. Ảnh: Huy Thư Những ngày nắng nóng cao điểm, người dân trồng chè Thanh Chương huy động nhân lực, phương tiện tích cực tưới nước kịp thời cho chè là một trong những biện pháp cứu chè hiệu quả, thiết thực, góp phần đảm bảo năng suất cho các lứa chè chính vụ, cũng như giảm thiểu thiệt hại do cháy chè, chết chè vì nắng. Ảnh: Huy Thư
Những màn "mưa" cứu chè ngày nắng nóng. Video: Huy Thư
POWERED BY
ONE CMS - A PRODUCT OF
NEKO