Nông dân Nghệ An tìm cách thích ứng khi thức ăn chăn nuôi tăng giá

Thanh Phúc 03/03/2022 08:50

(Baonghean.vn) - Mới đây nhất, giá thức ăn chăn nuôi lại có kỳ điều chỉnh tăng giá khiến người chăn nuôi gặp không ít khó khăn. Trước tình hình giá cả leo thang, nông dân đã tìm cách thích ứng để đảm bảo chăn nuôi có lãi…

Sau 11 lần điều chỉnh tăng giá từ đầu năm 2021 đến nay, hiện thức ăn chăn nuôi đã tăng thêm 40% (trung bình mỗi kg thức ăn tăng 4.000 đồng so với trước). Ảnh: Thanh Phúc
Sau 11 lần điều chỉnh tăng giá từ đầu năm 2021 đến nay, hiện thức ăn chăn nuôi đã tăng thêm 40% (trung bình mỗi kg thức ăn tăng 4.000 đồng so với trước). Ảnh: Thanh Phúc

Tại kỳ điều chỉnh giá gần nhất (từ 15/2-18/2, các công ty thức ăn chăn nuôi đồng loạt tăng thêm 200 – 300 đồng/kg. Theo đó, tổng mức tăng sau 11 lần điều chỉnh giá là 40% (tăng thêm 4.000 đồng/kg) so với năm 2020. Và theo chủ các đại lý cấp 1 của các công ty thức ăn chăn nuôi thì bắt đầu từ tháng 3 này sẽ có kỳ điều chỉnh tăng giá mới, theo đó, mỗi kg thức ăn chăn nuôi có thể tăng thêm 300-500 đồng/kg.

Anh Nguyễn Văn Thể, chủ một đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi ở thị trấn Hưng Nguyên (Hưng Nguyên) cho biết: “Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất bị đẩy lên cao kéo giá thức ăn chăn nuôi tăng lên. Theo thông báo mới nhất thì sẽ áp dụng mức giá mới theo kỳ điều chỉnh tăng tiếp theo vào đầu tháng 3 này. Thức ăn chăn nuôi liên tục tăng giá khiến người chăn nuôi gặp khó khăn, việc kinh doanh của các đại lý như chúng tôi vì thế cũng ế ẩm hơn. Với lại, người chăn nuôi thường mua nợ, đến khi xuất bán mới trả tiền trong khi giá cám liên tục tăng nên chúng tôi cũng phải tính lãi đối với khoản nợ này”.

Giá thức ăn tăng liên tục khiến người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Thanh Phúc
Giá thức ăn tăng liên tục khiến người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Thanh Phúc

Theo dự báo, giá thức ăn chăn nuôi trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng, bởi giá nguyên liệu chưa dứt đà tăng do nguy cơ hạn hán kéo dài ở những quốc gia sản xuất nông sản chính trên thế giới. Trong khi đó, tình hình trong nước, dịch Covid-19 và một số dịch bệnh của ngành chăn nuôi còn chưa chấm dứt, giá lợn hơi, gia cầm, thủy cầm, thủy sản… cũng chưa phục hồi, vẫn đang trên đà giảm nên người chăn nuôi đối mặt với nhiều khó khăn, thậm chí thua lỗ.

Toàn huyện Quỳnh Lưu có 460 ha diện tích nuôi tôm công nghiệp tập trung ở vùng nuôi Quỳnh Bảng, Quỳnh Minh, Quỳnh Lương, Quỳnh Thanh, Quỳnh Yên... Đến thời điểm này, các hộ nuôi tôm đã sẵn sàng để bước vào vụ nuôi tôm chính vụ (theo kế hoạch của huyện, lịch thả bắt đầu từ tháng 3 đến hết tháng 7/2022). Tuy nhiên, giá thức ăn tôm điều chỉnh tăng khá cao, với mức tăng từ 2.000 - 4.000 đồng/kg nên người nuôi tôm gặp nhiều khó khăn.

Nhiều hộ nuôi tôm ở Quỳnh Lưu cho biết sẽ giảm diện tích ao nuôi và giảm mật độ con giống để không thua lỗ khi giá thức ăn cho tôm tăng nhanh. Ảnh: Thanh Phúc
Nhiều hộ nuôi tôm ở Quỳnh Lưu cho biết sẽ giảm diện tích ao nuôi và giảm mật độ con giống để không thua lỗ khi giá thức ăn cho tôm tăng nhanh. Ảnh: Thanh Phúc

Người nuôi tôm đang tìm mọi biện pháp để điều chỉnh, cân đối trong quá trình nuôi để có một vụ tôm thắng lợi. Ông Hoàng Xuân Tin (xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Lưu) là một trong những hộ đầu tư nuôi tôm với diện tích lớn trên địa bàn huyện. Vụ tôm năm nay, theo kế hoạch, ông sẽ giảm từ 6 ao xuống 4 ao và giảm mật độ nuôi từ 100-120 con/m2 xuống 60 – 70 con/m2 để cân đối khoản chi phí về thức ăn.

Ông Tin chia sẻ: “Giá thức ăn tăng sẽ đội chi phí đầu tư tăng lên, nếu không hoạch định kỹ lưỡng rất dễ thua lỗ. Theo tính toán, 1 ha tôm bình quân khi thu hoạch sẽ đạt sản lượng 7 tấn; trong khi đó chi phí cho 1 ha tôm mất khoảng 10 tấn thức ăn, cộng với chi phí thuốc, tiền đầu tư mất khoảng 500 triệu đồng. Nếu tôm bán với giá trên 100.000 đồng/kg loại 100 con thì may chăng có lãi; còn bán với giá dưới 90.000 đồng/kg thì người nuôi tôm xem như thua lỗ”.

Nhiều hộ chuyển từ nuôi lợn sang nuôi dê để giảm bớt chi phí đầu vào khi thức ăn chăn nuôi liên tục tăng giá. Ảnh: Thanh Phúc
Nhiều hộ chuyển từ nuôi lợn sang nuôi dê để giảm bớt chi phí đầu vào khi thức ăn chăn nuôi liên tục tăng giá. Ảnh: Thanh Phúc

Sau khi tăng giá và chạm mốc 55.000 đồng/kg, đến ngày 2/3, giá lợn hơi lại quay đầu giảm còn 51.000 đồng – 53.000 đồng/kg; giá gà thịt tại chuồng hiện cũng chỉ ở mức 60.000 đồng – 65.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi lại liên tiếp tăng khiến người chăn nuôi đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Phượng, một hộ chăn nuôi tại xã Ngọc Sơn (Đô Lương) cho biết: “Vừa xuất bán lứa lợn 5 con, tính ra thì không có lãi. Hết lứa này thì tạm nghỉ nuôi lợn vì giá thức ăn tăng cao, tăng 300 đồng/kg tưởng là ít, là nhỏ, nhưng mỗi con lợn từ khi vào đàn đến khi xuất chuồng tăng thêm cả trăm nghìn đồng tiền thức ăn. Do đó, thay vì nuôi nhiều, tôi sẽ giảm xuống nuôi 2-3 con, cho ăn rau, ngô, cám gạo và bổ sung đầu cá xay, khô dầu, bã bia thay cho thức ăn công nghiệp. Số chuồng trống còn lại, trước mắt sẽ chuyển sang vật nuôi ăn cỏ như dê, thỏ thay thế tạm thời”.

Tăng cường thức ăn xanh, thức ăn thô từ phụ phẩm nông nghiệp thay thế thức ăn công nghiệp. Ảnh: Thanh Phúc
Tăng cường thức ăn xanh, thức ăn thô từ phụ phẩm nông nghiệp thay thế thức ăn công nghiệp. Ảnh: Thanh Phúc

Theo tính toán, thức ăn chiếm khoảng 70% trong cơ cấu giá thành sản xuất nên khi giá bán mặt hàng thức ăn càng tăng thì người chăn nuôi sẽ không có lãi, thậm chí thua lỗ. Bởi vậy, thời điểm này, người chăn nuôi đang xoay xở tìm cách thích ứng phù hợp để giảm thiểu rủi ro. Cụ thể như: giảm quy mô, giảm đàn, nuôi gối vụ thì nhiều hộ, nhiều trang trại đang chuyển dần sang việc bổ sung các loại thức ăn thay thế. Theo đó, các phụ phẩm nông nghiệp: cám ngô, cám lúa, cám thân lạc, bã bia, rỉ mật, đầu cá, khô dầu… các loại được tận dụng đưa vào thay thế thức ăn công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều hộ đã chuyển sang chăn nuôi các loại khác ít tiêu tốn thức ăn công nghiệp hơn như dê, thỏ, bò, trâu.

Người dân đang chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang liên kết chuỗi để đảm bảo có lãi. Ảnh: Thanh Phúc
Người dân đang chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang liên kết chuỗi để đảm bảo có lãi. Ảnh: Thanh Phúc

Ngoài ra, một trong những giải pháp mà các hộ chăn nuôi đang hướng đến là xây dựng liên kết thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác... để tiếp cận vào chuỗi của các doanh nghiệp, chủ động tiêu thụ sản phẩm và cân đối cung - cầu để đảm bảo sản lượng tiêu thụ, cũng như ổn định giá bán. Nâng cao vai trò của các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết trong kết nối với nhà cung cấp thức ăn để thương lượng mức giá ưu đãi, chiết khấu với số lượng lớn cho các thành viên.

Mới nhất
x
Nông dân Nghệ An tìm cách thích ứng khi thức ăn chăn nuôi tăng giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO