Nữ 'chiến sỹ' chống dịch và hành trình vượt lên nghịch cảnh
(Baonghean.vn) - Với sự lạc quan, kiên cường, chị Nguyễn Thị Hiền - nhân viên y tế Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Phổi Nghệ An đã chọn cho mình một thái độ sống khiến ai cũng phải khâm phục.
SÓNG GIÓ VÀ KỲ TÍCH
Với tổng thu nhập trung bình trên dưới 4 triệu đồng, nếu không có những chính sách miễn giảm học phí cho hộ nghèo, chị Hiền khó lòng có thể trang trải tiền ăn học cho 2 con của mình. Trước khi tai ương ập đến, gia đình chị được xem là khá giả với một căn nhà khang trang.
Chị Hiền quê gốc ở Hải Dương. Năm 21 tuổi, khi đang làm công nhân cho nhà máy, chị gặp anh Thái Viết Hảo (Nghi Vạn, Nghi Lộc). Yêu cái tính điềm đạm, chững chạc của anh, chị theo anh về làm dâu xứ Nghệ.
Ngoài vai trò làm vợ làm mẹ chị Hiền còn là đôi tay đôi mắt của chồng. Ảnh: D.T |
Năm 2014, khi đang làm công việc ở một nhà xe, anh Thái Viết Hảo vô tình trở thành nạn nhân trong một vụ mưu sát bằng thuốc nổ. Vụ nổ kinh hoàng đó đánh bay 2 bàn tay và làm sập toàn bộ gương mặt anh. Bản thân chưa có công việc ổn định, cậu con trai thứ 2 mới được 15 tháng, chị Nguyễn Thị Hiền tất bật vay mượn khắp nơi, cầm cố căn nhà và bán đi tất cả những gì có thể để chạy chữa cho chồng. Sau 3 tháng trời đi khắp các bệnh viện từ địa phương đến trung ương, anh Hảo giữ được mạng sống nhưng không cứu được bàn tay và đôi mắt. Từ đó, ngoài công việc của một người phụ nữ của gia đình, chị đảm nhận cả công việc của chồng và trở thành đôi tay, đôi mắt của anh.
Nhớ lại những ngày tháng hoạn nạn, chị nén xúc động: “Với tôi, khó khăn lớn nhất cần phải vượt qua chính là phải giữ vững tinh thần. Dù vô cùng suy sụp nhưng tôi luôn phải tỏ ra vững vàng, vui vẻ để trấn an, xoa dịu mất mát của chồng và sự lo lắng của người thân”. Đó là những ngày chị hốt hoảng tìm chồng vì anh tìm cách bỏ nhà đi để trốn tránh nỗi chán chường, thất vọng. Đó là những ngày chị hụt hẫng vì cậu con trai thứ 2 không cho chị bồng vì không nhận ra mẹ sau nhiều ngày xa cách. Đó là những ngày chị phải nghe người ta chê khôn, chê dại, xui chị bỏ chồng. Là những ngày trái tim chị như xát muối khi phải chứng kiến sự xót xa của bố mẹ… Chị gắng gượng để đối diện với tất cả bằng sự bình thản nhất có thể.
Vì bận rộn, chị Hiền luôn cố gắng hoàn thành tất cả công việc thật nhanh để dành thời gian cho các con. Ảnh: D.T |
Để hoàn thành tất cả công việc của mình, chị Hiền thường dậy từ sáng sớm và làm luôn tay đến 10 giờ đêm, từ chợ búa, cơm nước đến đưa đón con đi học, từ làm ruộng đến nuôi gà, từ vệ sinh cá nhân đến đút cơm, đánh răng cho chồng, từ dạy con học đến dọn dẹp nhà cửa…
Khó khăn, vất vả nhưng chị Hiền vẫn nhìn thấy những niềm vui khác. Niềm vui đó đến từ sự đùm bọc, yêu thương của láng giềng, người thân, từ cô con gái đầu hiểu chuyện, ngoan ngoãn, từ những thay đổi tích cực mỗi ngày của chồng… “Vợ chồng tôi sẽ không bao giờ quên rằng, trong cơn bĩ cực, những người dân trong làng đã sẵn sàng hiến máu để cứu chồng tôi, những người không quen biết quyên góp tiền hỗ trợ chúng tôi, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện để tôi có một công việc ổn định tại Bệnh viện Phổi Nghệ An, anh em bạn bè cưu mang, chăm sóc các con khi tôi bận rộn… Vì thế, chúng tôi phải sống thật tốt, để cảm ơn mọi người, cảm ơn cuộc đời”, chị Hiền trải lòng.
NHƯ MỘT LỜI CẢM ƠN
Ở Bệnh viện Phổi Nghệ An, chị Nguyễn Thị Hiền đảm nhận công việc của một nhân viên Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn. Công việc của chị bao gồm vệ sinh dụng cụ, thiết bị y tế, giặt giũ đồ vải, thu gom rác thải, lau chùi, vệ sinh phòng ốc, thường xuyên tiếp xúc với hóa chất và rác thải có nguy cơ lây nhiễm cao… Bình thường công việc đã vất vả, trong thời điểm dịch bệnh, công việc lại thêm phần rủi ro. Vậy mà nói về nó, chị chỉ kể về niềm vui: “Được làm việc gần nhà, trong một môi trường đoàn kết, vui vẻ, đồng nghiệp hòa nhã, lãnh đạo tâm lý, như vậy là hạnh phúc và may mắn lắm rồi”.
Công việc của chị Hiền tiếp xúc với nhiều hóa chất độc hại và rác thải có nguy cơ lây nhiễm. Ảnh: D.T |
Nhận xét về chị, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn - chị Đặng Thị Thu Hiền nói: “Hiền là một nhân viên chu đáo, gương mẫu, làm tất cả mọi việc với tinh thần cống hiến, vô tư, sẵn sàng giúp đỡ, không bao giờ đòi hỏi lợi ích cho mình hay tị nạnh hơn thua”.
Giới thiệu với tôi luống rau xanh tốt mà chị Hiền đã tranh thủ thời gian rảnh để trồng trên khoảnh đất trống của bệnh viện, vị trưởng khoa chia sẻ thêm: “Điều đáng quý nhất ở Hiền sự tự lực vươn lên trong công việc và không muốn mọi người phải ưu tiên, chiếu cố cho hoàn cảnh của mình. Dẫu không có nhiều sự hỗ trợ từ chồng như các chị em khác nhưng Hiền luôn nhận phần việc bằng hoặc nhiều hơn người khác, luôn tự nguyện xung phong đảm nhận những công việc vất vả, sẵn sàng hỗ trợ đồng nghiệp”.
Với tinh thần tự nguyện, cống hiến, chị Hiền là một trong những người đầu tiên đăng ký tham gia chống dịch tại bệnh viện dã chiến số 5 những ngày cao điểm. Trong danh sách đăng ký, chị Hiền là trường hợp khiến lãnh đạo bệnh viện cân nhắc nhiều nhất. Mọi người vừa muốn chị đi vì chị nhanh nhẹn, biết việc vừa sợ rằng nếu chị đi, cuộc sống gia đình chị sẽ bị xáo trộn.
Ấy vậy mà, ngay khi nghe vợ chia sẻ, anh Hảo đã động viên chị: “Đây là lúc mọi người cần mình, em hãy yên tâm lên đường chống dịch, ở nhà anh và con có thể tự thu xếp được”.
Trải qua sóng gió, anh Hảo và chị Hiền luôn mong muốn có thể cống hiến nhiều hơn cho cuộc đời. Ảnh: D.T |
Vậy là 2 con của chị phân công nhau, thay mẹ làm việc nhà và làm đôi tay, đôi mắt của bố. Bố, mẹ chồng chị đang nằm viện cũng ủng hộ, xin về để hỗ trợ con, cháu. Chị Hiền lên đường với mong muốn góp sức mình vào cuộc chiến chống dịch.
Đi chống dịch đúng vào thời điểm thời tiết khắc nghiệt nhất trong năm, chị Nguyễn Thị Hiền vẫn nhớ như in cảm giác bức bối, nóng nực khi làm việc trong bộ đồ bảo hộ y tế. “Đội chúng tôi có 4 người, chia làm 3 ca, mỗi ca 4 tiếng, thay phiên nhau làm nhiệm vụ thu gom rác thải, vệ sinh môi trường bề mặt, giặt giũ... cho khu điều trị 7 tầng. Hình ảnh thường trực của các thành viên là 2 tay 2 túi rác lớn, bên trong đồ bảo hộ là quần áo ướt nhẹp mồ hôi. Mồ hôi làm da nhăn nheo, mẩn đỏ, mồ hôi đọng thành vũng mặn chát bên trong khẩu trang, tràn hết cả vào miệng mỗi lần nói chuyện hay thở”, chị Hiền nhớ lại.
Không chỉ thế, vì luôn phải tắm gội sau những ca trực liên tiếp nên rất nhiều lần các chị đi ngủ khi tóc vẫn còn ướt hoặc nhận ca khi tóc chưa kịp khô. Điều này dẫn đến tình trạng rụng tóc và đau đầu mà hầu hết người nào cũng mắc phải. Vất vả là vậy nhưng chị Hiền không chỉ hoàn thành nhiệm vụ của mình còn sẵn sàng hỗ trợ những người khác. Chị giải thích: “Vì từng làm nông nên tôi đã quen với những công việc nặng nhọc, không cảm thấy quá mệt và hồi sức rất nhanh. Vậy nên tôi có thể tranh thủ hỗ trợ mọi người đưa cơm hoặc thay ca khi cần thiết”.
Trở về sau những ngày tăng cường chống dịch, chị Hiền lại tiếp tục công việc và vai trò của mình. Cả chị và anh Hảo đều cho rằng, 2 tháng chị xa nhà là bước ngoặt đáng nhớ của gia đình, là cơ hội để các thành viên tự tin hơn, để con trưởng thành hơn, để thêm trân trọng cuộc sống này.
Ngồi “nghe” vợ tất bật nhặt rau, nấu nướng chuẩn bị bữa cơm chiều, anh Hảo nghiêng đầu, thổ lộ: “Hạnh phúc nhất là trải qua sóng gió, gia đình chúng tôi vẫn ở được ở bên nhau và đã trả gần hết nợ. Bây giờ, ngoài mong ước bình an cho vợ con, tôi còn mong một ngày nào đó mình đủ điều kiện để đi hiến máu và có được một cây gậy thông minh dẫn đường để vợ bớt phải lo lắng”. Điều ước giản dị của anh Hảo cũng chính là mong mỏi của chị Hiền. Hy vọng những điều ước bình dị đó sẽ sớm trở thành sự thật.
8/3 vừa qua, LĐLĐ tỉnh Nghệ An biểu dương, tôn vinh, trao thưởng các tấm gương nữ chiến sĩ áo trắng trong chống dịch Covid-19, trong số đó có chị Nguyễn Thị Hiền. Ảnh: Thành Chung |
Với những cống hiến của mình cho cuộc chiến phòng, chống Covid-19, vừa qua, chị Nguyễn Thị Hiền đã được Sở Y tế tặng Giấy khen và là 1 trong 77 nữ cán bộ y tế được Liên đoàn Lao động tỉnh tuyên dương nhân dịp 8/3.