Đưa sản phẩm OCOP Nghệ An thành sản phẩm phục vụ du lịch
(Baonghean.vn) - Với thế mạnh và tiềm năng của mình, sản phẩm OCOP Nghệ An thực sự rất có thị trường để tham gia vào phát triển du lịch.
Sản phẩm du lịch trên thế giới cũng như Việt Nam rất phong phú đa dạng, tuy nhiên, phổ biến ở nước ta hiện nay có: Du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch nông thôn (canh nông), du lịch sáng tạo (ví dụ như kết hợp học nấu ăn, trực tiếp làm đồ lưu niệm, đồ thủ công mỹ nghệ,...), du lịch văn hóa và du lịch mua sắm…
Sản phẩm du lịch là sản phẩm vô hình và hữu hình phục vụ cho nhu cầu của con người trong chuyến du lịch. Tính chất của sản phẩm du lịch là rất phong phú, luôn biến đổi theo nhu cầu của khách du lịch và sự phát triển của nền kinh tế tại mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ. Vì vậy, muốn có một sản phẩm du lịch chất lượng cao, thì nó phải tuân theo các nguyên tắc là: Phù hợp với nhu cầu khách hàng, mang lại lợi ích kinh tế; có tính đặc sắc của thiên nhiên, của phong tục tập quán cũng như văn hóa cộng đồng; có tính tổng thể và nguyên tắc bảo tồn (môi trường và văn hóa, xã hội).
Từ những vấn đề liên quan đến phát triển du lịch bền vững, nguyên tắc tạo nên sản phẩm du lịch chất lượng ta thấy rằng, sản phẩm phục vụ du lịch có ý nghĩa rất lớn trong việc đưa ra các "gói sản phẩm du lịch”. Nó không những có thể trực tiếp trở thành một sản phẩm du lịch (du lịch mua sắm) mà còn là một sản phẩm bổ trợ cho tất cả các sản phẩm du lịch khác. Nó không những tạo nên sự đặc sắc riêng của vùng miền để khách nhớ, khách khám phá mà còn tạo nên thu nhập cũng như giá trị gia tăng cho doanh nghiệp du lịch và cả cộng đồng nhân dân. Bởi vì sản phẩm đó thường gắn với văn hóa tri thức bản địa, gắn với truyền thống, và mang lại sự đặc sắc của vùng miền. Nó có thể là sản phẩm ẩm thực, sản phẩm nông sản, đặc sản, thủ công mỹ nghệ,... Việc này không những tăng thêm sức hút cho du lịch mà còn góp phần quảng bá hình ảnh địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho nhân dân địa phương và góp phần phát triển du lịch bền vững.
Nghệ An là tỉnh đứng thứ hai cả nước (sau Hà Nội) về số lượng sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3 sao trở lên. Đến hết năm 2022, Nghệ An có 403 sản phẩm từ 3 sao trở lên (chiếm 4,6% cả nước), trong đó 43 sản phẩm 4 sao, 359 sản phẩm đạt 3 sao và 1 sản phẩm đạt 5 sao, với sự đa dạng, phong phú. Khá nhiều sản phẩm đã vượt ra khỏi thị trường trong huyện, xã, thậm chí có sản phẩm đi vào siêu thị, ra các thành phố lớn và cả xuất khẩu. Tuy nhiên, ít có sản phẩm nào trở thành sản phẩm chính thức phục vụ du lịch chung của tỉnh.
Nguyên nhân của vấn đề trên, theo chúng tôi là: Đã khá lâu, Nghệ An cũng đã đặt vấn đề phát triển sản phẩm phục vụ du lịch ( thậm chí có đề án), tuy nhiên, cách làm và giải pháp không rõ nên không thành công. Trong khi đó, thời gian triển khai chương trình OCOP mới được 4 năm, một thời gian đang quá ngắn đối với việc phát triển một sản phẩm hàng hóa.
Mặc dù có nhiều sản phẩm được xếp hạng 3 sao trở lên, nhưng số lượng sản phẩm đặc trưng vùng miền, độc đáo, đậm nét văn hóa vùng miền, có tính truyền thống, lịch sử không nhiều. Số sản phẩm có đặc tính đó thì chưa được xây dựng thành câu chuyện để thuyết phục khách hàng, để quảng bá sản phẩm. Bao bì nhãn mác của nhiều sản phẩm chưa bắt mắt, thậm chí có sản phẩm chưa đảm bảo quy định về thông tin trên nhãn hàng hóa. Đa số sản phẩm quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, thậm chí có nơi còn ở mức “ăn thì thừa, bán (lượng lớn) thì thiếu”! Chính vì thế có người nói: Chúng tôi vét từ đầu đến cuối tỉnh mà vẫn không mua đủ để làm quà tặng”! (điều này cũng không trách được người sản xuất - vì nhu cầu đột xuất).
Vấn đề quảng bá sản phẩm cũng đã có nhưng hiệu quả chưa cao. Cuối cùng là chưa có nơi để tập trung quảng bá cũng như bán hàng cho khách du lịch một cách đúng tiêu chuẩn. Vì vậy, khách muốn mua cũng không biết mua ở đâu.
Tuy nhiên, trong thời gian trước mắt, để có sản phẩm độc đáo, đặc trưng về lịch sử, văn hóa vùng miền, nhằm góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Nghệ An, cần tổ chức cuộc thi bình chọn một số sản phẩm tiêu biểu nhất trong hơn 400 sản phẩm hiện có. Để tuyển chọn, cần xây dựng tiêu chí, thang điểm, mức điểm và có hội đồng chuyên gia lĩnh vực du lịch và liên quan. Những sản phẩm đạt 70/100 điểm, không có điểm liệt, sẽ được chọn và tiếp tục loại bỏ dần để có các sản phẩm mong muốn. Sau khi được chọn, tỉnh nên có chính sách hỗ trợ để hoàn thiện sản phẩm để đạt tiêu chí phục vụ du lịch, cũng như các nội dung liên quan đến sản phẩm (câu chuyện về sản phẩm - thuyết trình giới thiệu sản phẩm; không gian tham quan, trải nghiệm;...).
Cơ quan chức năng xây dựng, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm (nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý). Hỗ trợ thiết kế mẫu mã sản phẩm, mẫu bao bì, nhãn mác. Hỗ trợ ứng dụng đổi mới công nghệ để sáng tạo sản xuất sản phẩm mới, nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng; Hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm: Truyền thông, xây dựng website, fanpage, hội chợ,... Khuyến khích vận động nhân dân trong tỉnh sử dụng với tinh thần: “Mỗi người dân là một đại sứ thương hiệu”.
Tại một số khu du lịch trọng điểm của tỉnh như: Cửa Lò, Kim Liên - Nam Đàn, Vinh... cần hỗ trợ cho doanh nghiệp xây dựng “Trung tâm mua sắm quà lưu niệm và đặc sản Nghệ An đạt chuẩn du lịch. Đây là nơi không chỉ quảng bá và bán sản phẩm được lựa chọn nêu ở trên, mà còn dành cho các sản phẩm OCOP cũng như sản phẩm khác của tỉnh. Các huyện thị còn lại cũng xây dựng ở quy mô phù hợp và vị trí hợp lý (luôn gắn với du lịch), khi có nhu cầu và không xây dựng ồ ạt, tránh lãng phí.
Giải pháp nữa là xây dựng cơ chế hỗ trợ kết nối chuỗi giữa các nhà sản xuất với các công ty hoạt động du lịch, nhất là các công ty lữ hành. Đồng thời củng cố kết nối chuỗi ngang giữa các nhà sản xuất để đảm bảo sản xuất số lượng lớn và đồng đều về chất lượng, mẫu mã (nếu là làng nghề). Ứng dụng công nghệ để đưa ra các giải pháp du lịch thông minh để khách du lịch dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ du lịch cũng như mua sắm đặc sản và quà lưu niệm.
Để sản phẩm OCOP trở thành sản phẩm phục vụ du lịch, rất cần làm một cách bài bản, hướng dẫn tư vấn cụ thể, sâu sát, và thường xuyên liên tục và dài hơi. Mong rằng sản phẩm OCOP cùng với du lịch sẽ góp phần phát triển kinh tế nông thôn và nâng tầm thương hiệu Nghệ An bay xa./.