Phá lực cản cục bộ địa phương

05/04/2017 08:33

(Baonghean) - Châu Cường là xã có tiềm năng của huyện Quỳ Hợp nhưng trong một thời gian dài là địa phương trì trệ, yếu kém. Khoảng 3 năm gần đây, Châu Cường có bước chuyển đổi toàn diện.

Báo Nghệ An có cuộc đối thoại với ông Lưu Xuân Điểm - cán bộ huyện tăng cường làm Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã (từ năm 2014) về một số nội dung liên quan.

Công chức xã Châu Cường đổi mới thái độ phục vụ dân bản. Ảnh: Ngô Kiên
Công chức xã Châu Cường đổi mới thái độ phục vụ dân bản. Ảnh: Ngô Kiên

P.V: Trước đây, Châu Cường là địa phương còn yếu kém và trì trệ, theo nhận định của ông, đâu là nguyên nhân?

Ông Lưu Xuân Điểm: Châu Cường có 96% dân số là người dân tộc Thái, sinh sống trên 11 xóm, bản, diện tích tự nhiên rộng (8.400 ha, bằng khoảng 1/10 huyện Quỳ Hợp), có quặng thiếc, đá trắng để phát triển công nghiệp và làng nghề. Tuy vậy, xã vẫn gặp nhiều khó khăn trong phát triển KT-XH.

Qua tìm hiểu, nắm bắt tình hình, tập thể đảng ủy xã đã thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân dẫn đến yếu kém và trì trệ kéo dài ở Châu Cường là cán bộ xã còn nể nang, ngại va chạm, ngại đấu tranh, ngại hành động.

Trong giải quyết công việc, cấp ủy và chính quyền còn để quan hệ tình cảm chi phối, gần như không có tư tưởng tiến công mà chủ yếu là tư tưởng cầm chừng, tự bằng lòng và thích lấy lòng người khác chứ ít quan tâm đến hiệu quả công việc. Do đó, người làm việc hiệu quả không được coi trọng, công tác chỉ đạo sản xuất ít được quan tâm, sức ỳ từ cán bộ đến người dân đều rất lớn.

Cán bộ xã Châu Cường (Quỳ Hợp) kiểm tra việc thực hiện nuôi nhốt trâu, bò tại bản Hạ Đông. Ảnh: Ngô Kiên
Cán bộ xã Châu Cường (Quỳ Hợp) kiểm tra việc thực hiện nuôi nhốt trâu, bò tại bản Hạ Đông. Ảnh: Ngô Kiên

P.V: Để tạo ra những đổi thay, nhất là với tư tưởng trông chờ ỷ lại, ngại khó đã trở thành “thâm căn cố đế” là việc không hề dễ dàng. Vậy Châu Cường đã có những giải pháp gì để vượt qua khó khăn?

Ông Lưu Xuân Điểm: Trăn trở đầu tiên là thay đổi tư duy, phương pháp của cán bộ cấp ủy và UBND xã. Cụ thể là nói đi đôi với làm, phải nêu gương bằng việc làm cụ thể. Do đó phải tập trung giải quyết từng việc và có hiệu quả rõ.

Xác định giao thông là đòn bẩy để phát triển kinh tế, cấp ủy phát động chiến dịch làm đường. Được xã tuyên truyền, vận động, toàn dân đã ủng hộ, nhà nhà đã hiến cây, hiến đất, dân tự nguyện đóng góp kinh phí, tham gia ngày công làm 20Km đường. Huy động cán bộ, công nhân viên chức các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn chọn 2 km đường liên thôn khó khăn nhất để làm điểm, nêu gương cho người dân.

Từ thành công trong chiến dịch làm giao thông, Châu Cường tiếp tục triển khai làm 5 km đường nội đồng, cứng hóa nhiều kênh mương để chống khô hạn.

Nhận thấy đồng đất Châu Cường chỉ làm mỗi năm 2 vụ là còn lãng phí, tập thể cấp ủy và chính quyền bàn kỹ và ra nghị quyết tăng lên 3 vụ. Năm 2015, lần đầu tiên xã Châu Cường làm đồng loạt 3 vụ và hiệu quả đã được khẳng định. Xã liên kết với các doanh nghiệp uy tín để đảm bảo chất lượng từ cung ứng giống, vật tư, đến hợp đồng bao tiêu nông sản. Với cây ngô vụ 3, người dân có thể lựa chọn bán ngô hạt, có thể bán cả cây ngay tại ruộng.

Cùng với đó, xã phát động phong trào cải tạo vườn hoang vườn tạp, vận động người dân chặt cây, xã hỗ trợ phương tiện để đào múc, san đất; Tập trung chỉ đạo xóa tình trạng chăn thả rông, thay đổi giống đàn trâu bò địa phương chất lượng kém, vận động nhân dân chăn nuôi theo hình thức nuôi nhốt.

Huyện Quỳ Hợp vừa chọn triển khai mô hình “Đảm bảo an ninh trong việc chăn nuôi trâu, bò” giai đoạn 2017 - 2021 ở Châu Cường; tổ chức thành công mô hình “Tiếng kẻng bình yên” nhằm nâng cao ý thức bảo vệ trật tự trị an trên địa bàn.

Qua những việc làm cụ thể, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện, đồng thời cán bộ cũng được rèn luyện, được nâng tầm tư duy, kỹ năng, phương pháp để đáp ứng nhiệm vụ.

Làm đường thôn bản ở xã Châu Cường (Quỳ Hợp). Ảnh: Ngô Kiên
Làm đường thôn bản ở xã Châu Cường (Quỳ Hợp). Ảnh: Ngô Kiên

P.V: Với tinh thần nhìn thẳng, nói thật, từ góc độ là cán bộ huyện tăng cường về xã, theo ông, thực trạng hiện nay ở các xã miền núi là gì? Ông có thể nêu một số đề xuất với cấp trên?

Ông Lưu Xuân Điểm: Hạn chế rất “nhạy cảm” tại nhiều xã hiện nay là tình trạng nể nả, ngại va chạm, cục bộ địa phương. Điều này làm giảm tinh thần phê và tự phê, thiếu thẳng thắn trong công việc. Mà cán bộ như thế thì lấy đâu ra hiệu quả, lấy đâu ra đột phá?

Cùng với đó, trong bầu cử, họ thường quan niệm vị trí công tác gắn với quyền lợi, mà ít nhìn ở góc độ vị trí gắn với trách nhiệm, năng lực. Do đó, họ thường bầu cho người thân, để “người nhà mình” có quyền lợi. Chứ chưa nhìn nhận vào năng lực để tín nhiệm. Do đó, trong bầu cử, có khi đa số, hay số đông, chưa phản ánh được bản chất của tính dân chủ, đôi khi chỉ là biểu hiện của tính cục bộ.

Ở cấp xã, vai trò và vị trí của công chức tương đối rõ nét, vì được đào tạo theo chuyên môn, nhiệm vụ hàng ngày khá rõ, còn cán bộ do bầu cử đang có nhiều vị trí chưa rõ việc, chất lượng chưa đáp ứng. Có tình trạng một số người có chút ít năng khiếu, rồi được quy hoạch và bầu vào vị trí lãnh đạo, chỉ đạo. Tình trạng này làm thủ tiêu đấu tranh, làm cho những người có năng lực không có điều kiện, môi trường để phát huy.

Theo tôi, cần có một số giải pháp mạnh như: Tăng cường luân chuyển, ngoài luân chuyển dọc (từ huyện đến xã), thì phải luân chuyển ngang (xã này đi xã khác) để tránh tình trạng cục bộ địa phương. Tại những nơi có biểu hiện yếu kém, trì trệ, cần tạo đột phá bằng cách chỉ định cán bộ có năng lực, có nhiệt huyết, có quyết tâm hành động đổi mới giữ vị trí chủ trì.

Mỗi vị trí công việc cần giao trách nhiệm cụ thể, ai làm, làm bao lâu, làm như thế nào, là phải được kiểm tra, đánh giá rõ. Nếu giao việc không hoàn thành, hiệu quả không rõ thì cần sớm thay đổi, chuyển đổi. Tránh tình trạng kéo dài thời gian tại những vị trí cán bộ làm việc không có trách nhiệm, được chăng hay chớ.

P.V: Cảm ơn ông!

Ngô Kiên

(Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN

Phá lực cản cục bộ địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO