Phát huy thế mạnh của huyện Anh Sơn trong chiến lược phát triển miền Tây
(Baonghean.vn) - Đồng chí Đặng Thanh Tùng - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Anh Sơn trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An về những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong chiến lược phát triển chung của miền Tây tỉnh Nghệ An.
Phóng viên:Trong nhiều thành tích đạt được năm 2017, theo đồng chí, lĩnh vực nào nổi bật nhất?
Đồng chí Đặng Thanh Tùng: Năm 2017, Đảng bộ và nhân dân huyện Anh Sơn thu được rất nhiều kết quả, trong đó có 24/28 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch. Tổng giá trị sản xuất ước 4.455 tỷ đồng, đạt 100,17%, tăng 12,77% so với năm 2016. Tốc độ tăng trưởng 10,13%. Tổng vốn huy động đầu tư toàn xã hội 943,4 tỷ đồng. Thu nhập bình quân 25,5 triệu đồng/người/năm.
Trồng chè nguyên liệu là một trong những thế mạnh ở Anh Sơn. Ảnh NS |
Hoạt động xúc tiến đầu tư được quan tâm, tổ chức nhiều đợt tiếp xúc, gặp gỡ các nhà đầu tư trong và ngoài huyện để mời gọi đầu tư. Trong năm 2017, một số dự án có vốn đầu tư lớn được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư vào địa bàn như: Dự án sản xuất gỗ ván sợi MDF; dự án sản xuất giống lợn công nghệ cao; dự án đầu tư Trung tâm nghiên cứu khoa học vật nuôi công nghệ cao; Dự án Thủy điện Cẩm Sơn...
Công tác giáo dục và đào tạo tiếp tục được chăm lo, đạt nhiều thành tích cao. Năm học 2016 - 2017, kết quả thi học sinh giỏi cấp tỉnh xếp thứ 2 toàn tỉnh. Tổng số trường “đạt chuẩn Quốc gia” 43 trường, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia 65,15%. Bệnh viện huyện phát triển được các kỹ thuật khó, yêu cầu cao như: Kỹ thuật mổ bướu giáp nội soi, Kỹ thuật mổ nội soi, Phẫu thuật tán sỏi niệu quản bằng Laze ngược dòng... Có 4 xã đã hoàn thành thủ tục đề nghị tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế (Đỉnh Sơn, Hoa Sơn, Tào Sơn, Lĩnh Sơn).
Trong năm, huyện đã tạo việc làm mới cho 2.700 người, đạt 114,89% KH. Trong đó: lao động trong nước 1.450 người, xuất khẩu lao động 1.250 người. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 7,91% (giảm 2,8% so với năm 2016); 5.690 hộ nghèo, gia đình chính sách, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được tặng quà với tổng trị giá hơn 3,7 tỷ đồng, ngoài ra còn có nhiều quà tặng vật chất khác. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 83%.
Các lực lượng cùng hệ thống chính trị duy trì tốt phương án sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành thông qua kế hoạch xây dựng cơ sở ATLC - SSCĐ năm 2017 cho các xã, thị trấn. Phối hợp các lực lượng nắm chắc tình hình biên giới, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ giữ vững tình hình, không để xảy ra vụ việc phức tạp. Chủ động phối hợp với cơ sở để phát hiện kịp thời những vấn đề nổi cộm, đảm bảo tuyệt đối an toàn các mục tiêu trọng điểm, các hoạt động chính trị, văn hóa - xã hội.
Phóng viên:Với nhiều dự án được thu hút đầu tư vào địa bàn, điều đó đóng vai trò như thế nào trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong ngắn hạn và dài hạn, thưa đồng chí?
Đồng chí Đặng Thanh Tùng: Xác định thu hút đầu tư là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi diện mạo quê hương Anh Sơn, thời gian qua, huyện đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong giải phóng mặt bằng, trong giải quyết các thủ tục hành chính... Bên cạnh đó, nâng cao năng lực của cán bộ các phòng, ban chuyên môn, tăng cường phối hợp trong xây dựng và quản lý quy hoạch, đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi để các nhà đầu tư có năng lực triển khai dự án góp phần phát triển KT - XH bền vững.
Hệ thống kênh mương nội đồng xã Hoa Sơn được xây dựng mới đảm bảo tưới tiêu phục vụ sản xuất. Ảnh: S.M
Lãnh đạo huyện Anh Sơn đã tranh thủ mọi diễn đàn để kêu gọi thu hút đầu tư. Từ đó thu hút được nhiều dự án lớn trên địa bàn như: Dự án sản xuất gỗ ván sợi MDF tại Khu công nghiệp Tri Lễ xã Khai Sơn với tổng mức đầu tư 1.754 tỷ đồng; Dự án trung tâm thương mại, kinh doanh dịch vụ tổng hợp tại thị trấn Anh Sơn với tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng; Dự án trung tâm hội nghị, thể thao và du lịch Kim Nhan PLAZA tại thị trấn Anh Sơn với tổng mức đầu tư 61 tỷ đồng; Dự án đầu tư Trung tâm nghiên cứu khoa học vật nuôi công nghệ cao tại xã Hùng Sơn của Công ty cổ phần Tập đoàn MAVIN Austfeed với tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng; Dự án Thủy điện Cẩm Sơn với mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.
Hoạt động xúc tiến đầu tư trên địa bàn huyện những năm qua đã thu được kết quả bước đầu tích cực, qua đó thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu và phát triển KT - XH, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Nhất là tạo đà cho phát triển trong những năm tới.
Những năm gần đây, đậu cô ve là loại cây được bà con nông dân huyện Anh Sơn trồng rất nhiều trong vụ đông |
Đồng chí Đặng Thanh Tùng: Huyện tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm các chương trình, đề án giai đoạn 2015 – 2020. Trong đó lưu ý các chỉ tiêu hàng năm như: Tốc độ tăng trưởng, ổn định xã hội, quan tâm thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội, đặc biệt ở những xã nghèo, vùng khó khăn…
Để khai thác hết tiềm năng lợi thế hiện có, huyện Anh Sơn tập trung chọn mũi đột phá, phát triển khai quyết liệt các dự án thu hút đầu tư trên địa bàn, nhất là phải thu hút mạnh vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến nhằm phát triển các sản phẩm chủ lực của huyện. Cùng đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất và giá trị; đưa nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa sạch, hình thành thêm các vùng chuyên canh nguyên liệu, đảm bảo nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu các sản phẩm như: chè, tinh bột sắn, nguyên liệu gỗ… Đẩy nhanh xây dựng nông thôn mới, phát triển bền vững những xã đã đạt chuẩn. Tăng cường đối thoại với nhân dân, qua đó nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người dân, cùng tháo gỡ những khó khăn phát sinh từ cơ sở nhằm ổn định xã hội để chăm lo phát triển kinh tế.
Phóng viên:Xin cảm ơn đồng chí!