Phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong xây dựng nông thôn mới ở Nghệ An
Chiều 27/12, Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo đánh giá thực trạng, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp phát triển các mô hình kinh tế trang trại, kinh tế tuần hoàn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Nghệ An giai đoạn 2024 - 2030.
Hiện nay, toàn tỉnh Nghệ An có 440 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư số 02/2020. Tổng vốn đầu tư sản xuất bình quân 1 trang trại là hơn 3,3 tỷ đồng. Lợi nhuận bình quân của 1 trang trại gần 700 triệu đồng/năm. Tổng số lao động thường xuyên trong các trang trại là 1.423 người. Số trang trại có liên kết sản xuất là 139 trang trại.
Về phát triển kinh tế tuần hoàn, trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình hiệu quả được áp dụng như mô hình vườn - ao - chuồng (VAC), tùy theo điều kiện tự nhiên, nhiều địa phương có các mô hình VAC biến thể như: mô hình vườn - ao - chuồng - biogas (VACB); vườn - ao - chuồng - rừng (VACR); vườn - ao - hồ (VAH); gần đây xuất hiện mô hình VAC+ nuôi trùn quế); mô hình “lúa, cá” tận dụng sự tác động tương hỗ qua lại lẫn nhau giữa quá trình nuôi cá và trồng lúa; mô hình trồng lúa - trồng nấm - sản xuất phân hữu cơ - trồng cây ăn quả; mô hình sản xuất phân hữu cơ từ chất thải nông nghiệp… Thực hiện các mô hình nông nghiệp này vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao, vừa giúp giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường.
Hàng năm, Sở Nông nghiệp và PTNT phê duyệt từ 20 - 40 mô hình khuyến nông địa phương; đề xuất từ 10 - 20 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh lĩnh vực nông nghiệp. Mục tiêu tuyển chọn các mô hình sản xuất vừa đạt mục tiêu kinh tế, vừa đạt mục tiêu về môi trường, bền vững theo Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tham gia đóng góp ý kiến về thực trạng trang trại và mô hình kinh tế tuần hoàn tại Nghệ An hiện nay. Mặc dù có tiềm năng, lợi thế nhưng quy mô kinh tế trang trại tại Nghệ An còn nhỏ, chưa đồng đều, mang tính tự phát, phân tán. Việc lựa chọn một số cây trồng, vật nuôi chưa phù hợp với nhu cầu thị trường, mất cân đối cung - cầu, giá cả không ổn định. Phần lớn các chủ trang trại đều thiếu vốn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất và trang bị máy móc, thiết bị; thủ tục cho thuê đất còn vướng mắc...
Bên cạnh đó, số lượng các mô hình kinh tế tuần hoàn chưa nhiều; việc tận dụng nguồn phế, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp của các hộ dân trên địa bàn tỉnh còn hạn chế... Đại diện các trang trại, mô hình mong muốn có thêm các chính sách vay vốn và chuyển giao khoa học, kỹ thuật trong quá trình nhân rộng mô hình.
Phát biểu kết luận hội thảo, bà Võ Thị Nhung - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh: Phát triển kinh tế trang trại, kinh tế tuần hoàn góp phần xây dựng nông thôn mới là một trong những nội dung, giải pháp quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện nay, nhằm bảo đảm tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp Nghệ An sẽ tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế trang trại, đặc biệt là mô hình kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp hiệu quả, bền vững, gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; rà soát, xây dựng, bổ sung các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại, kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực nông nghiệp...
Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hệ thống kết nối, xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản, nhằm góp phần tiêu thụ sản phẩm cho các trang trại, sản phẩm từ các mô hình kinh tế tuần hoàn. Các ý kiến đóng góp của đại biểu, các chủ trang trại sẽ được ngành Nông nghiệp tiếp thu, đề xuất để có các cơ chế phù hợp.
Phấn đấu đến năm 2030, Nghệ An có 550 trang trại đạt các tiêu chí; Tổng thu nhập bình quân đạt 1,2 tỷ đồng/trang trại/năm; Số trang trại áp dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất chiếm trên 25%, có hoạt động liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đạt 32%; có tổ chức sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn đạt 30% tổng số trang trại toàn tỉnh.