Phía sau một cuộc khủng hoảng

10/12/2016 08:19

(Baonghean) - Quốc hội Hàn Quốc ngày 9/12 đã bỏ phiếu nhất trí tiến hành luận tội Tổng thống Park Geun-hye. Quyết định này là hệ quả trực tiếp của một vụ bê bối dính dáng đến mối quan hệ giữa chủ nhân Nhà Xanh với người bạn thân lâu năm Choi Soon-sil, nhân vật hiện đang bị điều tra do tình nghi lạm dụng tầm ảnh hưởng với Tổng thống.

Bà Choi Soon-sil (giữa) tại Văn phòng công tố Seoul hồi tháng 10. Ảnh: Getty
Bà Choi Soon-sil (giữa) tại Văn phòng công tố Seoul hồi tháng 10. Ảnh: Getty.

Luận tội Tổng thống

Dự luật đề xuất luận tội bà Park đã được thông qua với 234 phiếu thuận, 56 phiếu chống, 9 phiếu không hợp lệ và phiếu trắng. Kết quả này đồng nghĩa với việc đã có đủ số thành viên trong đảng cầm quyền Saenuri của bà Park bỏ phiếu chống lại nữ lãnh đạo bằng cách nhất trí với kịch bản luận tội bà - biện pháp gây tổn hại đến danh tiếng của bà Park Geun-hye kể từ khi vụ bê bối lộ diện gần 2 tháng trước.

Sau khi chính thức công bố thông tin trên, mọi quyền hành pháp của bà Park ngay lập tức bị đình chỉ và chuyển giao cho Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn. Dù nhân vật số 2 của xứ Kim chi lên nắm chiếc ghế tổng thống tạm quyền, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc bà Park sẽ phải nhanh chóng thu dọn hành lý rời Nhà Xanh.

Giờ đây, số phận của người đàn bà thép nằm trong tay 9 vị thẩm phán của tòa hiến pháp quốc gia, khi họ sẽ phải tận dụng 180 ngày tới để đi đến phán quyết về tính hiệu lực của cuộc bỏ phiếu đề nghị luận tội Tổng thống.

Dù toàn bộ những nhân vật cầm cân nảy mực trên đều do đích thân bà Park hoặc người tiền nhiệm phe bảo thủ của bà bổ nhiệm, song sẽ thật sai lầm khi cho rằng họ có thể cứu vớt được nhiệm kỳ Tổng thống của bà nếu muốn, bởi sức công phá từ cơn giận dữ của nhân dân đối với bà Park không hề đơn giản và sẽ là sức ép không nhỏ đối với đội ngũ thẩm phán.

Trang tin Guardian dẫn lời Kim Jong-dae, một người từng giữ cương vị thẩm phán tại Tòa Hiến pháp Hàn Quốc giai đoạn 2006-2012 bày tỏ: “Tôi tin các thẩm phán sẽ đưa ra quyết định dựa trên tình yêu đất nước và lương tri của họ. Họ cũng là người dân của Cộng hòa Hàn Quốc, hít thở chung bầu không khí với tất cả chúng ta”.

Tòa Hiến pháp sẽ phải làm việc để xác định xem liệu Quốc hội đã tuân thủ đúng quy trình và đã đủ căn cứ để luận tội Tổng thống của họ hay chưa. Quá trình này sẽ cần đến lập luận từ cả 2 phía trong các phiên xét xử công khai. Nếu cuộc bỏ phiếu được phê chuẩn, bà Park sẽ chính thức từ chức, và một cuộc bầu cử để chọn ra nhà lãnh đạo mới cho đất nước sẽ diễn ra trong vòng 60 ngày sau đó.

Một khi điều này xảy đến, đó sẽ là một cái kết không mong muốn, thậm chí có phần hổ thẹn đối với bà Park. Thật vậy, đâu có ai muốn đi ghi tên mình vào lịch sử với tư cách Tổng thống do dân bầu đầu tiên bị buộc phải từ nhiệm!

Bà Park xin lỗi người dân Hàn Quốc về vụ bê bối hồi tháng 11. Ảnh: NYT
Bà Park xin lỗi người dân Hàn Quốc về vụ bê bối hồi tháng 11. Ảnh: NYT

Những cái tên thay thế

Moon Jae-in, một nhà lập pháp xuất thân từ đảng Dân chủ đối lập của Hàn Quốc đang là cái tên dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây. Ông Moon đã nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt vì lập trường không khoan nhượng với bà Park và cả cảnh báo của ông đối với các thẩm phán Tòa Hiến pháp rằng đảo ngược kết quả bỏ phiếu luận tội Tổng thống sẽ là hành động phản bội người dân Hàn Quốc. Vị chính khách từng có thời gian làm luật sư về nhân quyền là đối thủ đáng gờm của bà Park trong cuộc tranh cử Tổng thống năm 2012.

Xếp ở vị trí thứ 2 cho chiếc ghế chủ nhân Nhà Xanh là Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-moon, tuy nhiên tỷ lệ ủng hộ ông mới đây đã giảm đi chút ít do có quan hệ gắn kết với đảng Saenuri của bà Park, dẫu rằng ông không phải là thành viên của đảng này.

Nhà ngoại giao 72 tuổi đã từng kinh qua vị trí Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc từ năm 2004 đến năm 2006, từng bày tỏ mong muốn trở về hoạt động chính trị tại Hàn Quốc sau khi rời vị trí tại Liên Hợp quốc vào cuối năm nay. Về bê bối của nữ Tổng thống, ông đã từ chối đưa ra bình luận công khai.

Hiện nay, người ta đã bắt đầu luận đàm về khả năng vụ việc của bà Park sẽ tạo ra một “hiệu ứng Trump” tại Hàn Quốc, châm ngòi từ cơn giận dữ của dân chúng đối với giới cầm quyền chính trị và “thêm dầu vào lửa” nhờ bê bối liên quan đến bạn bè thân hữu hiện nay.

Môi trường chính trị mới mẻ như vậy có thể mở đường cho Lee Jae-myung, thị trưởng thành phố Seongnam và là người ủng hộ mạnh mẽ buộc tội bà Park. Vị chính khách 52 tuổi này nhiều khả năng sẽ sớm “thế chân” ông Ban trong bảng xếp hạng thăm dò, nhất là khi gần đây ông có sự hiện diện dày đặc trong các cuộc biểu tình lớn “càn quét” Hàn Quốc vài tuần trở lại đây hòng kêu gọi một “cuộc cách mạng” trong hoạt động chính trị của đất nước.

3. Lãnh đạo các tập đoàn lớn bao gồm Samsung và Hyundai điều trần trước Quốc hội hôm 6/12 về hàng triệu USD chuyển cho 2 quỹ của bà Choi. Ảnh: NYT.
3. Lãnh đạo các tập đoàn lớn bao gồm Samsung và Hyundai điều trần trước Quốc hội hôm 6/12 về hàng triệu USD chuyển cho 2 quỹ của bà Choi. Ảnh: NYT.

Tác động đến nền chính trị

Gác lại một bên tương lai của bà Park, vụ bê bối cũng đi xa hơn, phơi bày những quan hệ chẳng mấy êm đẹp giữa các chính trị gia cầm quyền với các tập đoàn của Hàn Quốc.

Mối quan hệ đó trước đây vốn dĩ còn nhân nhượng khi giới tài phiệt dẫn đầu tăng trưởng nhanh trong nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á của Hàn Quốc, tuy nhiên khoảng cách thu nhập ngày một tăng, thất nghiệp trong giới trẻ và những vấn đề nổi cộm khác tác động đến Samsung hay nhiều ông lớn đồng nghĩa với việc sự kiên nhẫn của cử tri đang ngày càng nhạt phai.

Người ta lo sợ rằng nhiễu nhương chính trị đang bủa vây Hàn Quốc có thể tác động ngược lên nền kinh tế. Bộ Tài chính nước này lo ngại về những rủi ro đối với nền kinh tế từ “các vấn đề trong nước”, tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng đến tiêu dùng và đầu tư, tăng thêm sự bất ổn cho tình trạng kinh tế toàn cầu hiện nay.

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc cho biết sẽ tổ chức các cuộc họp khẩn để bàn thảo phản ứng chính sách khả thi trước bất cứ biến động nào phát sinh từ cuộc bỏ phiếu luận tội.

Một số chuyên gia phân tích đã mô tả thất bại của bà Park là chiến thắng hiếm hoi cho quyền lực của nhân dân, khi hàng trăm nghìn người đổ xuống đường tham gia các cuộc biểu tình lớn nhất Hàn Quốc kể từ phong trào ủng hộ dân chủ cuối những năm 1980.

Và như vậy, bê bối chính trị của xứ kim chi đang gây hiệu ứng dây chuyền lên một loạt khía cạnh khác của đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa,… Cả số phận của bà Park lẫn tương lai đất nước Hàn Quốc đều đang vấp phải những “cú sốc” khủng hoảng ít ai ngờ, đến thời điểm này chỉ duy nhất có thể khẳng định rằng giải quyết ổn thỏa những bài toán này là điều chẳng mấy dễ dàng…

Thu Giang

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Phía sau một cuộc khủng hoảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO