Phía sau thành tích của 2 thủ khoa môn Vật lý

Diệp Thanh 07/11/2022 16:15

(Baonghean.vn) - Hoàn cảnh và môi trường không giống nhau, nhưng phía sau 2 thủ khoa môn Vật lý Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh lớp 12 đều là những câu chuyện đáng ngưỡng mộ về sự quyết tâm, kiên trì và tâm huyết, yêu thương của những người thầy.

Bền bỉ với tình yêu Vật lý

Tình yêu Vật lý đến với em Hoàng Thị Hằng (lớp 12A1, Trường THPT Yên Thành 2, huyện Yên Thành) một cách rất đặc biệt, bởi em yêu thích môn học này từ khi... chưa được học nó.

“Hồi còn nhỏ, khi chứng kiến anh và chị họ của mình đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi Vật lý, em đã ngưỡng mộ vô cùng. Từ sự ngưỡng mộ đó, em bắt đầu tò mò về môn học này và hứng thú với tất cả các hiện tượng liên quan đến Vật lý xung quanh mình. Sau này, khi trong chương trình học có môn này, em lại càng thấy nó thú vị hơn nữa.” - Hằng thổ lộ.

Năm lớp 8 và 9, vì nằm trong Đội tuyển học sinh giỏi môn tiếng Anh từ trước nên Hằng không thể cùng lúc tham gia Đội tuyển học sinh giỏi Vật Lý. Lên THPT, được học khối A, Hằng có cơ hội để thể hiện đam mê của mình ở môn học này. Từ thành tích Kỳ thi học sinh giỏi trường năm lớp 11, Hằng được chọn vào đội tuyển đi thi tỉnh.

So với những thí sinh trường chuyên, lớp chọn, những học sinh trường huyện như Hằng rõ ràng chịu nhiều thiệt thòi hơn. Thầy Ngô Đại Hồng - giáo viên chủ nhiệm, đồng thời cũng là người trực tiếp bồi dưỡng cho Hằng chia sẻ: “Hằng có xuất phát điểm thấp hơn các bạn vì không được đầu tư nhiều về thời gian và điều kiện học tập. Là chị cả trong gia đình có bố là công nhân làm ăn xa, mẹ là nông dân, suốt thời gian ôn luyện, em vẫn vừa phải phụ giúp bố mẹ bảo ban, chăm sóc 2 em, vừa phải lo toan việc nhà. Trong khi đó, chúng tôi chỉ có 2 tháng để tập trung ôn luyện và Vật lý là một môn học khó, đòi hỏi sự nỗ lực, đam mê”.

Thầy giáo Ngô Đại Hồng hướng dẫn giải đề cho Hằng (ngồi bên trái của thầy) và các bạn trong đội tuyển Vật lý Trường THPT Yên Thành 2. Ảnh: NVCC

Hỏi Hằng bí quyết để chinh phục được thành tích cao nhất trong Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh, em khiêm tốn: “Em nghĩ mấu chốt quan trọng nhất để học Vật lý vẫn là nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa và hứng thú tìm hiểu những kiến thức thực tiễn liên quan. Thời gian ôn luyện của em không nhiều, cảm thấy bản thân đã học cả sáng và chiều ở trường ổn rồi nên buổi tối em thường dành thời gian cho những công việc ngoài chương trình học. Em cũng thấy mình may mắn vì được thầy cô, bố mẹ động viên, không bao giờ tạo áp lực về thành tích nên ôn thi với tâm lý rất thoải mái. Có lẽ chính sự thoải mái, không nhồi nhét đã giúp em dễ sáng tạo hơn trong giải đề”.

Trở lại sau thất bại

Yêu thích môn Vật lý từ năm lớp 7, Nguyễn Minh Quân (lớp 12A1, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Vinh) được xếp vào Đội tuyển học sinh giỏi môn Vật lý cấp thành phố năm lớp 8. Kỳ thi năm đó, Quân chăm học và quyết tâm vô cùng, ai cũng nghĩ Quân sẽ đạt thành tích cao, bản thân Quân cũng rất tự tin mình sẽ thể hiện tốt. Thế nên, khi biết mình được giải Khuyến khích, Quân ngỡ ngàng và thất vọng vô cùng.

Nguyễn Minh Quân là 1 trong 2 thí sinh đạt Thủ khoa trong Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh lớp 12 môn Vật lý. Ảnh: Diệp Thanh

Quân nhớ lại: “Em đã rất buồn, mất đi tự tin và dành nhiều thời gian để nghĩ về nguyên nhân khiến thành tích của mình thấp như vậy. Em cho rằng bản thân đã quản lý thời gian và cảm xúc không tốt, dẫn đến việc học nhiều mà không hiệu quả và khi có áp lực thì mất bình tĩnh, lúng túng”. Kết quả thi năm đó khiến Quân ngần ngại với những kỳ thi học sinh giỏi tiếp theo, nhưng không làm Quân hết yêu môn Vật lý. Em quyết tâm khắc phục những hạn chế mà mình từng mắc phải và tham dự Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh năm lớp 12 trong một tâm thế khác, với một lịch học hợp lý hơn và một tâm lý thoải mái hơn.

“Chúng em bắt đầu ôn tập cho kỳ thi từ cuối năm lớp 11, ngoài những giờ học trên lớp, em tự làm đề và ôn thêm ở nhà nữa. Tuy học nhiều nhưng em không bao giờ để mình rơi vào trạng thái mệt mỏi, khi cảm thấy đầu óc bắt đầu căng thẳng em sẽ nghỉ giải lao và giải trí với bạn bè. Trong quá trình làm bài, nếu gặp bài khó hoặc mất bình tĩnh, em sẽ dừng suy nghĩ vài phút để cân bằng cảm xúc”.

Lịch học căng thẳng nhưng không khí những buổi ôn luyện của đội tuyển Vật lý Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng rất thoải mái. Ảnh: NVCC

Chia sẻ về cậu học trò của mình, thầy Nguyễn Văn Thọ - người bồi dưỡng cho đội tuyển đi thi học sinh giỏi môn Vật lý lớp 12 cấp tỉnh của Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng nói: “Quân là một học sinh thông minh, tình cảm, thể hiện năng khiếu với môn Vật lý ngay từ khi vào lớp 10, luôn chỉn chu, khoa học trong cách trình bày. Theo đuổi kỳ thi này, Quân và các bạn khác phải trải qua lịch học rất dày với nhiều bài tập khó nhưng chưa bao giờ Quân nản lòng hay cảm thấy tiêu cực”.

Những người thầy tâm huyết

Một trong những nhân tố quan trọng làm nên thành tích đáng tự hào của Hoàng Thị Hằng và Nguyễn Minh Quân chính là những người thầy tận tâm với công việc và hết lòng vì học trò của mình.

Chia sẻ về tâm lý thoải mái suốt quá trình ôn tập và thi cử, Nguyễn Minh Quân tâm sự: “Chưa bao giờ chúng em phải trải qua sự áp lực mỗi giờ ôn luyện. Thầy Thọ cực kỳ tâm lý, luôn hài hước ví những bài tập khó là một vấn đề, một thử thách cần có trong cuộc sống, đừng để nó làm mình nản, hãy để nó làm mình vững vàng hơn. Thầy cũng rất biết cách kết nối các thành viên trong đội tuyển để mọi người cùng hỗ trợ, thúc đẩy nhau”.

Thầy Nguyễn Văn Thọ (giữa) và các thành viên trong đội tuyển Vật lý của Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: NVCC

Về công tác tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng được 7 năm, trải qua 2 khoá bồi dưỡng đội tuyển với 2 giải thủ khoa, thầy Nguyễn Văn Thọ cho rằng tâm lý là một trong những yếu tố quan trọng đối với học sinh. “Điều quan trọng nhất vẫn là duy trì niềm yêu thích, đam mê cho học trò với môn học. Để duy trì điều này, tôi tập trung vào niềm vui của học trò trong quá trình ôn luyện, không đặt nặng thành tích” - thầy Thọ nói.

Cùng quan điểm, thầy Ngô Đại Hồng - giáo viên Đội tuyển môn Vật lý Trường THPT Yên Thành 2 đánh giá cao tầm quan trọng của tâm lý khi đi thi và luôn nỗ lực tạo cho học trò tâm lý thoải mái nhất suốt quá trình ôn. “Học trò nghèo, bố mẹ không có nhiều điều kiện chăm lo, hỗ trợ nên trong các buổi học ôn, ngoài việc động viên các em bằng bánh kẹo, hoa quả, thì tôi cũng hay tâm sự, sát sao trò chuyện để khích lệ các em. Những ngày các em thi tại thành phố Vinh, tôi cũng đề xuất với lãnh đạo trường để được đi theo đoàn, tiện chăm sóc cho các em”.

Với các thành viên đội tuyển học sinh giỏi Vật lý Trường THPT Yên Thành 2, thầy Ngô Đại Hồng như một người bố thứ 2. Ảnh: NVCC

Đêm cuối cùng trước ngày thi chính thức, hơn 22h30’, vì không hợp nước lọc của khách sạn, Hoàng Thị Hằng và một bạn nữa thuộc đội tuyển Sinh bị buồn nôn và không ăn được. Không có phương tiện, không thuộc đường, thầy Hồng đi bộ hơn 1,5km để tìm mua bằng được nước và thuốc cho các em.

Nhớ lại kỷ niệm này, Hằng xúc động: “Suốt quá trình ôn thi, sức khoẻ của thầy Hồng cũng gặp nhiều vấn đề nhưng không lần nào chịu đi khám. Thầy bảo để các em thi xong thầy khám luôn. Nhưng khi chúng em có bất cứ vấn đề gì, từ sức khoẻ đến tâm lý, thầy lại sốt sắng lo lắng, nhắc nhở, dặn dò. Bên cạnh việc dạy dỗ, dìu dắt, thầy đã chăm sóc chúng em như một người bố và lắng nghe, chia sẻ với chúng em như một người bạn. Những điều này đã giúp em có một quá trình ôn thi đầy niềm vui và kỷ niệm”.

Mới nhất
x
Phía sau thành tích của 2 thủ khoa môn Vật lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO