Phòng ngừa người có dấu hiệu tâm thần phạm tội
Những năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra nhiều vụ án do người tâm thần gây ra. Nạn nhân không chỉ là những người trong gia đình mà còn có hàng xóm láng giềng, thậm chí cả những người xa lạ không chút hiềm khích. Tuy nhiên, việc quản lý các đối tượng này đang là bài toán khó cho chính quyền địa phương cũng như các lực lượng chức năng.
Những vụ việc gây ám ảnh
Hơn 10 tháng trôi qua nhưng ông Nguyễn Xuân Hiếu (SN 1956), trú tại phường Vinh Tân, TP. Vinh vẫn chưa hết bàng hoàng sau khi bị hàng xóm tấn công liên tiếp bằng búa đinh. Với thương tật cơ thể lên tới 60%, sau hơn 20 ngày nằm viện, ông Hiếu được về nhà nhưng với vết lõm lớn trên đầu.
Hung thủ gây ra vụ việc là Nguyễn Đắc Nhật (SN 1988), người hàng xóm lâu năm của ông. Là người có tiền sử mắc bệnh lý về thần kinh nên khi nghe tiếng xe máy của ông Hiếu nổ, Nhật cảm thấy ức chế, khó chịu và bộc phát gây ra vụ việc trên. Vì là đối tượng tâm thần, bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi nên Nguyễn Đắc Nhật bị tuyên phạt 5 năm tù.
Tuy phải mang theo thương tật suốt đời, nhưng giờ đây, điều ông Hiếu lo hơn cả là ngày bị cáo thi hành án trở về: “Bản thân giữa gia đình tôi cũng không có hiềm khích gì với Nhật, ngược lại thỉnh thoảng còn cho Nhật cân gạo, mớ rau ăn qua ngày. Ngay thời điểm xảy ra chuyện, bản thân gia đình tôi cũng biết Nhật không có kinh tế nên cũng không đòi hỏi tiền bồi thường. Tuy nhiên, bây giờ gia đình lại lo sợ sau khi Nhật đi tù về lại có hiềm khích với gia đình”.
Đã gần 2 năm xảy ra vụ án mạng đau lòng nhưng người dân xã Nghĩa Thái (Tân Kỳ) vẫn không thể quên tiếng kêu cứu của những nạn nhân trong vụ truy sát hàng xóm khiến 1 người chết, 3 người bị thương. Hung thủ là Lương Văn Thảo (SN 1983), trú tại xã Nghĩa Thái, huyện Tân Kỳ. Thảo là đối tượng có bệnh án tâm thần từ năm 2019. Tuy nhiên, trong quá trình sinh sống, Thảo không uống thuốc điều trị, gây rối loạn cảm xúc và hành vi dẫn đến sự việc đau lòng như trên.
Trên đây chỉ là 2 trong rất nhiều vụ việc do đối tượng là người bị bệnh liên quan đến rối loạn tâm thần gây ra.
Theo số liệu hồ sơ quản lý tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh trong năm 2023, bệnh viện phải cung cấp, sao lưu hồ sơ liên quan đến 57 bệnh nhân trong diện quản lý cho cơ quan công an làm việc. 6 tháng đầu năm 2024, con số này là 21 bệnh nhân.
Hiện nay, theo phân loại bệnh của Tổ chức Y tế Thế giới thì rối loạn tâm thần và hành vi có khoảng hơn 300 mã bệnh. Một số bệnh tâm thần phổ biến thường gặp là tâm thần phân liệt, trầm cảm, lo âu, rối loạn hành vi ở thanh, thiếu niên, mất trí, nghiện rượu… Tuy nhiên, số người bệnh được quản lý, điều trị tại cộng đồng ở Nghệ An chủ yếu được triển khai ở 2 mã bệnh là tâm thần phân liệt và động kinh.
Theo đó, trên địa bàn tỉnh hiện nay, số bệnh nhân tâm thần phân liệt đang được điều trị ở ngoài cộng đồng lên đến hơn 7.000 người, số bệnh nhân động kinh chiếm hơn 3.000 người, chủ yếu tập trung ở các địa phương như Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Thanh Chương… Hầu hết các bệnh nhân này sẽ được khám, chẩn đoán, kê đơn tại tuyến tỉnh, sau đó, bàn giao cho các trung tâm y tế, trạm y tế tại địa phương để theo dõi, quản lý cũng như cấp phát thuốc.
Khó khăn trong quản lý
Để tạo điều kiện hỗ trợ, phục hồi chức năng cho người có biểu hiện tâm thần đạt kết quả tốt, tỉnh Nghệ An đã có nhiều đề án cũng như chính sách để hỗ trợ kinh phí mua thuốc cho người bệnh điều trị tại cộng đồng. Cụ thể, năm 2024, số tiền được tỉnh hỗ trợ cho chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng là 1,3 tỷ đồng. Theo đó, khi về cộng đồng, người tâm thần sẽ được quản lý ở các trạm y tế cơ sở, được cấp phát thuốc 2 lần/tháng; gia đình sẽ được hỗ trợ hướng dẫn cách sử dụng thuốc cho bệnh nhân. Mặc dù các chế độ, chính sách cho các đối tượng có biểu hiện tâm thần đã được đảm bảo, nhưng với nhiều nguyên nhân khách quan dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn gia tăng tội phạm trong cộng đồng.
Nguyên nhân chính do nhận thức người dân còn hạn chế, cộng thêm việc người thân thiếu kỹ năng, phương pháp trị liệu nên một số gia đình bỏ bê việc quản lý người bệnh khiến bệnh dễ tái phát và tiến triển ngày càng nặng. Không chỉ vậy, một số hộ gia đình vùng sâu, vùng xa lại cho rằng, đây là ma quỷ nhập người nên thay vì uống thuốc họ lại cho người bệnh thực hiện các nghi lễ cúng bái trừ tà. Ngoài ra, còn một số trường hợp tâm thần tự phát, đã có sổ bệnh lý nhưng với tâm lý sợ bị kỳ thị nên đã không ra lấy thuốc uống khiến bệnh ngày càng diễn biến xấu.
Bác sĩ Trần Ngọc Linh - Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Tâm thần tỉnh Nghệ An cho biết: Đối với những bệnh nhân bị tâm thần phân liệt được đưa vào quản lý ở cộng đồng, nếu uống thuốc định kỳ thì bệnh nhân sẽ ổn định 80 - 85%. Tuy nhiên, đối với nhiều bệnh không uống thuốc dễ dẫn đến tái phát bệnh gây ra những cảm xúc tiêu cực như gào thét, đập phá… thậm chí gây hại cho người xung quanh. Như vụ án ở huyện Tân Kỳ, đối tượng là người có sổ bệnh tâm thần nhưng lại không nằm trong diện mã bệnh được phát thuốc, bên cạnh đó, gia đình cũng không đưa bệnh nhân đi chữa trị kịp thời dẫn đến vụ việc đau lòng trên.
Tại xã Lăng Thành, huyện Yên Thành đang quản lý hơn 30 bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng. Phần lớn việc rà soát, quản lý được chính quyền địa phương thực hiện qua giấy tờ, còn hầu hết công tác phòng ngừa các mối nguy hại từ bệnh nhân được giao lại cho gia đình và lực lượng đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở.
Theo Thiếu tá Đặng Thanh Hòa - Trưởng Công an xã Lăng Thành: Thực tế, công tác quản lý đối tượng có biểu hiện tâm thần ở địa phương còn lỏng lẻo, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, ban, ngành chức năng với gia đình người có biểu hiện tâm thần. Do đó, không có các biện pháp phòng ngừa trước khi người có biểu hiện tâm thần thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Hơn nữa, đối với những bệnh nhân tâm thần nặng, việc đi điều trị ở các cơ sở y tế dựa vào sự tự nguyện của gia đình, nhưng với chi phí điều trị cao, quá trình di chuyển đối với bệnh nhân tâm thần gặp nhiều khó khăn nên hầu hết các bệnh nhân tâm thần này vẫn sinh hoạt tự do ở gia đình.
Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Trọng Hải - Giám đốc Công ty Luật TNHH Trọng Hải và cộng sự cho biết: “Hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định cá nhân, cơ quan phải có trách nhiệm đưa người mắc bệnh tâm thần đến cơ sở khám, chữa bệnh điều trị khi người bệnh không phạm tội. Việc bắt buộc chữa bệnh này chỉ áp dụng trong phạm vi tố tụng hình sự, tức là khi có hậu quả hành vi vi phạm pháp luật. Nếu trong trường hợp gia đình không phối hợp ngăn chặn nguy cơ người đó phát bệnh thì rất dễ gây vụ việc đau lòng. Đây cũng chính là mối tiềm ẩn gây ra nguy hiểm cho xã hội”.
Để khắc phục những bất cập trên cũng như để thực hiện tốt công tác quản lý, điều trị, giúp đỡ người tâm thần, góp phần phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật do người tâm thần gây ra, cần có sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng và toàn xã hội. Bên cạnh đó, địa phương, ngành chức năng cần hỗ trợ cho gia đình cùng người có biểu hiện tâm thần trong công tác giám sát và kịp thời điều trị bệnh để phòng ngừa phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật và tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.