Báo động tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật
Thời gian qua, tình hình thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật diễn biến khá phức tạp. Bên cạnh trộm cắp, cướp giật tài sản, lừa đảo trên không gian mạng…; ở khu vực thành phố Vinh còn xuất hiện các nhóm thanh niên tụ tập, mang theo hung khí gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, lạng lách, phóng nhanh, vượt ẩu… khiến dư luận bức xúc.
Đối tượng vi phạm ngày càng trẻ hóa
Theo lực lượng chức năng, thời gian qua, xuất hiện tình trạng tội phạm ngày càng trẻ hóa, hành vi ngày càng manh động. Nguyên nhân xuất phát tâm sinh lý tuổi vị thành niên có nhiều thay đổi, nhận thức pháp luật; kỹ năng sống hạn chế, gia đình quản lý chưa chặt chẽ và tác động tiêu cực từ các nền tảng mạng xã hội.
Một số đối tượng có tâm lý siêng ăn, nhác làm, thích hưởng thụ… nên thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật để thỏa mãn nhu cầu bản thân.
Điển hình vào hồi 10h30 phút ngày 14/9, Công an phường Trường Thi (TP. Vinh) đã bắt giữ N.X.B.K. (SN 2010), trú tại xã Tân Hợp, huyện Tân Kỳ - nghi phạm vụ trộm số tiền 14 triệu đồng tại nhà bà Nguyễn Thị M. (SN 1951) - Chi hội trưởng Hội Phụ nữ khối 7, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Trường Thi. Đáng nói, đây là số tiền đóng góp, ủng hộ các địa phương khắc phục hậu quả bão số 3 của người dân.
Ngay khi tiếp nhận tin báo, Công an phường Trường Thi đã huy động lực lượng; trích xuất camera để truy tìm đối tượng. Sau hơn 3 giờ đồng hồ, lực lượng chức năng đã bắt được nghi phạm khi đối tượng đang lẩn trốn tại phường Lê Lợi, TP. Vinh.
Qua khám xét, đã thu hồi số tiền 13,4 triệu đồng, còn 600.000 đồng, nam thiếu niên khai đã chi cho việc tiêu xài cá nhân.
Cùng ngày 14/9, Công an thành phố Vinh phối hợp với Tổ 373 triệt xóa ổ nhóm trộm cắp tài sản liên tỉnh, bắt giữ thành công 3 đối tượng: N. Đ.T (SN 2006); N.V.H.D. và N.L.V.M. (cùng SN 2008) về hành vi trộm cắp tài sản.
Trước đó, qua công tác nắm tình hình, Công an thành phố Vinh phát hiện trên mạng xã hội có một số nhóm thanh, thiếu niên ở địa bàn thành phố và một số huyện liên lạc, cấu kết với nhau qua các ứng dụng như Zalo, Messenger, Viber, Telegram…
Sau đó, hẹn nhau tại các chung cư, nhà trọ và các khu vực công cộng, lợi dụng sơ hở của bảo vệ, người dân để trộm cắp tài sản. Đây là nhóm đối tượng bỏ học, không chịu lao động, ăn chơi lêu lổng, nghiện game nên đã rủ nhau trộm cắp xe máy trên địa bàn thành phố Vinh và các vùng phụ cận của tỉnh Hà Tĩnh để bán lấy tiền tiêu xài.
Trong đó, đối tượng D. đóng vai trò chủ mưu, trực tiếp thực hiện hành vi phá khóa, các đối tượng còn lại làm nhiệm vụ cảnh giới, khi phát hiện có động thì báo hiệu cả nhóm tẩu thoát. Riêng đối tượng T. từng có tiền án, tiền sự về tội "Cướp tài sản" và tội "Cố ý gây thương tích".
Lực lượng chức năng xác định từ đầu tháng 9 đến ngày 14/9/2024, các đối tượng nêu trên đã thực hiện 5 vụ trộm xe máy tại thành phố Vinh và 10 vụ xảy ra tại tỉnh Hà Tĩnh, lấy đi 10 xe máy, trị giá hơn 200 triệu đồng.
Trước đó, vào ngày 10/9, Công an thành phố Vinh đã bắt giữ 51 đối tượng (từ 14-18 tuổi), thu giữ nhiều dao, kiếm tự chế và một số tang vật liên quan khác. Bước đầu làm rõ: Qua mạng xã hội, các nhóm thanh, thiếu niên ở các địa bàn lân cận như huyện Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò, huyện Hưng Nguyên và tỉnh Hà Tĩnh quen biết và hẹn nhau tại thành phố Vinh để “thể hiện bản thân”.
Trong quá trình điều khiển xe máy với tốc độ cao, lạng lạch, hò hét, bấm còi, dàn hàng ngang trên đường… các nhóm này đã xảy ra mâu thuẫn dẫn đến rượt đuổi, đánh nhau.
Hiện cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Vinh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam đối với 31 đối tượng về tội "Gây rối trật tự công cộng" và "Cố ý gây thương tích"; xử lý vi phạm hành chính đối với 20 đối tượng có liên quan.
Trên đây là một vài ví dụ trong rất nhiều vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến thanh, thiếu niên. Bên cạnh một số vụ việc xuất phát từ sự bồng bột, thiếu hiểu biết, có tính chất bộc phát, có những đối tượng có sự tính toán, hình thành băng nhóm để thực hiện hành vi phạm pháp.
Một số đối tượng tái phạm nhiều lần, tính chất manh động, liều lĩnh; các hành vi vi phạm thường thấy gồm: tự giải quyết mâu thuẫn bằng hung khí, gây rối, đánh nhau gây mất trật tự công cộng; sử dụng pháo nổ trái phép; buôn bán, sử dụng ma túy; bạo lực học đường, trộm cắp, cướp giật tài sản… gây ảnh hưởng đến ANTT.
Theo Điều 12, Bộ Luật Hình sự năm 2015, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng (khung hình phạt cao nhất 7-15 năm tù) hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (khung hình phạt trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình); người chưa đủ 14 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự do hành vi của mình gây ra.
Bên cạnh vi phạm pháp luật, những hành vi vi phạm an toàn giao thông trong giới trẻ như điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi; không có giấy phép lái xe; không đội mũ bảo hiểm; lạng lách, đánh võng; bốc đầu khi tham gia giao thông; không chấp hành hiệu lệnh giao thông… cũng ngày càng phổ biến.
Theo thống kê của Đội CSGT- TT Công an TP. Vinh, chỉ riêng trong 4 ngày nghỉ lễ dịp 2/9, đội đã lập biên bản xử phạt đối với 66 trường hợp không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển mô tô, xe máy đều là thanh, thiếu niên.
Vào cuộc đồng bộ, quyết liệt phòng ngừa
Cùng với công tác tuần tra, kiểm soát phòng ngừa, thời gian qua, lực lượng chức năng đã tích cực phối hợp với các xã, phường quản lý, giám sát các thanh, thiếu niên có biểu hiện gây rối trật tự công cộng để kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đây là nhóm đối tượng đang ở độ tuổi phát triển về tâm, sinh lý và thể chất, thích thể hiện, thích tìm tòi, khám phá cái mới nhưng lại thiếu bản lĩnh, kinh nghiệm sống, hàng ngày tiếp xúc với mặt trái của các trang mạng xã hội, dễ bị các đối tượng xấu rủ rê, lôi kéo…
Vì vậy, ngoài sự vào cuộc của ngành chức năng cần sự phối hợp đồng bộ của gia đình, nhà trường, các tổ chức, đoàn thể và cộng đồng xã hội trong giáo dục, quản lý, giám sát.
Đặc biệt, trong thời kỳ công nghệ số, công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, phòng, chống tệ nạn xã hội đối với nhóm đối tượng này cần phải có sự đổi mới phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn với giới trẻ.
Ví như mới đây (ngày 21/9), tại thành phố Vinh, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) và Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã chủ trì tổ chức Cuộc thi “Trường học không ma túy” dưới dạng gameshow truyền hình thu hút đông đảo học sinh đến tham gia, cổ vũ cho các đội thi của 6 trường THPT trên địa bàn thành phố Vinh.
Cuộc thi được ghi hình và phát sóng trên kênh VTV2 và các nền tảng số của Đài Truyền hình Việt Nam. Qua đó, tăng cường sự hiểu biết, trang bị kiến thức cho học sinh về hiểm họa, tác hại của ma túy. Đồng thời, giúp các em nhận diện về các loại ma túy, nhất là ma túy tổng hợp núp bóng dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử…
Việc phối hợp tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động hoặc trực tuyến của Tòa án nhân dân 2 cấp của tỉnh Nghệ An trong thời gian qua cũng được đánh giá là hình thức tuyên truyền pháp luật cần thiết, phù hợp với lứa tuổi học sinh, thanh, thiếu niên mới bước vào đời với nhiều bỡ ngỡ, cám dỗ.
Bên cạnh đó, các nhà trường cần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, không có bạo lực và tệ nạn xã hội; phối hợp chặt chẽ lực lượng công an cơ sở trong trao đổi thông tin về học sinh cá biệt, có biện pháp quản lý, phòng ngừa học sinh vi phạm pháp luật.
Về phía, các bậc cha mẹ cũng cần có sự giám sát, quản lý chặt đối với con cái và thực hành nêu gương trong đạo đức, lối sống và ý thức chấp hành pháp luật.
Trên lĩnh vực an toàn giao thông, ngày 28/8/2024, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Công điện số 32, trong đó yêu cầu: Cùng với tuần tra, kiểm soát, lực lượng Công an phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường tuyên truyền và hướng dẫn học sinh, sinh viên các kỹ năng tham gia giao thông an toàn; tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm trật tự ATGT tại khu vực trường học.
Quá trình xử lý theo thẩm quyền cần thông tin kịp thời cho nhà trường về các trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm để có hình thức giáo dục, nhắc nhở, xử lý phù hợp.
Phát biểu tại lễ phát động an toàn giao thông cho học sinh đến trường vào sáng 16/9, ông Phan Huy Chương - Phó trưởng Ban Chuyên trách Ban An toàn giao thông tỉnh cũng nhấn mạnh: Việc thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới là nội dung công tác trọng tâm cần được triển khai thường xuyên, liên tục, đồng bộ phù hợp với từng địa phương, cấp học.