Phong trào biểu tình chống Trump bùng phát như thế nào

13/11/2016 07:38

Đa phần những người tham gia các cuộc biểu tình ở Mỹ chống tổng thống đắc cử Donald Trump đều cảm thấy lo âu trước một tương lai bất định.

phong-trao-bieu-tinh-chong-trump-bung-phat-nhu-the-nao

Những người phản đối tham gia cuộc biểu tình ở thành phố Portland, bang Oregon, đêm 10/11. Ảnh: Reuters

Lời kêu gọi biểu tình chống Donald Trump xuất hiện ở Portland, bang Oregon, hôm 10/11 thu hút hàng nghìn người đổ ra đường, theo Washington Post.

"Bây giờ hoặc không bao giờ", nhóm Portland’s Resistance viết trên mạng xã hội Facebook. "Chúng ta cần chống lại chương trình nghị sự của Trump!".

Đây chính là một trong những mồi lửa góp phần thổi bùng lên làn sóng biểu tình phản đối tổng thống đắc cử Trump lan rộng trên khắp nước Mỹ.

Những cuộc biểu tình này, trong đó phần lớn diễn ra hòa bình và trật tự, phản ánh rõ sự hoang mang, giận dữ và sợ hãi của một bộ phận người dân Mỹ trước kết quả bầu cử tổng thống quá bất ngờ, chuyên gia nhận định.

Tối 11/11, người dân bắt đầu tuần hành tại Miami và Washington. Một số nhóm còn lên kế hoạch biểu tình vào cả ngày cuối tuần, rải rác tại nhiều thành phố Mỹ.

Theo cảnh sát, cuộc biểu tình ở Portland đêm 10/11 biến thành bạo động sau khi một nhóm người đập phá cửa kính ôtô và trở nên kích động.

Lo âu

phong-trao-bieu-tinh-chong-trump-bung-phat-nhu-the-nao-1

Người biểu tình ở thành phố Chicago hôm 10/11. Ảnh: AP

Tại Portland và các thành phố như Oakland, Los Angeles, Chicago hay New York, những người biểu tình viện dẫn hàng loạt lý do khiến họ đổ xuống đường. Vài người nói họ muốn thể hiện sự không hài lòng với tỷ phú Trump cũng như những gì ông đề xuất. Số khác bày tỏ mong muốn được dẫn dắt bởi một lãnh đạo có cùng chí hướng.

"Đây là cách mọi người cùng sát cánh và cảm thấy họ có thể bảo vệ lẫn nhau trước bất kỳ chính sách nào mà tổng thống đắc cử dự định ban hành, gây áp lực lên phụ nữ, người Hồi giáo, người nhập cư, người da màu, về cơ bản là các nhóm thiệt thòi", Janette Chien cho biết trong khi tham gia một cuộc tuần hành ở Philadelphia.

Các nhà hoạt động vì môi trường, nhân quyền, nhập cư, luật lao động, LGBT... cho rằng xuống đường biểu tình chỉ là bước đầu tiên để thể hiện lập trường phản đối.

"Chắc chắn các cuộc biểu tình sẽ lớn dần lên trong tương lai khi mà những nhóm phong trào xã hội bắt đầu tham gia chống đối các chính sách của chính quyền mới đe dọa tới những người bị ông Trump kỳ thị", giáo sư T.V. Reed từ Đại học Washington nhận xét.

"Chặn đường hay bất kể chiến thuật nào đi chăng nữa, đây đều là cách để người biểu tình nói lên rằng những chính sách của chính quyền mới sẽ bị phản đối mạnh mẽ và ồ ạt nếu muốn thể chế hóa các đề xuất mà họ cho là cố chấp, phân biệt chủng tộc, bài ngoại và đầy hận thù xuất hiện tràn lan trong chiến dịch tranh cử ông Trump từng tiến hành", giáo sư Reed nhấn mạnh.

Theo Washington Post, một số người tham gia biểu tình vì bị kích động bởi thông tin trên các trang mạng xã hội hay lời truyền miệng. Số khác chọn cách gia nhập những nhóm biểu tình ở New York hay Los Angeles bởi họ được tận mắt chứng kiến hay xem các cuộc tuần hành trên mạng và muốn trở thành một phần trong đó.

Tuy nhiên, cũng có những cuộc biểu tình được tổ chức bài bản. MoveOn, một nhóm tự do, hôm 9/11 kêu gọi mọi người cùng tụ tập lại để biểu tình phản đối tổng thống đắc cử. Ben Wikler, chủ tịch MoveOn ở Washington, cho hay thành viên của nhóm đã tổ chức các sự kiện ở 275 thành phố và cộng đồng dân cư trên khắp cả nước. Song ông lưu ý rằng một số sự kiện chỉ là cầu nguyện dưới ánh nến hay thảo luận nhóm, không hoàn toàn là tuần hành biểu tình.

"Chỉ cần biết rằng bạn không cô độc trên mảnh đất này đã là một điều an ủi tuyệt vời rồi", Wikler hôm 10/11 nói.

Tại Portland, hai đêm biểu tình đầu tiên diễn ra tương đối ôn hòa. Nhưng sang đêm thứ ba, mọi chuyện vượt khỏi tầm kiểm soát và biến thành bạo lực. Cảnh sát đêm 10/11 thông báo các cuộc biểu tình "nay được coi là bạo động".

Nhà chức trách cho biết "các nhóm vô chính phủ" đã xuất hiện trong đám đông biểu tình, xúi giục những người biểu tình ôn hòa đập phá đồ đạc bằng gậy bóng chày và phun sơn lên các tòa nhà, buộc cảnh sát phải dùng tới hơi cay và lựu đạn khói.

Theo Gregory McKelvey, người tổ chức các sự kiện thuộc phong trào đòi quyền lợi cho người da màu Black Lives Matter ở Portland, nhóm của ông không liên kết với những người biểu tình bạo lực.

Teressa Raiford, nhà tổ chức cộng đồng tại Portland, khẳng định nhóm người biểu tình bạo lực "không tới để thể hiện tinh thần đoàn kết, họ đến vì biết rằng đám đông sẽ rất lớn".

"Tôi thấy buồn vì các không gian công cộng cũng như những doanh nghiệp địa phương của chúng tôi bị những kẻ nổi loạn phá hoại", Thị trưởng Portland Charlie Hales nói, đồng thời thêm rằng chính những kẻ vô chính phủ đã kích động người biểu tình ôn hòa bằng cách truyền bá bạo lực và sợ hãi.

"Điều chúng muốn là lợi dụng những người biểu tình hợp pháp để phá hủy đồ đạc, cơ sở vật chất và nhấn mạnh vào sự vô chính phủ", David Gomez, cựu quan chức chống khủng bố thuộc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), nhận định.

Tại thành phố Santa Ana, bang California, Naui Huitzilopochtli cho hay ông được "lên dây cót" sau cuộc bầu cử. Nhà hoạt động vì quyền của người gốc Mexico này nghĩ rằng ông không thể sống yên ổn nếu nhà tài phiệt New York trở thành tổng thống, bởi tỷ phú Trump từng thề sẽ trục xuất hàng triệu người khỏi nước Mỹ nếu đắc cử. Thế nên, Huitzilopochtli đăng một bài viết lên Facebook, kêu gọi mọi người biểu tình.

Ban đầu, chỉ khoảng vài chục người tham gia sự kiện, diễn ra vào chiều 10/11. Càng về sau, số người tìm đến càng đông. Khoảng 650 người biểu tình cuối cùng đụng độ với cảnh sát, khiến 10 người bị bắt giữ.

"Dân số chúng tôi đang tăng. Chúng tôi là một cộng đồng khổng lồ đang ngủ yên. Chúng tôi chỉ cần thức giấc và khi ấy Donald Trump không thể làm bất cứ điều gì", Huitzilopochtli quả quyết. "Đây là cộng đồng người Mexico", ông nói thêm.

Một cô bé 15 tuổi tham gia biểu tình chia sẻ em cảm thấy sợ vì ông Trump muốn trục xuất người nhập cư. Ngay bên cạnh, em gái em cầm một tấm biển ghi dòng chữ: "Ngừng trao đặc quyền cho người da trắng".

"Đây có thể là khởi đầu của một cuộc cách mạng", Johnathan Hahn, 19 tuổi, nói trong lúc tham gia một cuộc biểu tình ở Chicago tối 10/11. "Không ai biết tương lai ra sao. Nhưng chúng ta cần tập hợp lại để phát tán tình yêu, sự sẻ chia, bình đẳng và hòa hợp, những điều khiến ông Trump khó chịu".

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Phong trào biểu tình chống Trump bùng phát như thế nào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO