Đoàn đại biểu tỉnh Nghệ An thăm các di tích cách mạng ở TP. Hồ Chí Minh
Sáng 19/4, trong chương trình Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Đoàn Đại biểu tỉnh Nghệ An do đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn đã đi thăm Di tích lịch sử - văn hoá Dinh Độc Lập và Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi.
Tham gia đoàn có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Thái Thị An Chung - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An; Nguyễn Văn Hải - Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy.
Cùng tham dự có các đồng chí đại diện các Ban Đảng Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy cùng đại diện Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh cùng các cựu binh từng là cán bộ, chiến sĩ trực tiếp góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Tham dự các hoạt động trong dịp Lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất Đất nước, đoàn đại biểu đã tham quan Di tích lịch sử - văn hoá Dinh Độc Lập gắn liền với chứng tích 50 năm giải phóng thành phố Sài Gòn (30/04/1975 - 30/04/2025).

Đúng 10 giờ 45 phút, ngày 30/4/1975, xe tăng mang số hiệu 843 của quân Giải phóng, thuộc Ðại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 230, Quân đoàn 2 dẫn đầu đội hình đã húc nghiêng cổng phụ của Dinh Ðộc Lập. Tiếp đó, xe tăng mang số hiệu 390 đã húc tung cổng chính, tiến thẳng vào dinh. 11 giờ 30 phút cùng ngày, Trung úy Bùi Quang Thận - Ðại đội trưởng chỉ huy xe 843 đã kéo lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lên trên nóc dinh, đánh dấu thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước của quân và dân Việt Nam.

Từ ngày 16 đến ngày 21/11/1975, Dinh Độc Lập đã được chọn làm nơi tổ chức Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất hai miền Nam - Bắc trong một đất nước Việt Nam. Tiếp đó, các hội nghị hợp nhất các tổ chức quần chúng của cả nước cũng đã được tổ chức tại đây. Để kỷ niệm các sự kiện chính trị đặc biệt này, Chính phủ đã quyết định đổi tên Dinh Độc Lập thành Hội trường Thống Nhất.

Ngày 25/6/1976, Bộ trưởng Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ký quyết định số 77A/VH-QĐ, xếp hạng Dinh Độc Lập là Di tích lịch sử quốc gia.
Cùng ngày, đoàn đại biểu đã đi thăm, ôn lại ký ức lịch sử hào hùng tại Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi - nơi ghi dấu ý chí ngoan cường của quân và dân ta trong suốt 30 năm chống kẻ thù xâm lược, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Với khẩu hiệu “một tấc không đi, một ly không rời," bộ đội, dân quân du kích, cơ quan dân chính đảng cùng với nhân dân đào địa đạo, chiến hào, công sự suốt ngày đêm, bất chấp đạn bom, mưa nắng, tích cực xây dựng “xã ấp chiến đấu” thiết lập “vành đai diệt Mỹ” thành thế trận vững chắc bao vây, tiến công tiêu hao, tiêu diệt kẻ thù.


Chỉ bằng phương tiện, dụng cụ thô sơ, quân và dân Củ Chi đã tạo nên công trình địa đạo đồ sộ với 250 km đường ngầm dọc ngang trong lòng đất, nối liền các xã, ấp với nhau.


Dựa vào hệ thống địa đạo, quân và dân Củ Chi kiên cường bám trụ, đánh địch bằng cả ba mũi giáp công với phương châm “nắm thắt lưng địch mà đánh”, thực hiện lối đánh áp sát với các chiến thuật bắn tỉa, phục kích, tập kích, phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, vô hiệu hóa nhiều loại vũ khí hiện đại nhất, làm thất bại âm mưu của địch, góp phần cho đại thắng mùa Xuân năm 1975.