Phụ nữ Nghệ An làm theo Bác
(Baonghean.vn) - Trên tinh thần học tập, nghiên cứu tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua các chuyên đề, các cấp hội phụ nữ Nghệ An đã có nhiều đổi mới lề lối làm việc hướng mạnh về cơ sở và quan tâm đến phụ nữ, trẻ em nghèo, yếu thế.
Với phương châm "Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động hội", thời gian qua, phong trào phụ nữ tỉnh Nghệ An hướng đến phụ nữ là công nhân, lao động. Ảnh: Mai Hoa |
Đổi mới lề lối làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả
Tháng 4/2022 vừa qua, thông qua hoạt động thăm hỏi đối với gia đình bà Hồ Thị Cậy, 65 tuổi, là hộ cận nghèo ở thôn 5, xã Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu), cán bộ Hội LHPN huyện Quỳnh Lưu nắm bắt được hoàn cảnh khó khăn của bà Cậy.
Nhà có 10 miệng ăn chỉ dựa vào gần 2 sào ruộng cộng với công thợ nề bữa có, bữa không của con rể, con gái hàng ngày đi mò cua, bắt ốc; còn 7 cháu ngoại của bà Cậy đang trong tuổi ăn, tuổi học. Sau đó, Hội LHPN huyện kiến nghị Phòng LĐ-TB&XH huyện bổ sung hộ bà Cậy vào danh sách hộ nghèo.
Hoạt động thăm hộ thông qua mô hình "Nhật ký thăm hộ" của Hội LHPN huyện Quỳnh Lưu đã làm thay đổi phương pháp hoạt động hướng về cơ sở, hướng tới phụ nữ, trẻ em. Ảnh: Mai Hoa |
Bà Hồ Thị Cậy là một trong nhiều hộ được cán bộ Hội LHPN huyện Quỳnh Lưu tiếp cận trực tiếp, hiểu rõ hoàn cảnh và hỗ trợ kịp thời theo mô hình “Nhật ký thăm hộ”, theo đó mỗi cán bộ hội mỗi quý thăm 10 hộ.
Từ đó, Hội LHPN huyện đã đổi mới cách tiếp cận, đi sâu, đi sát cuộc sống của hội viên, phụ nữ; đồng thời chỉ đạo phong trào sát đối tượng, bởi việc thăm hộ được gắn với hoạt động kiểm tra, hướng dẫn, đốc thúc thực hiện các hoạt động, phong trào hội, như vay vốn phát triển kinh tế; thực hiện sinh kế, mô hình “5 không, 3 sạch”...
“Từ hoạt động này giúp cán bộ hội kịp thời nắm bắt, phát hiện các vấn đề; nếu thuộc thẩm quyền thì trực tiếp xử lý hoặc đề xuất các cấp, các ngành giải quyết. Ngoài cấp huyện, mô hình “Nhật ký thăm hộ” còn được cán bộ cơ sở triển khai, đồng thời ở cấp xã, xóm nhằm nắm bắt, chỉ đạo kịp thời phong trào”, đồng chí Trần Thị Hà - Chủ tịch Hội LHPN huyện Quỳnh Lưu chia sẻ.
Hội LHPN huyện Đô Lương trao tặng xe đạp cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: CTV |
Tại huyện Đô Lương, Hội LHPN huyện lại lựa chọn cơ sở xã, chi hội và hội viên, phụ nữ là đối tượng triển khai, chỉ đạo trực tiếp các mô hình, phong trào sâu sát, cụ thể; gắn với tăng cường kiểm tra, hướng dẫn theo hướng “cầm tay chỉ việc”, khắc phục hành chính hóa trong hoạt động hội.
Trong triển khai các phong trào, hoạt động, Đô Lương đều chọn mũi nhọn để chỉ đạo có chiều sâu, không dàn trải; chọn điểm, chọn mô hình chỉ đạo tạo hiệu quả, để từ đó nhân rộng.
Hội Phụ nữ huyện Đô Lương đảm nhận công trình, phần việc đường hoa, trồng cây xanh trong phong trào xây dựng NTM ở địa phương. Ảnh: Mai Hoa |
Theo chia sẻ của đồng chí Thái Thị Hiền - Chủ tịch Hội LHPN huyện Đô Lương, “mũi” tâm đắc nhất là đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ hội và hội viên thông qua thành lập các trang fanpage, các nhóm facebook, zalo để thông tin các chủ trương hoặc các nội dung, phong trào cần triển khai; tổ chức các diễn đàn, hội thảo, cuộc thi online như thi tìm hiểu nghị quyết đại hội cơ sở, thi áo dài, dân vũ; tạo diễn đàn sâu rộng và nhiều người tiếp cận.
Hiện tại, các cấp hội đang tập trung triển khai nhiều công trình, phần việc gắn mục tiêu đưa huyện Đô Lương về đích nông thôn mới, như đảm nhận thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại nguồn gắn với xây dựng mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp, ngõ văn minh”; xây dựng các tuyến đường hoa, trồng cây xanh gắn với xây dựng khu dân cư kiểu mẫu do MTTQ huyện phát động; đẩy mạnh thực hiện mô hình “Biến rác thải thành việc có ích” hỗ trợ phụ nữ và trẻ em yếu thế, góp phần thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo ở các cơ sở...
Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh trao hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ nghèo ở xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Ảnh: CTV |
Đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Hoa - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho rằng, thông qua học tập các chuyên đề Chỉ thị 05-CT/TW và Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị, các cấp hội trong tỉnh đã chú trọng đổi mới phong cách, lề lối làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả và thực hiện phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động hội”.
Trên cơ sở chỉ đạo xây dựng tác phong làm việc của cán bộ hội theo tiêu chí “3 đúng, 4 có, 5 phải” của Hội LHPN tỉnh, mỗi cấp hội có những cách làm, mô hình hay, sáng tạo như: “Nhật ký thăm hộ” ở huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, “Nhật ký đi cơ sở” ở huyện Nam Đàn; “3 rõ, 3 giúp” (bao gồm rõ mặt, rõ hoàn cảnh, rõ nhu cầu hội viên; giúp vốn và kiến thức, giúp hội viên phòng chống bạo lực gia đình, giúp hội viên sản xuất, chế biến và sử dụng thực phẩm sạch) ở các huyện Nghĩa Đàn, Nghi Lộc, Thanh Chương; “Đổi mới tác phong, lề lối làm việc” ở các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Anh Sơn...
Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh tìm hiểu mô hình "Nhà sạch, vườn đẹp kiểu mẫu" tại xã Quang Thành, huyện Yên Thành. Ảnh: CTV |
Hoạt động hội hàng năm được các cấp hội lựa chọn những vấn đề trọng tâm gắn nhiệm vụ chính trị, vấn đề bức xúc tại địa phương, cơ quan, đơn vị để chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền tuyên truyền, nâng cao nhận thức và huy động các hội viên, phụ nữ vào cuộc.
Trọng tâm là xây dựng nông thôn mới; phòng, chống dịch Covid-19; phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em và tình trạng đuối nước; bạo lực gia đình; sản xuất, chế biến và tiêu thụ thực phẩm an toàn; xây dựng “làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em”...
Hướng về phụ nữ, trẻ em nghèo
Cùng với trọng tâm đổi mới phong cách, lề lối làm việc, triển khai Chỉ thị 05-CT/TW và Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị, Hội LHPN tỉnh cũng ưu tiên tập trung chỉ đạo các cấp hội triển khai nhiều mô hình, hoạt động hướng về phụ nữ và trẻ em nghèo.
Như huyện Đô Lương duy trì mô hình “Biến rác thải thành mô hình sinh kế”, “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm”, “Hũ gạo tiết kiệm”, “Tiết kiệm ngày vì phụ nữ nghèo”, “BCH+1”... gắn với kêu gọi các nguồn lực xã hội hóa xây dựng các mô hình sinh kế chăn nuôi gà, lợn, dê, trâu, bò cho phụ nữ nghèo; hỗ trợ học bổng, tặng xe đạp, đồ dùng học tập cho trẻ em mồ côi, hoàn cảnh khó khăn.
Thời gian qua, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ và trẻ em nghèo, yếu thế, như xây dựng "Mái ấm tình thương", xây dựng tủ sách, "Gian hàng 0 đồng"... Ảnh: Mai Hoa |
Ở huyện Quỳnh Lưu, hoạt động xuyên suốt trong nhiều năm qua là xây dựng “Mái ấm tình thương”, “Chăn ấm mùa Đông”, “Triệu phần quà san sẻ yêu thương cho phụ nữ nghèo"; duy trì “Bát cháo tình thương” cho trẻ em nghèo tại Bệnh viện Đa khoa huyện 3 buổi/tuần; tổ chức mô hình “Mẹ đỡ đầu”; “Tiếp sức đến trường” đối với các trẻ có hoàn cảnh đặc biệt... Đặc biệt ở Quỳnh Lưu, mô hình đổi công đã tạo điều kiện cho nhiều phụ nữ, nhất là các hộ thiếu lao động phát triển kinh tế gia đình...
Hay ở huyện Yên Thành duy trì hiệu quả các mô hình “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm”, “Hũ gạo tình thương”; “Biến rác thải thành con giống”...; góp phần hỗ trợ hơn 600 phụ nữ thoát nghèo trong vòng 6 năm qua. Với huyện Nghi Lộc chủ động triển khai mô hình “Đảm nhận con nuôi” ở tất cả các cơ sở hội; tổ chức phong trào “Giúp nhau xóa nghèo có địa chỉ” với gần 500 gia đình do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo.
Phong trào “Biến phế liệu thành mô hình sinh kế” đang được các cấp hội phụ nữ ở huyện Đô Lương triển khai, tạo nguồn lực hỗ trợ người nghèo vươn lên và phát triển kinh tế. Ảnh: CTV |
Một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng của tổ chức hội phụ nữ là vận động, hỗ trợ hội viên, phụ nữ nâng cao năng lực, trình độ, cải thiện đời sống, vật chất, tinh thần và xây dựng gia đình hạnh phúc; đồng thời học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh về yêu thương con người, các cấp hội trong tỉnh đã lan tỏa nhiều mô hình làm theo Bác.
Như mô hình “5+1” 5 hội viên giúp 1 hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo; “Thực hành tiết kiệm”; “Tương thân, tương ái”; “Ống tiền tiết kiệm”; “Hũ gạo tiết kiệm”; “Mái ấm tình thương”; “Biến rác thải thành con giống, thành thẻ bảo hiểm”; hoạt động hỗ trợ ngày công cho phụ nữ có hoàn khó khăn; chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”...
“Để tiếp tục triển khai hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị, Hội LHPN tỉnh tiếp tục định hướng các cấp hội khơi dậy và phát huy tình yêu thương, sẻ chia của cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân trong cộng đồng giúp phụ nữ và trẻ em nghèo, yếu thế tự tin vươn lên, tạo dựng sinh kế, đảm bảo cuộc sống. Coi đây là điểm nhấn, khâu trọng tâm mang “thương hiệu” của phụ nữ Nghệ An trong học tập, làm theo Bác”, đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Hoa - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh khẳng định.
Trong 5 năm, từ 2016 - 2021, thông qua các mô hình, hoạt động hướng tới phụ nữ và trẻ em nghèo, các cấp hội trong tỉnh đã hỗ trợ hơn 18 nghìn phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền gần 13 tỷ đồng; xây mới và sửa chữa 837 mái ấm tình thương; trao 17.826 suất quà, với tổng trị giá 8,2 tỷ đồng theo chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động.