Tàu cá Nghệ An 'nạp' hàng nghìn tấn đá lạnh để vươn khơi
(Baonghean.vn) - Dịp này thời tiết đang thuận lợi, ngư dân Nghệ An sau khi xuất bán hết hải sản, quay sang tiếp nguyên, nhiên liệu lên tàu cá để vươn khơi ngay. Trong đó, đá lạnh là thứ không thể thiếu và chiếm khối lượng nhiều nhất.
Clip: Xuân Hoàng |
Theo kinh nghiệm của bà con ngư dân Nghệ An, từ cuối tháng 3 đến tháng 6 là mùa đánh bắt cá trên biển thuận lợi nhất trong năm, bởi trời yên biển lặng. Do vậy, thời điểm này, tại các cảng cá trên địa bàn Nghệ An luôn nhộn nhịp cảnh mua bán hải sản và cung cấp nguyên, nhiên liệu cho tàu chuẩn bị rời cảng.
Lão ngư tên Phúc ở xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu) cho biết, từ tháng 3 về trước, mỗi khi đài báo sắp có gió mùa là tàu thuyền quay về tránh gió, nhưng bước sang tháng 4, dù có gió mùa về, nhưng tàu vẫn ra khơi bình thường, bởi gió mùa không thổi mạnh như trước. Do vậy, ngay sau khi bán hết hải sản, anh em lại lo bốc xếp lương thực, thực phẩm, nguyên, nhiên liệu khác để vươn khơi ngay, mong đánh bắt được nhiều hải sản.
Đá lạnh được đưa vào máy để xay nhỏ, theo băng tải lên tàu thuyền. Ảnh: Xuân Hoàng |
Mỗi chuyến ra khơi, đối với tàu công suất từ 500 CV trở lên, thường bám biển từ 5 đến 10 ngày, nên sử dụng nhiều nguyên, nhiên liệu như: dầu, đá lạnh... Trong đó, đá lạnh chiếm khối lượng lớn nhất. Chủ tàu Nguyễn Quang Vinh ở xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu cho biết: Tàu của ông có công suất trên 800 CV, mỗi chuyến ra khơi, riêng đá lạnh phải ngốn tới 1.000 cây, tổng trọng lượng 30 tấn, chi phí hết 16 triệu đồng.
Anh Sơn, người chuyên làm nghề vận chuyển đá lạnh cho tàu thuyền chia sẻ: Vì nhu cầu của các chủ tàu, nên có những ngày làm việc từ mờ sáng đến chiều tối. Suốt hàng chục giờ đồng hồ phải luôn tay khuân hàng nghìn cây đá lạnh từ thùng xe vào máy xay đá, rất vất vả.
Mỗi cây đá lạnh nặng 30 kg, được đưa vào máy xay thành bột trắng, giống như muối, theo băng tải lên mũi tàu rồi đổ vào khoang tàu. Sau mỗi mẻ lưới, ngư dân cho hải sản vào khay nhựa, được ướp đá lạnh cẩn thận dưới khoang tàu, nên hải sản luôn giữ được tươi ngon.
Mỗi tàu cá công suất từ 500 CV trở lên phải sử dụng từ 800 - 1.000 cây đá lạnh. Mỗi cây đá lạnh có trọng lượng 30 kg. Ảnh: Xuân Hoàng |
Cảng cá Lạch Quèn là nơi cập cảng của hàng trăm con tàu cá công suất lớn. Ông Nguyễn Đức Đông, phụ trách cảng cá cho biết: Từ ngày 10/4 đến nay, mỗi ngày có trên dưới 10 chiếc tàu cá cập cảng, cũng ngần ấy con tàu rời cảng vươn khơi. Bởi bà con ngư dân ngay sau khi bán hết cá, chỉ nghỉ 1 đêm, sau đó quay ra tiếp ứng dầu, đá lạnh và nhu yếu phẩm khác để ra khơi chuyến biển mới. Vì vậy, cảng lúc nào cũng nhộn nhịp, ồn ào bởi ô tô, máy kéo vận chuyển đá lạnh ra cảng, cùng với tiếng máy xay đá lạnh, át hết tiếng người.
"Mỗi con tàu công suất trên 500 CV, trước khi ra khơi phải sử dụng từ 800 - 1.000 cây đá lạnh. Như vậy, mỗi ngày 10 chiếc tàu cá xuất cảng, đồng nghĩa với 10.000 cây đá lạnh được các thợ đá xay nhỏ vận chuyển lên tàu cùng với ngư dân vươn khơi" - ông Nguyễn Đức Đông chia sẻ.
Hàng chục con tàu cá công suất lớn đang "nuốt" đá lạnh tại Cảng cá Lạch Quèn trước khi vươn khơi. Ảnh: Xuân Hoàng |
Xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai) là địa phương có số tàu to máy lớn chuyên đánh bắt vùng biển xa bờ. Thời điểm này, bà con ngư dân ở đây cũng tất bật với nghề đánh bắt hải sản. Dọc khu vực cảng cá Quỳnh Lập dịp này luôn nhộn nhịp tàu cá ra vào, cùng đó là tấp nập người, xe ra vào cung ứng nguyên, nhiên liệu lên tàu, chuẩn bị cho chuyến ra khơi. Vì tàu thuyền to nhiều, nên lượng đá lạnh sử dụng hàng ngày "khủng". Ông Lê Hội Hưng, chủ một cơ sở cấp đá lạnh cho biết, do mỗi con tàu cần số lượng hàng nghìn cây đá lạnh, nên cơ sở của ông dịp này chạy hết công suất để kịp cung ứng cho tàu cá trong vùng.
Sau những ngày vươn khơi bám biển, những con tàu lại trở về cảng cá, mang theo nhiều sản phẩm hải sản khác nhau. Trong đó có những loại cá dùng để chế biến thức ăn chăn nuôi, giá trị kinh tế thấp, nhưng cũng có loại hải sản giá trị kinh tế cao như: Mực, cá hố, cá thu... Dù hải sản gì thì cũng được bảo quản tốt bằng khối lượng đá lạnh khổng lồ trong khoang tàu, nên chất lượng tốt, bán giá cao.
Nghệ An hiện có 3.510 tàu thuyền đánh bắt hải sản, trong đó có 1.593 tàu công suất máy trên 90CV, với gần 20 nghìn lao động trực tiếp đánh bắt hải sản trên biển. Mỗi năm ngư dân Nghệ An đánh bắt được trên 150 nghìn tấn hải sản.