Nghệ An: Thông tin nổi bật ngày 16/9

Quốc Sơn - Hữu Quân 16/09/2022 18:40

(Baonghean.vn) - Ngày 16/9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp phiên thường kỳ, nghe và cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng, trong đó có vấn đề tuyển dụng giáo viên mầm non hợp đồng vào biên chế; Trong ngày, trên baonghean.vn còn có nhiều thông tin đáng chú ý như: xử phạt cửa hàng xăng dầu; kiểm tra các cơ sở kinh doanh karaoke…

* Sáng 16/9, tại phiên họp thường kỳ tháng 8/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe và cho ý kiến kết quả thực hiện nhiệm vụ giáo dục - đào tạo và giáo dục nghề nghiệp năm học 2021 - 2022; nhiệm vụ năm học 2022 - 2023.

Thời gian qua, ngành Giáo dục Nghệ An đã đạt được 10 kết quả nổi bật về giáo dục mầm non, phổ thông; 5 kết quả về giáo dục nghề nghiệp và 5 kết quả của giáo dục đại học trong năm học 2021-2022; đặc biệt một số kết quả vượt trội so với các tỉnh Bắc Trung Bộ và cả nước.

Đặc biệt, Nghệ An tiếp tục giữ vững vị trí tốp 5 tỉnh dẫn đầu toàn quốc về học sinh giỏi. Chất lượng giáo dục toàn diện từng bước được nâng lên, kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022, đứng vị thứ 20 toàn quốc, tăng 14 bậc so với năm 2021. Tỉnh cũng đã chuẩn bị tốt nhất các điều kiện đảm bảo thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý đánh giá rất cao sự chủ động, linh hoạt của ngành Giáo dục và Đào tạo, của cấp ủy, chính quyền các cấp trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid -19, qua đó hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2021 - 2022.

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị rà soát lại mạng lưới giáo dục, vì quy hoạch đã tương đối lâu trong khi quá trình phát triển đã có những thay đổi về học sinh, đội ngũ giáo viên, hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương. Trên cơ sở đó, nghiên cứu xem các phương án sắp xếp còn phù hợp không để có tính toán, triển khai cụ thể, bài bản, tránh hành chính hóa.

Tại cuộc làm việc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã thống nhất xây dựng mô hình cho 6 huyện miền núi vùng cao Nghệ An với 18 trường thực hiện thí điểm Mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học, trung học cơ sở kiểu mới; thí điểm trường phổ thông dân tộc bán trú tại Trường Trung học phổ thông Kỳ Sơn và Quế Phong; thảo luận các giải pháp nhằm huy động nguồn lực xây dựng cơ sở mới Trường Trung học phổ thông chuyên Phan Bội Châu đảm bảo tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực Bắc Trung Bộ và hội nhập quốc tế.

Toàn cảnh phiên họp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

* Liên quan đến vấn đề tuyển dụng giáo viên mầm non hợp đồng vào biên chế, cũng tại phiên họp nói trên, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý yêu cầu Sở Nội vụ xây dựng bộ tiêu chí để tuyển dụng nhằm đảm bảo công bằng, khách quan; tuyệt đối không được để xảy ra tiêu cực trong quá trình tuyển dụng.

Theo phân phân bổ, năm học 2022 - 2023, Nghệ An được bổ sung 2.820 biên chế, trong đó, bậc mầm non là 2.164 biên chế, tiểu học 498 biên chế, trung học cơ sở 142 biên chế và trung học phổ thông là 16 biên chế.

Tính đến 31/5/2022, toàn ngành Giáo dục Nghệ An có tổng số 44.005 người, trong đó 3.441 cán bộ quản lý, 36.698 giáo viên và 3.866 nhân viên. Tuy nhiên, đây là một trong những tỉnh thiếu giáo viên nhiều nhất cả nước với trên 7.800 biên chế, trong đó, thiếu nhiều nhất là bậc mầm non.

Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, tính đến 31/5/2022, cấp mầm non có 10.870 giáo viên mầm non công lập, gồm 8.458 viên chức, 1.777 giáo viên hợp đồng theo Nghị định 06 chuyển sang, 44 giáo viên hợp đồng do UBND huyện ký và 591 giáo viên giáo viên mầm non hợp đồng ngắn hạn do trường ký.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý kết luận nội dung cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

* Tại Hội nghị Tổng kết công tác Đoàn - Đội trường học năm học 2021 - 2022, Hội đồng Đội Trung ương, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh Nghệ An đã biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp xuất sắc trong công tác Đoàn - Đội và phong trào thiếu nhi trong năm học vừa qua.

Hội đồng Đội Trung ương có Quyết định khen thưởng 28 cá nhân của tỉnh Nghệ An có thành tích xuất sắc trong công tác Đội và phong trào thiếu nhi năm học 2021-2022.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An trao tặng Bằng khen cho các cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn - Đội năm học 2021 - 2022. Ảnh: Thanh Quỳnh

* Ngày 16/9, Thanh tra Sở Công thương Nghệ An cho biết, đơn vị này vừa xử phạt Doanh nghiệp tư nhân Bính Tứ (xóm 3, xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ) 15 triệu đồng vì đóng cửa cây xăng. Động thái này diễn ra sau khi lực lượng này thanh tra đột xuất hoạt động kinh doanh xăng dầu và các quy định khác có liên quan đối với một số cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Cây xăng Bính Tứ đóng cửa. Ảnh: T.H

* Ngày 15/9, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh có văn bản về việc nổ mìn khai thác khoáng sản ảnh hưởng đến các hộ dân tại xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn gửi UBND tỉnh Nghệ An.

Văn bản này cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường nhận được thông tin về việc Công ty TNHH Hồng Trường nổ mìn khai thác khoáng sản ảnh hưởng đến các hộ dân tại bản Kim Đa, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Ngày 14/9/2022, Báo Nghệ An có bài “Mỏ đá ở Kỳ Sơn lại nổ mìn làm nhà dân hư hỏng, bé gái 1 tuổi phải vào viện”.

Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra các hồ sơ có liên quan đến việc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp của Công ty TNHH Hồng Trường nói chung và vụ nổ vào lúc 11h ngày 14/9 nói riêng.

Mỏ đá nằm khá gần nhà dân bản Kim Đa. Ảnh: Tiến Hùng

* Thông qua công tác kiểm tra giám sát từ ngày 12/9 đến nay, Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH, Công an các huyện, thành phố, thị xã đã đặc biệt quan tâm đến lối thoát nạn tại các cơ sở kinh doanh karaoke.

Cùng với kiểm tra kịp thời phát hiện các sai phạm, tồn tại ở các cơ sở kinh doanh karaoke, bar, lực lượng chức năng đã giám sát việc khắc phục, trong đó đặc biệt chú trọng đến lối thoát nạn.

Kiểm tra lối thoát nạn tại các cơ sở kinh doanh karaoke. Ảnh: Đ.C

* Do ảnh hưởng của mưa lũ trong nhiều ngày qua, khiến nhiều diện tích lúa hè thu mùa trên địa bàn huyện vùng cao Kỳ Sơn bị thiệt hại khá nghiêm trọng. Nhiều diện tích bị mất trắng, nhiều hộ dân trồng lúa đứng trước nguy cơ mất mùa.

Theo số liệu của phòng Nông nghiệp huyện Kỳ Sơn, trong 2 đợt lũ từ ngày 4 đến ngày 12 tháng 9, trên địa bàn huyện vùng cao Kỳ Sơn, có hơn 50 ha diện tích lúa hè thu – mùa bị thiệt hại nặng, chủ yếu tập trung ở các xã Chiêu Lưu, Hữu Lập và Phà Đánh. Nhiều diện tích lúa bị vùi lấp dưới nhiều lớp đất đá khó khôi phục, người dân vùng lũ đã gặp nhiều khó khăn nay nguy cơ mất mùa, thiếu đói lại hiện hữu trước mắt

Nhiều diện tích đất ruộng bị san bằng do mưa lũ vừa qua. Ảnh: Lữ Phú

Quốc Sơn - Hữu Quân