Xã hội

Quanh việc nhiều giáo viên hợp đồng bị dừng trả lương sau sáp nhập vào TP. Vinh

Tiến Hùng - Mỹ Hà 08/02/2025 08:32

Ngay sau khi được sáp nhập vào thành phố Vinh, hàng chục giáo viên từng được UBND thị xã Cửa Lò ký hợp đồng dài hạn từ nhiều năm trước bị dừng trả lương bằng ngân sách. Đặc biệt, những giáo viên này bị dừng chi trả ngay trước dịp Tết Nguyên đán.

Tết buồn của những giáo viên hợp đồng

Nhiều ngày nay, thầy Mai Duy Tân (34 tuổi, giáo viên thể dục Trường THCS Hải Hòa, TP. Vinh), đến trường với tâm trạng bất an. Dù ít ngày tới, các đồng nghiệp được lĩnh lương tháng 2, nhưng đến nay khoản tiền lương tháng 1/2025 thầy Tân vẫn chưa được nhận.

“Năm nay cả gia đình đón cái Tết trong tâm trạng rất buồn. Không chỉ thiếu thốn tiền bạc mà tinh thần cũng rất lo lắng, hoang mang”.

Thầy Mai Duy Tân (34 tuổi, giáo viên thể dục Trường THCS Hải Hòa (TP. Vinh)

Thầy Tân là một trong hàng chục giáo viên, nhân viên hợp đồng ở các trường học trên địa bàn TP. Vinh bị dừng chi trả lương. Những người này từng công tác ở các trường học trên địa bàn thị xã Cửa Lò (cũ), được thị xã ký hợp đồng không xác định thời hạn từ nhiều năm trước. Dù thuộc diện hợp đồng dài hạn, nhưng trong những năm qua, họ vẫn được hưởng các chế độ tương tự các giáo viên trong biên chế. Được tăng lương theo kỳ hạn. Tiền lương của những trường hợp này, từ trước đến nay đều được thị xã Cửa Lò chi trả từ nguồn ngân sách. Tuy nhiên, ngay sau khi thị xã Cửa Lò sáp nhập vào TP. Vinh, họ bất ngờ không còn được chi trả lương.

bna_1.jpg
Thầy Tân (thứ 3 từ phải sang) có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Ảnh: Mỹ Hà

Quê ở tận huyện Nghĩa Đàn, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Đà Nẵng, năm 2015, thầy Tân được UBND thị xã Cửa Lò ký hợp đồng không xác định thời hạn, sau đó được phân công vào giảng dạy ở Trường THCS Hải Hòa. “Thời điểm đó, tôi chỉ nhận được mỗi tháng chưa tới 2 triệu đồng. Nhưng vì quá yêu nghề nên cố gắng bám trụ. Cũng may dù giáo viên hợp đồng nhưng được hưởng các chế độ cũng như biên chế, nên thu nhập dần tăng lên. Trước khi bị dừng chi trả, tiền lương mỗi tháng của tôi là hơn 8 triệu đồng”, thầy Tân kể.

Cũng theo thầy Tân, thông thường các giáo viên sẽ được lĩnh lương vào khoảng ngày 8 đến ngày 10 hàng tháng. Tuy nhiên, tháng 1/2025, lương của toàn bộ giáo viên đều bị chậm hơn so với thường lệ. “Mãi đến gần cuối tháng 1, các giáo viên mới nhận được lương. Vì lúc này đã cận Tết, nên cả gia đình tôi rất mong chờ khoản tiền ấy. Nhưng khi kế toán thông báo, tôi cũng như các giáo viên hợp đồng khác sẽ không được trả lương nữa, tôi rất sốc”, thầy Tân nói thêm.

Không chỉ thầy Tân bị sốc, các giáo viên khác trong trường cũng rất hoang mang, ảnh hưởng đến tâm lý. Bởi nhà trường có đến 7 giáo viên và nhân viên hợp đồng bị dừng chi trả lương. Việc những người này bị dừng chi trả lương khiến chúng tôi ai nấy đều bất ngờ. Đặc biệt lại bị dừng vào những ngày cận Tết, rất buồn”. Trong những năm qua, thầy Tân luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Là giáo viên giỏi cấp tỉnh năm 2024.

Cô Trần Thị Thu Hương – Hiệu trưởng Trường THCS Hải Hòa (TP. Vinh)

“Thầy Tân có hoàn cảnh khó khăn. Dù đã 10 năm đi dạy, nhưng đến nay vợ chồng thầy vẫn phải thuê căn nhà trọ chật hẹp gần trường. Vợ không có việc làm, nên cả gia đình 4 người đều phải trông chờ vào khoản tiền lương của thầy. Thầy Tân cũng như các giáo viên, nhân viên hợp đồng khác đều có thành tích tốt, rất cố gắng nhưng do nhiều năm qua, địa phương không có đợt tuyển dụng nào nên chưa thể vào biên chế”, cô Hương nói thêm.

a4 (2)
Một giáo viên hợp đồng ở Trường THCS Hải Hòa trong giờ dạy. Trường học này chỉ có 2 giáo viên dạy thể dục, cả 2 đều thuộc diện hợp đồng. Ảnh: Tiến Hùng

Có làm trái chỉ đạo?

Tương tự, 6 giáo viên và nhân viên hợp đồng ở Trường THCS Nghi Hương (TP. Vinh) những ngày qua cũng không khỏi lo lắng, dù họ đã được nhận lương của tháng 1. “Ai nấy cũng đang rất bất an, không biết tương lai sẽ như thế nào? Dù đã nhận được lương tháng 1, nhưng sau đó nghe thông báo sẽ phải nộp lại, ai cũng buồn. Ngày Tết mà chẳng có niềm vui”, cô Phạm Thị Giang Linh (37 tuổi), nói. Cô Linh được UBND thị xã Cửa Lò ký hợp đồng không xác định thời hạn từ 16 năm trước. Hiện cô được hưởng mức lương hơn 10 triệu đồng gồm cả phụ cấp cho vai trò giáo viên âm nhạc và Tổng phụ trách đội của trường.

Trường có 2 giáo viên và 4 nhân viên hợp đồng được UBND thị xã Cửa Lò (cũ) ký từ nhiều năm trước. Trong đó, có nhiều người đã lớn tuổi, thâm niên hàng chục năm ở trường. Không giống như Trường THCS Hải Hòa, trường chúng tôi được phía Kho bạc chuyển tiền lương tháng 1 xuống sớm hơn. Nhà trường đã phát lương cho các giáo viên hết rồi, sau đó mới nhận được thông báo dừng chi trả lương cho 6 trường hợp này. Bây giờ họ yêu cầu chúng tôi phải thu hồi để nộp lại, nhà trường cũng không biết làm thế nào để thu hồi được cả. Rất khó ăn nói với các thầy cô. Những giáo viên và nhân viên hợp đồng này đều rất quan trọng với nhà trường, không thể thiếu được. Những ngày qua, không chỉ các giáo viên và ngay cả lãnh đạo nhà trường cũng rất hoang mang. Trường thì không thể thiếu nhân viên kế toán hay văn thư, nhân viên thiết bị được. Chưa kể các giáo viên bộ môn cũng vậy. Nhà trường cũng không có nguồn thu nào để có thể tự trả lương cho họ. Chính vì vậy, hy vọng các cơ quan có thẩm quyền xem xét, có hướng xử lý phù hợp.

Thầy Phạm Văn Sơn – Hiệu trưởng Trường THCS Nghi Hương (TP. Vinh)

a2 (2)
Cô Linh (đầu tiên từ trái qua), cùng các giáo viên hợp đồng ở Trường THCS Nghi Hương đang rất lo lắng về tương lai. Ảnh: Mỹ Hà

Tương tự, cô Trần Thị Thu Hương - Hiệu trưởng Trường THCS Hải Hòa cũng cho hay, 7 giáo viên và nhân viên hợp đồng ở Trường THCS Hải Hòa bị dừng chi trả lương đều thuộc diện “không thể thiếu” của trường. “Trường có hơn 1.000 học sinh với 26 lớp nhưng hiện tại chỉ có 2 giáo viên dạy môn thể dục, trong đó các thầy đều là giáo viên hợp đồng. Với số lớp như thế, bình thường các thầy cũng đã phải dạy thêm tiết rồi. Bây giờ mà không trả lương cho họ thì không có giáo viên thể dục. Trong văn bản ngày 21/01/2025 thì UBND TP. Vinh đề nghị nhà trường phải trả lương cho 7 trường hợp này bằng nguồn thu của trường, nhưng nguồn thu của trường chúng tôi không thể đảm bảo được, đó là số tiền quá lớn”, cô Hương nói và cho hay, do các giáo viên, nhân viên hợp đồng bị dừng trả lương ngay trước Tết, nên để động viên, nhà trường đã phải kêu gọi những giáo viên trong biên chế quyên góp, hỗ trợ mỗi trường hợp một khoản tiền nhỏ để mua sắm Tết.

Cùng với đó, Trường THCS Hải Hòa cũng đang làm tờ trình gửi UBND TP. Vinh đề nghị bổ sung ngân sách chi lương cho 7 trường hợp này. “Trường chúng tôi có đến 26 lớp nhưng hiện chỉ có 41 giáo viên biên chế, tỷ lệ chỉ là 1,57 giáo viên/lớp. Thấp hơn nhiều so với tỷ lệ định biên 1,9 giáo viên/lớp trong thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như tỷ lệ định biên 1,7 giáo viên/lớp của thành phố Vinh. Do đó, nhà trường mong muốn các giáo viên, nhân viên hợp đồng này được ưu tiên tuyển dụng vào biên chế”, cô Hương nói thêm.

bna_a4.jpg
Các nhân viên kế toán, văn thư bị dừng chi trả lương đang rất hoang mang. Ảnh: Tiến Hùng

Theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ có Trường THCS Nghi Hương và Trường THCS Hải Hòa, nhiều trường học khác cũng lâm vào cảnh tương tự. Trong khi đó, từ ngày 27/09/2024, UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản để giải quyết khó khăn, vướng mắc đối với hợp đồng chuyên môn, nghiệp vụ trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 111/2022-ND-CP. Văn bản này đã được gửi đến tất cả các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành, thị và các đơn vị sự nghiệp.

Trong đó, UBND tỉnh chỉ đạo, đối với các hợp đồng chuyên môn, nghiệp vụ ngoài chỉ tiêu biên chế, “đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 3, nhóm 4 xác định nguồn đảm bảo chi trả tiền lương đối với các trường hợp hợp đồng lâu năm (từ năm 2022 trở về trước) do tính chất đặc thù nghề nghiệp, do lịch sử để lại hoặc do sáp nhập, sắp xếp tổ chức bộ máy… để đề nghị Kho bạc Nhà nước thực hiện chi trả tiền lương. Đồng thời ưu tiên trong tuyển dụng vào viên chức nếu đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn và yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển”.

Còn đối với các trường hợp hợp đồng từ năm 2023 trở về sau, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị chịu trách nhiệm tự đảm bảo nguồn chi trả tiền lương và đề nghị Kho bạc Nhà nước chi trả tiền lương cho các trường hợp đã được hợp đồng. Đồng thời nghiên cứu, xem xét chấm dứt hợp đồng trước ngày 31/12/2024.

Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, tất cả các giáo viên, nhân viên hợp đồng vừa bị dừng chi trả lương đều đã được UBND thị xã Cửa Lò ký hợp đồng từ trước năm 2022. Có nhiều người thậm chí từ hơn 20 năm trước. Như vậy, dựa theo văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, những trường hợp này đều thuộc diện sẽ tiếp tục được chi trả lương, đồng thời được ưu tiên tuyển dụng vào biên chế. Nhưng không hiểu sao, ngày 21/01/2025, UBND TP. Vinh lại ban hành quyết định về việc giáo viên biên chế viên chức và hợp đồng lao động trong các trường học năm 2025, trong đó đưa những người này vào danh sách “hợp đồng hưởng lương từ nguồn thu đơn vị”, khiến họ bị Kho bạc Nhà nước dừng chi trả lương ngay trước dịp Tết Nguyên đán?.

Chiều 7/2, trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An, một lãnh đạo Phòng Nội vụ TP Vinh cho biết, liên quan đến vấn đề này, thành phố Vinh cũng đã có văn bản xin ý kiến của Sở Nội vụ. "Mới đây, Sở Nội vụ cũng đã có văn bản trả lời. Trong đó đề nghị thành phố làm theo như chỉ đạo trong văn bản của UBND tỉnh ban hành ngày 27/09/2024. Theo đó, sẽ tiếp tục đề nghị Kho bạc Nhà nước chi trả lương cho họ và thời gian tới sẽ xem xét ưu tiên tuyển dụng những người này vào biên chế", vị này nói và cho biết, ngay sau khi nhận được văn bản cho trả lời của Sở Nội vụ, thành phố Vinh cũng đã có ý kiến với Kho bạc Nhà nước để sớm chi trả lương cho các giáo viên, nhân viên hợp đồng.

Mới nhất

x
Quanh việc nhiều giáo viên hợp đồng bị dừng trả lương sau sáp nhập vào TP. Vinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO