Nghệ An: Nhiều giáo viên hợp đồng có cơ hội được tuyển dụng vào biên chế
Ưu tiên tuyển dụng giáo viên hợp đồng lâu năm và tạo cơ hội để các giáo viên được chuyển đổi vị trí công tác là một trong những chủ trương nhân văn đang được một số địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An thực hiện trong đợt tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục.
Quỳnh Lưu ưu tiên tuyển dụng giáo viên, nhân viên hợp đồng lâu năm
Sau hơn 15 năm công tác, cô giáo Nguyễn Thị Linh - giáo viên dạy môn Ngữ văn ở Trường THCS Bá Ngọc (Quỳnh Lưu) nhen nhóm hy vọng khi năm nay huyện Quỳnh Lưu có chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên ở bậc THCS, trong đó có tuyển dụng 3 giáo viên Ngữ văn - đúng chuyên ngành của chị.
Cũng theo thông báo tuyển dụng, tiếp nhận viên chức của huyện được thông báo rộng rãi vào cuối tháng 7/2024, với các chỉ tiêu ở bộ môn Ngữ văn, huyện sẽ tuyển dụng đặc cách những viên chức từ giáo viên hợp đồng bậc THCS của huyện, có đóng bảo hiểm xã hội.
Nếu theo các tiêu chí quy định, tôi là một trong những trường hợp đủ điều kiện được tuyển dụng. Vì vậy, sau khi nộp hồ sơ, chúng tôi rất hy vọng sẽ được xem xét trong đợt này. Đây là ước mơ và thanh xuân của tôi, là động lực để tôi tiếp tục gắn bó với nghề.
Cô giáo Nguyễn Thị Linh - giáo viên dạy môn Ngữ văn ở Trường THCS Bá Ngọc (Quỳnh Lưu)
Cô giáo Nguyễn Thị Linh sinh năm 1983 và cũng là 1 trong những giáo viên kỳ cựu của ngành Giáo dục Quỳnh Lưu. Vào nghề đã nhiều năm và từng trải qua 2 đơn vị trường học nhưng cô vẫn đang là giáo viên hợp đồng trường, với mức thu nhập chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng.
Những năm qua, để tạo điều kiện cho các giáo viên hợp đồng, nhà trường thường ưu tiên để các giáo viên được tăng giờ, tăng tiết hoặc dạy thêm vào buổi chiều. Tuy nhiên, nhà cô giáo Nguyễn Thị Linh ở thành phố Vinh, chị đang có 3 con học tiểu học và THCS, chồng là bộ đội công tác ở Quảng Trị nên chị khó bố trí sắp xếp để dạy thêm.
Hàng ngày, đi đi, về về hơn 100 km để dạy học, cô Linh chia sẻ đã không ít lần muốn bỏ cuộc. Thậm chí đã học thêm chuyên ngành Mầm non để có cơ hội để xin chuyển công tác. Nhưng vì yêu môn Ngữ văn, gắn bó với các học sinh THCS cô Linh đã quyết định ở lại Trường THCS Bá Ngọc.
Chị Đinh Thị Lê - nhân viên kế toán của Trường THCS Bá Ngọc cũng đang chung niềm vui khi đứng trước cơ hội được tuyển dụng vào biên chế. Dù đã công tác nhiều năm trong ngành nhưng mức lương của chị chỉ được trả bằng mức lương tối thiểu vùng, với thu nhập chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng. Số tiền này, nếu không làm thêm sẽ không đủ để trang trải cuộc sống
Cuối tháng 8/2024, huyện Quỳnh Lưu cũng đã khép lại thời gian nhận hồ sơ tuyển dụng giáo viên cho năm học 2024 - 2025. Theo kế hoạch, năm nay, huyện sẽ tuyển 273 giáo viên, nhân viên ở cả 3 cấp, gồm Mầm non, Tiểu học và THCS. Trong số này, có 22 giáo viên được tiếp nhận từ các địa phương khác về với điều kiện phải là viên chức, có trình độ đào tạo, công tác ở vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp viên chức phù hợp.
Đáng chú ý, trong đợt tuyển dụng lần này, huyện Quỳnh Lưu sẽ tuyển dụng đặc cách viên chức giáo viên bậc THCS. Người dự tuyển là giáo viên đang hợp đồng lao động theo vị trí việc làm giảng dạy tại các trường THCS, Tiểu học và THPT huyện Quỳnh Lưu và đã có thời gian ký hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội trước ngày 31/12/2015.
Qua tổng hợp của huyện Quỳnh Lưu, toàn huyện đang còn 23 giáo viên và nhân viên hợp đồng tại các nhà trường. Trong đó, người ít tuổi nhất sinh năm 1991 và người nhiều tuổi nhất sinh năm 1973, đã hợp đồng nhà trường từ tháng 1/2000. Những năm qua, chế độ, chính sách cho các trường hợp này rất thiệt thòi do lương thấp, không có nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp. Hầu hết các giáo viên, nhân viên đều phải làm thêm nghề phụ mới có thể đảm bảo cuộc sống. Việc chi trả lương có thời điểm bị gián đoạn vì liên quan đến việc rà soát đối tượng giáo viên hợp đồng.
Từ thực tế này, việc tuyển dụng vào biên chế cho các giáo viên, nhân viên là điều mong mỏi nhiều năm nay của các giáo viên và của các nhà trường. Do đó, trong đợt tuyển dụng viên chức vào ngành Giáo dục năm nay, chính quyền huyện Quỳnh Lưu đặc biệt lưu ý đến các trường hợp đã hợp đồng với huyện nhiều năm.
Trước khi tuyển dụng, chúng tôi đã rà soát toàn bộ những trường hợp giáo viên đang hợp đồng trên địa bàn và sẽ ưu tiên tuyển dụng đặc cách số giáo viên này nếu có vị trí việc làm phù hợp.
Những chỉ tiêu còn lại, hiện phòng đã hoàn thành thời gian tiếp nhận hồ sơ và sẽ thành lập hội đồng để thực hiện quy trình tuyển dụng theo quy định, phấn đấu hoàn thành thi tuyển, tiếp nhận viên chức vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10 bố trí giáo viên cho các trường học.Ông Nguyễn Văn Thanh - Phó trưởng Phòng Nội vụ huyện Quỳnh Lưu
Con Cuông tạo cơ hội để giáo viên được chuyển đổi vị trí công tác
Sau 20 năm công tác, từ năm học 2024 - 2025 này, cô giáo Trương Thị Như Trang - giáo viên Trường THCS Yên Khê (Con Cuông) mới thực sự có được niềm vui trọn vẹn.
Sau khi tốt nghiệp Khoa Toán, Trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An năm 2003, cô Trang được tuyển dụng vào công tác tại Trường THCS Mậu Đức. Tuy nhiên, gắn bó với công việc này hơn 10 năm nhưng cô Trang vẫn không được tuyển dụng vào biên chế.
Năm 2016, sau khi tỉnh có chủ trương điều chuyển giáo viên THCS xuống dạy bậc Mầm non theo diện hợp đồng 06, 09, cô Trang đã quyết định chuyển công tác và chính thức được vào biên chế năm 2020. Từ một giáo viên dạy Toán, việc chuyển đổi vị trí việc làm vào thời điểm đó dường như là điều “bất đắc dĩ”. Thế nên, dù sau này đã được đào tạo lại, có đầy đủ bằng cấp của bậc Mầm non theo như quy định, cô Trang vẫn đau đáu với nghề và mong ước được trở lại làm giáo viên dạy Toán.
Cách đây 3 năm, do huyện Con Cuông thiếu giáo viên THCS, cô Trang là 1 trong 3 giáo viên Mầm non được điều trở lại để dạy THCS. Tuy nhiên, dù là giáo viên dạy Toán nhưng thực tế quân số của cô Trang vẫn ở trường Mầm non, ăn lương của bậc Mầm non. Phải đến Hè 2024, sau khi UBND huyện Con Cuông có tờ trình xin chủ trương tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục và Đào tạo, cô Trang mới chính thức được thay đổi vị trí việc làm, trở về làm giáo viên THCS một cách đúng nghĩa.
Đây là niềm vui rất lớn đối với bản thân, từ đây tôi có thể yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với ngôi trường mà tôi yêu quý.
Cô giáo Trương Thị Như Trang - giáo viên Trường THCS Yên Khê (Con Cuông)
Đến thời điểm này, huyện Con Cuông là địa phương hy hữu của tỉnh Nghệ An thực hiện chủ trương thay đổi vị trí việc làm. Theo đó, 19 giáo viên thuộc trường hợp giải quyết dôi dư hợp đồng bậc THCS các năm 2016, 2018 (chuyển xuống dạy Mầm non) đã được xét duyệt chuyển đổi vị trí, trở lại dạy trường THCS. Đối tượng được chuyển đổi là những người đủ điều kiện về bằng cấp, vị trí việc làm và phù hợp với nhu cầu giáo viên trên địa bàn, trong đó, có 5 giáo viên Toán - Lý; 7 giáo viên Văn - Sử, 5 giáo viên Lịch sử và 1 giáo viên Ngữ văn.
Ông Phạm Trọng Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết: Việc chuyển đổi vị trí việc làm nhằm giúp các giáo viên được trở về đúng với chuyên môn của mình và có cơ hội để phát huy năng lực… Ngoài các đối tượng này, hiện huyện Con Cuông cũng đã ra thông báo để tuyển dụng mới 33 chỉ tiêu, trong đó, nhiều nhất là bậc Mầm non với 26 người, Tiểu học 2 người và THCS 5 người. Việc tuyển dụng đang sớm được triển khai để kịp thời bổ sung đội ngũ giáo viên cho các trường trong năm học mới 2024 - 2025.
Với nhiều chính sách ưu tiên, niềm vui đã đến với các thầy, cô giáo trong dịp đầu năm học mới 2024 - 2025. Điều này vừa thể hiện sự quan tâm, tính chất nhân văn và cũng là nguồn động viên cho các thầy giáo, cô giáo tiếp tục nỗ lực, gắn bó với nghề. Đồng thời, giải quyết bài toán “bế tắc” trong xử lý đội ngũ giáo viên, nhân viên, hợp đồng đã tồn đọng nhiều năm nay ở các địa phương./.