Kinh tế

Quế Phong phát triển mạnh các sản phẩm OCOP

Xuân Hoàng - Quang An 16/12/2024 15:44

Xây dựng sản phẩm OCOP cho các đặc sản của từng địa phương không những tăng thu nhập cho người làm nghề mà còn góp phần quảng bá hình ảnh của vùng biên Quế Phong với bạn bè gần xa.

Xây dựng sản phẩm từ tiềm năng sẵn có

Huyện Quế Phong được biết đến là "thủ phủ" của cây lùng mọc thành rừng bạt ngàn ở các xã Thông Thụ, Đồng Văn, Tiền Phong… Hàng năm, đồng bào các dân tộc ở địa phương có nguồn thu đáng kể từ thu hoạch lùng.

Tận dụng nguồn nguyên liệu lùng, một số người dân trên địa bàn huyện Quế Phong đã làm ra những sản phẩm đan lát có giá trị cao, trong đó sản phẩm “khay đựng kẹo 5 ngăn và khay mâm ngũ quả được đan bằng sợi lùng” của anh Lương Văn Mạo, ở bản Ná Công, xã Mường Nọc được thị trường ưa chuộng và tham gia chấm điểm OCOP.

Anh Lương Văn Mạo cho biết, nhận thấy sản phẩm đan lát được người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng, sẵn có tay nghề, năm 2022, anh bắt đầu sản xuất các mặt hàng được đan bằng sợi lùng: đèn lồng, hộp đựng giấy, giỏ ủ xôi, khay đựng kẹo, khay mâm ngũ quả… Sản phẩm làm ra ngày càng đẹp hơn, số lượng xuất bán ngày càng nhiều, trong đó ấn tượng nhất là sản phẩm khay đựng kẹo 5 ngăn và khay mâm ngũ quả, không những được thị trường trong huyện, trong tỉnh ưa chuộng, mà cả khách hàng ngoại tỉnh săn đón, thông qua kênh bán hàng trên các trang mạng xã hội và website, hội chợ...

Sản phẩm
Sản phẩm khay đựng kẹo 5 ngăn của anh Lương Văn mạo ở bản Ná Công, xã Mường Nọc. Ảnh: Xuân Hoàng

Mỗi sản phẩm từ cây lùng được làm bằng 2 nguyên liệu chính: sợi lùng và gỗ xoan, hoặc gỗ tạp loại không bị mối mọt. Sợi lùng dùng để đan, gỗ dùng để làm khung sườn. Toàn bộ nguyên liệu được phơi khô, hấp qua để tăng độ bền (cây lùng phải từ 2 năm tuổi trở lên mới đủ độ già và bền chắc). Mỗi sản phẩm sau khi hoàn thành đều được phun sơn PU để tăng tính thẩm mỹ.

“Sở dĩ chọn 2 sản phẩm khay đựng kẹo 5 ngăn và khay mâm ngũ quả để tham gia chấm điểm OCOP là vì tôi nhận thấy trên thị trường chủ yếu bán các sản phẩm này được làm bằng chất liệu nhựa, sứ, thủy tinh… Trong khi sản phẩm được đan lát bằng dây lùng thân thiện với môi trường và mang nét đẹp văn hóa của miền Tây xứ Nghệ. Hiện, nguyên liệu lùng tại địa phương dồi dào, hướng đi này tạo việc làm cho nhiều lao động, trong khi thị trường tiêu thụ tốt, nên sản phẩm này có tiềm năng phát triển hơn nữa”, anh Mạo chia sẻ.

rượu 1
Cơ sở sản xuất rượu men lá Mường Quàng mỗi năm bán ra thị trường 10.000 lít rượu. Ảnh: Quang An

Đồng bào các dân tộc ở Quế Phong còn vận dụng tiềm năng về các loại lá trong rừng để làm thuốc nam, hoặc chế biến men rượu. Rượu men lá được đồng bào Thái nơi đây chưng cất có hương vị riêng. Tại cơ sở sản xuất rượu men lá của chị Lang Thị Giang ở khối Tây Sơn, thị trấn Kim Sơn luôn có hàng chục chum sành đựng rượu thành phẩm.

Chị Giang chia sẻ: Với mong muốn tạo ra một sản phẩm rượu an toàn đáp ứng nhu cầu khách hàng, từ cuối năm 2019, chúng tôi đã đầu tư xây dựng nhà xưởng để sản xuất rượu theo quy trình khép kín một chiều và xây dựng thương hiệu rượu men lá Mường Quàng. Cùng đó, rượu được sản xuất theo bí quyết cổ truyền. Nguyên liệu để nấu rượu là gạo nếp được trồng tại địa phương; men tự sản xuất bằng các loại lá lấy từ trong rừng về phơi khô đập bột, trộn với bột nếp. Sản phẩm rượu men lá Mường Quàng trở thành sản phẩm OCOP năm 2021.

Rượu men lá Mường quàng (Quế Phong) được nấu bằng bí quyết truyền thống của đồng bào Thái. Ảnh: Xuân Hoàng
Rượu men lá Mường Quàng (Quế Phong) được nấu bằng bí quyết truyền thống của đồng bào Thái. Ảnh: Quang An

Bên cạnh việc sử dụng bí quyết nấu rượu truyền thống, để tối ưu hóa quy trình và nâng cao chất lượng sản phẩm, cơ sở sản xuất rượu men lá của chị Lang Thị Giang đã đầu tư hệ thống trang thiết bị hiện đại như: tủ nấu cơm, bồn ủ…

Ngoài ra, một bước khác biệt của quy trình sản xuất rượu trong công nghệ mới mà cơ sở đang áp dụng so với cách nấu rượu truyền thống chính là sử dụng máy khử độc tố rượu. Theo đó, rượu sau khi chưng cất sẽ được cho vào máy này để loại bỏ nhiều độc tố gây hại như: Aldehyde, Methanol, Este…

Sản phẩm rượu men lá Mường Quàng (Quế Phong) đạt 3 sao OCOP năm 2021. Ảnh: Quang An
Sản phẩm rượu men lá Mường Quàng (Quế Phong) đạt 3 sao OCOP năm 2021. Ảnh: Quang An

Để xây dựng được thương hiệu trên thị trường, tạo dựng sản phẩm OCOP, cơ sở cũng đặc biệt chú trọng đầu tư thiết kế bao bì, mẫu mã sản phẩm. Hiện rượu men lá của cơ sở được đóng chai, dán đầy đủ tem nhãn, truy xuất nguồn gốc và đảm bảo an toàn thực phẩm. Trung bình mỗi năm, cơ sở sản xuất rượu men lá của chị Lang Thị Giang sản xuất và tiêu thụ trên dưới 10.000 lít rượu tại nhiều tỉnh, thành.

Tiếp tục xây dựng sản phẩm lợi thế

Huyện biên giới Quế Phong có nhiều lợi thể để phát triển sản phẩm OCOP. Đó là các đặc sản lợn đen, bò Mông, gà đen, gạo Japonica, gạo nếp Khau cày nọi, chè hoa vàng, quế Quỳ, vịt bầu Quỳ…

Ông Nguyễn Bá Hiền - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Những năm qua, Quế Phong quan tâm thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Tính đến đầu tháng 12, trên địa bàn huyện đã có 4 sản phẩm đạt sao OCOP: Trà hoa vàng Kim Sơn; Rượu đòng đòng Tiền Phong; Rượu men lá Mường Quàng; Thịt chua Cường Hoài. Các sản phẩm OCOP của Quế Phong đều khẳng định được uy tín, thương hiệu trên thị trường.

Thịt chua Quế Phong được giới thiệu tại các hội chợ. Ảnh Xuân Hoàng
Thịt chua Quế Phong được giới thiệu tại các hội chợ. Ảnh: Xuân Hoàng

Những năm tới, Quế Phong hướng dẫn các địa phương xây dựng một số sản phẩm, trong đó có gạo Japonica ở các xã Tri Lễ, Nậm Giải và gà đen bản địa ở một số xã. Các sản phẩm chè hoa vàng, thịt chua... cũng đã phát huy được lợi thế. Sản phẩm OCOP đã thể hiện không chỉ giải quyết đầu ra sản phẩm nhằm phát triển hiệu quả, bền vững, tăng thu nhập cho người làm nghề, mà còn góp phần quảng bá hình ảnh của vùng biên Quế Phong.

bna_-170b918f3b2a76a5def92cb82877a36b.jpg
Chè hoa vàng đã được chế biến thành sản phẩm OCOP tiêu biểu của Quế Phong. Ảnh: Thanh Sầm

Dịp cuối năm 2024, huyện Quế Phong tổ chức chấm điểm OCOP đối với 3 sản phẩm: Khay đựng kẹo 5 ngăn; khay mâm ngũ quả được đan bằng sợi lùng của xã Mường Nọc; rượu đòng đòng (đóng chai) của xã Tiền Phong.

Mới nhất

x
Quế Phong phát triển mạnh các sản phẩm OCOP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO