Quốc hội thảo luận về hai dự án luật và một dự thảo nghị quyết

Thành Duy - Phan Hậu 03/06/2022 18:33

(Baonghean.vn) - Ngày 3/6, trong ngày làm việc thứ mười của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV tiến hành thảo luận tại hội trường và tại tổ về 2 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết. 

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội sáng 3/6. Ảnh: Quang Khánh

Sáng 3/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện).

Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu điều hành phiên thảo luận sáng 3/6. Ảnh: Quang Khánh

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Tiếp đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường đối với dự thảo Nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Bộ trưởng Bộ Công an giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Các đại biểu Quốc hội Đoàn Nghệ An dự phiên thảo luận tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội sáng 3/6. Ảnh: Quang Khánh

Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Mục tiêu của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện là thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng về hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh.

Quan điểm của Luật là nhằm quản lý chặt chẽ, phân bổ hợp lý, hiệu quả quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông, thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông, góp phần tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.

Đoàn ĐBQH Nghệ An thảo luận tại Tổ 11 cùng đại biểu Quốc hội các đoàn: Bắc Giang và Khánh Hòa. Ảnh: Phan Hậu

Bên cạnh đó là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân trong việc sử dụng tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và hoạt động thông suốt của các hệ thống thông tin vô tuyến điện.

Ngoài ra, dự án Luật còn nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý tần số vô tuyến điện, bảo đảm việc chấp hành và tuân thủ pháp luật của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng tần số vô tuyến điện.

Còn Luật Dầu khí (sửa đổi) để thay thế Luật Dầu khí năm 1993, năm 2000, năm 2008 cũng được đánh giá là hết sức cần thiết, nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý Nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.

Thảo luận về Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, đại biểu Thái Thị An Chung - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Nghệ An đồng tình với quy định trong dự thảo là “giới hạn tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức được cấp phép sử dụng trong băng tần được quy hoạch hoặc trong nhóm băng tần nhất định”; qua đó tạo điều kiện khai thác, sử dụng băng tần hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm hơn.

Đại biểu Thái Thị An Chung - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Nghệ An thảo luận về Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Ảnh: Phan Hậu

Đại biểu cũng đồng tình với quy định trong dự án Luật khi xem cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện là thông qua đấu giá là một trong những phương thức cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện.

Tuy nhiên, liên quan đến nội dung này, đại biểu băn khoăn khi vẫn còn khoảng trống trong quy định của pháp luật về đấu giá đối với loại tài sản này, do dự án Luật không quy định nội dung này; trong khi đó Luật Đấu giá tài sản cũng không quy định, chỉ đề cập việc đấu giá đối với quyền sử dụng tần số vô tuyến điện được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Trên cơ sở phân tích trên, đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị, dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện cần bổ sung các quy định về tiêu chí, điều kiện các tần số vô tuyến điện được đấu giá.

Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đại biểu Đoàn Nghệ An phát biểu góp ý vào dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Ảnh: Phan Hậu

Về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đại biểu Đoàn Nghệ An đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật, không chỉ bó hẹp trong điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí trong phạm vi đất liền, hải đảo và vùng biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; vì trong thực tế nước ta có liên doanh, liên kết để khai thác dầu khí ở nước ngoài; đồng thời đề nghị cân nhắc tất cả các chính sách đối với các loại hình doanh nghiệp Nhà nước khác để có chính sách đối với doanh nghiệp dầu khí hợp lý;…

Thiếu tướng Trần Đức Thuận cũng nêu ý kiến góp ý vào một số nội dung khác trong dự án Luật liên quan đến áp dụng Luật Dầu khí, các luật có liên quan, pháp luật nước ngoài, thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế; đặc biệt trong công tác quản lý Nhà nước về dầu khí, ông đề nghị Chính phủ phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho Bộ Công Thương, cũng như cần có quy định đề cập đến vai trò, nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng trong hoạt động dầu khí.

Quốc hội thảo luận về hai dự án luật và một dự thảo nghị quyết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO