Quỳ Châu nâng cao đời sống văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số
(Baonghean.vn) - Huyện miền núi Quỳ Châu chú trọng phối hợp ngành chức năng bảo tồn và phát huy các bản sắc văn hóa truyền thống, khai thác có hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của địa phương nhằm không ngừng chăm lo, nâng cao đời sống văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Giữ gìn văn hóa truyền thống
Đã là thường lệ, mỗi tháng, Nghệ nhân Vi Văn Mai ở bản Ba Cống, xã Châu Hoàn (Quỳ Châu) lại ra nhà văn hóa cộng đồng để tham gia tập luyện, biểu diễn các loại nhạc cụ khèn, bí, hát đối đáp nhuôn, xuối cùng với các thành viên trong câu lạc bộ của xã. Trong trang phục truyền thống của người Thái, những nghệ nhân, chàng trai, cô gái miền sơn cước uyển chuyển theo từng điệu nhạc cụ truyền thống.
Hội diễn văn nghệ quần chúng bảo tồn văn hóa các dân tộc huyện Quỳ Châu năm 2022. Ảnh: Kế Kiên |
Nghệ nhân Vi Văn Mai chia sẻ: “Ngoài thời gian lên rẫy, ra ruộng, cứ đều đặn hàng tháng, tôi tập trung mọi người tại nhà văn hóa cộng đồng để tập luyện văn nghệ. Các thành viên trong câu lạc bộ ai cũng tâm huyết, bớt chút thời gian, việc nhà để cùng nhau ôn lại những làn điệu dân ca, dân vũ, sáng tác thêm những làn điệu mới và dạy cho nhau những nhạc cụ truyền thống; chính từ những buổi sinh hoạt nghệ thuật này mà giờ đây nhiều cháu trẻ trong làng đều biết múa, hát, tập luyện các loại nhạc cụ để giữ gìn nét văn hóa của dân tộc mình”.
Quỳ Châu là vùng đất đậm bản sắc văn hóa truyền thống, đặc biệt là lưu giữ nhiều loại nhạc cụ và làn điệu truyền thống của đồng bào dân tộc Thái. Trong Hội diễn văn nghệ quần chúng bảo tồn văn hóa các dân tộc huyện Quỳ Châu lần thứ V, năm 2022 vừa được tổ chức, có hơn 400 nghệ nhân, diễn viên thuộc các đoàn nghệ thuật quần chúng của 12 xã, thị trấn tham gia biểu diễn tại các cụm đã tái hiện các điệu múa, trang phục truyền thống, trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa, truyền thống dân gian đặc trưng của đồng bào Thái Quỳ Châu như: huồm vắn, hát nhuôn đối đáp, nghi lễ phí dến, đồng dao… được trình diễn bằng làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc và những sáng tác mới, ca, múa, nhạc mang âm hưởng bản sắc dân gian như nhuôn, xuối, lăm, khắp, on, ổi… có nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, tình yêu thiên nhiên...
Những làn điệu truyền thống của người dân tộc Thái ở huyện Quỳ Châu. Ảnh: Kế Kiên |
Thông qua hội diễn văn nghệ quần chúng tại các bản, làng, khối văn hóa và câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc Thái, các nghệ nhân, diễn viên trong huyện được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, từ đó, không ngừng sáng tạo, biểu diễn và truyền dạy di sản văn hóa nghệ thuật dân gian, góp phần đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở, hưởng ứng “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn toàn huyện.
Bà Vi Thị Xanh ở bản Cướm, xã Diên Lãm cho biết: “Mặc dù xã còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, song đối với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, nhất là trình diễn các làn điệu dân ca của đồng bào Thái thì nhân dân ở đây luôn dành thời gian để đón xem; coi đây như là món ăn tinh thần không thể thiếu nhằm có thêm động lực, hăng say lao động, sản xuất, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tại địa phương”.
Phát huy các giá trị văn hóa gắn với du lịch
Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa trên địa bàn huyện Quỳ Châu luôn được quan tâm chỉ đạo. Đến nay, toàn huyện đang duy trì và mở rộng các câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc Thái ở 11 xã; tổ chức hội diễn văn nghệ các câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc Thái cấp huyện 2 năm/lần; duy trì 1 lớp dạy làn điệu dân ca Thái với hơn 50 học viên tham gia qua các nghệ nhân truyền dạy; chỉ đạo thành lập Câu lạc bộ Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh ở làng Lâm Hội, xã Châu Hội và làng Hòa Bình, xã Châu Bình.
Nhảy sạp tại Lễ hội Hang Bua (Quỳ Châu). Ảnh: Kế Kiên |
Bên cạnh đó, các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ, chữ viết của đồng bào dân tộc Thái, trích đoạn Xăng Khan được chỉ đạo tổ chức bảo tồn phát huy gắn vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại Lễ hội Hang Bua, Liên hoan Tiếng hát Làng Sen, Hội diễn văn nghệ các làng bản văn hóa, Lễ hội Xăng Khan tại các làng, bản và các hoạt động giao lưu văn hóa ở cơ sở như lễ đón nhận danh hiệu làng, bản văn hóa, bản nông thôn mới; ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc; giao lưu biểu diễn hoạt động cồng chiêng, khắc luống, nhảy sạp, hát nhuôn, xuối... tại làng du lịch cộng đồng bản Hoa Tiến, xã Hoa Tiến...
Ngoài phát huy các giá trị văn hóa, huyện Quỳ Châu cũng đẩy mạnh công tác phát triển du lịch. Toàn huyện có 15 di tích, danh thắng; trong đó, có 2 di tích lịch sử cấp Quốc gia, 1 di tích cấp tỉnh; có 5 cơ sở lưu trú gồm 83 phòng nghỉ phục vụ khách. Năm 2017, huyện tập trung nguồn lực xây dựng mới đền Chiêng Ngam; năm 2019, phối hợp tổ chức cắm mốc quy hoạch di tích, danh thắng Hang Bua, Di tích Lịch sử - Văn hóa đền Chiêng Ngam; chỉ đạo xây dựng phát triển làng du lịch cộng đồng bản Hoa Tiến; phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học và lập quy hoạch 2 khu du lịch (thác Khe Bàn, xã Châu Bình và làng du lịch cộng đồng Hoa Tiến, xã Châu Tiến). Đến nay, làng du lịch cộng đồng bản Hoa Tiến có 6 hộ gia đình đủ tiêu chuẩn phục vụ khách lưu trú du lịch. Huyện cũng duy trì hoạt động 2 hợp tác xã, câu lạc bộ bảo tồn văn hóa Thái, sản phẩm thổ cẩm Hoa Tiến để cung ứng các sản phẩm cho khách du lịch cũng như điểm tham quan du lịch. Huyện cũng đã tổ chức 11 lớp bồi dưỡng tiếng nói, chữ viết dân tộc Thái cho 461 học viên.
Trò chơi hấp dẫn ở Lễ hội Hang Bua. Ảnh: Kế Kiên |
Đồng chí Lê Thanh Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu cho biết: “Để bảo tồn và phát huy những bản sắc văn hóa riêng của đồng bào dân tộc Thái Quỳ Châu, trong thời gian tới, huyện tiếp tục đầu tư nguồn lực cho các hoạt động văn hóa, thể thao dân gian, lễ hội truyền thống, bản sắc văn hóa của địa phương, dân tộc; tăng cường đầu tư, hỗ trợ công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, như: các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ, thể thao dân tộc, trò chơi truyền thống, lễ hội, sắc phục dân tộc…; chú trọng phát triển các loại hình câu lạc bộ, đặc biệt là câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc Thái; lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp và nâng tầm Bảo tàng các dân tộc huyện Quỳ Châu trở thành Bảo tàng các dân tộc miền Tây Nghệ An.
Cùng với đó, huyện đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch, ưu tiên các sản phẩm mang tính đặc trưng, khai thác các giá trị văn hóa truyền thống; kết nối giữa các điểm du lịch, các di tích, danh thắng trên địa bàn toàn huyện và ngoài huyện, hình thành các tour, tuyến du lịch, góp phần quảng bá, giới thiệu về mảnh đất, con người và truyền thống văn hóa của nhân dân các dân tộc Quỳ Châu.