Rực lửa làng nghề nồi đất ngày cuối năm

Ngọc Phương 01/02/2019 11:12

(Baonghean) - Về làng nghề nồi đất xã Trù Sơn, huyện Đô Lương những ngày này, nhiều nhà đang đốt lò nung nồi. Góp sức vào không khí sản xuất nhộn nhịp những ngày cuối năm không chỉ có các bậc cao niên, những người mẹ với hàng chục năm trong nghề mà còn có cả những thanh thiếu niên.

Tìm về làng nồi đất bây giờ dễ hơn ngày trước, bởi ngay bên đường N5 đã có biển chỉ dẫn vào làng. Hỏi chuyện, người già ở làng đã kể nghề làm nồi có nguồn gốc từ huyện Nghi Lộc. Thuở xưa, có người con gái ở nơi đó rất siêng năng lại dịu hiền về Trù Sơn làm dâu. Mà cái luật ngày xưa cũng lạ, nghề chỉ truyền cho con dâu chứ không truyền cho con gái. Nhưng bà mẹ của cô gái khi đến Trù Sơn thăm con, thấy cuộc sống vất vả khó nhọc quá, đành bí mật truyền nghề.

Sản phẩm gốm Trù Sơn chủ yếu là nồi nhưng khá đa dạng; có khoảng 30 loại, từ nồi to nấu nước, nồi thường nấu cơm, nồi nhỏ kho thịt cá, siêu sắc thuốc... Ảnh: Ngọc Phương

Để tạo nên 1 chiếc nồi đất, người làm nghề dùng đất đã nhào nhuyễn vắt theo hình con chạch, được gọi là rói để ghép nối từng phần. Tất cả các công cụ làm gốm cũng chỉ gồm một cái bàn xoay, vài miếng giẻ nhỏ và những khoanh nứa mỏng để tạo dáng và làm nhẵn.

Sản phẩm gốm Trù Sơn chủ yếu là nồi nhưng khá đa dạng; có khoảng 30 loại, từ nồi to nấu nước, nồi thường nấu cơm, nồi nhỏ kho thịt cá, rồi các loại chảo rang, siêu sắc thuốc… Hiện nay, các hộ làm nghề đã tạo ra vài loại sản phẩm mới như giỏ treo phong lan, ống đựng tiền tiết kiệm …

Bà Phạm Thị Hoàng năm nay 80 tuổi đã có trên 50 năm làm nghề nồi đất. Ảnh: Ngọc Phương

Hiện làng nghề nồi đất Trù Sơn đang giữ nét cơ bản nhất của gốm cổ, không cầu kỳ, tuy nhẹ, mỏng nhưng khá cứng. Để có được loại đất ưng ý về làm gốm, người Trù Sơn phải xuống xã Nghi Văn (Nghi Lộc) và lên xã Sơn Thành (Yên Thành) để lấy loại đất sét có màu đỏ, dẻo, thích hợp cho việc làm gốm.

Đất đã nhồi kỹ sẽ được người thợ cho lên bàn xoay để tạo hình dáng thô sơ ban đầu. Khi đã làm xong phần thô, những chiếc nồi sẽ được bàn tay khéo léo của người thợ gọt lại cho thật trơn và đem đi phơi nắng trước lúc nung qua lửa. Sản phẩm gốm làng Trù lại được nung ngoài trời với vật liệu nung chính là bổi, lá cây dành dành, lá thông, lá bạch đàn... vì những loại lá này có dầu nên khi đốt tạo cho màu gốm bóng và đẹp.

Công đoạn gọt để hoàn thiện 1 chiếc nồi trước lúc đem nung đốt. Ảnh: Ngọc Phương

Công đoạn gọt để hoàn thiện 1 chiếc nồi trước lúc đem nung đốt. Ảnh: Ngọc Phương

Để có được mẻ gốm đạt chất lượng, quan trọng nhất vẫn là khâu nung. Một mẻ nung được khoảng 300 chiếc nồi đất. Khi xếp nồi vào lò, ban đầu người ta xếp ngửa, cái nhỏ nằm trong cái to. Nhưng sau khi đốt được chừng 15 - 20 phút sẽ lấy 2 - 3 lớp gốm bên ngoài cùng xếp úp lại. Tiếp theo, phía ngoài phủ một lớp rơm rạ tạo thành vỏ lò để giữ nhiệt. Sau khoảng 4 - 5 tiếng nung liên tục, mẻ gốm sẽ hoàn thành... Muốn sản phẩm "chín đều", người thợ phải biết cách điều tiết lửa; thời điểm lửa bùng mạnh nhất thường 30 phút cuối của công đoạn nung, những người thợ thường gọi là “lửa trên”.

Hiện nay, sản xuất nồi đất mùa chính là từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch hàng năm. Dịp gần Tết, mỗi tuần thường nấu 2 mẻ. Ngày thường, sau khoảng 10 ngày mỗi gia đình sẽ cho ra lò một mẻ nồi.

Vài năm trở lại đây, nhiều nhà hàng, khách sạn và làng nghề kho cá truyền thống phát triển nên sản phẩm nồi đất Trù Sơn được nhiều nơi sử dụng.

Vất vả nhất là nung nồi, lửa phải thường xuyên điều chỉnh; lửa bốc lên mạnh nhất phải ở giai đoạn cuối của việc nung... Dịp cuối năm, bà con làng nghề càng tất bật, lửa lò luôn rực cháy. Ảnh: Ngọc Phương

Anh Nguyễn Đình Thảo ở xóm 10, cho biết, nghề làm nồi đất đến đời ông đã trên 10 đời. Ngày xưa do chưa có thị trường tiêu thụ sản phẩm nên mỗi tháng gia đình ông chỉ nung từ 1 - 2 lò, bình quân mỗi lò làm ra 300 sản phẩm rồi dùng xe thồ chở đi rao bán khắp nơi, rất vất vả mà thu nhập không cao. Nhưng nay, sản phẩm nồi đất làm ra được khách hàng nhiều tỉnh đến tận làng thu mua rất thuận lợi, nên mỗi tháng nhà ông nung 4 - 5 lò, cho thu nhập mỗi tháng gần 30 triệu đồng; tạo việc làm thường xuyên cho 3 - 5 lao động.

Hiện nay, toàn xã Trù Sơn có khoảng 60 hộ làm nghề gốm, tập trung chủ yếu ở các xóm 10, 11, 12, 13. Bình quân mỗi tháng, làng nghề làm ra hàng chục ngàn sản phẩm và đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ dân nơi đây.

Anh Nguyễn Đình Thảo ở xóm 10, xã Trù Sơn đưa hàng đến điểm tập kết xuất bán. Ảnh: Ngọc Phương

Ông Nguyễn Thụy Chính - Chủ tịch UBND xã Trù Sơn cho biết, xã xa trung tâm huyện, đời sống dân sinh còn nhiều khó khăn nhưng bằng sự vượt khó trong nông thôn mới, hiện nay chính quyền địa phương và các cấp, các ngành đang vào cuộc tiến tới xây dựng và khôi phục phát triển lại “làng nghề nồi đất” truyền thống.

Mới nhất

x
Rực lửa làng nghề nồi đất ngày cuối năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO