Lúa gạo, cá tôm trôi theo nước lũ, nông dân 'trắng tay'
(Baonghean.vn) - “Không kịp trở tay” là tình trạng chung ở nhiều vùng nuôi trồng thủy sản, lúa gạo, dù đã có cảnh báo về mưa lớn. Nhiều người dân ở các huyện Yên Thành, Diễn Châu đang lâm vào cảnh trắng tay sau lũ.
Lợn chết, hàng trăm tấn lúa bị ngập nước
Ngập nước 1 ngày đêm, cả đàn lợn chỉ duy nhất 1 con còn sống, anh Thái Văn Lân ở xóm Trung Xá, xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành phải dùng thuyền chở lợn ra đầu xóm, nhờ người quen chở lên xóm Cao Sơn - nơi có địa hình cao hơn để gửi tạm. Trong xóm, nhiều hộ đầu tư nuôi vài chục vạn cá, đã sắp đến ngày thu hoạch đều trôi sạch theo nước lũ ra đồng.
Người dân xã Vĩnh Thành (huyện Yên Thành) giúp nhau "sơ tán" lợn. Ảnh: Phú Hương |
Ông Nguyễn Thanh Hùng - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thành cho biết: Vĩnh Thành được xem như “rốn nước” của huyện Yên Thành, khi mưa lớn thì nước lên chậm, nhưng sau mưa, nước từ các vùng đổ dồn về, dâng rất nhanh. Chỉ trong 1 tiếng đồng hồ cuối buổi chiều 30/9, nước đã dâng cao thêm 20 phân.
Thống kê nhanh cho thấy, trên địa bàn xã Vĩnh Thành có 450 hộ dân nước vào nhà. 50 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó, 40 ha ao, hồ, còn lại nuôi cá - lúa đã ngập băng, mất trắng, nhiều hộ đầu tư rất lớn nuôi cá lóc, cá rô phi thiệt hại rất nặng nề.
Nhà ngập sâu, 8 tạ lúa của gia đình chị Hoàng Thị Hồng cơ bản hư thối. Ảnh: Phú Hương |
Đến nhà người thân “sơ tán”, nhưng hàng ngày chị Hoàng Thị Hồng ở xóm Phú Điền vẫn lội nước về nhà; không chỉ toàn bộ đồ đạc mà gần 8 tạ lúa cũng đã bị ngâm trong nước. “Chồng đi vắng, nghe tin lũ, hai mẹ con không chạy kịp, nước ngập đến 2/3 thùng đựng lúa; nước chắc cả tuần mới rút hết, nên lúa có phơi khô được thì may ra gà, vịt ăn thôi”, chị Hồng xót xa.
Mặc dù đã đề phòng từ trước, nhiều hộ dân đã kê cao lúa lên đến lần thứ 3 nhưng vẫn không theo kịp mức nước lên; toàn xã có gần 100 tấn lúa hè thu đã được phơi khô thì bị ngâm trong nước, hư hỏng nặng. Người dân xã Vĩnh Thành cho biết, đã gần 44 năm, kể từ năm 1978 đến nay mới lại có đợt lũ lớn như thế này.
Tính đến chiều 2/10, toàn huyện Yên Thành thiệt hại hơn 42.000 con gia cầm, 122 con lợn, 4 con trâu, bò; hơn 660 ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, trong đó, nhiều loại vật nuôi có giá trị như ếch, cá trắm giòn, ba ba bị tràn nước trôi đi.
Đầm tôm, ao cá trôi sạch
Chỉ sau 1 đêm, Công ty Thủy sản Hoàng Ba ở xóm 7, xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu đã thiệt hại hơn 800 triệu đồng; hàng chục ao nuôi, 6 ha tôm đã thả cuốn băng theo dòng nước lũ.
Những con tôm ít ỏi sót lại của Trang trại nuôi tôm Hoàng Ba ở xã Diễn Kỷ (Diễn Châu). Ảnh: Phú Hương |
“Một triệu con giống đã thả gần 2 tháng, con tôm đã to như điếu thuốc lá, tầm 2 tháng nữa sẽ cho thu hoạch; một lứa nữa cũng 1 triệu con, riêng tiền giống 125 triệu đồng, đã thả 28 ngày, tất cả đều ra sông, ra biển”, chủ doanh nghiệp - ông Hoàng Ngọc Ba buồn bã. Chiều 30/9, chỉ mấy tiếng đồng hồ, cả đầm tôm trôi sạch.
“Nước biển dâng cao, triều cường lớn, sông không tiêu úng được, nước tràn vào xử lý không kịp mà cũng không có cách gì để xử lý”, ông Ba cho hay.
Ông Hoàng Ngọc Ba kiểm tra lại hệ thống mô-tơ trên đầm tôm. Ảnh: Phú Hương |
Cũng đã nhiều năm chịu lụt, nhưng thường chỉ ngập 1- 2 ao nuôi nước lấp xấp bờ ao; nuôi tôm từ 6 năm nay, năm nặng nhất là năm 2020, doanh nghiệp thiệt hại hơn 300 triệu đồng. Đợt này, không chỉ 2 triệu con giống tôm mà 48 cái mô-tơ, 5 máy bơm cùng toàn bộ vôi và chế phẩm cũng bị ngập và hư hỏng.
Huyện Diễn Châu có 812 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập, trong đó, 743 ha thiệt hại trên 70%. Tại xã Diễn Vạn, mưa lũ cũng đã cuốn băng 65 ha nuôi trồng thủy sản của các xóm Đông Phú, Trung Hậu và Xuân Bắc, trong đó, 20 ha tôm, còn lại là các loại cá nước ngọt. Ông Hoàng Ngọc Hải - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: 17 ha nước lợ nuôi cá vược thả giống từ đầu năm, cuối tháng 10 âm lịch sẽ thu hoạch và kéo dài đến cuối tháng 1; tôm nuôi gối vụ hầu hết đã thả 1,5- 2 tháng, một số ao đã gần đến kỳ nhưng chưa kịp thu hoạch vì cá nước ngọt chủ yếu thu hoạch vào dịp sát Tết.
Người dân xã Diễn Kim sang câu cá ở xã Diễn Vạn. Theo họ, cá trôi ra rất nhiều, một số người còn dùng lưới đánh bắt. Ảnh: Phú Hương |
“Vùng nuôi cá vược nằm ở địa bàn xóm Đồng Phú đã nuôi từ 10 năm nay nhưng đây là năm đầu tiên thiệt hại do mưa lụt. Thiệt hại nặng nề nhất là các hộ dân nuôi tôm và nuôi cá vược, có hộ như ông Bản, ông Hậu Luận mỗi hộ nuôi khoảng 5.000 m2, nếu để đến cuối vụ, doanh thu hàng trăm triệu đồng”, ông Hải cho biết.
Tính đến 17h ngày 2/10, Nghệ An có gần 12.000 ha ao, hồ nhỏ bị ngập, 182 lồng cá bị cuốn trôi, thiệt hại kinh tế nặng nề.