Sáp nhập thôn, xóm ở huyện Thanh Chương: Còn nhiều băn khoăn

Hữu Thịnh 30/03/2019 14:33

(Baonghean.vn) - Thanh Chương là địa phương cấp huyện có số lượng đơn vị hành chính đông nhất tỉnh với 40 xã và 506 xóm, thôn, bản. Sau khi thực hiện chủ trương sáp nhập theo quy định, Thanh Chương giảm còn 273 thôn, xóm, bản và 1.365 cán bộ không chuyên trách.

Một góc huyện Thanh Chương.

Còn nhiều băn khoăn xóm “3 trong 1”

Là một trong những xóm nằm trong diện sáp nhập nhưng trong những ngày này cán bộ và nhân dân xóm Liên Đức, xã Thanh Liên vẫn đang tập trung làm sân của khuôn viên nhà văn hóa xóm. Theo kế hoạch, xóm Liên Đức sẽ sáp nhập với 2 xóm khác là: Liên Bang và Liên Trung. Nhân dân Liên Đức đồng tình và ủng hộ chủ trương sáp nhập song vẫn còn một số băn khoăn.

Ông Nguyễn Xuân Nghị - Bí thư Chi bộ kiêm Xóm trưởng xóm Liên Đức tâm sự: “Điều tôi thấy băn khoăn nhất là việc xử lý và sử dụng như thế nào các nhà văn hóa xóm. Bởi Thanh Liên chúng tôi khi phấn đấu về đích nông thôn mới, tất cả các nhà văn hóa xóm đều được xây dựng mới khang trang, sạch đẹp. Nay sáp nhập lại 3 xóm thành 1 thì việc sử dụng nhà văn hóa như thế nào cho phù hợp. Vì nếu sử dụng cả 3 nhà thì không hợp lý, mà sử dụng 1 trong 3 nhà lại càng không hợp lý vì số lượng hộ dân đã tăng lên gấp 3, gấp 4 mà xây dựng thêm một nhà văn hóa mới nữa thì lãnh phí, tốn công vô cùng”.

Người dân xã Thanh Liên phát biểu ý kiến về chủ trương sáp nhập. Ảnh:
Người dân xã Thanh Liên tham gia ý kiến về chủ trương sáp nhập. Ảnh: Hữu Thịnh

Thanh Liên là xã miền núi của huyện Thanh Chương, thực hiện chủ trương sát nhập thôn xóm theo tinh thần Thông tư số 14 của Bộ Nội vụ (Thông tư số 14/2018/TT-BNV ngày 3/12/2018 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố).

Chiểu theo quy định quy mô xóm, khối là 250 hộ thì xã Thanh Liên từ 16 xóm nay sáp nhập còn 7 xóm. Thực tế cho thấy, việc sáp nhập thôn xóm là cần thiết song trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều vấn đề cấn xem xét kỹ lưỡng. Nhất là về đặc điểm, địa hình của các xóm sau khi sáp nhập.

Ông Phan Bá Ngọc - Chủ tịch UBND xã Thanh Liên (Thanh Chương) cho biết: Quá trình sáp nhập thôn, xóm ở Thanh Liên, chúng tôi thấy vẫn còn nhiều băn khoăn. Dân cư xã hầu như là 3 xóm nhập làm một nên có những xóm sau khi sáp nhập dân cư ít mà địa hình lại rộng kéo dài đến 4 km, có xóm dân cư lại tăng lên từ 300-400 người nên rất khó khăn trong sinh hoạt cũng như quản lý. Trong khi đó số lượng cán bộ thôn xóm lại không tăng.

Việc thực hiện sáp nhập thôn, xóm ở các xã trên địa bàn huyện cũng đã đặt ra một vấn đề lớn trong công tác giải quyết chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ bán chuyên trách. Trước khi sáp nhập, xã Thanh Liên có 80 cán bộ thôn, xóm, nay từ 16 nhập lại còn 7 xóm số lượng cán bộ cũng giảm xuống còn 35 người. Điều đáng nói ở đây là giải quyết chế độ, chính sách cho những người nghỉ hoạt động và người tham gia công tác thôn xóm như thế nào cho hợp lý. Khi giải được bài toán này thì tư tưởng của cán bộ và nhân dân mới thông suốt. Có như thế hiệu quả công việc mới cao, ông Phan Bá Ngọc- Chủ tịch UBND xã Thanh Liên cho biết thêm.

Cán bộ thôn, xóm giảm từ 2.530 người xuống 1.356 người

Xã Thanh Liên từ 16 thôn, xóm sáp nhập còn 7 thôn, xóm. Ảnh: Hữu Thịnh

Ngoài xã Thanh Liên, hiện nay tất cả các địa phương trên địa bàn huyện Thanh Chương đều đang tiếp tục rà soát lại quy mô số hộ ở các xóm theo Thông tư số 14/2018 của Bộ Nội vụ và Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 (khóa XII) về: “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Ban Thường vụ Huyện ủy Thanh Chương đã ban hành Kế hoạch 63 để tổ chức thực hiện.

Đối với cấp xã, toàn huyện có 5 xã đạt cả 2 tiêu chí dân số và diện tích; 22 xã đạt tiêu chí về dân số; 13 xã không đạt tiêu chí dân số và không có xã nào đạt tiêu chí về diện tích.

Đối với cấp xóm: Trước khi sáp nhập, huyện Thanh Chương có 506 xóm, thôn, bản với số lượng cán bộ không chuyên trách là 2.530 người. Trong đó có 321 xóm, khối, bản có quy mô số hộ dân dưới 50% thì phải sáp nhập. 182 xóm khối, bản đạt từ 50% quy mô số hộ trở lên những nơi có đủ điều kiện thì thực hiện sáp nhập, có 3 xóm đủ tiêu chí về quy mô số hộ gia đình.

Cam xã Thanh Đức. Ảnh: Hữu Thịnh
Người dân xã Thanh Đức (Thanh Chương) trồng cam trái vụ. Ảnh: Hữu Thịnh

Theo kế hoạch sau sáp nhập, toàn huyện Thanh Chương chỉ còn 233 xóm, giảm được 273 xóm, cùng với đó là giảm được 1.365 người làm việc ở các thôn, xóm bản, tương đương giảm chi phí hàng chục tỷ đồng/năm. Để việc sáp nhập thôn bản đúng với mục đích, yêu cầu và tiến độ đề ra, hiện nay UBND huyện Thanh Chương đang tích cực chỉ đạo, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục để các địa phương nắm rõ và tổ chức thực hiện đạt kết quả cao.

Ông Nguyễn Cao Thanh - Trưởng Phòng Nội vụ huyện Thanh chương cho biết, đến nay việc triển khai thực hiện đề án sáp nhập thôn, xóm bản trên địa bàn huyện đã cơ bản hoàn thành. UBND huyện đang chỉ đạo các địa phương lấy ý kiến sáp nhập từ nhân dân và trình HĐND các xã để ra Nghị quyết, báo cáo về UBND huyện trước ngày 20/4.

Sáp nhập thôn, xóm ở huyện Thanh Chương: Còn nhiều băn khoăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO