Sẽ xem xét tính đặc thù của các báo có ảnh hưởng lớn tới đời sống xã hội khi quy hoạch báo chí

25/09/2015 15:00

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết trong quá trình triển khai Quy hoạch báo chí toàn quốc, sẽ xem xét tính đặc thù của một số cơ quan báo chí có tiara lớn và ảnh hưởng lớn tới đời sống xã hội như Tuổi Trẻ, Dân Trí...

Không có chuyện “xóa sổ” Tuổi Trẻ, Dân Trí...

Phát biểu kết luận Hội nghị Phổ biến nội dung cơ bản của Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 (gọi tắt là Quy hoạch báo chí) vừa diễn ra sáng nay, 25/9/2015 ở Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son khẳng định: “Báo chí nước ta đã có sự phát triển mạnh mẽ, bên cạnh những ưu điểm thì vẫn còn nhiều nhược điểm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế trong hoạt động báo chí, trong đó có một nguyên nhân là công tác quy hoạch báo chí chưa được thực hiện tốt. Quy hoạch báo chí là vấn đề khó, rất phức tạp.

Xây dựng và triển khai Quy hoạch báo chí không phải nhiệm vụ riêng của Chính phủ, Bộ TT&TT, mà của tất cả các cơ quan chủ quản từ Trung ương đến địa phương, trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị trong quá trình quản lý báo chí”.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son phát biểu kết luận Hội nghị về Quy hoạch báo chí toàn quốc sáng 25/9/2015 tại Hà Nội. Ảnh: Hồng Chuyên
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son phát biểu kết luận Hội nghị về Quy hoạch báo chí toàn quốc sáng 25/9/2015 tại Hà Nội. Ảnh: Hồng Chuyên

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: “Trong quá trình triển khai Quy hoạch báo chí toàn quốc, sẽ xảy ra những mâu thuẫn, vướng mắc. Chẳng hạn, Báo Tuổi Trẻ của Thành Đoàn TP.HCM, không chỉ có ảnh hưởng trong tuổi trẻ, thành đoàn TP.HCM mà còn là tờ báo về kinh tế chính trị của toàn thành phố, của cả nước, song đây lại là báo của cấp sở, trong khi theo Đề án Quy hoạch báo chí thì cấp sở không có báo chí. Hoặc Báo điện tử Dân Trí có tiara lớn, có nhiều độc giả, thuộc top 5 của làng báo điện tử, nhưng lại là báo của Hội Khuyến học Việt Nam, trong khi theo Đề án Quy hoạch báo chí thì Hội nghề nghiệp không có báo điện tử, chỉ có tạp chí.

Hoặc TP.HCM hiện có tới 18 cơ quan báo chí khác nhau, nếu triển khai đúng theo Quy hoạch báo chí toàn quốc thì chỉ còn 1 cơ quan báo chí trực thuộc Thành ủy TP.HCM (cơ quan chủ quản cấp thành phố. Đây là bài toán khó, chúng ta phải cùng chung tay thực hiện.

Tới đây các đồng chí đi vào cụ thể quy hoạch báo chí từng ngành, lĩnh vực sẽ thấy rất khó khăn. Một địa phương chỉ nhập vài tờ báo vào làm một cũng thấy rất khó khăn. Không dễ gì làm được như Bộ Giao thông Vận tải, nhập 7 tờ báo thành 1 tờ. Sẽ không thể làm được nếu không kiên quyết, quyết tâm”.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Hồng Chuyên
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Hồng Chuyên

Quy hoạch để phát triển hơn nữa

“Khi triển khai Đề án quy hoạch báo chí thì các ngành, địa phương phải bảo đảm chất lượng thông tin, quan tâm việc quản trị nguồn nhân lực. Quản lý báo chí không chỉ nhằm giải tán, thu nhỏ các cơ quan báo chí mà quan trọng trong là để báo chí có điều kiện phát triển hơn nữa, nâng cao trình độ của người quản lý, phóng viên, biên tập viên, để tác phẩm báo chí ngày càng có giá trị hơn đối với công tác tuyên truyền, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đấu tranh bảo vệ chủ quyền Tổ quốc...”, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son chia sẻ thêm.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng thẳng thắn chỉ rõ một số mâu thuẫn có thể xảy ra trong quá trình triển khai Quy hoạch báo chí. Chẳng hạn, có những cơ quan báo chí vào diện đối tượng điều chỉnh nhưng lại đang có tiara, tầm ảnh hưởng xã hội lớn, trong khi đó, lại có những báo không bị điều chỉnh (được tồn tại), lại có tiara nhỏ, Nhà nước phải trợ cấp, thậm chí phải bỏ tiền ra mua báo đó.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, những mâu thuẫn, vướng mắc như vừa nêu sẽ được xem xét giải quyết trong thời gian tới.

Theo Infonet

TIN LIÊN QUAN

Sẽ xem xét tính đặc thù của các báo có ảnh hưởng lớn tới đời sống xã hội khi quy hoạch báo chí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO