Số lượng dự án cấp mới của Nghệ An tăng hơn 39% so với cùng kỳ
(Baonghean.vn) - 5 tháng đầu năm 2023, Nghệ An đã cấp mới 57 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 12.239 tỷ đồng; điều chỉnh 52 lượt dự án; tổng số vốn cấp mới và tăng thêm hơn 14.842 tỷ đồng; số lượng dự án cấp mới tăng 39,02%, tổng số vốn đăng ký cấp mới tăng 1,1 lần so với cùng kỳ.
Sáng 29/5, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 5/2023.
Tham dự phiên họp có các đồng chí: Lê Hồng Vinh - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Bùi Thanh An - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng các thành viên UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Toàn cảnh phiên họp thường kỳ tháng 5 của UBND tỉnh. Ảnh: Phạm Bằng |
Tại phiên họp, lãnh đạo UBND tỉnh và các ngành đã tập trung thảo luận tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tháng 5, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm tháng 6/2023; tình hình thực hiện thu ngân sách nhà nước tháng 5/2023, nhiệm vụ, giải pháp tháng 6/2023.
Các báo cáo và ý kiến tại phiên họp đánh giá, tháng 5/2023, ngành nông nghiệp chủ yếu tập trung thu hoạch các loại cây trồng vụ xuân, triển khai vụ hè thu - mùa. Năng suất lúa vụ xuân ước đạt 68,09 tạ/ha, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, tổng sản lượng thóc ước đạt 714.604 tấn. Tổng đàn gia cầm, sản lượng khai thác, diện tích nuôi trồng thuỷ sản đều tăng...
Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp. Ảnh: Phạm Bằng |
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 ước tăng 5,19% so với cùng kỳ; lũy kế 5 tháng ước tăng 1,62% so với cùng kỳ. Tính đến ngày 20/5/2023, nguồn vốn đầu tư công tập trung tỉnh quản lý đã giải ngân hơn 971,5 tỷ đồng, đạt 17,4%.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5 ước đạt 180 triệu USD, lũy kế 5 tháng ước đạt 892,3 triệu USD, đạt 35,7% kế hoạch, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2022. Tháng 5 diễn ra nhiều sự kiện quan trọng như: Lễ hội Làng Sen, kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh… nên lượng khách du lịch ước đạt 1,15 triệu lượt, trong đó khách lưu trú ước đạt 750 nghìn lượt, khách quốc tế 5 nghìn lượt.
Đồng chí Đặng Thanh Tùng - Chánh Văn phòng UBND tỉnh báo cáo tình hình thực hiện thông báo kết luận của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh... Ảnh: Phạm Bằng |
Trong tháng 5, trên địa bàn tỉnh đã cấp mới cho 9 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 2.062 tỷ đồng. Điều chỉnh 3 lượt dự án, trong đó có 2 lượt dự án điều chỉnh với tổng vốn đầu tư tăng 22,6 tỷ đồng.
Luỹ kế 5 tháng, toàn tỉnh đã cấp mới cho 57 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 12.239 tỷ đồng; điều chỉnh 52 lượt dự án; tổng số vốn cấp mới và tăng thêm hơn 14.842 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng dự án cấp mới tăng 39,02%, tổng số vốn đăng ký cấp mới tăng 1,1 lần.
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tháng 5 ước thực hiện 1.225 tỷ đồng, lũy kế thu 5 tháng ước thực hiện 7.207 tỷ đồng, đạt 45,5% dự toán, bằng 83,5% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa tháng 5 ước thực hiện 1.100 tỷ đồng, lũy kế 5 tháng ước thực hiện 6.706 tỷ đồng. Thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu tháng 5 ước thực hiện 125 tỷ đồng, lũy kế 5 tháng ước thực hiện 501 tỷ đồng.
Đồng chí Phạm Hồng Quang - Giám đốc Sở KH&ĐT báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tháng 5 và nhiệm vụ của tháng 6/2023. Ảnh: Phạm Bằng |
Lĩnh vực văn hoá - xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Trong tháng, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội quan trọng như Lễ hội Làng Sen, kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh... Tổ chức thành công Hội nghị đối thoại của Thường trực Tỉnh uỷ với lãnh đạo quản lý cấp phòng và chuyên viên trong Khối Các cơ quan tỉnh; Tiếp tục chỉ đạo các ngành, các cấp đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách hành chính.
Mặc dù có một số kết quả tích cực nhưng nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn. Thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân, nguy cơ cháy rừng tiềm ẩn cao.
Đồng chí Phùng Thành Vinh - Giám đốc Sở NN&PTNT báo cáo tình hình sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Phạm Bằng |
Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn, nhất là lĩnh vực công nghiệp do ảnh hưởng của tình hình thế giới và trong nước; hoạt động của các nhà máy chỉ đạt từ 50-70% công suất.
Công tác giao kế hoạch đầu tư công nguồn chương trình mục tiêu quốc gia chưa đạt 100%; giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 vẫn còn chậm, một số nguồn vốn giải ngân thấp như: Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững (0%); Vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (2,74%); Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (4,57%).