Sống chung với biến đổi khí hậu – Bài 4: “Biến” sợi chuối, dứa phế thải thành hàng xuất khẩu

Những sợi tơ từ lá dứa phế thải thành nguyên liệu xuất khẩu ra nước ngoài được chàng thanh niên 9X Nguyễn Hữu Hạnh (Quỳnh Lưu) mày mò tạo ra sau bao trăn trở. Những sợi chuối thô tạp, được bàn tay khéo léo của phụ nữ bản Hoa Tiến (xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu) dệt thành những tấm thổ cẩm độc đáo, quyến rũ… phù hợp với ứng xử, xu thế hội nhập và bảo vệ môi trường hiện nay.

Từ bỏ công việc là thuyền trưởng, Nguyễn Hữu Hạnh trở về quê hương khởi nghiệp từ nông nghiệp. Mảnh đất Tân Thắng (huyện Quỳnh Lưu – Nghệ An) là nơi Hạnh chọn lập thân, lập nghiệp. Dứa là cây trồng truyền thống, chủ lực của người dân nơi đây, song những trái dứa ngọt thơm ấy nếu chỉ bán thô thì giá trị kinh tế thấp. Do đó, Hạnh trăn trở nghĩ cách để nâng cao giá trị cây dứa.

Hạnh chọn xây dựng thương hiệu cho trái dứa là DUHAPU (viết tắt của Dứa Hạnh Phúc). Dứa được trồng theo hướng hữu cơ, ngon, sạch, an toàn. Từ những trái dứa tươi, Hạnh đã cho ra đời thêm các dòng sản phẩm chế biến sâu như: Dứa sấy dẻo, tinh bột dứa, nước dứa cô đặc… để phân phối vào các cửa hàng, siêu thị và các tiệm tạp hoá. Nhờ đó, thương hiệu Dứa Hạnh Phúc được nhiều người biết đến, giá trị kinh tế từ dứa được nâng cao.

Nguyễn Hữu Hạnh khởi nghiệp xanh từ dứa; Đại sứ quán Ireland đến thăm trại dứa Hạnh Phúc của Nguyễn Hữu Hạnh; Lá dứa già được thu gom để sản xuất tơ sợi; Tơ sợi dứa dùng để dệt thổ cẩm.
Nguyễn Hữu Hạnh khởi nghiệp xanh từ dứa; Đại sứ quán Ireland đến thăm trại dứa Hạnh Phúc của Nguyễn Hữu Hạnh; Lá dứa già được thu gom để sản xuất tơ sợi; Tơ sợi dứa dùng để dệt thổ cẩm.

Tuy nhiên, điều Hạnh trăn trở nhất là những cánh đồng dứa bạt ngàn ở Quỳnh Lưu nói riêng và các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình… nói chung sau mỗi mùa thu hoạch lá dứa ngổn ngang trên đồng, người dân phải dùng thuốc cỏ để xử lý lá dứa, chờ khô rồi đốt, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa làm đất trồng chai cứng, vừa ảnh hưởng sức khoẻ của nông dân. Nhận thấy, lá dứa sau quá trình phân huỷ thì còn lại những sợi dứa bền bỉ, dẻo dai, Hạnh nghĩ, sao không tìm cách tách sợi lá dứa để phục vụ ngành dệt?

Ý tưởng đó thôi thúc Hạnh mày mò nghiên cứu. Ban đầu, Hạnh chọn những lá dứa già, dùng bàn chải đánh bay phần thịt dứa và thu được những sợi lá dứa trắng, thơm, phơi khô thì thấy bền, dẻo dai. Nhưng cách làm thủ công này khiến các sợi dứa bị đứt, ngắn, do đó khi đưa đến các làng nghề dệt để dệt thử thì phải nối sợi rất mất thời gian. Hạnh nghĩ đến việc dùng máy móc để tách sợi từ lá dứa để cho những sợi dứa dài, đồng đều và năng suất cao. Sau khi có máy tách sợi, mọi việc trở nên dễ dàng hơn. Lớp thịt trong lá dứa, Hạnh ủ với chế phẩm làm phân hữu cơ bón cho dứa, phần sợi thô thu được, Hạnh ngâm với nước vo gạo, dấm, phơi khô để cho ra những sợi tơ trắng tinh, bền dẻo.

Tơ sợi của lá dứa có thể làm nguyên liệu để sản xuất ra nhiều mặt hàng: Vải thời trang, túi xách, võng đan, đồ thủ công mỹ nghệ… “Mỗi ngày, một máy tách có thể xử lý được 3 tấn lá dứa, bằng sức lao động của 20 người. Và cứ mỗi 100kg lá dứa, thì làm ra 5kg sợi tơ thô, được bán với giá 800.000 đồng/kg. Mỗi ha dứa, nông dân có thêm 60 – 70 triệu đồng tiền từ lá dứa mà trước đây, bà con phải tốn công, tốn của để xử lý”, anh Hạnh cho biết.

Các sản phẩm được làm từ tơ sợi dứa của Nguyễn Hữu Hạnh.
Các sản phẩm được làm từ tơ sợi dứa của Nguyễn Hữu Hạnh.

Quá trình tìm kiếm đầu ra cho tơ sợi dứa, Hạnh may mắn kết nối được với 2 đối tác thành lập ra Công ty ECOSOI nghiên cứu, phát triển và kinh doanh sợi lá dứa, quảng bá sản phẩm đến với các nước trên thế giới. Tháng 9/2021, trong cuộc triển lãm Gwand Sustainable Festival (triển lãm các sản phẩm về phát triển bền vững trong các lĩnh vực cuộc sống) diễn ra tại Lucern (Thụy Sĩ), sợi lá dứa thô và túi xách làm từ lá dứa được giới thiệu tại triển lãm. Sản phẩm được khách hàng Thụy Sỹ và nhiều nước quan tâm. Bởi đằng sau đó là thông điệp về thân thiện môi trường, tạo sinh kế từ nguồn tài nguyên bản địa và cho người dân địa phương.

Sợi tơ dứa tiếp cận được thị trường châu Âu và đã có những đơn đặt hàng đầu tiên. Đây chính là “bước đệm” để Hạnh hiện thực hoá ý tưởng lập đề án thuê đất, xây dựng nhà máy chế biến sợi lá dứa, thu mua nguyên liệu là lá dứa cho người dân trong vùng, các tỉnh phụ cận, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động địa phương. “Ngoài vấn đề sinh kế thì việc chế biến thành công tơ sợi dứa, xuất khẩu mặt hàng này ra nước ngoài đã giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về cách tiếp cận thời trang xanh, sạch, không hóa chất. Qua đó, giúp bảo vệ môi trường và chống ô nhiễm bằng cách sản xuất các sản phẩm làm từ chất thải, phát triển cuộc sống bền vững”, Nguyễn Hữu Hạnh chia sẻ.

Thu hoạch dứa ở Tân Thắng (Quỳnh Lưu).
Thu hoạch dứa ở Tân Thắng (Quỳnh Lưu).

Nghề thổ cẩm Hoa Tiến (xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu – Nghệ An) có từ ngót trăm năm nay, với nét riêng từ hoa văn, sắc màu đậm bản sắc văn hoá Thái. Hơn thế nữa, nghề dệt thổ cẩm ở đây có sức sống bền bỉ, những người làm nghề sống được bằng nghề là nhờ vào những đơn hàng xuất khẩu, những sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng và chọn lựa bởi chất liệu thuần thiên nhiên: Tơ sợi được làm từ tơ tằm, từ sợi dứa, sợi chuối và màu sắc được nhuộm từ những nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên như: bùn non, cây cỏ mực, vỏ cây pháng đỏ, nghệ, lá mục vôi, lá hom, lá mượt, lá bàng…

Để chủ động về nguồn nguyên liệu, bà con ở bản đã tự tay trồng dâu, nuôi tằm để lấy tơ sợi dệt vải; nhập nguồn tơ tằm từ Diễn Kim (Diễn Châu) về chứ nhất quyết không dùng tơ, sợi công nghiệp. Đặc biệt, 2 năm gần đây, ngoài sợi tơ tằm truyền thống, người dân bản Hoa Tiến đã tiếp cận và đưa sợi tơ dứa, sợi chuối vào dệt thổ cẩm. Nếu như sợi tơ dứa đã được bên cung cấp cho ra thành phẩm sợi hoàn chỉnh thì công lớn của các thành viên HTX làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến là đã gia công thành công sợi tơ chuối, dệt thành những tấm thổ cẩm thuần thiên nhiên. Theo đó, sợi chuối sau khi dập từ thân chuối, phơi khô thành những bản sợi lớn, to nhỏ không đều được đưa về bản. Các chị em ở HTX Dệt thổ cẩm Hoa Tiến phải tỉ mẩn gỡ từng sợi, tách chúng ra rồi xe lại cho dài ra thành sợi, cuộn thành cuộn để dệt thành những tấm vải lớn.

Khách du lịch trải nghiệm dệt thổ cẩm Hoa Tiến (Quỳ Châu); Phụ nữ làng nghề Hoa Tiến gỡ nối các sợi chuối để dệt vải; Lãnh đạo Chi cục phát triển nông thôn Nghệ An kiểm tra sản phẩm vải sợi chuối của Quỳ Châu.
Khách du lịch trải nghiệm dệt thổ cẩm Hoa Tiến (Quỳ Châu); Phụ nữ làng nghề Hoa Tiến gỡ nối các sợi chuối để dệt vải; Lãnh đạo Chi cục phát triển nông thôn Nghệ An kiểm tra sản phẩm vải sợi chuối của Quỳ Châu.

Với ưu điểm vượt trội là dẻo dai, thấm hút tốt, chống cháy, sợi chuối còn kháng nấm mốc, thoáng khí, nhẹ, cách âm, cách điện nên vải dệt từ sợi chuối rất được ưa chuộng trên thế giới. Ngoài dệt vải bán cho các đối tác thì các thành viên của HTX Làng nghề Thổ cẩm Hoa Tiến đã dùng vải thổ cẩm sợi chuối, sợi dứa, tơ tằm tạo nên những sản phẩm thủ công mỹ nghệ có tính ứng dụng cao trong đời sống như: váy áo, khăn, giày, túi xách, thú bông, thảm, chăn, ga, gối, đệm… Nhờ đó, sản phẩm thổ cẩm Hoa Tiến không những có mặt ở nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hội An, Huế, mà còn chinh phục được cả thị trường các nước Lào, Đức, Pháp, Australia, Canada, Nhật…; tạo việc làm thêm cho hàng chục lao động làng nghề với thu nhập 2-3 triệu đồng/người/tháng.

Bà Sầm Thị Bích – Giám đốc HTX Làng nghề dệt thổ cẩm Hoa Tiến cho biết: “Trước thách thức của cuộc sống hiện đại, cạnh tranh với các sản phẩm may mặc, thời trang công nghiệp thì làng nghề dệt thổ cẩm Hoa Tiến vẫn giữ được nếp nghề là nhờ vào sự kiên trì, kiên định trong việc giữ gìn bản sắc và những giá trị tự nhiên. Nguyên liệu để làm nên những tấm thổ cẩm Hoa Tiến đều thuần thiên nhiên, màu sắc cũng là màu của cỏ cây, hoa lá, không tạp chất, không chất hoá học. Chính nhờ đó, thổ cẩm Hoa Tiến được người tiêu dùng chọn lựa, tạo nên giá trị cao trong văn hóa và kinh tế”.

(Còn nữa)