Sự kiện nổi bật trong nước tuần qua

25/12/2016 08:24

(Baonghean.vn) -Mừng Giáng sinh năm 2016; Thủ tướng Cămpuchia Hun Sen thăm chính thức Việt Nam; Phiên họp thứ 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Nguyên đán năm 2017; Bộ Chính trị: Nghiêm cấm tiệc tùng khi được đề bạt, bổ nhiệm; Sạt lở núi kinh hoàng ở Nha Trang;... là những sự kiện nổi bật trong nước tuần qua.

1. Mừng Giáng sinh năm 2016

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến thăm, nói chuyện và chúc mừng đồng bào Công giáo tại Giáo xứ Chính tòa, Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến thăm, nói chuyện và chúc mừng đồng bào Công giáo tại Giáo xứ Chính tòa, Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh

Nhân dịp lễ Giáng sinh năm 2016, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND của các địa phương trên cả nước đã tới thăm, chúc mừng các chức sắc và đồng bào Công giáo trên địa bàn.

Tại những nơi đến thăm, các đoàn công tác đã gửi lời chúc mừng tới các linh mục, toàn thể giáo dân đón một mùa Giáng sinh vui vẻ, an lành, hạnh phúc; đánh gia cao và biểu dương bà con Công giáo, Tin lành tích cực thực hiện tốt các phong trào sống " tốt đời đẹp đạo", "Kính Chúa yêu nước".

Chiều 23/12, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đến thăm và chúc mừng Giáo xứ Chính tòa, Tổng Giáo phận thành phố Hồ Chí Minh.

1. Thủ tướng Cămpuchia Hun Sen thăm chính thức Việt Nam

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hun Sen cùng duyệt đội danh dự tại lễ đón ở Phủ Chủ tịch sáng 20/12.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hun Sen cùng duyệt đội danh dự tại lễ đón ở Phủ Chủ tịch sáng 20/12.

Chuyến thăm diễn ra theo lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Đây là chuyến công du tới Việt Nam lần thứ 2 kể từ khi ông Hun Sen được tái bổ nhiệm làm Thủ tướng Vương quốc Campuchia vào tháng 9/2013.

Tháng 10/2016, ông Hun Sen đến Hà Nội tham dự các hội nghị đa phương gồm Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong lần thứ 7 (ACMECS 7), Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam lần thứ 8 (CLMV 8) và hội nghị của Diễn đàn Kinh tế thế giới về khu vực Mekong (WEF - Mekong).

Năm 2017, Việt Nam và Campuchia sẽ kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Theo dự kiến, để đánh dấu kỷ niệm cho sự kiện quan trọng này, lãnh đạo 2 quốc gia sẽ dự lễ khánh thành cầu Long Bình (An Giang) - Chrey Thom (Kandal) vào đầu năm tới.

3. Phiên họp thứ 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Toàn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)bế mạc  phiên họp thứ 5, Ủy ban Thường vụ  Quốc hội.
Toàn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)bế mạc phiên họp thứ 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Sáng 19/12, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội khóa XIV đã khai mạc Phiên họp thứ 5. Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tham dự.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Phiên họp thứ 5 tập trung vào những nội dung: Nghe Chính phủ báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết 1052/NQ-UBTVQH13 ngày 24-10-2015 về một số định hướng, nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 1052/NQ-UBTVQH13 của Chính phủ đánh giá, sau một năm triển khai thực hiện Nghị quyết các bộ, ngành đều đã có sự nỗ lực và cố gắng trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chính đề ra. Sau 4 ngày làm việc phiên họp đã bế mạc ngày 22/12/2016.

4. Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Nguyên đán năm 2017

Ban Bí thư yêu cầu các địa phương không bắn pháo hoa dịp tết.
Ban Bí thư yêu cầu các địa phương không bắn pháo hoa dịp tết.

Để chuẩn bị tốt các điều kiện cho nhân dân vui xuân, đón Tết năm 2017 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt một số công tác, trong đó Các địa phương không bắn pháo hoa trong dịp Tết; dành thời gian và kinh phí chăm lo Tết cho người nghèo, khó khăn, gia đình chính sách. Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm việc sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động trong dịp Tết, lễ hội…

5. Công nhận 14 bảo vật quốc gia

Bia tiến sĩ Văn Miếu Thăng Long gồm 82 tấm bia đá, được dựng từ năm 1484 (niên hiệu Hồng Đức thứ 15) đến năm 1780 (niên hiệu Cảnh Hưng thứ 41), khắc các bài văn bia đề danh tiến sĩ Nho học Việt Nam của các khoa thi Đình từ năm 1442 (niên hiêu Đại Bảo thứ 3) đến năm 1779 (niên hiệu Cảnh Hưng thứ 40).
Bia tiến sĩ Văn Miếu Thăng Long gồm 82 tấm bia đá, được dựng từ năm 1484 (niên hiệu Hồng Đức thứ 15) đến năm 1780 (niên hiệu Cảnh Hưng thứ 41), khắc các bài văn bia đề danh tiến sĩ Nho học Việt Nam của các khoa thi Đình từ năm 1442 (niên hiêu Đại Bảo thứ 3) đến năm 1779 (niên hiệu Cảnh Hưng thứ 40).

Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận bảo vật quốc gia (đợt 5, năm 2016) cho 14 hiện vật, nhóm hiện vật gồm: Ngẫu tượng Linga - Yoni, Phù điêu Trà Liên 1, Phù điêu Trà Liên 2, Phù điêu Thần Brahama, Thống gốm hoa nâu, Bia "Thanh Mai Viên Thông tháp bi", Bia vua Lê Thái Tổ, Bia "Đại Việt Lam Sơn Chiêu Lăng bi", Đôi chuông chùa Đà Quận - còn gọi là chùa Viên Minh, Tượng Thiền sư Vũ Khắc Minh và Tượng Thiền sư Vũ Khắc Trường, Tượng Trấn Vũ đền Quán Thánh, Cửu Phẩm Liên Hoa chùa Động Ngọ, Ấn vàng "Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo", Tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1945-1946.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Chủ tịch UBND các cấp nơi có bảo vật quốc gia trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý đối với bảo vật quốc gia theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

6. Bộ Chính trị yêu cầu chấm dứt tiệc tùng, xa hoa, lãng phí

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Chính trị đưa ra 6 quy định, trong đó nghiêm cấm việc lợi dụng tổ chức giao lưu, liên hoan, gặp mặt, chúc mừng trước, trong và sau mỗi kỳ đại hội, hội nghị, kỳ họp hoặc các dịp mít tinh, kỷ niệm ngày truyền thống, khai giảng, bế giảng hoặc khi cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm, luân chuyển, thuyên chuyển công tác... để ăn uống, "tiệc tùng", tặng, nhận quà, với động cơ vụ lợi.

Việc tổ chức cưới hỏi, ma chay, giỗ, tết, sinh nhật phải thực hiện đơn giản, tiết kiệm, bảo đảm nếp sống văn hoá mới theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước; phù hợp với thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hoá tốt đẹp của dân tộc.

Nghiêm cấm việc lợi dụng để "biếu xén", đưa tặng quà với động cơ vụ lợi, không trong sáng. Chấm dứt ngay tình trạng ăn uống, "chè chén" xa hoa, lãng phí, gây phản cảm trong dư luận xã hội.

Khi có đoàn công tác đến, địa phương, cơ quan, đơn vị, cơ sở phải thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước về chế độ lễ tân, chế độ công tác; không tổ chức đoàn xe đưa đón, khẩu hiệu, trải thảm, tặng quà và tổ chức ăn uống lãng phí.

7. Các hoạt động kỷ niệm ngày thành lập QĐND Việt Nam

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhân kỷ niệm 72 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 27 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân, tại nhiều tỉnh thành trên cả nước đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa.

Các đồng chí nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng… từng hoạt động tại Chiến khu Đ và Trung ương Cục miền Nam trong những năm kháng chiến đã đến thăm di tích Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam Bộ, xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thăm và chúc mừng cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại Sư đoàn 9 - Quân đoàn 4 (huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh). Đồng chí Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương đến thăm, chúc mừng lãnh đạo, cán bộ và chiến sĩ Bộ Tư lệnh Quân khu 9.

8. Sạt lở núi kinh hoàng ở Nha Trang

Sạt lở kinh hoàng ở TP Nha Trang, 4 người chết, 3 người bị thương nặng.
Sạt lở kinh hoàng ở TP Nha Trang, 4 người chết, 3 người bị thương nặng.

Rạng sáng 20.12, núi Xanh tại thôn Phước Lộc, xã Phước Đồng, TP.Nha Trang (Khánh Hòa) bị sạt lở nghiêm trọng, vùi lấp hoàn toàn 6 căn nhà, làm sập một phần 5 căn nhà khác khiến 4 người tử vong, 3 người bị thương nặng. Vụ việc xảy ra khoảng 2 giờ ngày 20.12. Lúc này, mọi người đang ngủ nên không kịp trở tay.

Người dân địa phương cho biết họ đã đến sinh sống dưới “bóng” núi Xanh từ sau năm 1975, nhưng khi đó nhà dân còn cách xa chân núi. Sau này, người dân đến định cư ngày càng đông, khu dân cư chỉ còn cách chân núi chừng 100 m. Ông Đào Công Thiên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết đây là vụ sạt lở núi “lịch sử” vì chưa từng xảy ra trên địa bàn Nha Trang.

9. Khánh thành công trình Thủy điện Lai Châu

Thủy điện Lai Châu đã chính thức hoàn thành sau khoảng 2.100 ngày thi công.
Thủy điện Lai Châu đã chính thức hoàn thành sau khoảng 2.100 ngày thi công.

Ngày 20/12/2016, tại huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tổ chức Lễ Khánh thành công trình Thủy điện Lai Châu, vượt tiến độ hoàn thành sớm 01 năm so với Nghị quyết của Quốc hội.

Dự án Thủy điện Lai Châu với tổng mức đầu tư 35.700 tỷ đồng là công trình xây dựng cấp đặc biệt và là công trình thủy điện lớn thứ ba được xây dựng trên sông Đà, gắn liền với thủy điện Sơn La, thủy điện Hòa Bình. Nhiệm vụ chính của Dự án là cung cấp điện lên hệ thống điện Quốc gia với sản lượng điện trung bình hàng năm đạt khoảng 4,7 tỷ kWh; chống lũ về mùa mưa, cung cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc Bộ và góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc.

10. Xét xử phúc thẩm đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng Agribank

Bị cáo Phạm Thị Bích Lương tại phiên tòa sơ thẩm.
Bị cáo Phạm Thị Bích Lương tại phiên tòa sơ thẩm.

Ngày 16/12, Tòa án Cấp cao tại Hà Nội sẽ đưa đại án kinh tế làm thất thoát gần 2.500 tỷ đồng tại Ngân hàng Agribank ra xét xử theo trình tự phúc thẩm. Thẩm phán Nguyễn Vinh Quang được phân công ngồi ghế chủ tọa phiên tòa.

Trong vụ án này, bị cáo Phạm Thị Bích Lương (SN 1969, quê Nam Định) – cựu Giám đốc Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội được xác định là đầu vụ.

Hàng loạt cán bộ có chức sắc của Ngân hàng Agribank cũng vướng vào lao lý trong vụ án này trong đó có: Phạm Thanh Tân (SN 1955, quê Thái Bình) – cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng Agribank, Hoàng Anh Tuấn (SN 1962, quê Nam Định) – cựu Ủy viên HĐQT Ngân hàng Agribank, Kiều Trọng Tuyến – cựu Phó Tổng giám đốc phụ trách Ngân hàng Agribank …

Ngoài ra, các cán bộ hải quan thuộc Chi cục Hải quan Hà Tây (Cục Hải quan Hà Nội), trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, thông quan hàng hoá nhập khẩu của các đối tượng này đã có hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Các bị cáo bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội: Vi phạm quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong vụ án này, cựu Giám đốc Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội bị tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt 30 năm tù giam. 17 bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 30 tháng tù đến 30 năm tù giam.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Sự kiện nổi bật trong nước tuần qua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO