Tấm lòng những người lính trên quê hương Nghệ An trở về từ cuộc chiến
(Baonghean) - Từng cống hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc, trở về với cuộc sống đời thường, những người lính vẫn không nguôi canh cánh nỗi nhớ thương đồng đội và sẵn lòng góp sức xây dựng quê hương, giúp đỡ những hoàn cảnh éo le, gian khó. Tấm lòng những người lính năm xưa càng tô đậm thêm phẩm chất anh Bộ đội Cụ Hồ.
Nặng lòng với đồng đội
Đã qua ngưỡng tuổi 70, mấy năm nay di chứng của chiến tranh đã khiến sức lực của ông Từ Viết Thư (SN 1948) ở xã Trung Phúc Cường (Nam Đàn) gần như kiệt quệ. “Với thương tật 81%, được trở về với gia đình, được sống đến ngày nay là một niềm may mắn. Biết bao anh em đồng đội đang nằm nơi bìa rừng, vách núi...” - ông Thư bùi ngùi. Và, khi nhắc tới đồng đội, người cựu binh ấy chợt rưng rưng, cặp mắt già nua như ngấn lệ.
Dù sức khỏe giảm sút do tỷ lệ thương tật cao nhưng ông Từ Viết Thư, xã Trung Phúc Cường (Nam Đàn) đã hai lần vào chiến trường tìm đồng đội. Ảnh: Công Kiên |
Năm 20 tuổi, ông Thư cùng đồng đội vượt vĩ tuyến 17 vào chiến đấu ở mặt trận Quảng - Đà đánh Mỹ. Cuộc chiến ngày càng ác liệt, hàng ngày người lính trẻ phải chứng kiến cảnh đồng đội hy sinh và không ít lần ông đã phải tự tay mình mai táng những người ngã xuống. Trở về với cuộc sống đời thường, người lính ấy không nguôi nhớ thương những đồng đội đang nằm lại nơi vách rừng, bờ suối.
Ông muốn làm một điều gì đó để lòng mình thanh thản, để xứng đáng với sự hy sinh của đồng đội. Với tâm nguyện ấy, từ Nam Cường, ông Thư đã tìm sang xã Nam Trung (nay sáp nhập thành Trung Phúc Cường) gặp bố mẹ của Nguyễn Văn Phương - người bạn cùng nhập ngũ một ngày, cùng chung đơn vị đã hy sinh và do chính tay mình chôn cất để cung cấp thông tin.
Nhưng phải hàng chục năm sau, gia đình liệt sỹ Phương và ông Thư mới sắp xếp được chuyến đi vào xã Phước Lãnh, huyện Tiên Phước (Quảng Nam) để tìm mộ. Một chuyến đi vất vả, gian nan, vừa đi ô tô, xe lai và cả cuốc bộ. Sau gần một ngày lần tìm từng dấu vết, huy động các sợi dây liên hệ, được sự giúp đỡ của chính quyền và nhân dân địa phương, cuối cùng ngôi mộ năm xưa đã được tìm thấy.
Ông Nguyễn Tất Triển ở phường Trung Đô (thành phố Vinh) đã nhiều lần vào chiến trường Quảng Trị tìm mộ đồng đội. Ảnh tư liệu: Công Kiên |
Sau chuyến đi tìm mộ liệt sỹ Nguyễn Văn Phương, ông Từ Viết Thư đã có thêm hai chuyến vào mặt trận Quảng- Đà xưa, men theo con sông Thu Bồn để tìm mộ đồng đội. Và trong hai chuyến đi ấy, ông Thư đã tìm được hai ngôi mộ của những người đồng chí, đồng hương đã ngã xuống hơn 40 năm trước. Đó là liệt sỹ Nguyễn Văn Lộc (Phường Hưng Bình - Thành phố Vinh) và giúp gia đình đưa hài cốt về quê hương an táng.
Còn liệt sỹ Huỳnh Văn Lang quê ở huyện Nghĩa Đàn đến nay ông Thư vẫn chưa tìm được thân nhân. Mấy năm trước, ông Thư đã nhiều lần cất công lên vùng đất đỏ Phủ Quỳ dò tìm nhưng vẫn chưa có tin tức gì về người thân của liệt sỹ Lang. Cho nên, trong lòng ông vẫn băn khoăn, canh cánh vì công việc chưa thành.
Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Cầm, xã Diễn Cát (Diễn Châu) trước bàn thờ đồng đội. Ảnh: Công Kiên |
Cũng như ông Thư, Nguyễn Xuân Cầm (SN 1951) ở xóm 1, xã Diễn Cát (Diễn Châu) cũng đã hai lần vào chiến trường xưa ở núi rừng Quảng Trị tìm mộ đồng chí, đồng đội. Đầu tiên là liệt sỹ Võ Văn Tùng (hy sinh năm 1970), là bạn đồng niên, cùng quê Diễn Cát, cùng nhập ngũ một ngày và chiến đấu cùng một đại đội. Và cũng chính ông Cầm là người mai táng liệt sỹ Tùng khi bị trúng mảnh bom hy sinh. Tiếp đến là mộ liệt sỹ Lê Văn Mao, người cùng xã, lớn hơn vài tuổi, cùng thân nhân chuyển về quê nhà.
Các cựu chiến binh tỉnh Nghệ An thắp hương cho đồng đội tại Nghĩa trang tỉnh Quảng Trị. Ảnh tư liệu: Trần Duy Ngoãn |
Và, còn nhiều, rất nhiều những người lính nặng nghĩa tình với đồng đội đã hy sinh như ông Từ Viết Thư, Nguyễn Xuân Cầm...
Tiên phong xây dựng quê hương
Những năm gần đây, Nghệ An đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, bộ mặt quê hương thực sự đã có những đổi thay, khởi sắc. Đây là kết quả của sự nỗ lực của các cấp chính quyền và nhân dân các địa phương, trong đó cựu chiến binh luôn là lực lượng tiên phong, gương mẫu đi đầu, đặc biệt là phong trào hiến đất mở đường. Từ thành phố đến vùng đồng bằng hay miền núi, rẻo cao, nhiều cựu binh đã sẵn sàng đập bỏ, dời tường rào vào sâu trong vườn để hiến đất, hiến cây làm đường.
CCB Trần Văn Pháp (thứ 3, phải sang), xóm 12, xã Cát Văn (Thanh Chương) tự nguyện hiến đất, phá dỡ tường rào kiên cố mở đường giao thông nông thôn. Ảnh tư liệu: Công Kiên |
Có thể kể đến ông Lương Công Chính ở xóm Kim Nghĩa, xã Nghi Ân (thành phố Vinh) đã tự nguyện hiến gần 200 m2 đất ở (trị giá khoảng 600 triệu đồng) để mở đường giao thông. Gia đình ông còn ủng hộ 5 triệu đồng và vận động bạn bè ủng hộ 75 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa xóm. Noi gương ông Chính, bà con xóm Kim Nghĩa người ít, người nhiều cũng đã tự nguyện hiến đất để có một con đường đạt chuẩn.
“Từng là người lính trải qua cuộc chiến tranh chống Mỹ, chứng kiến bao cảnh hy sinh, mất mát để đổi lấy cuộc sống hòa bình nên sự đóng góp của mình hôm nay thực sự nhỏ bé. Tôi luôn tâm niệm dù trong hoàn cảnh nào cũng phải phát huy phẩm chất anh Bộ đội Cụ Hồ” - ông Chính chia sẻ.
CCB Trần Hữu Lực (thứ 2, trái sang), xóm 12, xã Cát Văn (Thanh Chương) tự nguyện hiến đất, phá dỡ tường rào kiên cố mở đường giao thông nông thôn. Ảnh: Công Kiên |
Cũng từng tham gia quân ngũ, khi xã triển khai mở rộng tuyến đường trước nhà, bà Nguyễn Thị Liễu ở xã Đại Đồng (Thanh Chương) đã vận động gia đình và họ tộc di dời nhà thờ họ, hiến đất cho xã làm đường.
Ban đầu không phải ai cũng dễ dàng đồng ý, bởi di dời nhà thờ họ không phải việc đơn giản, liên quan đến kinh phí cũng như vấn đề tâm linh. Nhưng với sự kiên trì, khéo léo, bà Liễu đã thuyết phục được anh em họ tộc đồng ý di dời để tuyến đường sớm được hoàn thành, góp phần xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới.
CCB Nguyễn Thế Ký (trái), xóm Thuận Phú, xã Thuận Sơn (Đô Lương) có nhiều đóng góp trong xây dựng nhà văn hóa xóm và làm đường giao thông nông thôn ở địa phương. Ảnh: Công Kiên |
Và còn rất nhiều những tấm gương là những người lính trở về, hy sinh tài sản của gia đình, góp phần xây dựng nông thôn mới. Đó là ông Cao Tiến Dũng ở xã Đồng Văn (Tân Kỳ) hiến 1.500 m2 đất, ông Trần Văn Hòa ở xã Lĩnh Sơn (Anh Sơn) hiến 756 m2, ông Vi Văn Thành ở xã Mường Nọc (Quế Phong) hiến 500 m2, ông Nguyễn Hữu Thục ở xã Quỳnh Liên (thị xã Hoàng Mai) hiến 612 m2... Nhờ đó, những tuyến đường quê được mở rộng và ngay hàng, thẳng lối, vừa thuận tiện cho việc đi lại, vừa đảm bảo mỹ quan.
“Khi người lính hoàn thành nhiệm vụ, trở về với cuộc sống đời thường, nhiều người đã trở lại chiến trường xưa tìm mộ đồng đội với niềm cảm thương và tri ân sâu sắc. Và nhiều người là những tấm gương đi đầu trong các phong trào, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới. Trong năm 2020, cựu chiến binh toàn tỉnh đã đảm nhận 364 công trình (trị giá trên 11 tỷ đồng), tham gia 55.000 ngày công, hiến hơn 114.000 m2 đất và hiện vật trị giá 6,25 tỷ đồng...”.