Tâm sự của người từng 13 lần tham gia bầu cử ĐBQH
Dù đã 90 tuổi, nhưng ông vẫn còn nhanh nhẹn với chất giọng sang sảng, ông kể rất rõ về những cuộc bầu cử mà ông đã được trải qua. Với ông, mỗi lần bầu cử đều mang đến cho ông những cảm xúc khác nhau. Nhưng ông ấn tượng nhất vẫn là cuộc bầu cử đầu tiên diễn ra vào ngày 6.1.1946, cuộc bầu cử mà theo ông đó là cuộc bầu cử của “lá phiếu tự do”…. Ông là Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam – người đã từng 13 lần được tham gia bầu cử.
Lá phiếu của tự do
Trong mở đầu câu chuyện của mình, Trung tướng Phạm Hồng Cư hài hước rằng, việc mình kể cảm xúc về những cuộc bầu cử mà ông từng tham gia là “người lính già đầu bạc kể mãi chuyện ngày xưa”. Năm nay, dù ông đã 90 tuổi nhưng những ký ức, kỷ niệm đẹp về cuộc bầu cử đầu tiên năm 1946 vẫn không phai mờ trong tâm trí ông.
Với chất giọng sang sảng và trí nhớ rất tuyệt vời, những ký ức của ông về cuộc bầu cử đầu tiên diễn ra vào ngày 6.1.1946 hiện về rõ ràng như những thước phim tư liệu. Ông kể, lúc đó ông mới 20 tuổi.
Ảnh: Hà An |
Ông gọi cuộc bầu cử vào năm 1946 là cuộc bầu cử của lá phiếu tự do. Ông lý giải rằng, khi đó đi bỏ phiếu, ông cùng những cử tri khác có “cảm tưởng lâng lâng khi hít thở bầu không khí tự do, vì chỉ vài tháng trước đó, trước cách mạng tháng Tám, chúng tôi còn là người dân mất nước, một người nô lệ”. Mặc dù lúc đó, ông chưa hiểu biết nhiều về quyền và nghĩa vụ của công dân như ngày nay nhưng chỉ nghĩ rằng, “hôm nay mình là công dân của nước Việt Nam độc lập cầm lá phiếu của tự do đã thấy sung sướng khôn tả”. Đó là lá phiếu của tự do, lá phiếu của độc lập. Chỉ những người nào phải trải qua hai chế độ thì mới cảm nhận được niềm hạnh phúc ấy, ông nhấn mạnh.
Bảo vệ cuộc tổng tuyển cử
Tiếp nối câu chuyện của mình, ông kể về việc ứng cử của Bác Hồ khi đó. Ông nhớ, khi ấy, Bác Hồ ứng cử ở Hà Nội, trong khi nhiều địa phương đặc biệt là Nghệ An đề nghị Bác về ứng cử ở địa phương mình. Nhưng Bác đã trả lời, “tôi là công dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, tôi phục tùng luật lệ bầu cử, tôi đã ứng cử ở Hà Nội nên không có điều kiện ứng cử ở các nơi khác, xin cám ơn thịnh tình của đồng bào”. Với niềm kính yêu vô hạn, nhân dân Hà Nội có vinh dự thay mặt cho cả nước để bầu cho Bác Hồ. Ai ai cũng muốn trong lá phiếu của mình cũng có tên của Bác. Ông kể, hôm ấy, Bác làm nghĩa vụ công dân, đi bầu cử ở phố Hàng Vôi, Trung đội của ông khi ấy được giao nhiệm vụ chịu trách nhiệm bảo vệ nơi bầu cử ở Bạch Mai. Kết quả bầu cử lần ấy, Bác là người được phiếu cao nhất trong 333 đại biểu của kỳ họp QH đầu tiên là 99%, ông cho biết.
Với một cuộc bầu cử năm 1946, thì việc bảo vệ thành công cho một cuộc bầu cử là một nhiệm vụ rất quan trọng. Ông nhớ lại, năm 1946 là năm vận mệnh của Tổ quốc như “ngàn cân treo sợi tóc”. Ở miền Nam, người Pháp núp dưới bóng quân Anh trở lại xâm lược Việt Nam. Miền Bắc, hai mươi vạn quân Tàu Tưởng vào để giải giáp quân đội Nhật với âm ưu “diệt Cộng, cầm Hồ” lật đổ chính phủ. Đi theo họ có Quốc Dân Đảng, nhân danh Quốc Dân Đảng, Việt Nam Cách Mạng, Việt Quốc Việt Cách phá hoại. Đặc biệt là tháng 12, trước ngày 6.1.1946, kẻ thù đã tập trung phá cuộc Tổng tuyển cử, chúng tổ chức các cuộc biểu tình, đặc biệt là ở Bờ hồ. Kẻ thù khi ấy tập trung ở nơi tàu điện đỗ, chiếm toa tàu và dùng loa phát ra những lời chống đối cuộc Tổng tuyển cử, đả đảo Cuộc bầu cử, đả đảo Chính phủ lâm thời. Ông nhớ khi ấy, Trung đội của ông cùng với một Trung đội khác có trách nhiệm giải tán đám biểu tình tuyên truyền này.
Giọng ông nghẹn ngào kể lại về sự hy sinh của một đồng đội của mình khi tham gia phá tan kế hoạch của kẻ thù về chống phá cuộc tổng tuyển cử. Bộ đội khi ấy phải đứng lẫn vào đám đông người dân đang chờ tàu điện. Khi kẻ thù gọi loa tuyên truyền chống phá cuộc bầu cử, đồng chí Lê Thành Quế là Tiểu đội trưởng Tiểu đội của ông tiến gần đến để phản đối. Xung đột xảy ra, nhưng nhờ có sự góp sức của nhân dân khi ấy, chúng đã vứt loa để bỏ chạy. Rồi giọng ông chùng xuống, ông kể tiếp, trước đó, chúng đã dùng súng chống lại, bắn trúng đồng chí Lê Thành Quế. Đồng chí Lê Thành Quế là liệt sỹ đầu tiên Trung đội của ông đã ngã xuống.
Kỳ vọng gửi gắm ở lá phiếu
Với ông, mỗi cuộc bầu cử là mỗi một lần mang đến cho ông một cảm xúc khác nhau. Nhưng có lẽ kỷ niệm về cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vẫn sẽ vẫn in sâu vào trong tâm trí của “người lính già đầu bạc” như cách ông vẫn tự nói về mình.
Bước vào cuộc bầu cử QH Khóa XIV diễn ra vào ngày 22.5 tới là lần thứ 14 ông được cầm lá phiếu để bầu chọn người đại diện của mình. Với số lần được tham gia bầu cử như ông đã được coi là trường hợp khá đặc biệt. Nhưng với một tinh thần, một tâm thế và trách nhiệm của một người lính cụ Hồ, ông vẫn dành hết tâm huyết, trách nhiệm của một cử tri trước sự lựa chọn đại biểu của mình. Ông cho rằng, mỗi một lần bầu cử thì người cầm lá phiếu ngoài việc chọn đại biểu đại diện cho mình còn gửi gắm vào đó một kỳ vọng. Trong cuộc bầu cử ĐBQH Khóa XIV sắp tới, ông kỳ vọng là xây dựng nước Việt Nam XHCN, là thoát nạn tụt hậu so với các nước để sánh vai cùng với các cường quốc năm châu, là tiếp tục đổi mới, tiếp tục phát triển. Cùng với đó là tiếp tục chống nội xâm, chống tham nhũng, lãng phí; tiếp tục chống ngoại xâm là cuộc gây căng thẳng ở biển Đông… Mà theo ông, tất cả những nguyện vọng đó ông đều gửi gắm ở lá phiếu bầu.
Chúng ta cùng chúc cho ông - “người lính già đầu bạc kể mãi chuyện ngày xưa” có sức khỏe, sẽ tiếp tục cầm lá phiếu cử tri sẵn sàng cho cuộc bầu cử QH Khóa XIV với một tinh thần trách nhiệm cao để bầu ra đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực nhà nước ở Trung ương và địa phương.
Theo Đại biểu nhân dân