Tăng cường bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Minh Quân 28/06/2023 12:21

(Baonghean.vn) - Trong 2 ngày (28 và 29/6), tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp với Tổ chức Plan quốc tế tại Việt Nam tổ chức tập huấn truyền thông về công tác trẻ em cho phóng viên các cơ quan báo chí.

Tham dự có đại diện lãnh đạo Cục Trẻ em, Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ truyền thông (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), Tổ chức Plan quốc tế tại Việt Nam và phóng viên các cơ quan báo chí khu vực Bắc miền Trung.

bna_toàn cảnh buổi tập huấn.jpg
Toàn cảnh cuộc tập huấn truyền thông về công tác trẻ em năm 2023. Ảnh: Minh Quân

Phát biểu khai mạc cuộc tập huấn, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em nhấn mạnh: Tháng hành động Vì trẻ em năm 2023 hướng tới nhiều thông điệp như: Phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em là bảo đảm quyền được sống của trẻ em; lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động; pháp luật nghiêm trị mọi hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em…

Qua đó, nhằm huy động sự chung tay của toàn xã hội cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tiếp tục xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện cho trẻ. Trong đó, công tác tuyên truyền, truyền thông cần tiếp tục tập trung tới việc nâng cao nhận thức về bảo đảm trẻ em được thực hiện đầy đủ các quyền và nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền cũng như bổn phận của trẻ em; những vấn đề về kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục trẻ em...

bna_Ông Đặng Hoa Nam.jpg
Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phát biểu khai mạc cuộc tập huấn. Ảnh: Minh Quân

Tại cuộc tập huấn, các phóng viên đã được PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh - Trưởng Khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền phổ biến kỹ năng đưa tin, bảo mật thông tin và truyền thông về bảo vệ trẻ em đối với nhà báo và các cơ quan báo chí, đồng thời, trao đổi nghiệp vụ báo chí về bảo vệ trẻ em.

Plan International là tổ chức phi chính phủ, phi tôn giáo, phi lợi nhuận, với hơn 80 năm hoạt động vì tương lai tươi sáng hơn cho trẻ em tại 75 quốc gia trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, Plan International bắt đầu hoạt động từ năm 1993 với mục tiêu giúp đỡ trẻ em, thanh, thiếu niên, đặc biệt là nhóm chịu thiệt thòi và các em gái, được sinh ra và lớn lên trong một xã hội an toàn và tôn trọng quyền của các em.

Các phóng viên cũng được đại diện Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông và Tổ chức quốc tế Plan tại Việt Nam phổ biến chuyên đề về tăng cường quản lý đối với các doanh nghiệp để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

bna_trao quà của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh.jpg
Tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại Lễ phát động Tháng hành động Vì trẻ em Nghệ An năm 2023. Ảnh: Minh Quân

Đại diện Cục Trẻ em cũng chia sẻ, thời gian qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai nhiều biện pháp, nhiều hành động cụ thể để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, như: Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 01/6/2021 phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng, giai đoạn 2021 - 2025”; Trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định 130/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em, trong đó, có nội dung xử phạt hành chính về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; phối hợp ban hành Quyết định số 05/QC-BCA-BLĐTBXH-BTTTT về Quy chế phối hợp giữa Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông trong tiếp nhận thông tin, điều tra xử lý đối với các hành vi xâm hại trẻ em và theo dõi dữ liệu liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng.

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 2 năm (2021 và 2022), có 877 cuộc gọi đến Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 với nội dung về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (trung bình có 1,2 cuộc gọi/ngày).

Trong đó, có 820 cuộc gọi tư vấn (252 cuộc tư vấn về xâm hại tình dục trẻ em; 23 cuộc gọi về bóc lột tình dục; 97 cuộc về trẻ em bị bạo lực, bắt nạt; 109 cuộc trẻ em bị dụ dỗ, gạ gẫm; 301 cuộc hướng dẫn cách sử dụng Internet an toàn,…).

Mới nhất

x
Tăng cường bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO