Tăng cường hiệu quả hoạt động chính quyền cơ sở

08/10/2016 17:41

(Baonghean) - Thực tiễn luôn chứng minh, ở đâu chính quyền cấp xã hoạt động có hiệu quả thì ở đó chính trị ổn định, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao. Bởi vậy, huyện Nam Đàn đã quan tâm chăm lo đến chính quyền cơ sở bằng việc ban hành Nghị quyết số 18/NQ-HU, ngày 1/11/2011 của Huyện ủy về nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở.

Chuyển động từ cán bộ cấp xã

Từ một xã bán sơn địa, điều kiện kinh tế - xã hội thuộc diện khó khăn nhất huyện Nam Đàn, nay xã Nam Kim đang có nhiều nét khởi sắc. Rõ nét nhất đó là kinh tế đã hình thành được các mũi nhọn đem lại hiệu quả, như kinh tế vườn đồi mà chủ lực là chanh với gần 200 ha, mang lại giá trị hơn 20 tỷ đồng/năm; tổng đàn cũng như chất lượng đàn bò lai sind được nâng cao; khuyến khích phát triển kinh tế trang trại tổng hợp nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia cầm, lợn...

Đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí và đang chờ tỉnh thẩm định để công nhận. Đây là cơ sở phản ánh sự phát triển toàn diện nhất của địa phương. Phía sau những kết quả trên có nhiều yếu tố, trong đó có việc thực hiện Nghị quyết số 18/NQ-HU, ngày 1/11/2011 của Huyện ủy Nam Đàn về nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở.

Cán bộ xã Hùng Tiến (Nam Đàn) bám cơ sở chỉ đạo mô hình phát triển kinh tế.
Cán bộ xã Hùng Tiến (Nam Đàn) bám cơ sở chỉ đạo mô hình phát triển kinh tế.

Theo đó, Đảng ủy xã đã tập trung quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cấp xã. Đến thời điểm này, đội ngũ cán bộ chuyên trách và công chức cấp xã cơ bản đều có bằng đại học, cao đẳng chuyên môn và trình độ trung cấp chính trị; chú trọng gắn công tác cán bộ với đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động của HĐND, UBND xã.

Trên cơ sở xây dựng quy chế hoạt động của HĐND, UBND, phân công, phân rõ trách nhiệm cho từng thành viên trong các nhiệm vụ, trọng tâm là phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo quốc phòng - an ninh... Gắn với việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị nay là Chỉ thị 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Chỉ thị 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; cải cách hành chính. “Chúng tôi quy định rõ cán bộ, công chức phụ trách từng vùng, từng lĩnh vực, đơn vị; tăng cường về cơ sở, lắng nghe ý kiến, phản ánh của nhân dân và tìm giải pháp tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc đặt ra từ thực tiễn, thúc đẩy phong trào...”, đồng chí Phạm Quyết Thắng - Bí thư Đảng ủy xã Nam Kim nhấn mạnh.

Còn ở xã Xuân Hòa, điều kiện về vị trí địa lý, kinh tế - xã hội có điểm xuất phát thuận lợi hơn đã có những bước phát triển khá vững chắc; xã được công nhận đơn vị đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015. Có được kết quả đó, theo đồng chí Lê Văn Nghị - Phó Bí thư Đảng ủy, ngoài vai trò lãnh đạo của cấp ủy thì chính quyền cơ sở đóng vai trò rất quan trọng. Cán bộ, công chức xã hiện nay được đào tạo bài bản, vị trí công tác đảm bảo đúng chuyên ngành được học, khắc phục tình trạng trước đây “học một đường, làm một nẻo”; 13/26 đại biểu HĐND xã, nhiệm kỳ 2016 - 2021; 13 cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã có trình độ đại học.

Hệ thống đường giao thông nông thôn ở Nam Đàn được xây dựng khang trang, ảnh tư liệu minh họa
Hệ thống đường giao thông nông thôn ở Nam Đàn được xây dựng khang trang. Ảnh tư liệu

Đặc biệt, triển khai Nghị quyết số 18 của Huyện ủy, Đảng ủy đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động chính quyền cơ sở, bao gồm: nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, kỷ luật hành chính của cán bộ, công chức theo chức trách, nhiệm vụ phân công theo quy định của pháp luật. Tăng cường thông tin, trao đổi qua các kỳ tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND, qua các cuộc họp UBND xã với việc mở rộng thêm nhiều đối tượng. Đổi mới phương pháp công tác, gần dân, hiểu dân, chăm lo công tác dân vận, thuyết phục nhằm giải quyết các công việc của dân “thấu lý đạt tình”...

Thực hiện Nghị quyết số 18/NQ-HU, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã được của huyện Nam Đàn được nâng lên, cơ bản đạt chuẩn về chuyên môn; có gần 59% có trình độ chuyên môn thạc sỹ, đại học; hơn 68% có trình độ chính trị cao cấp và trung cấp.

Theo đồng chí Vương Quang Thái - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, chất lượng, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp được nâng lên một bước, góp phần thúc đẩy các phong trào chung ở từng địa phương, cho thấy nghị quyết ban hành rất trúng và đúng. Đến nay, 24/24 xã, thị trấn xây dựng sổ nhật ký theo dõi việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức cũng như đánh giá đúng thực chất việc tham mưu các nhiệm vụ chuyên môn. Các cơ sở đều xây dựng được quy chế làm việc của HĐND, UBND; gắn với đổi mới phương pháp, cách thức, kỹ năng công tác, tăng cường đối thoại, trao đổi, gắn bó với cơ sở, gần gũi hơn với nhân dân. Đặc biệt phát huy vai trò lãnh đạo, điều hành của người đứng đầu, nhất là trong việc chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm, giải quyết các vụ việc đặt ra trong thực tiễn. Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã được quan tâm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng.

Các vấn đề cần tiếp tục quan tâm

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Cấp xã là gần gũi dân nhất, là nền tảng của hành chính. Cấp xã làm việc được thì mọi việc đều xong xuôi”. Cho nên, với các cấp ủy đảng ở huyện Nam Đàn, mặc dù kết quả mà Nghị quyết số 18/NQ-HU mang lại đã tạo ra luồng gió mới ở cơ sở, tuy nhiên vẫn đang còn có những điều tiếp tục trăn trở và quan tâm hơn nữa nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cấp xã khi thực tế vẫn còn những tồn tại, yếu kém.

Đồng chí Phạm Quyết Thắng - Bí thư Đảng ủy xã Nam Kim, nêu: Mặc dù trình độ của cán bộ, công chức ngày càng cao, tuy nhiên chưa có sự đồng đều về trình độ trong hệ thống chính trị, nhất là ở khối, xóm. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả điều hành, hoạt động của chính quyền. Phương pháp, kỹ năng công tác, nghiệp vụ chuyên môn ở một số lĩnh vực, khả năng xử lý một số công việc, kiến nghị của người dân hiệu quả chưa cao. Việc triển khai áp dụng các giải pháp kỹ thuật nhất là công nghệ tin học vào hoạt động quản lý Nhà nước còn chậm.

Kéo nước sạch về xã Nam Cát, huyện Nam Đàn.
Kéo nước sạch về xã Nam Cát, huyện Nam Đàn.

Theo đồng chí Nguyễn Lâm Sơn - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nam Đàn, để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động chính quyền cấp xã, trước hết cần phải khắc phục những yếu kém, tồn tại đang đặt ra trong bộ máy chính quyền. Xét về ý thức trách nhiệm thì vẫn còn một số cán bộ, công chức chưa cao, trong khi đó cơ chế giám sát, đánh giá và xử lý cán bộ, nhất là công chức còn khó khăn. Dẫn đến tình trạng cán bộ công chức thiếu năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, thậm chí có tư tưởng an phận.

Mặt khác nguồn cán bộ cơ sở hiện tại đang rất khó khăn. Khó khăn, bởi nguồn lãnh đạo xã, một là từ đội ngũ cán bộ công chức và bán chuyên trách, trong khi đó có 4 chức danh công chức, gồm tài chính, địa chính, tư pháp hộ tịch, thương binh - xã hội buộc phải thực hiện luân chuyển, tính ổn định không cao, cho nên các địa phương không đưa vào quy hoạch cán bộ; một phần công chức là người địa phương khác cũng khó trở thành cán bộ lãnh đạo.

Thực trạng trên đang đặt ra yêu cầu tiếp tục quan tâm, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của chính quyền cở sở, đáp ứng theo quy định thẩm quyền hoạt động của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Hiện tại, Huyện ủy Nam Đàn đang xúc tiến xây dựng để ban hành Nghị quyết nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, bao gồm nâng cao năng lực lãnh đạo của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ, các tổ chức chuyên môn của Đảng; nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền và chất lượng hoạt động của MTTQ và các đoàn thể; HĐND, UBND phải thực hiện đúng chức năng của mình theo quy định của luật. Trên cơ sở chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính quyền phải cụ thể hóa thành những chương trình hành động cụ thể, thiết thực và tổ chức cho nhân dân thực hiện hiệu quả. Cán bộ chính quyền phải là người trọng dân, nghe dân nói, nói dân nghe.

Minh Chi

TIN LIÊN QUAN

Tăng cường hiệu quả hoạt động chính quyền cơ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO