Tăng độ che phủ rừng, giảm phát thải khí nhà kính

Hải An 27/06/2018 11:12

(Baonghean) - Cùng với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam đang nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm cắt giảm phát thải khí nhà kính, giảm nhẹ nguy cơ của biến đổi khí hậu. Chương trình Giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ER-PD) đang được phối hợp với ngành lâm nghiệp nhằm tuyên truyền sâu rộng đến mọi người dân.

Thúc đẩy ứng phó biến đổi khí hậu
Thời gian gần đây, hiện tượng biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính diễn biến phức tạp, ngày càng tác động, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống con người. Lũ lụt, hạn hán, rét hại, bão mạnh vượt các cấp độ thông thường, lốc xoáy, sóng thần.. thường xuyên xảy ra gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Giải pháp đặt ra phải giảm thiểu những hoạt động làm nóng nhiệt độ trái đất, tích cực trồng rừng, bảo vệ môi trường sinh thái.

Cánh rừng săng lẻ tái sinh ở Xá Lượng, Tương Dương được bảo vệ tốt. Ảnh: Văn Trường
Cánh rừng săng lẻ tái sinh ở Xá Lượng, Tương Dương được bảo vệ tốt. Ảnh: Văn Trường
Vì vậy chương trình giảm phát thải REDD+ (cơ chế nhằm cung cấp những sự đền đáp về tài chính để tránh mất rừng và suy thoái rừng, tạo ra sự kích thích quản lý rừng bền vững; bảo tồn đa dạng sinh học và duy trì dịch vụ môi trường; cải thiện sinh kế cho người dân và cộng đồng người địa phương sống phụ thuộc vào rừng ở các nước đang phát triển), ra đời là một sáng kiến quốc tế, nhằm cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển để giảm phát thải khí nhà kính, giảm nhẹ quá trình biến đổi khí hậu thông qua năm hoạt động. Từ 2009 đến nay, Việt Nam đã tham gia vào sáng kiến REDD+ với 44 dự án lớn nhỏ, tổng giá trị tài trợ khoảng 84 triệu USD. Hỗ trợ cho các hoạt động nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực, thí điểm một số hoạt động, mô hình và chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ tại Việt Nam. Có 19 tỉnh đã phê duyệt kế hoạch hành động REDD+ (PRAP) đến năm 2020 và có 12 tỉnh đã có ban chỉ đạo REDD+ cấp tỉnh.
Mục đích REDD+, đến năm 2020 là góp phần giảm phát thải khí nhà kính thông qua các hoạt động REDD+, nâng cao độ che phủ rừng toàn quốc lên 42% và diện tích các loại rừng đạt 14,4 triệu ha; Góp phần cải thiện quản trị rừng, tạo việc làm, nâng cao đời sống của người dân gắn với xây dựng nông thôn mới và đảm bảo quốc phòng, an ninh. Nâng cao chất lượng rừng tự nhiên và rừng trồng nhằm gia tăng tích lũy các - bon và dịch vụ môi trường rừng; nhân rộng các mô hình trồng rừng hiệu quả; quản lý, bảo vệ và bảo tồn bền vững rừng tự nhiên.

Công tác tuyên truyền là một trọng tâm
Chương trình ER-PD thực hiện trên địa bàn 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế) với tổng diện tích đất là 5,1 triệu ha (chiếm 16% tổng diện tích đất đai của Việt Nam). Trong đó 80% là đồi núi, còn lại là đồng bằng ven biển với đất nông nghiệp chiếm 14%. Mục tiêu của chương trình là trực tiếp giải quyết các nguyên nhân gây mất rừng, suy thoái rừng và khuyến khích khôi phục rừng, quản lý rừng bền vững.
Đối với địa bàn Nghệ An, hiện đã có Quyết định số 2589/QĐ-UBND ngày 21/6/2016 của UBND tỉnh Nghệ An về việc Ban hành Kế hoạch hành động “Giảm phát thải khí nhà kính, thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và tăng cường trữ lượng các bon rừng (REDD+)” tỉnh Nghệ An - gọi tắt là PRAP. Đang dự thảo cập nhật Kế hoạch hành động REDD+ cấp tỉnh theo Chương trình hành động cấp quốc gia NRAP (sửa đổi tại QĐ 419). Để đạt hiệu quả cao, ngay từ đầu năm 2018, Ban quản lý dự án FCPF2 tỉnh Nghệ An đã tăng cường công tác tuyên truyền đối với chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ. Cụ thể là phối hợp với các đơn vị quản lý lâm nghiệp như BQL rừng phòng hộ, Hạt Kiểm lâm, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng và các quy định, chỉ thị, cơ chế, chính sách liên quan trên địa bàn. Tuyên truyền rộng rãi về REDD+ và chương trình giảm phát thải thông qua các phương tiện truyền thông, hội nghị, hội thảo, pano, áp phích.

Khách du lịch nước ngoài thăm rừng Quốc gia Pù Mát (Con Cuông). Ảnh: Văn Trường
Khách du lịch nước ngoài thăm rừng Quốc gia Pù Mát (Con Cuông). Ảnh: Văn Trường
Thời gian tuyên truyền của dự án từ 20/4 đến 10/6, số lượng xã tuyên truyền 17 xã, gồm các huyện Quế Phong, Tương Dương, Anh Sơn, đối tượng tuyên truyền bao gồm cán bộ chủ chốt của xã, thôn/bản và một số hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng, số lượng tham gia khoảng 53 người/cuộc tuyên truyền. Qua các đợt tuyên truyền, đa số người dân đã hiểu được ý nghĩa của chương trình giảm phát thải. Ông Lang Hồng Thắng - Chủ tịch Mặt trận xã Đồng Văn, huyện Quế Phong chia sẻ: Sau đợt tuyên truyền, người dân trong xã đã hiểu được có rừng là có môi trường trong lành, giảm thiểu được nguy cơ lũ ống, lũ quét. Chúng tôi còn biết cách sử dụng tiết kiệm các sản phẩm từ rừng (không phải là gỗ), không tận diệt khi hái măng, rau, quả... mà vẫn để lại gốc. Đặc biệt là cùng nhau để bảo vệ những cánh rừng nguyên sinh. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền các nội dung này rộng rãi đến với bà con nhân dân được biết để thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng trên địa bàn.
Ông Lữ Văn Tiến - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quế Phong cho biết: Toàn huyện hiện đang quản lý hơn 144 ngàn ha rừng, diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng hơn 56 ngàn ha. Trên địa bàn hiện có 8 nhà máy thủy điện, trong đó đã có 3 nhà máy tham gia dịch vụ môi trường rừng. Qua đợt tuyên truyền chương trình giảm phát thải đã phần nào nâng cao năng lực nhận thức của cộng đồng dân tộc thiểu số về các luật, quy định, chính sách bảo vệ rừng, cũng như về biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học, quản lý rừng bền vững.

Vườn quốc gia Pù Mát có không khí trong lành. Ảnh: Tường Vi
Thời gian tới, Ban Quản lý Dự án FCPF2 tỉnh Nghệ An, tiếp tục tuyên truyền cho 9 huyện và 14 xã trong vùng thực hiện thí điểm chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ. Tập huấn hệ thống theo dõi cập nhật diễn biến rừng bằng máy tính bảng cho lực lượng kiểm lâm và các chủ rừng. Tập huấn kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn năng suất cao, khôi phục tu bổ rừng tự nhiên cho cán bộ kỹ thuật của các chủ rừng và các đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh. Xây dựng đề án giao rừng, cho thuê rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018-2024. Xây dựng phương án cấp bách phòng, chống chặt phá, khai thác lâm sản trái phép vùng trọng điểm giai đoạn 2016-2020.
Trên thực tế, REDD+ vẫn là một lĩnh vực khá mới mẻ. Đặc biệt, cần phối, kết hợp với các ngành, chính quyền địa phương tập trung cải thiện sinh kế người dân sống dựa vào rừng. Cùng đó, nâng cao nhận thức về môi trường và xã hội, tăng cường sự tham gia của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học và nâng cao trữ lượng các-bon của rừng nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Quá trình đó, cộng đồng dân tộc thiểu số cần nỗ lực hơn trong việc giảm thiểu phát thải và tích lũy khí nhà kính bằng hàng loạt các công việc thường ngày đang làm, như bảo vệ rừng tự nhiên, trồng rừng, trồng các cây bản địa dài ngày, chuyển đổi phương thức canh tác như không phát, đốt rừng…


Mới nhất

x
Tăng độ che phủ rừng, giảm phát thải khí nhà kính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO