Tạo chuyển biến mạnh mẽ về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới
(Baonghean.vn) - Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trương Thị Mai nhấn mạnh, công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, tai nạn giao thông vẫn đang cao, đang là nỗi lo lắng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Sáng 6/7, Đảng ủy Công an Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến quán triệt Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới".
Các đồng chí: Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Trần Lưu Quang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an đồng chủ trì hội nghị.
Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An, các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Thiếu tướng Phạm Thế Tùng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh chủ trì. Tham dự hội nghị có đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh.
10 NĂM CÓ 76.439 NGƯỜI CHẾT DO TAI NẠN GIAO THÔNG
Sau 10 năm triển khai Chỉ thị số 18 năm 2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về: "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông", có thể khẳng định, đây là chủ trương đúng đắn, kịp thời, có ý nghĩa quan trọng đối với công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông nói riêng và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã có bước phát triển mạnh mẽ; chất lượng vận tải ngày càng được nâng cao, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Một số công trình giao thông hiện đại như đường bộ cao tốc, cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế... đã được đầu tư xây dựng, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước.
Công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông trong 10 năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Ý thức tự giác chấp hành các quy định về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông của người tham gia giao thông có chuyển biến hơn. Số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông giảm dần qua từng năm.
Số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng được kiềm chế, đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trật tự, an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc, lo lắng trong xã hội; văn hóa tham gia giao thông chưa được hình thành rõ nét; việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông có lúc, có nơi bị buông lỏng, một số vi phạm chưa được khắc phục triệt để.
Tai nạn giao thông giảm chưa bền vững; việc giải quyết ùn tắc giao thông tại một số thành phố, đô thị lớn vẫn còn nhiều khó khăn... tác động tiêu cực tới phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Tình trạng chống người thi hành công vụ trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông diễn ra phức tạp, có xu hướng gia tăng.
Thể hiện, trong 10 năm (2012-2022), cả nước xảy ra 190.020 vụ tai nạn giao thông, làm chết 76.439 người, bị thương 165.824 người. Trong đó, khoảng 70% người bị chết, bị thương trong độ tuổi lao động để lại hệ lụy rất nặng nề cho xã hội, người dân vẫn lo lắng, bất an khi tham giao thông.
Lực lượng công an đã lập biên bản, xử lý hơn 40,2 triệu trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông, phạt 27.378 tỷ đồng. Tòa án nhân dân các cấp đã xét xử 41.140 vụ, 41.785 bị cáo vi phạm trật tự, an toàn giao thông.
Trước tình hình đó, ngày 25/5/2023, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 23-CT/TW về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới".
Ban Bí thư Trung ương Đảng nhấn mạnh 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, gồm: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; Hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về giao thông.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; Tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; nâng cao năng lực quản lý, điều hành, phối hợp giữa các lực lượng trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; Khắc phục ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, trọng điểm là Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã thảo luận, đánh giá làm rõ những kết quả đã đạt được và kinh nghiệm, những cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện Chỉ thị 18; Phân tích làm rõ những vấn đề tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, từ đó kiến nghị các giải pháp khắc phục, góp phần nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
CÁN BỘ GIỮ VỊ TRÍ CÀNG CAO CÀNG PHẢI GƯƠNG MẪU CHẤP HÀNH GIAO THÔNG
Kết luận hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh, trên thực tế, công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, tai nạn giao thông vẫn đang cao, vẫn đang là nỗi lo lắng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Vì thế, chúng ta phải tiếp tục quyết tâm, có giải pháp mạnh mẽ, hiệu quả hơn, quyết liệt hơn; phát huy tốt hơn sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, người dân, lan tỏa mạnh mẽ hơn tinh thần của Chỉ thị số 23, phải tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, đảm bảo sức khoẻ, tính mạng cho Nhân dân.
Thường trực Ban Bí thư cho rằng, những giải pháp trong Chỉ thị số 23 phải được thực hiện đồng bộ, nhất quán, nhất là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và hoàn thiện hệ thống pháp luật, phải quy định rõ trách nhiệm trong quản lý nhà nước.
"Mọi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần, trách nhiệm, gương mẫu trước Nhân dân đối với vấn đề này. Nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm về giao thông. Cán bộ giữ vị trí càng cao thì càng gương mẫu, có như vậy mới có thêm động lực, tạo thêm thuận lợi cho bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đáp ứng yêu cầu của Đảng, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân", đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh.
Đồng thời, tăng cường nguồn lực, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, học tập nhiều kinh nghiệm hay của các nước vào thực tiễn của đất nước. Các địa phương phải thực hiện nghiêm việc di dời trụ sở, trường học, bệnh viện, khu sản xuất lớn ra ngoài khu vực trung tâm, phát triển các phương tiện giao thông vận tải công cộng, điều chỉnh quy mô dân số hợp lý, nâng cao năng lực điều hành giao thông.