Tạo nền tảng vững chắc để phát triển

13/01/2016 16:27

(Baonghean) - Cùng với cả nước, Nghệ An đón nhận tư tưởng đổi mới của Đảng như đón luồng gió mới, “cởi trói” và “chữa” được nhiều “căn bệnh” trong lãnh đạo, quản lý kinh tế của thời bao cấp; nâng cao năng lực lãnh đạo gắn với năng lực tổ chức thực tiễn của tổ chức Đảng, đổi mới phong cách làm việc, đi sâu, đi sát thực tiễn cơ sở, gắn bó với nhân dân của cán bộ, đảng viên...

Việc đổi mới ở Nghệ An được bắt đầu từ nông nghiệp và nông thôn. Đó là đổi mới cơ chế quản lý hợp tác xã nông nghiệp theo tinh thần Chỉ thị 100/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương về cải tiến công tác khoán mở rộng “khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp”; Nghị quyết 10/NQ-TW của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Cán bộ nông nghiệp huyện Quế Phong kiểm tra chất lượng phát triển cây chanh leo tại Tri Lễ.
Cán bộ nông nghiệp huyện Quế Phong kiểm tra chất lượng phát triển cây chanh leo tại Tri Lễ.

Có hai thành tựu của Nghệ An khi triển khai tinh thần đổi mới của Đảng trong nông nghiệp thời điểm đó. Thứ nhất, Nghệ An đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng với việc hình thành được một số vùng chuyên canh cây công nghiệp ngắn ngày (lạc) và dài ngày (mía, cao su, cà phê), đi đôi với xây dựng được một số nhà máy chế biến, đặc biệt là nhà máy đường. Thứ hai là đã chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và ứng dụng thành tựu cách mạng sinh học, đưa được một số loại giống ngắn ngày, chất lượng cao vào sản xuất.

Theo đó, Nghệ An đã chuyển vụ thu và vụ mùa không ổn định thành vụ hè thu có tính ổn định và năng suất cao nhờ tránh được thời tiết quá rét hoặc quá nóng ở thời gian lúa đẻ nhánh, trổ bông. Từ chuyển đổi sang vụ hè thu nên có thời gian dài để sản xuất vụ đông với các cây trồng thích hợp như lạc, đậu, ngô.... Về lĩnh vực lâm nghiệp, Nghệ An cũng đã tiến hành thực hiện giao đất, giao rừng cho người dân quản lý và hưởng lợi, tạo sự chủ động trong sản xuất và nâng cao ý thức bảo vệ rừng trong nhân dân...

Cơ giới hóa nông nghiệp ở xã Tiến Thành.
Cơ giới hóa nông nghiệp ở xã Tiến Thành.

Có thể nói, từ sự đổi mới căn bản trong nông nghiệp trong thời kỳ đầu đổi mới đã tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân trong những năm gần đây. Song song với quyết tâm duy trì mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực, nông nghiệp Nghệ An đã chú trọng đầu tư phát triển theo hướng chiều sâu, nâng cao giá trị trên cùng đơn vị diện tích. Đã xuất hiện một số thương hiệu gạo xứ Nghệ thơm ngon được người tiêu dùng biết đến, như AC5, DT68, VTNA2, lúa thảo dược.... Hình thành được nhiều vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu như chè, mía đường, lạc.... Đặc biệt là dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa của Công ty CP Sữa TH, Vinamilk là minh chứng sống động về ứng dụng KH&CN cao vào sản xuất nông nghiệp.

Một góc cụm trang trại số 1 thuộc tập đoàn sữa TH.
Một góc cụm trang trại số 1 thuộc tập đoàn sữa TH.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Ngọc Sỹ, thành tựu trong lĩnh vực nông nghiệp của Nghệ An hôm nay là kết quả 30 năm kiên trì thực hiện sự đổi mới của Đảng. Có thể nói ở mỗi thời kỳ, giai đoạn và yêu cầu thực tiễn khác nhau, Tỉnh ủy đã kịp thời ban hành các Nghị quyết sát hợp. Nổi bật là nghị quyết số 11- NQ/TU ngày 24/4/2002 của BCH Đảng bộ tỉnh về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết TW5 (khoá IX) đẩy nhanh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001 - 2010; Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 31/10/2008 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVI về thực hiện Nghị quyết TW 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 6/6/2011 của BCH Tỉnh ủy về đẩy mạnh thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020; nghị quyết và chỉ thị của Tỉnh ủy về chuyển đổi, tích tụ ruộng đất, đưa cơ giới hóa vào sản xuất... Đặc biệt là sự chỉ đạo tích cực, quyết liệt của các cấp, các ngành trong việc thực hiện Kết luận số 20-KL/TW ngày 6/2/2003 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội tỉnh Nghệ An và Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An đến năm 2020...

Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Bí thư Huyện ủy Yên Thành thăm Nhà máy may công nghiệp Yên Thành. Ảnh: Hữu Nghĩa
Lãnh đạo huyện Yên Thành thăm Nhà máy may công nghiệp Yên Thành. Ảnh: Hữu Nghĩa

Trong lĩnh vực công nghiệp, từng bước sắp xếp lại một số doanh nghiệp, đồng thời chuyển một số doanh nghiệp về cho các tập đoàn, tổng công ty Trung ương, tạo hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh. Song song với đó đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư từ bên ngoài với việc cải thiện mạnh môi trường đầu tư, tạo ra nhiều cơ chế, chính sách thông thoáng. Trên cơ sở định hướng 3 vùng kinh tế trọng điểm, tạo động lực, sự lan tỏa cho cả tỉnh, Nghệ An đã, đang từng bước thu hút được nhiều dự án lớn.

Đó là vùng kinh tế Vinh - Cửa Lò và một phần KKT Đông Nam. Ở vùng này ưu tiên tập trung phát triển dịch vụ, du lịch - thương mại và công nghiệp công nghệ cao; tính chất kinh tế gắn với đô thị và công nghệ cao. Và hiện tại đã hình thành được 2 cụm công nghiệp VSIP, Nam Cấm, gắn với các dịch vụ đào tạo nguồn nhân lực, y tế, văn hóa, tài chính ngân hàng và du lịch. Vùng kinh tế Hoàng Mai – Đông Hồi, gắn với Nam Thanh – Bắc Nghệ, đó là ưu tiên phát triển công nghiệp chế tạo và công nghiệp nặng với các dự án lớn đã vào như Tôn Hoa Sen, Nhà máy sản xuất NPK, 2 nhà máy nhiệt điện; xi măng Hoàng Mai, xi măng Tân Thắng...

l Dây chuyền sản xuất tại Nhà máy Tôn Hoa Sen Nghệ An (KCN Nam Cấm).
Dây chuyền sản xuất tại Nhà máy Tôn Hoa Sen Nghệ An (KCN Nam Cấm).

Vùng kinh tế miền Tây, gồm Nghĩa Đàn, TX.Thái Hòa, Quỳ Hợp, Tân Kỳ. Đây là vùng phát triển công nghiệp chế biến khoáng sản đá, thiếc và các sản phẩm chế biến từ gỗ, sản phẩm nông nghiệp như sữa, mía đường, chanh leo, cam, chè... Hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư khá đồng bộ. Những công trình cầu, đường hiện đại được xây dựng và đưa vào sử dụng tạo nên một diện mạo mới về hạ tầng cơ sở. Những tuyến giao thông thủy, bộ, hàng không chính là sự kết nối hữu hiệu giữa các địa phương, vùng miền trong tỉnh; giữa Nghệ An với các tỉnh và quốc tế. Điều đó đã tạo thành động lực, là điều kiện để Nghệ An tăng tốc nhanh hơn...

Nhìn tổng thể, sau 30 năm đổi mới, bên cạnh thành tựu là cơ bản thì vẫn còn những vấn đề còn băn khoăn. Nhiều ý kiến cho rằng, kinh tế Nghệ An phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng. Hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp chưa theo đúng tinh thần của Luật HTX và chưa có mô hình tiêu biểu để nông dân học tập, nhân rộng.

Công nghiệp chưa tạo ra bước đột phá mạnh mẽ, tạo động lực phát triển nền kinh tế. Nhiều vấn đề bức xúc nảy sinh, nhất là các vấn đề xã hội, quản lý xã hội ở một số lĩnh vực chưa hiệu quả. Năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị chưa ngang tầm nhiệm vụ. Đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị chưa thực sự sâu sát cơ sở để nắm bắt yêu cầu, kiến nghị của người dân để trăn trở, nghĩ suy và tạo ra sự thay đổi, sáng tạo....

Một góc thành phố Vinh
Một góc thành phố Vinh.

Trên tinh thần tăng tốc, Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã xác định, đến năm 2020, phấn đấu trở thành tỉnh khá khu vực phía Bắc, trung tâm kinh tế vùng Bắc Trung bộ.

Theo đồng chí Hồ Đức Phớc – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, để hoàn thành các mục tiêu này thì cần phải có bước đi, giải pháp chỉ đạo quyết liệt để tạo ra đột phá kinh tế lớn; lấy tốc độ thắng quy mô, lấy chất lượng thắng số lượng, đi tắt đón đầu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao; mỗi người dân và doanh nghiệp là những chiến sỹ trên mặt trận kinh tế. Muốn phát triển kinh tế mạnh mẽ và bền vững thì cần tạo ra bước đột phá về kinh tế, phải đẩy mạnh công tác đối ngoại, hợp tác đầu tư nhằm thu hút các tập đoàn kinh tế lớn và xây dựng đội ngũ doanh nhân mạnh. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân thông qua đẩy mạnh thực hiện nông thôn mới, kết hợp giảm nghèo, đây là vấn đề cốt yếu trọng tâm trong quá trình phát triển của tỉnh.

Chương trình nông thôn mới tại diện mạo mới cho bản làng Con Cuông. ảnh HN
Chương trình nông thôn mới tại diện mạo mới cho bản làng Con Cuông. Ảnh: HN

Đến thời điểm này, Đại hội Đảng bộ các cấp đã hoàn thành và Đại hội XII của Đảng sắp diễn ra. Việc ban hành nghị quyết đúng và sát thực tiễn là vấn đề hết sức quan trọng, nhưng quan trọng hơn là biến nghị quyết trở thành hiện thực và đi vào đời sống, gắn bó với máu thịt của nhân dân.

Vì vậy, cấp ủy và hệ thống chính trị các cấp cần xây dựng chương trình, kế hoạch để triển khai một cách cụ thể, thiết thực; gắn với việc ban hành các chính sách kích cầu, xây dựng đội ngũ cán bộ tâm huyết, trách nhiệm, có trí tuệ, bản lĩnh để đảm đương được yêu cầu nhiệm vụ của một Đảng cầm quyền lãnh đạo nhân dân tiến hành công cuộc đổi mới ở giai đoạn tiếp theo.

Mai Hoa

TIN LIÊN QUAN

Tạo nền tảng vững chắc để phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO