Thiếu vùng nguyên liệu tập trung để phát triển sản phẩm OCOP

Thanh Phúc 06/07/2023 06:02

(Baonghean.vn) -Sau gần 5 năm thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", hiện nhiều sản phẩm OCOP vẫn chưa có các vùng nguyên liệu ổn định, sự liên kết giữa chủ thể OCOP với người dân trong cung cấp nguyên liệu chưa bền chặt, việc các tiêu chuẩn hóa nguồn nguyên liệu chưa được quan tâm…

Hiệu quả bước đầu

bna_dược liệu TSĐ.JPG
Hợp tác xã Nông dược Tĩnh Sáng Đường đã hình thành được vùng nguyên liệu rộng lớn, ổn định để phát triển sản xuất, chế biến. Ảnh: Thanh Phúc

Mới thành lập và đi vào hoạt động hơn 1 năm, song Hợp tác xã Nông dược Tĩnh Sáng Đường ở xã Yên Hợp (Quỳ Hợp) hiện có 30 dòng sản phẩm, trong đó, có 3 sản phẩm đạt 3 sao OCOP gồm: Bột rau má sấy lạnh, trà túi lọc cà gai leo, mật ong Tĩnh Sáng Đường. Đặc biệt, hợp tác xã đã hình thành được vùng nguyên liệu rộng lớn, ổn định để phát triển sản xuất, chế biến. Theo đó, hợp tác xã đã thuê 3 ha đất và liên kết với 50 hộ dân trên địa bàn trồng 8 ha dược liệu, hàng năm, cung ứng khoảng 30-50 tấn nguyên liệu cho hợp tác xã chế biến.

Ông Lá Văn Duy - Giám đốc HTX Nông dược Tĩnh Sáng Đường cho biết: “Từ khi HTX hình thành được vùng nguyên liệu đã giúp thay đổi phương thức sản xuất từ quy mô nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, tạo điều kiện để các hội viên hợp tác xã nâng cao quy trình kỹ thuật, áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến trong sản xuất. Đồng thời, giúp hợp tác xã tạo ra số lượng sản phẩm lớn hơn, chất lượng đồng đều hơn góp phần bảo đảm duy trì chuỗi cung ứng phục vụ người tiêu dùng”.

bna_liên kết.JPG
Ngoài thuê đất trồng thảo dược, Hợp tác xã Nông dược Tĩnh Sáng Đường còn liên kết với 50 hộ dân trên địa bàn trồng 8 ha dược liệu, hàng năm, cung ứng khoảng 30-50 tấn nguyên liệu cho hợp tác xã. Ảnh: Thanh Phúc

Thông qua sự hợp tác, liên kết sản xuất này đã tạo điều kiện để người dân xã miền núi mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích. Ông Chu Ngọc Tân - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Yên Hợp cho biết: “Hiện nay, cây dược liệu đang được chính quyền địa phương quy hoạch, mở rộng, đầu ra đã có hợp tác xã trên địa bàn bao tiêu. Ban đầu là trồng trong vườn nhà, nếu hiệu quả tốt sẽ nhân rộng ra các vườn đồi, vùng đất cao cưỡng, trồng dưới tán rừng. Hiện toàn xã đã trồng được 8 ha cây dược liệu các loại. Mô hình này vừa giúp người dân bảo đảm đầu ra nguyên liệu, vừa giúp hợp tác xã tự chủ nguồn nguyên liệu đạt chuẩn; qua đó, thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo thu nhập ổn định cho người dân, bảo tồn các loài dược liệu quý trên địa bàn xã”.

bna_ongjpg.jpg
Tập đoàn Bometa liên kết với hơn 60 tổ, đội nuôi ong để lấy nguyên liệu chế biến các sản phẩm OCOP. Ảnh: Thanh Phúc

Với 15 sản phẩm được “gắn sao” OCOP, thị trường tiêu thụ rộng rãi, số lượng lớn và có nhiều sản phẩm xuất bán ra nước ngoài, để tạo nguồn nguyên liệu ổn định và bền vững, Tập đoàn Bemota (thành phố Vinh) đã liên kết với người dân trồng, cung ứng nguyên liệu đầu vào cho mình. Trong đó, có nhiều sản phẩm sử dụng mật ong để chế biến, cụ thể mỗi năm, cần đến hơn 1.000 tấn mật ong làm nguyên liệu đầu vào.

Để có nguồn mật ong ổn định, đảm bảo chất lượng, doanh nghiệp hỗ trợ các hộ nuôi vật tư (áo, mũ, thùng nuôi, thùng quay mật…), hỗ trợ kỹ thuật nuôi, kỹ thuật thu hoạch mật, lọc mật đảm bảo chất lượng; đồng thời, giám sát việc nuôi ong của các hộ, bao tiêu toàn bộ sản lượng mật đảm bảo chất lượng cho người nuôi với giá cam kết cao hơn thị trường.

bna_làng sen1.jpg
Vùng nguyên liệu rộng lớn của Hợp tác xã Sen Quê Bác, chủ thể của 10 sản phẩm OCOP. Ảnh: Thanh Phúc

Ông Nguyễn Văn Học - đại diện doanh nghiệp cho biết: “Hiện tại, chúng tôi đã liên kết với hơn 60 tổ, đội nuôi ong ở các huyện Thanh Chương, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, TX. Thái Hòa và đang mở rộng thêm ở các địa phương khác như: Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương… Việc liên kết sẽ giúp người dân có sinh kế, có thu nhập, còn doanh nghiệp thì có nguồn nguyên liệu ổn định, đảm bảo chất lượng…”.

Hoặc như Công ty Dược liệu Pù Mát luôn có nguồn nguyên liệu ổn định, bởi công ty ký kết với người dân huyện Con Cuông tối thiểu 20 ha để sản xuất, cung ứng nguyên liệu đầu vào quanh năm. Uy tín về chất lượng sản phẩm, nguyên liệu ổn định nên công ty sản xuất, kinh doanh có lãi, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Cần hình thành vùng nguyên liệu tập trung

bna_cam sấy.jpg
Đặc thù của sản phẩm OCOP là nguyên liệu địa phương. Ảnh: Thanh Phúc

Một trong những đặc thù của sản phẩm OCOP là phải mang đậm nét đặc trưng của địa phương, gắn với tổ chức sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, gắn với xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Từ đó, tăng cường đầu tư công nghệ, các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong chế biến và bảo quản các sản phẩm đạt chất lượng cao. Hiện nay, ở hầu hết các địa phương đều đã hình thành và xây dựng các sản phẩm OCOP, đi đôi với đó là hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất sản phẩm OCOP.

Chẳng hạn như ở huyện Thanh Chương, hiện có 20 sản phẩm OCOP đạt từ 3-4 sao như: Trám đen Thanh Chương gắn với vùng trồng trám đen trên địa bàn các xã Thanh Nho, Hạnh Lâm, Phong Thịnh…; Chè xanh Thanh Chương gắn với vùng trồng chè Thanh Đức; Nhút gắn với các địa phương trồng mít… Theo kế hoạch, trong năm 2023, huyện sẽ tập trung xây dựng thêm 27 sản phẩm OCOP và đến năm 2025 sẽ có 100 sản phẩm OCOP.

bna_chè.JPG
Vùng trồng chè nguyên liệu tập trung ở huyện Thanh Chương. Ảnh: Thanh Phúc

Ông Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: “Hầu hết ở các địa phương xây dựng sản phẩm OCOP thì đều đã có các vùng nguyên liệu có sẵn. Tuy nhiên, chưa có những vùng nguyên liệu tập trung mà hầu hết còn manh mún, nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, việc xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn, theo các tiêu chí hữu cơ, an toàn, VietGAP, GlobalGAP, HACCP, xây dựng mã vùng trồng và thương hiệu vùng trồng cho sản phẩm OCOP… chưa được các địa phương và chủ thể OCOP quan tâm đúng mức”.

Có thể khẳng định rằng, nguyên liệu đầu vào là vấn đề sống còn đối với nhiều chủ thể sản xuất OCOP, hợp tác xã ở vùng nông thôn. “Có bột mới gột nên hồ”, nếu thiếu nguyên liệu thì sẽ sản xuất cầm chừng, sẽ không mở rộng được quy mô, không đáp ứng được nhu cầu thị trường. Trong khi đó, không phải doanh nghiệp nào cũng thuê được đất để sản xuất; hoặc phải thuê với chi phí cao, thời gian thuê ngắn.

bna_thổ cẩm.jpg
Làng nghề dệt thổ cẩm Hoa Tiến ở xã Châu Tiến (Quỳ Châu) có sản phẩm đạt 3 sao OCOP nhiều thời điểm thiếu nguyên liệu đầu vào. Ảnh: Thanh Phúc

Do đó, một số cơ sở đã phải mua nguyên liệu ngoại tỉnh, nguyên liệu địa phương chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ cấu thành sản phẩm OCOP. Chẳng hạn như Tập đoàn Thiên Minh Đức là một doanh nghiệp sản xuất được nhiều dược liệu tốt nhưng luôn bị động về nguyên liệu; hoặc như một công ty sản xuất thực phẩm chức năng cũng nhập đa phần nguyên liệu ngoại tỉnh, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, chủ thể OCOP cũng thừa nhận rằng, việc liên kết giữa họ và người dân trong việc cung ứng đầu vào cho sản xuất sản phẩm OCOP thiếu bền vững. Anh Trần Đình Toàn - chủ thể 5 sản phẩm OCOP ở thành phố Vinh cho biết: “Khi trồng thì bên công ty hướng dẫn kỹ thuật, đưa ra các tiêu chí rõ ràng, thế nhưng, quá trình chăm sóc họ không tuân thủ nghiêm ngặt, khi kiểm định không đạt chuẩn, không đảm bảo chất lượng. Cũng có trường hợp, dù đã thỏa thuận với nhau nhưng khi giá thị trường lên cao, người dân lại tuồn bán cho thương lái mà không nhập cho công ty…”.

bna_ghép l.jpg
Sản phẩm lươn ăn liền của NAP FOOD sử dụng nguyên liệu địa phương như: hành tăm, lươn, gạo làm miến... để sản xuất. Ảnh: Thanh Phúc

Thời gian qua, để từng bước hình thành và phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn và ổn định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND Quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2022-2025. Trong đó, hỗ trợ thúc đẩy hình thành và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tích tụ, tập trung đất đai phát triển sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ cây trồng, vật nuôi chủ lực sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa; khuyến khích phát triển các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế của địa phương, sản xuất theo hướng hàng hóa...

Đồng thời, tập trung chỉ đạo các địa phương phát triển các sản phẩm mới trên cơ sở lợi thế vùng nguyên liệu và khôi phục, phát huy các làng nghề, nghề truyền thống; ứng dụng những giải pháp về khoa học công nghệ, chuyển đổi số để phát triển và kiểm soát chất lượng các vùng nguyên liệu của sản phẩm OCOP.

bna_DLPQ 2.jpg
Các chủ thể cần nâng cao năng lực sản xuất, chủ động được đầu ra của sản phẩm khi mở rộng vùng nguyên liệu để phát huy được hết tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Ảnh: Thanh Phúc

Để Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” có bước tiến xa, trở thành đòn bẩy trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn và mở ra nhiều cơ hội liên kết trong xây dựng chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị nông sản thì các địa phương có quy hoạch từng loại cây, con phù hợp với từng vùng sinh thái, từng địa phương; phát huy lợi thế so sánh về địa lý, địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, thủy văn, đặc biệt để tạo nên nguồn nguyên liệu phong phú; xác định được vùng nguyên liệu, xây dựng mã vùng trồng và thương hiệu vùng trồng cho sản phẩm OCOP.

Bên cạnh đó, các chủ thể cần phải nâng cao năng lực về tài chính, hệ thống kho bãi, dây chuyền sản xuất, chế biến… và chủ động được đầu ra của sản phẩm khi mở rộng vùng nguyên liệu để phát huy được hết tiềm năng, lợi thế của từng địa phương.

Mới nhất

x
Thiếu vùng nguyên liệu tập trung để phát triển sản phẩm OCOP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO