Thể thao thành tích cao Nghệ An: Cần tăng tốc toàn diện
(Baonghean.vn) - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đặt mục tiêu cho thể thao Nghệ An nằm trong tốp 15 tỉnh, thành. Vậy để tạo nên bước nhảy vọt kỳ tích ấy (từ thứ 19 lên thứ 15), thể thao thành tích cao Nghệ An cần có sự tăng tốc toàn diện.
So với Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ IV năm 2002, số huy chương các loại mà Đoàn thể thao Nghệ An đạt được (7 HCV, 5 HCB, 12 HCĐ) với Đại hội TDTT lần thứ 8 gần đây nhất vào năm 2018 (8 HCV, 9 HCB, 21 HCĐ), thì vị trí trong bảng xếp hạng thể thao Nghệ An từ vị trí thứ 12/64 tỉnh, thành, ngành tụt xuống vị trí thứ 19/65. Trong điều kiện kinh tế tỉnh nhà ngày một phát triển. Vậy đâu là nguyên nhân làm cho thể thao Nghệ An tụt hậu tới 7 bậc như vậy?
Những thành tích và khó khăn hiện tại của thể thao thành tích cao
Nhìn lại 20 năm về trước, tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ IV tổ chức tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 14 – 22/11/2002, Đoàn Thể thao tỉnh Nghệ An tham gia với kết quả 24 huy chương, trong đó có 7 Huy chương Vàng, 5 Huy chương Bạc, 12 Huy chương Đồng, xếp thứ 12/ 64 đoàn tham dự. Nếu trừ hai ngành Quân đội và Công an thì Nghệ An lọt vào tốp 10 tỉnh, thành mạnh nhất. Sau đó 16 năm, tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 8 cũng tổ chức tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 25/11 đến ngày 10/12/2018; Đoàn thể thao Nghệ An tụt 7 bậc, đứng vị trí thứ 19/65 thứ 17/63 tỉnh thành) với 8 Huy chương Vàng, 9 Huy chương Bạc, 21 Huy chương Đồng xin nhấn mạnh căn cứ xếp hạng đầu tiên là số huy chương vàng.
Sẽ có nhiều thay đổi lớn của CLB SLNA ở mùa giải mới. Ảnh tư liệu Đức Anh |
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đặt mục tiêu cho thể thao Nghệ An nằm trong tốp 15 tỉnh, thành. Vậy để tạo nên bước nhảy vọt kỳ tích ấy: Từ thứ 19 lên thứ 15, thể thao thành tích cao Nghệ An cần có sự tăng tốc toàn diện từ đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, hệ thống đào tạo, chế độ chính sách, đòn bẩy khuyến khích… mới hy vọng năm 2025 thể thao Nghệ An lọt vào tốp 15 tỉnh, thành, ngành mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIX đặt ra.
Để đạt được mục tiêu nằm trong tốp 15 tỉnh, thành, ngành Thể dục thể thao cần có những giải pháp mạnh, cụ thể, sát thực dựa trên thực trạng hiện nay về cơ sở vật chất, hệ thống đào tạo huấn luyện vận động viên, chế độ chính sách, cơ chế khuyến khích đối với VĐV có tài năng. Ổn định ngân sách nhà nước cho thể thao thành tích cao. Bên cạnh đó, cơ quan chủ quan cần đổi mới tư duy, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, nâng cao chất lượng đội ngũ huấn luyện viên…
SLNA đang đứng cuối bảng. Ảnh: Đức Anh |
Là người được công tác trong ngành TDTT Nghệ An suốt 32 năm với các cương vị khác nhau, với tình cảm sâu đậm, tình yêu thể thao, tôi xin nêu một số vấn đề liên quan đến thể thao thành tích cao, những mong thể thao Nghệ An khôi phục và tiến xa hơn trong sự nghiệp xây dựng quê hương ngày càng lớn mạnh, xứng đáng là Trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ.
Vấn đề đầu tiên là chúng ta phải xác định rõ quan điểm thể thao thành tích cao của Nghệ An là động lực để thúc đầy sự nghiệp thể dục thể thao tỉnh nhà phát triển, qua đó góp phần đào tạo nguồn lực có chất lượng cao, nâng cao uy tín, vị thế của Nghệ An trong nước, khu vực và quốc tế. Phát triển thể thao thành tích cao là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và các tổ chức xã hội, trong đó Nhà nước đóng vai trò chủ đạo.
HLV Nguyễn Thanh Hải - đoàn Nghệ An (ngoài cùng bên trái) từng là VĐV điền kinh đạt Huy chương Bạc châu Á. Ảnh tư liệu P.V |
Xuất phát từ quan điểm ấy, chúng ta rà soát lại trong 20 năm qua kể từ năm 2002 đến nay về cơ sở vật chất, hệ thống đào tạo, sự đầu tư cho thể thao thành tích cao để rút kinh nghiệm, qua đó tìm ra giải pháp phù hợp để thể thao Nghệ An khôi phục vươn lên cao hơn. Muốn có giải pháp đúng, chúng ta cần nhìn nhận rõ thực trạng thể thao thành tích cao của tỉnh nhà hiện nay:
Về cơ sở vật chất thiếu và lạc hậu: Sân vận động Vinh xây dựng từ năm 1975 cho đến năm 2002 được nâng cấp thêm khán đài A. 20 năm nay chưa xây dựng thêm khán đài B, C, D. Nhà thi đấu xây dựng gần 30 năm, đến nay đã xuống cấp và lỗi thời; bể bơi xây dựng từ những năm 80 nay đã lỗi thời. Có thể nói ba công trình quan trọng bậc nhất phục vụ cho thể thao thành tích cao hiện nay Nghệ An thua cả Hà Tĩnh chứ không dám nói các tỉnh khác.
Công tác đào tạo VĐV thiếu hệ thống, khoa học, đứt quãng. Hệ thống đào tạo huấn luyện này phải thống nhất theo 3 tuyến mà trước năm 2004 đã làm: Đó là năng khiếu nghiệp dư - VĐV trẻ - VĐV đội tuyển.
Đội ngũ cán bộ, huấn luyện viên làm thể thao thành tích cao về năng lực chưa đáp ứng yêu cầu cho nhiệm vụ.
Việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước chưa được phát huy, chỉ có CLB bóng đá có nhà tài trợ, còn các môn thể thao khác như bóng chuyền… đang dựa vào Nhà nước.
Và những giải pháp cụ thể để bứt phá
Từ những vấn đề trên, theo tôi, thể thao thành tích cao Nghệ An cần có giải pháp đúng để nhanh chóng tạo bước nhảy vọt trong giai đoạn mới.
Một số giải pháp đó là:
Cần có sự chỉ đạo tập trung của tỉnh và sự hỗ trợ của Trung ương, nhà tài trợ để xây dựng khu liên hợp thể thao theo Quyết định số 2159/QĐ.UBND-CN ngày 29/5/2010 về việc Quy hoạch khu Liên hợp thể thao vùng Bắc Trung Bộ. Xây dựng khu liên hợp này thực chất là đầu tư về sân vận động, nhà thi đấu đa chức năng và bể bơi để phục vụ công tác đào tạo và huấn luyện thể thao thành tích cao của tỉnh. Bên cạnh đó, cần xác định đầu tư cơ sở vật chất cho môn thể thao mũi nhọn nhằm đem về nhiều huy chương trong thi đấu.
VĐV Hà Thị Lê (áo xanh) xuất sắc giành Huy chương Vàng cho Nghệ An tại giải Vô địch trẻ Boxing toàn quốc năm 2017. Ảnh tư liệu PV |
Nhanh chóng đổi mới, xây dựng hệ thống đào tạo huấn luyện thể thao thành tích cao thống nhất, bài bản và khoa học theo 3 tuyến: Năng khiếu nghiệp dư (huyện) Tuyến VĐV trẻ (vùng), Tuyến đội tuyển (tỉnh). Trước đây, năm 1993 Sở Thể dục thể thao Nghệ An đã giải tán lớp năng khiếu bóng đá trong Trường huấn luyện thể thao nhập với Đội bóng đá Sông Lam thành Đoàn bóng đá SLNA để thống nhất hệ thống đào tạo VĐV trẻ bóng đá có chất lượng cao như hiện nay.
Nghiên cứu xác định môn thể thao trọng điểm dựa trên thế mạnh của tỉnh để ưu tiên tập trung xây dựng, đầu tư nhằm đi tắt đón đầu tạo nên sự chuyển biến về chất trong đào tạo, huấn luyện những mong đem nhiều huy chương về cho tỉnh trong mọi cấp độ: Quốc gia, khu vực và quốc tế.
Nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý làm thể thao thành tích cao, bồi dưỡng đội ngũ huấn luyện viên, trọng tài các môn thể thao; ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, huấn luyện để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện VĐV trong tập luyện và thi đấu.
VĐV Nguyễn Thị Quyên - đoàn Nghệ An (trái) tại Đội tuyển cầu mây quốc gia Việt Nam. Ảnh: PV |
Tỉnh cần có cơ chế, chính sách đặc thù đối với thể thao thành tích cao. Vì đây là mục tiêu đồng thời cũng là động lực cho sự nghiệp TDTT. Cần có chủ trương thu hút các nhà tài trợ, trong đầu tư về cơ sở vật chất, động viên khuyến khích xã hội chung tay góp sức cho thể thao phát triển. Hiện nay, CLB bóng đá đã có nhà tài trợ; trước kia đội bóng chuyền cũng đã có ngành Bưu điện đầu tư, quản lý đội bóng chuyền nữ của tỉnh. Cảng Bến Thủy, Giao thông 4, Sở Tài chính đỡ đầu đội bóng chuyền nam của tỉnh Nghệ An…
Với tầm quan trọng của thể thao thành tích cao là thước đo để kiểm tra phong trào, là động lực để động viên, thúc đẩy phong trào TDTT ngày càng phát triển. Bởi thể dục thể thao quần chúng với thể thao thành tích cao là hai chân của một cơ thể, là mối quan hệ hữu cơ theo quy luật nhân quả. Vì vậy, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và các tổ chức xã hội cần vào cuộc chung tay góp sức tạo động lực mới trong chỉ đạo, quản lý, đầu tư kịp thời, tạo bước nhảy vọt cho thể thao thành tích cao Nghệ An hoàn thành mục tiêu đã đề ra, góp phần vào công cuộc xây dựng Nghệ An trở thành Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của vùng Bắc Trung Bộ và là một trong những tỉnh mạnh của cả nước theo mong muốn của Bác Hồ kính yêu.