Thêm những vụ việc 'nóng' trong sai phạm về đất đai, tài chính ở xã Thanh Hà

Nhóm phóng viên 15/06/2019 07:59

(Baonghean.vn) - Sau khi đăng tải những tuyến bài nêu thực trạng yếu kém trong quản lý Nhà nước ở xã Thanh Hà (Thanh Chương), Báo Nghệ An tiếp tục nhận được phản ánh của một số công dân về những dấu hiệu tiêu cực trong lĩnh vực tài chính, đất đai tại địa phương...

Thiếu minh bạch tài chính?

Theo phản ánh của công dân, vấn đề thiếu minh bạch về tài chính thể hiện trong việc đầu tư xây dựng đường điện xóm 14, xã Thanh Hà. Đường điện này được xây dựng từ nguồn vốn vay của HTX và đóng góp của dân với số tiền trên 400 triệu đồng. Quá trình xây dựng hoàn thành, công trình này không được thanh, quyết toán. Giai đoạn bàn giao lưới điện cho ngành Điện lực quản lý, ngành Điện đã chi trả lại kinh phí vậy nhưng xã không thông tin lại cho dân...

Ở xóm 14, xã Thanh Hà, ông Dương Đình Huệ - Xóm trưởng là cán bộ được cùng tham gia với chính quyền xã quản lý việc xây dựng hệ thống đường điện 10kw. Ông Huệ thông tin, đường điện được xây dựng từ năm 1997, nhưng đến năm 2003 mới hoàn thành, đóng điện cho người dân sử dụng.

Tổng kinh phí xây dựng đường điện hết 430 triệu đồng. Để có kinh phí xây dựng đường điện, mỗi hộ dân xóm 14 phải vay ngân hàng 2 triệu đồng để đóng góp. Toàn xóm 14 có 154 hộ, nhưng chỉ có 50 hộ vay để góp với số tiền 100 triệu đồng. Phần kinh phí còn lại, phải vay HTX 300 triệu đồng, và xóm trưởng vay mượn thêm 30 triệu đồng.

Xóm trưởng xóm 14, ông Dương Đình Huệ
Xóm trưởng xóm 14, ông Dương Đình Huệ

Sau khi đường điện hoàn thành, các hộ dân trong xóm 14 muốn sử dụng điện đều phải nộp tiền từ 2,5 - 2,9 triệu đồng; bên cạnh đó, có một số đối tượng tổ chức, cá nhân về làm ăn trên địa bàn và ở vùng lân cận cũng đóng tiền để được sử dụng điện. Nhưng điều hết sức khó hiểu là việc thu kinh phí rất tùy tiện.

Chính quyền, HTX , kể cả cán bộ có chức vụ của xã đều có quyền thu. Trong khi đó, thu được bao nhiêu, sử dụng ra sao thì không rõ ràng. Và UBND xã cũng không thanh, quyết toán công trình đường điện. Sự việc này kéo dài qua nhiều năm, cán bộ, nhân dân xóm 14 băn khoăn, có ý kiến trong nhiều cuộc họp.

Mãi đến năm 2016, UBND xã mới tìm nguồn để trả lại tiền đóng góp của nhân dân. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Khi phóng viên đặt câu hỏi: Ông có gì căn cứ cho nội dung mình đã thông tin?. “Tôi sẽ có văn bản kiến nghị gửi báo về nội dụng này...” - Xóm trưởng Dương Đình Huệ khẳng định. Ngày 4/6/2019, tại đơn gửi Báo Nghệ An, ngoài thông tin lại những biểu hiện thiếu minh bạch trong đầu tư, xây dựng đường điện 10kw của xóm 14, ông Dương Đình Huệ kiến nghị: Làm rõ tổng kinh phí đã xây dựng đường điện 10kw xóm 14; sau khi bàn giao, ngành Điện lực đã hoàn trả kinh phí là bao nhiêu? Căn cứ vào đâu để UBND xã thu từ 2,5 - 2,9 triệu đồng/hộ; tổng số tiền đã thu được là bao nhiêu và sử dụng như thế nào?

Biên bản họp quân - dân - chính xóm 14 năm 2001, trong đó có nội dung vay vốn đóng góp xây dựng đường điện.
Biên bản họp quân - dân - chính xóm 14 năm 2001, trong đó có nội dung vay vốn đóng góp xây dựng đường điện.

Sai phạm trong chuyển nhượng đất?

Nội dung này, liên quan đến trường hợp ông Trần Đại Sỹ, hộ dân xóm 14, xã Thanh Hà có hành vi xây dựng trái phép nhà ở trên đất lâm nghiệp mà Báo Nghệ An đã từng phản ánh qua loạt bài “Thanh Hà, nghĩ từ một lá đơn tố cáo”. Qua đường dây nóng, công dân thông tin sự việc không chỉ đơn giản chỉ là vấn đề ông Trần Đại Sỹ có hành vi xây dựng nhà ở trái phép trên đất lâm nghiệp. Mà đáng quan tâm hơn là việc người chuyển nhượng đất cho ông Trần Đại Sỹ, là nguyên Chủ tịch UBND xã Hoàng Cao Phơn đã có hành vi “râu ông nọ, chắp cằm bà kia”. “Đất chuyển nhượng trên Giấy chứng nhận QSD đất một đằng, nhưng đất sử dụng một nẻo. Đây mới là vấn đề cần phải làm rõ...” - công dân có ý kiến.

Tìm hiểu, ngày 30/5/2016, ông Trần Đại Sỹ và vợ là bà Nguyễn Thị Hương được UBND huyện Thanh Chương cấp Giấy chứng nhận QSD đất thửa số 555, địa chỉ đồi Nhà Lừu, xã Thanh Hà; diện tích 4.785m2; mục đích sử dụng: đất lâm nghiệp; thời hạn sử dụng đến ngày 23/4/2054. Tuy nhiên, như ông Trần Đại Sỹ trao đổi thì ông hoàn toàn không hay biết về việc có hay không sự “nhầm lẫn”. Vì quá trình giao dịch với ông Hoàng Cao Phơn, ông Trần Đại Sỹ xác định mua thửa đất này; hai bên thống nhất giá thửa đất 170 triệu đồng, và thực hiện giao dịch sau khi hoàn tất thủ tục, giấy tờ. Cụ thể là ông Hoàng Cao Phơn phải sang tên trên Giấy chứng nhận QSD đất cho ông Trần Đại Sỹ và bà Nguyễn Thị Hương. “Vừa qua, cán bộ xã và cán bộ huyện cũng có đến đây làm việc. Họ thông tin đây là đất xã quản lý, ông Hoàng Cao Phơn đã giao sai đất. Chúng tôi rất bất ngờ trước sự việc này vì nhận chuyển nhượng đất từ cán bộ xã...” - ông Trần Đại Sỹ trao đổi.

Đất và nhà ông Trần Đại Sỹ đang sử dụng có vị trí cạnh đường mòn Hồ Chí Minh
Đất và nhà ông Trần Đại Sỹ đang sử dụng có vị trí cạnh đường mòn Hồ Chí Minh

Theo một văn bản của Văn phòng Đăng ký QSD đất huyện Thanh Chương gửi đến các cơ quan liên quan hồi tháng 8/2018, hiện ông Trần Đại Sỹ đang sử dụng thửa đất số 517, tờ bản đồ địa chính đất lâm nghiệp số 1, thuộc địa phận xóm 14, xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương. Tại sổ mục kê được lập theo Bản đồ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp được Sở TN&MT phê duyệt ngày 17/3/2008 thì thửa đất số 517, tờ bản đồ số 1 tại xã Thanh Hà thuộc Tổng đội Thanh niên xong phong 5, có diện tích 3.593m2. Thửa đất này chưa được giao đất cũng như chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Với thửa đất 555, thuộc tờ bản đồ địa chính đất lâm nghiệp số 1 thuộc địa phận xóm 14, xã Thanh Hà. Theo Sổ mục kê lập theo bản đồ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp được Sở TN&MT phê duyệt ngày 17/3/2008, thửa đất 555 được quy chủ cho hộ ông Hoàng Cao Phơn, có diện tích 4.785m2. Thửa đất này đã được UBND huyện Thanh Chương cấp Giấy chứng nhận QSD đất cho hộ ông Hoàng Cao Phơn tại Giấy chứng nhận QSD đất số AE 764675, năm 2016. Cũng trong năm này, hộ ông Hoàng Cao Phơn đã chuyển nhượng cho ông Trần Đại Sỹ và bà Nguyễn Thị Hương.

Hình vẽ thửa đất trên Giấy chứng nhận QSD đất của hộ ông Trần Đại Sỹ và bà Nguyễn Thị Hương thể hiện các mặt giá đất RSX, DCS.
Hình vẽ thửa đất trên Giấy chứng nhận QSD đất của hộ ông Trần Đại Sỹ và bà Nguyễn Thị Hương.

Có thể xảy ra sự nhầm lẫn hay không? Một cán bộ lĩnh vực đất đai huyện Thanh Chương cho hay, rất khó xảy ra tình huống này. Vì diện tích, hình dạng, vị trí... của thửa đất thể hiện trên Giấy chứng nhận QSD đất với thửa đất thực tế ông Trần Đại Sỹ đang sử dụng là hoàn toàn khác nhau. “UBND huyện Thanh Chương cũng đang quan tâm xử lý nội dung này...” - Cán bộ này cho biết.

Thực tế cho thấy, thể hiện trên Giấy chứng nhận QSD đất mang tên ông Trần Đại Sỹ và bà Nguyễn Thị Hương thì xung quanh thửa đất 555 là đất núi đồi chưa sử dụng và đất rừng sản xuất. Trong khi đó, thửa đất lâm nghiệp hộ ông Trần Đại Sỹ và bà Nguyễn Thị Hương hiện đang sử dụng (có xây dựng nhà ở) thì bám đường mòn Hồ Chí Minh với chiều dài cả trăm mét!



Mới nhất
x
Thêm những vụ việc 'nóng' trong sai phạm về đất đai, tài chính ở xã Thanh Hà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO