Không để sót hộ nào
Một ngày cuối tháng 3 này, chúng tôi có dịp cùng với tổ tiêm phòng vắc xin dại chó và phòng dịch bệnh cho trâu, bò của xóm Tân Đà, xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ. Đúng 7 giờ sáng ngày 29/3, xóm Tân Đà thành lập 2 tổ tiêm phòng, mỗi tổ 7 người, được phân công tiêm theo từng khu dân cư.
Tổ của chúng tôi đi cùng, do anh Đặng Quang Nguyên, cán bộ địa chính nông nghiệp xã trực tiếp chỉ đạo, cùng đó là Bí thư chi bộ, Trưởng ban Mặt trận xóm, chi hội trưởng hội nông dân, thôn đội trưởng và cán bộ thú y địa phương.
Sau khi phân công mỗi thành viên một nhiệm vụ, cả tổ đến từng nhà, cùng với chủ hộ bắt giữ chó và sử dụng dây thừng buộc chặt sừng trâu vào chuồng trại để tiêm. Công việc của họ chỉ có vậy, nhưng cần nhiều người, bởi có lúc phải đuổi bắt chó và sử dụng dây thừng buộc giữ những con trâu to khoẻ mới tiêm được.
Bà Nguyễn Thị Hạ - Bí thư Chi bộ xóm Tân Đà cho biết: Từ chiều hôm trước, xóm đã thông báo trên hệ thống loa truyền thanh để mọi gia đình biết kế hoạch tiêm phòng vắc xin dại chó và phòng dịch bệnh trâu, bò nên sáng nay nhà nào cũng chủ động nhốt, xích vật nuôi ở nhà. Khi tổ tiêm phòng đến, chủ nhà giữ chó để cán bộ thú tiêm, trường hợp con chó nào không xích được thì có lực lượng sử dụng kềm bắt bằng được. Sau khi tiêm xong, các hộ nhận giấy chứng nhận tiêm phòng vật nuôi. Toàn bộ chi phí: vắc xin, tiền thù lao... là chủ hộ phải chịu hoàn toàn.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết gia đình nào trên địa bàn xóm Tân Đà cũng nuôi 2 - 3 con chó. Gia đình ông Nguyễn Quốc Thành ở xóm Tân Đà có 3 con chó đã trưởng thành. Khi tổ tiêm phòng đến, gia đình đã xích cả đàn chó vào góc sân. Sau khi tiêm vắc xin xong, gia đình trả 90.000 đồng (một liều vắc xin phòng dại chó 30.000 đồng) và nhận giấy chứng nhận đã tiêm phòng.
Với gia đình ông Bùi Văn Mạo cùng ở xóm Tân Đà có 3 con chó và 1 con trâu, 1 con nghé. Chỉ trừ con nghé còn non tuổi là không tiêm phòng, còn 1 con trâu và 3 con chó đều được tiêm phòng. Ông Mạo cho biết, năm nào gia đình cũng chăn nuôi trâu và nhiều chó, tuy nhiên, khi xóm tổ chức tiêm phòng là gia đình thực hiện đầy đủ theo quy định của ngành thú y.
Sau một buổi cùng với tổ tiêm phòng vắc xin vật nuôi của xóm Tân Đà cho thấy, gia đình nào cũng chủ động nhốt, xích chó và trâu, bò để tiêm đảm bảo thời gian. Những hộ có lý do không ở nhà thì tổ ghi chép đầy đủ để hôm sau tiêm bổ sung. Tuy nhiên, các thành viên trong tổ khá vất vả, bởi nhiều con chó và trâu hung dữ, phải dùng biện pháp nghiệp vụ mới tiêm được, trong khi đó mức thù lao thấp.
Ông Trịnh Huy Toàn - Chủ tịch UBND xã Kỳ Tân cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của huyện, UBND xã đã ban hành kế hoạch tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại chó và dịch bệnh cho đàn gia súc vụ Xuân 2024. Theo đó, Kỳ Tân xây dựng lịch tiêm phòng cụ thể theo từng xóm, nhằm bố trí cán bộ giám sát, theo dõi hợp lý, với phương châm không để sót hộ nào. Kế hoạch của xã là tổ chức tiêm phòng từ ngày 20/3 đến 15/4 là kết thúc.
"Như các năm trước, Kỳ Tân tiêm phòng vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng đạt 70 - 80% tổng đàn, tiêm vắc xin phòng bệnh dại chó đạt 100% tổng đàn", ông Trịnh Huy Toàn cho biết thêm.
Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Kỳ ông Lê Đức Tình cho biết: Tân Kỳ có tổng đàn trâu, bò hơn 33 nghìn con, hơn 52 nghìn con lợn và hơn 33 nghìn con chó. Kế hoạch của huyện trong vụ Xuân này tiêm 15 nghìn liều vắc xin lở mồm long móng, tụ huyết trùng trâu, bò và hơn 30 nghìn liều vắc xin dại chó. Đến ngày 28/3, toàn bộ 22/22 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã nhận 4.350 liều vắc xin lở mồm long móng và 5.400 liều vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò; 2.850 liều vắc xin phòng bệnh dại chó.
Đối với các loại vắc xin phòng bệnh cho lợn, các địa phương không đăng ký, do người chăn nuôi tự tiêm và báo cáo với chính quyền địa phương. Tân Kỳ sẽ kết thúc tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi vào ngày 15/4.
"Thuận lợi của Tân Kỳ là các địa phương đã bố trí đủ chức danh thú y xã, nên khi triển khai tiêm phòng là thuận lợi. Tính đến ngày 29/3, một số xã đã triển khai tổ chức tiêm phòng được khá nhiều: Kỳ Tân, Kỳ Sơn, Phú Sơn, Nghĩa Dũng, Nghĩa Hợp, thị trấn... trong đó, có những địa phương tỷ lệ tiêm vắc xin đạt cao, đặc biệt là vắc xin phòng bệnh dại chó", ông Lê Đức Tình cho hay.
Phấn đấu tiêm phòng từ 80% tổng đàn trở lên
Nghệ An hiện có 800 nghìn con trâu, bò, 1 triệu con lợn và 400 nghìn con chó. Năm 2023, một số địa phương có tỷ lệ đàn vật nuôi được tiêm phòng đạt cao như: Đô Lương, Nam Đàn, Nghĩa Đàn, Hưng Nguyên... Tuy nhiên vẫn còn một số địa phương tỷ lệ tiêm phòng cho đàn vật nuôi đạt thấp, từ 20 - 50%, như: Nghi Lộc, Thanh Chương, thị xã Hoàng Mai, thành phố Vinh...
Nhằm hạn chế dịch bệnh xẩy ra trên đàn vật nuôi, một trong những giải pháp quan trọng nhất là tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh. Đầu tháng 3/2024, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1537/UBND-NN về việc tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi năm 2024.
Theo đó, hàng năm tổ chức tiêm phòng 2 đợt vào vụ Xuân và Thu. Đối với trâu bò, tiêm vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng và viêm da nổi cục; đối với lợn, tiêm vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả lợn; đối với dê, cừu, tiêm vắc xin lở mồm long móng; đối với chó, mèo, tiêm vắc xin phòng bệnh dại.
Các địa phương tổng hợp số liệu tổng đàn, đăng ký nhu cầu các loại vắc xin cần mua trong vụ Xuân, thời gian tiêm từ ngày 15/3 đến 15/4/2024. Riêng vắc xin bệnh dại chó, mèo và viêm da nổi cục trâu, bò, mỗi năm chỉ tiêm 1 mũi.
Đối với các huyện được hỗ trợ vắc xin theo Chương trình mục tiêu Quốc gia và theo chính sách của tỉnh, triển khai tiêm hết số lượng vắc xin đã trình và được cấp, trường hợp không đủ vắc xin, thì các địa phương chỉ đạo người chăn nuôi mua, hoặc bố trí kinh phí mua thêm để tiêm phòng đạt tỷ lệ 80% tổng đàn trở lên./.