Thiếu nhân lực ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường
(Baonghean.vn) - Nguồn nhân lực ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường đóng vai trò quan trọng trong ngành Giáo dục và Đào tạo, được coi là chìa khóa của chiến lược quốc gia. Hiện nhu cầu của nguồn nhân lực này rất lớn và luôn trong tình trạng “cung ít hơn cầu”.
Nhiều tiềm năng phát triển
Việt Nam đang trong giai đoạn đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Đi cùng với vấn đề đó thì việc khai thác ồ ạt các nguồn tài nguyên thiên nhiên đã làm nảy sinh hàng loạt các vấn đề về gia tăng dân số, tài nguyên cạn kiệt, môi trường ô nhiễm...
Để bảo đảo cho các nguồn tài nguyên được khai thác, sử dụng hợp lý và bền vững thì cần đội ngũ nhân lực ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) có trình độ và tâm huyết.
Một lớp học Quản lý Tài nguyên và Môi trường ở Đại học Vinh. Ảnh: TH |
Đây cũng là lý do nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường luôn rất lớn và đóng vai trò quan trọng trong ngành Giáo dục và Đào tạo và được coi là chìa khóa của chiến lược quốc gia. Nó không những mang tính quy mô sâu rộng mà còn mang tính cấp thiết thời sự để giải quyết các vấn đề bức xúc về bảo vệ môi trường trong phát triển bền vững.
Mỗi năm có hàng chục doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tài nguyên - môi trường về viện, liên hệ bộ môn để tuyển sinh viên thực tập và tốt nghiệp về làm việc cho công ty. Tuy nhiên, Đại học Vinh không có đủ sinh viên cung cấp cho phía doanh nghiệp. Ảnh: TH |
Thực tế cũng cho thấy, dù số lượng nhân lực làm trong ngành Tài nguyên và Môi trường rất lớn nhưng hiện nay để đáp ứng được yêu phát triển và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này thì còn nhiều bất cập. Vì lẽ đó, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Tài nguyên và môi trường không chỉ là trăn trở của các đơn vị đào tạo mà còn là nỗi băn khoăn của các nhà quản lý.
Liên quan đến việc đào tạo nguồn nhân lực ngành Tài nguyên và môi trường, Tiến sỹ Trần Thị Tuyến - Trưởng Bộ môn Quản lý Tài nguyên và Môi trường - Viện Nông nghiệp và tài nguyên, Trường Đại học Vinh cho biết, mỗi năm có hàng chục doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tài nguyên - môi trường về Viện, liên hệ Bộ môn để tuyển sinh viên thực tập và tốt nghiệp về làm việc cho công ty. Quá trình thực tập doanh nghiệp đào tạo và trả lương, dao động 3 - 7 triệu đồng/tháng. Sau khi tốt nghiệp, các mức lương khởi điểm trên 7 triệu đồng/tháng. Thế nhưng bất cập hiện tại đó là không có đủ sinh viên để các công ty tuyển dụng.
Với thực tế này, Tiến sỹ Trần Thị Tuyến cho rằng: Hiện nay các học sinh đang bỏ qua một cơ hội rất tốt khi không lựa chọn đăng ký vào ngành Quản lý TN&MT, một ngành hiện nay xã hội đang thiếu nhân lực rất nhiều. Trong khi đó, Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ra ngày 4/12/2020 đã quy định rằng, các công ty có hoạt động ảnh hưởng đến môi trường thì đều phải có cán bộ chuyên trách về môi trường. Đó là một cơ hội việc làm rất lớn cho các sinh viên theo học ngành này.
Tiến sỹ Trần Thị Tuyến trò chuyện cùng một nhóm sinh viên của ngành. Ảnh: TH |
Trước đó, từ năm 2017, Viện Nông nghiệp và Tài nguyên - Trường Đại học Vinh được thành lập trên cơ sở của khoa Nông Lâm Ngư trước đây cùng với việc sát nhập 2 bộ môn Quản lý Tài nguyên môi trường và Quản lý đất đai của Khoa Địa lý và quản lý tài nguyên. Hiện nay, Viện đang đào tạo đại học chính quy, đại học hệ vừa học vừa làm, từ xa các ngành kỹ sư Nuôi trồng thủy sản, Chăn nuôi, Nông học, Khuyến nông, Quản lý Tài nguyên và môi trường, Quản lý đất đai. Đồng thời, đào tạo sau đại học 02 chuyên ngành cao học thạc sĩ Khoa học cây trồng và Nuôi trồng thủy sản.
Tiến sỹ Trần Thị Tuyến cũng khẳng định: Chương trình đào tạo của ngành Quản lý tài nguyên và môi trường ở Trường Đại học Vinh liên tục cập nhật, đổi mới theo hướng tiếp cận thị trường việc làm trong nước và xu hương quốc tế. Gần đây, triển khai chương trình đào tạo theo tiếp cận CDIO, sự hợp tác giữa Nhà trường và các doanh nghiệp chặt chẽ hơn. Sự tham gia của doanh nghiệp trong tư vấn, phát triển chương trình và thực hành, thực tập, phát triển dự án nghiên cứu cũng đã giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp được trang bị những kiến thức, những kỹ năng tốt nhất, được các đơn vị tuyển dụng đánh giá cao.
Mặc dù cơ hội có việc làm rất cao sau khi tốt nghiệp nhưng ngành Tài nguyên môi trường lại đang rất khó tuyển sinh. Ảnh: TH |
Thời gian tới, nhận định được đáp ứng yêu cầu xã hội, trong bối cảnh ô nhiễm môi trường và tác động của biến đổi khí hậu, ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường (Trường Đại học Vinh) đang tập trung các hướng đào tạo chuyên sâu về: thiết kế, vận hành hệ thống xử lý chất thải, thiết kế dự án cải tạo và phục hồi môi trường; lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ môi trường; kinh tế tuần hoàn; an toàn sức khỏe - môi trường lao động (HSE). Bên cạnh đó, Giảng viên và sinh viên trong Bộ môn cũng thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu và công bố quốc tế về tai biến môi trường, phục hồi và cải tạo, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên thích ứng với biến đổi khí hậu. Hiện tại, có nhiều dự án đầu tư cho các trường có đào tạo ngành Quản lý TN&MT để có nguồn nhân lực tốt phục vụ cuộc cách mạng công nghệ 4.0.