Thu nhập giảm, giáo viên không mặn mà đi biệt phái ở phòng giáo dục

Mỹ Hà 07/04/2023 13:02

(Baonghean.vn) - Sau nhiều năm, việc thực hiện chính sách cho giáo viên biệt phái lên công tác tại các phòng giáo dục và đào tạo vẫn chưa được thông qua. Vì lẽ đó, nhiều đơn vị đang lo lắng khi ngày càng có nhiều giáo viên không còn mặn mà khi được điều động biệt phái…

Việc nặng hơn và thu nhập lại giảm nhiều

Trước khi được biệt phái về Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quế Phong, thầy giáo Lê Văn Thế từng là Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Nậm Nhoóng, ngôi trường nằm ở vùng đặc biệt khó khăn.

Nhà thầy Thế ở xã Nậm Nhoóng, cách xa thị trấn Kim Sơn gần 40 km. Chuyển công tác xuống phòng giáo dục và đào tạo, thầy Thế không thể đi đi, về về mà phải thuê phòng trọ gần nơi làm việc. Hơn 2 năm nay, trong khi chi phí ở trọ, chi phí cho sinh hoạt cá nhân bị “đội” lên so với ở cùng gia đình thì thu nhập từ lương và các khoản phụ cấp khác của thầy Thế lại bị giảm, tính cả năm cũng lên đến hàng chục triệu đồng.

Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn về nâng cao kỹ năng mềm cho giáo viên mầm non. Ảnh: CSCC

Chia sẻ về công việc hiện nay của mình, giáo viên biệt phái phụ trách bậc tiểu học của huyện Quế Phong cho biết: Lên đây công việc nặng lắm, gấp hai, gấp ba lần so với khi còn đang công tác ở cơ sở. Ngoài phụ trách chuyên môn, làm báo cáo, đi kiểm tra cơ sở, chúng tôi vẫn còn phải đảm nhiệm công tác dạy học theo đúng quy định của giáo viên biệt phái.

Là trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quế Phong, ông Lữ Thanh Hà hiểu rất rõ tâm tư của đội ngũ giáo viên biệt phái trong phòng. Bởi lẽ, những người được điều lên biệt phái đều là những người có thâm niên, là giáo viên cốt cán, có chuyên môn và đều có vị trí công tác ở trường sở tại, trong đó, chủ yếu là hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng. Thế nhưng, khi điều lên biệt phái, ngoài bị giảm thu nhập, công việc vất vả hơn thì nỗi lo lớn nhất là họ không biết tương lai của mình sẽ đi đâu, về đâu sau khi hết thời hạn điều động.

Theo tôi có 2 bất cập, thứ nhất là chế độ, chính sách cho giáo viên biệt phái chưa phù hợp. Thứ hai, là khó sắp xếp công việc cho đội ngũ này khi trở về lại đơn vị sở tại. Việc sắp xếp phải làm sao hợp lý để đảm bảo cho người biệt phái đang trở về và cả cho người đang đương chức ở các nhà trường sao cho xứng đáng.

Ông Lữ Thanh Hà - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quế Phong

Thầy giáo Phan Quốc Duy cũng là giáo viên đang được biệt phái đến công tác tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương. Trước đó, thầy vốn là giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nhôn Mai - một xã biên giới nên thu nhập của giáo viên ở những vùng này cao hơn các khu vực khác vì có phụ cấp khu vực đặc biệt khó khăn, biên giới.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quế Phong chấm các sản phẩm tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học. Ảnh: Truyền hình Quế Phong

Chuyển công tác xuống phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, vì phải đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ chuyên môn nên không còn thời gian đứng lớp ở trường cũ. Thu nhập của thầy cũng giảm đi nhiều vì bị cắt hết các khoản phụ cấp. Để đỡ thiệt thòi cho giáo viên biệt phái và tạo động lực để họ gắn bó với công tác, huyện Tương Dương quyết định chuyển thầy Duy về dạy học tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS đóng tại thị trấn Thạch Giám. Nhờ đó, thầy vừa tiếp tục có thể dạy học theo số tiết quy định, vừa đảm nhận nhiệm vụ chuyên môn THCS, và công tác tổ chức cán bộ cho Phòng Giáo dục và Đào tạo.

Tìm đủ lý do để không bị điều biệt phái

Đó là thực tế đang diễn ra tại một số phòng giáo dục khi ngày càng có nhiều giáo viên không còn mặn mà khi được điều lên công tác tại phòng.

Tại phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Đàn, người biệt phái lâu nhất cũng đã hơn 10 năm. Những năm qua, giáo viên này đã nhiều lần xin được chuyển về giảng dạy ở cơ sở nhưng phòng vẫn chưa thể giải quyết vì khó sắp xếp, bố trí công việc.

Ông Lê Trung Sơn - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Nam Đàn cũng nói rằng: Phòng chúng tôi theo quy định có 9 biên chế và 6 biệt phái. Vậy nhưng, hiện chỉ bố trí được 5 biên chế và chúng tôi biệt phái thêm 6 giáo viên. Nếu để đủ người làm việc thì chúng tôi cần 2 biệt phái nữa nhưng không vận động được giáo viên về phòng. Hơn nữa, chúng tôi cũng thương giáo viên vì ai về phòng cũng thiệt thòi, lương bấp bênh, không ổn định lại bị giảm thu nhập. Có người cứ điều về phòng lại đưa ra nhiều lý do như ốm đau, bệnh tật…

Một bất cập khác, đó là thời hạn của một giáo viên biệt phái theo quy định chỉ 3 năm và nếu người nào đồng ý gắn bó lâu dài thì cứ 3 năm lại phải làm lại thủ tục 1 lần. Nếu trường hợp, giáo viên biệt phái hết thời hạn trở về cơ sở thì phòng lại phải bổ sung người mới, mất khá nhiều thời gian để làm quen công việc. Tuy nhiên, vì chính sách không đảm bảo, nên có rất ít giáo viên biệt phái chọn gắn bó lâu dài với các phòng giáo dục và đào tạo.

Chuyên viên, giáo viên biệt phái ở các phòng giáo dục và đào tạo là đội ngũ cốt cán, có chuyên môn, chủ yếu là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng ở cơ sở. Ảnh: CSCC

Tháng 11 này, thầy Lê Văn Thế và 2 giáo viên khác ở phòng sẽ hết thời hạn biệt phái ở Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quế Phong. Thời gian đang đến gần nhưng không chỉ các thầy giáo mà cả lãnh đạo phòng giáo dục và đào tạo vẫn chưa biết sắp xếp bố trí sao cho hợp lý. Trong khi đó, bản thân các giáo viên biệt phái, với công việc đặc thù như hiện nay, cũng không có nhiều người mặn mà. Thầy Thế chia sẻ “Giờ nói có ai thích lên biệt phái ở phòng giáo dục và đào tạo không thì có lẽ câu trả lời là không. Có chăng thì huyện ra quyết định “bắt đi” thì giáo viên mới đồng ý”.

Do đặc thù riêng nên nhiều năm qua, tất cả các phòng giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh đều phải bố trí đội ngũ giáo viên biệt phái về công tác tại phòng. Từ năm 2012, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành Công văn số 6612/UBND-TH ngày 24/9/2012 về biên chế phòng giáo dục và đào tạo. Trong đó, yêu cầu ngoài biên chế công chức, phòng giáo dục và đào tạo được bố trí từ 4 - 8 viên chức biệt phái từ các đơn vị trường học thuộc huyện.

Trong quá trình công tác, thực tế cũng cho thấy đội ngũ giáo viên biệt phái trở thành lực lượng “cứng” của các phòng giáo dục và đào tạo. Bởi lẽ, biên chế của các huyện, thành, thị giao cho các phòng giáo dục và đào tạo rất ít, chủ yếu giữ vị trí trưởng, phó phòng. Trong khi đó, theo yêu cầu nhiệm vụ, các phòng giáo dục và đào tạo đều cần số lượng hơn 10 người.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Con Cuông khen thưởng những giáo viên và học sinh đạt thành tích cao trong kỳ thi học sinh giỏi. Ảnh: CSCC

Bất cập hiện nay, đó là việc biệt phái giáo viên là yêu cầu cần thiết để các phòng giáo dục và đào tạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Nhưng việc điều động giáo viên ở cơ sở lên biệt phái tại các phòng giáo dục và đào tạo gặp rất nhiều khó khăn vì đa phần giáo viên không mặn mà bởi chế độ, chính sách chưa đảm bảo.

Nói về điều này, ông Lê Thanh An - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Con Cuông cho rằng: Hiện, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Con Cuông có 4 công chức và một số viên chức biệt phái lâu năm. Việc vận động mới giáo viên biệt phái về phòng rất khó khăn, vì họ thấy không có danh phận rõ ràng, lương thấp hơn ở trường và việc chi trả chế độ, quyền lợi phụ cấp cũng chưa có văn bản thống nhất…

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Con Cuông hiện cũng là đơn vị hy hữu, bởi trước đây, qua thanh kiểm tra của tỉnh, đã phát hiện một số sai phạm trong việc điều động giáo viên biệt phái và buộc một số giáo viên phải trả lại số tiền bị chi trả sai. Tuy nhiên, qua nhiều năm việc thu hồi vẫn gặp nhiều khó khăn vì một số giáo viên cho rằng, các chế độ, chính sách cho giáo viên biệt phái là chưa phù hợp và có sự chồng chéo trong văn bản. Sự việc kéo dài khá lâu cũng đã ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của những giáo viên biệt phái sau này.

Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh tổ chức Ngày hội STEM cho học sinh. Ảnh: Mỹ Hà

Do quá nhiều bất cập, nên từ năm 2018, ngành Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu để HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về việc bố trí công chức, viên chức và chế độ hỗ trợ đối với viên chức phòng giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, qua nhiều lần góp ý, lấy ý kiến, đến nay Nghị quyết vẫn chưa được thông qua. Do đó, những khó khăn, bất cập trong việc biệt phái giáo viên ở các phòng giáo dục và đào tạo vẫn chưa được tháo gỡ.

Trong khi chờ Nghị quyết thì đầu tháng 3/2020, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành đã có văn bản gửi UBND tỉnh về việc giải quyết chế độ cho giáo viên được điều động biệt phái công tác tại phòng giáo dục và đào tạo.

Trong đó, cũng đã đề nghị, để viên chức biệt phái làm việc tại các phòng giáo dục và đào tạo yên tâm công tác, góp phần ổn định và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức trong khi chưa bố trí đủ công chức thì Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị tỉnh cho phép các địa phương tiếp tục thực hiện chế độ cho giáo viên biệt phái theo tinh thần của Công văn số 6612/UBND-TH ngày 24/9/2012 về biên chế phòng giáo dục và đào tạo và Chỉ thị số 15/CT.UBND của UBND tỉnh ngày 30/8/2019, trong đó có nội dung cho phép điều động cán bộ quản lý, giáo viên của các cơ sở giáo dục trực thuộc đến làm việc tại phòng giáo dục và đào tạo và được hưởng chế độ công tác tại trường ở địa bàn trung tâm.

Đây cũng là giải pháp trước mắt để giáo viên biệt phái về phòng giáo dục và đào tạo nhưng vẫn có thể song song 2 việc vừa “việc phòng”, vừa “việc trường, việc lớp” để được đảm bảo một số quyền lợi và phụ cấp giáo viên đứng lớp theo đúng quy định.


Mới nhất

x
Thu nhập giảm, giáo viên không mặn mà đi biệt phái ở phòng giáo dục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO